Đến thăm một Người Bạn mới

Đến thăm một Người Bạn mới

Một hôm linh mục Trưởng Ban MVĐTLT gặp chúng tôi và hoan hỉ báo tin: “mình mới gặp được một vị chư tăng tại phi trường Huế, hai bên đã trao đổi chuyện về những sinh hoạt của tôn giáo mình, … mình đã mời Thượng Tọa trụ trì chùa Hải Quang (HQ) này tham gia viết cho tập san của Ban. Bữa nào anh chị em mình đến thăm chùa Hải Quang một chuyến nhé!” - Dạ, vâng …!

Đến trung tuần tháng 12 năm 2010, tôi theo hướng dẫn của họa đồ chỉ đường trên trang Web tìm đến Chùa Hải Quang, ở số 405 đường Phạm Văn Hai, Phường 3, Quận Tân Bình. Đã vào đường Phạm Văn Hai và gần đến chợ rồi, mà chưa thấy chùa! Tôi bèn điện thoại hỏi văn phòng nhà chùa, thật đúng là “hãy gõ thì sẽ mở cho”.

Giọng nói của thầy thường trực vang lên: “A di đà Phật, chùa Hải Quang xin nghe”. Tôi đáp: “Dạ chào thầy, tôi muốn đến chùa mà đang ở trên đường Phạm Văn Hai, phiền thầy chỉ đường giúp …”. Cuối cùng cũng đến nơi. Tạ ơn Chúa! Hóa ra muốn đi chùa phải qua chợ, chân lý “nhỏ” ấy làm mình rơi vào ngộ nhận do chủ quan, vì cứ nghĩ nơi phố chợ ồn ào này làm gì có được một nơi thanh tĩnh để tu! Vậy chùa ở gần chợ là không logic. Tự mình ngộ ra mình đã lầm… và tự cười mình!

Đến hẹn

Chùa đã ở trong tầm mắt tôi với cổng tam quan nặng màu thời gian ghi CHÙA HẢI QUANG, bên phía dưới có con số 1962, nghĩa là chùa có trước chợ. Vậy suy ra chợ là hàng xóm mới của chùa. Nghĩ đến đây tôi thấy thú vị khi tiếp tục dòng suy tưởng của mình:

Chùa là nơi thanh tu trầm mặc - chợ là nơi giao thương huyên náo. Hai môi trường này xét về nhu cầu đặc thù, có vẻ trái ngược nhau, nhưng trong hoàn cảnh chợ gần chùa hiện tại, thì những con người sống và làm việc trong hai môi trường ấy chịu tác động qua lại như thế nào?

Tôi mang theo vấn nạn này đi vào đối thoại để tìm lời giải đáp, kính mời quý bạn đọc cùng đồng hành…

* * *

Dọc theo đường hông bên trái của chợ mới Phạm Văn Hai, đến ngã ba cuối chợ là quẹo trái. Ủa lạ! Vừa quẹo trái là dường như ta lạc vào một “ngược cảnh”; chợ đang ồn ào thế mà bỗng dưng bặt tiếng! Đi thêm khoảng hai mươi thước là đến cổng chùa, nơi đây là một khoảnh đất rộng dành cho cộng đồng dân cư sử dụng, nào là xe tải chở hàng ra vô, nào là quán café dựa tường nhà chùa, rồi chốt dân phòng, rồi nhà dân cư với các hoạt động đời thường … nhìn cảnh thì như một nơi phố chợ nhưng nghe thanh âm thì như một nơi trang nghiêm. Tôi không nói quá đâu, vì tôi để ý mà: không nghe tiếng xe máy rồ ga bấm còi, không nghe tiếng nhạc xập xình của quán xá, chẳng nghe người ta nói to tiếng hoặc tranh cãi … nhịp sống như thật êm, thật hòa dưới bóng mát của cây đại thụ trổ ba nhánh từ trong khuôn viên chùa phủ rợp. Vậy là mình ghi nhận có một bầu khí khoan hòa ở trước cổng chùa.

Xuống xe, dắt vào bãi, đi ngang cửa Chánh điện cúi đầu chào Phật, tôi đến văn phòng để liên hệ xin gặp sư Trụ Trì. Bầu khí trong chùa tĩnh lặng lạ dù vẫn có nhiều người làm việc ở hậu viên, hoặc các thầy qua lại văn phòng. Thế là thắc mắc của tôi đã được giải đáp. “Thật đúng đây là nơi lý tưởng cho thanh tu cầu Phật Đạo và hóa độ chúng sanh”. May quá! Vị sư trụ trì chùa, Thượng Tọa Thích Đạt Đức, có nhà và ngài vừa hành lễ xong. Thầy mời ngồi và rót trà trong khi tôi tự giới thiệu lý do đến như đã kể trên và thế là hết xa lạ! Lâu lắm rồi mới có dịp hầu chuyện lại với một vị tu sỹ Phật giáo, nên niềm hứng khởi trong tôi thật tràn đầy. Tôi hỏi thăm về chuyến “Hành hương Thập tự” do chùa HQ tổ chức.

Thầy giải thích: hằng năm nhà chùa có tổ chức cho phật tử đi hành hương với mục đích thăm các địa điểm danh thắng của Đạo Phật và nội dung của chuyến hành hương này là đi thăm mười chùa nổi tiếng … à thì ra, thập tự là mười chùa! Ai cũng biết chỉ mình ta còn ngây ngô quá, cứ nghe đến "thập tự "thì liền hiểu theo nghĩa Công giáo. Hoạt động hành hương của chùa HQ thật là hay.

Mình chuyển sang hỏi chuyện hoạt động của chùa HQ: tình hình lưu xá của quý thầy, quy chế đào tạo, phái Bắc Tông của chùa, tình hình tín đồ phật tử trong khu vực và thập phương… Chẳng hiểu sao mình lại hỏi thầy nhiều chuyện thế trong lần hạnh ngộ đầu tiên này, mà còn lạ hơn nữa là sư trụ trì vẫn trả lời đầy đủ và rất cởi mở.

Nhớ lại hôm Ban MV đối thoại liên tôn đi tĩnh tâm dịp mùa Vọng năm 2010, chúng tôi đã được ba “thiền nhân trong nhà” chỉ giáo cho những bài học về thiền, nào là “sống hài hòa” rồi “thiền đốn ngộ” và “hít thở Thần Khí”; rồi liền tự nhủ nhân cơ duyên gặp được một thiền sư Bắc tông này, mình cần tranh thủ tìm hiểu thêm mới được.

- Thưa thầy, thế nào là thiền đốn ngộ? Thầy đáp: “thiền có hai loại, là thiền tiệm ngộ và thiền đốn ngộ, thiền đốn ngộ là ta “quán” điều cốt lõi chung nhất cho tất cả mọi vấn đề của ta thắc mắc và cứ tu tập thiền định suy nghĩ đến khi nào ta giác ngộ thì xong-từ đó ta không còn phải quán điều gì nữa (“quán” là chủ đề ta sẽ suy nghĩ khi tập thiền) còn thiền tiệm ngộ là ta suy nghĩ từng vấn đề nhỏ, từ từ theo các “quán” càng lúc càng cao, càng sâu cho đến khi giác ngộ.

Ví dụ: “quán”: tại sao lá trên cây lại héo vàng rồi rụng? Thiền nhân sẽ tìm hiểu quy luật của sinh vật cỏ cây, luật thiên nhiên, luật trời … tìm ra cái “lý” cái “tâm” cái “Đạo” của quán này xong thì sẽ “quán” một điều khác … Ta cứ suy nghĩ đến khi đạt đến mức “biết đúng biết sai” và dĩ nhiên Lời dạy của Đức Phật là phương tiện đặc biệt hữu ích giúp thiền nhân quán thông. Có ai chưa hiểu không? Chưa hiểu thì cũng đừng lo vì tôi kể mà tôi còn chưa hiểu, thế mới gọi là thiền chứ!

Tôi liền hỏi: “Vậy các vị thầy đóng vai trò gì đối với người học thiền? Thầy cười nhẹ và trả lời: “cần có thầy để điểm, thông cho học trò những điều trò bị “kẹt” hoặc gợi những “quán” cho họ và mỗi vị thầy lại có những cách thức riêng nên dần hình thành các phái thiền khác nhau. Tôi à … một tiếng, ngộ ra vài điều sau:

1. Cha Giuse Đặng Chí San chỉ cho chúng tôi về thiền đốn ngộ và đúc kết bằng kinh nghiệm áp dụng vào Kitô giáo: khi tham dự Hy Tế Thánh Thể, chúng ta xác tín vào thực tại siêu nhiên rằng “Chúa Giêsu đang hiện diện”. Vậy nếu người nào tin thật Chúa đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể và say mê chầu ngắm thì đáng nhận danh hiệu “thiền nhân đã đốn ngộ”.

2. Thượng Tọa Thích Đạt Đức nói về thiền tiệm ngộ với từng “quán”. Theo tôi hiểu, giả sử mình muốn đốn ngộ chân lý “Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong bí tích Thánh Thể”, thì trong thiền tiệm ngộ, thiền nhân phải trải qua suy nghĩ từng “quán”: Giao Ước cũ và vật hiến tế là gì? Thiên Chúa của người Do Thái tôn thờ là ai và Lịch Sử Cứu Độ là thế nào? Tân Ước và Đức Giêsu với Lời giảng dạy, hành động Hy Tế- chết-Phục Sinh-Lên trời, bí tích là gì và bí tích Thánh Thể với chuyện biến đổi bản thể … những quán trên không thể thiếu tâm tình tôn giáo trong khi thiền của thiền nhân và để thông được những quán trên cần phải có những sư phụ chỉ điểm là tất yếu cần.

Thầy nhìn tôi và có lẽ thấy thằng bé có vẻ ham học nên ngài quán cho tôi một vấn đề: “PHẢI TÙY DUYÊN BẤT BIẾN” tùy duyên thì tôi tạm hiểu, còn “bất biến” thì tôi bị trụ mắc trong cách hiểu “không thay đổi”, nên tôi … lúng túng ở suy nghĩ rằng đã tùy duyên thì ta phải luôn thích nghi với mọi sự đến từ khách quan, mà  sao lại phải bất biến! Vậy bất biến này dành cho mình, cho người hay cho cái gì? Nói thế nào thầy cũng lắc đầu không thuận, cuối cùng ngài nói điều này rất cốt lõi trong nhà Phật nên cần phải “thiền”…

- Dạ thưa vâng, em biết phải làm sao rồi! Tôi cảm ơn và cáo biệt Thầy.

*  *  *

Lần thứ hai tôi đến chùa vào trước Tết Tân Mão: thay mặt Ban MVĐTLT đến trao cánh thiệp chúc Xuân Tân Mão, với chữ ký của các thành viên,  đến chư tăng và Phật tử chùa Hải Quang. Thầy trụ trì gởi lời cảm ơn và chúc mừng năm mới đến quý Ban, đồng thời gởi biếu hai cuốn Văn hóa Phật giáo số xuân.

Lại lên

- “Anh đến chùa Hải Quang để xin bài của thầy cho tập san NCTG chưa?” Cha Trưởng Ban hỏi.

Thế là 20g thứ tư, ngày 2.3.2011, tôi đến theo lời hẹn trước của thầy thường trực. Khi đi mình nghĩ chắc là chùa sẽ trong cảnh im lìm vắng lặng vì trời đã tối. Lại nhầm rồi! Tiếng kinh tiếng chuông vang rần trong chùa, từ cổng nhìn vào, ánh đèn trong Chánh điện sáng trưng, Phật tử ngồi hoặc quỳ từ trong điện và cả ngoài sân, đa số họ đều mặc đồng phục, mỗi người cầm một quyển kinh để cùng tụng theo chư tăng. Những vị ngồi từ thềm Chánh điện trở vào đều có một giá để sách ở trước mặt. Phía trong Chánh điện, thầy Trụ trì cùng chư tăng hiện diện với vai trò chủ sự và dùng micro dẫn lễ. Buổi hành lễ đang đến hồi kết, tôi chăm chú lắng nghe thì hình như Thầy trụ trì đang cầu siêu cho một người quá cố mà nhân hôm nay là ngày húy kỵ.

Lễ tan, mọi người và chư tăng chào nhau ra về, tôi thấy cái hay ở đây là chư tăng ra sân chùa chào tiễn mọi người, chắc là có kèm lời chúc nhau thượng lộ bình an và chúc ngủ ngon. Chờ thêm khoảng 5-10 phút thì được thầy trụ trì tiếp.

Tôi hỏi ngay: “Thưa thầy, việc cầu kinh này là hoạt động thường xuyên của chùa hay sao ạ?”

Thầy trả lời: “mỗi ngày chúng tôi đều có giờ cầu kinh từ 19g đến 20g”.

- “Vậy số người tham dự hôm nay em ước chừng 50, đó là con số ổn định?”.

- “Vào những ngày thường thì số Phật tử khoảng đó, còn những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, rằm thì đông hơn nhiều”.

- “Vậy những vị này là người thập phương hay ở địa phương?”

- “Một số thì ở nơi khác đến, còn đa số là ở quanh đây”.

- “Chà, như thế thì cũng xin chúc mừng quý thầy vì có những Phật tử là hàng xóm, vì có họ gần gũi cũng vui hơn … ví như các cha ở bên em cũng có giáo dân bầu bạn thì vui lắm”. Thầy gật đầu đồng tình.

Về tăng y

Tôi tranh thủ “mở sách ra học” ngay, liền nói: “hình như, trang phục của thầy so với các vị khác có nhiều vải, nhiều lớp hơn?” Thầy trả lời: “Nói đến tăng y, thì tùy vị nào muốn mặc nhiều hay ít lớp đều được.”

- “Hồi dịp tết, Ban ĐTLT có đến thăm chùa Bát Nhã và được vị đại đức giới thiệu vể “Áo bá lạp”, phải chăng đó là trang phục cao quý dành cho vị đắc đạo?”

- “Bàn về tăng y thì nên lưu ý những điểm sau: Thuở ban sơ của đạo Phật, đi tu thì làm gì có tiền mà ăn mặc đẹp và nhiều vải quấn, Đức Phật nhìn thấy ở các nghĩa trang người ta bỏ lại rất nhiều vải dùng cho tang lễ, Ngài mới bảo đệ tử hãy thu lượm và tận dụng chúng làm thành y phục tỳ kheo. Vải dùng cho đám tang thì người đời không sử dụng thường ngày, nên khi các tăng mặc vào lại càng thể hiện được ý “diệt dục thoát khổ” của mình. Từ đó mới xuất hiện tăng y và phát triển như ngày nay, với ý nghĩa này thì tăng y mang ý niệm là “Áo liên hoa vào đời”.

Còn ý nghĩa của áo bá lạp: tấm áo hay những miếng vá trên áo diễn ý rằng “tăng như là mảnh ruộng” mà người Phật tử cúng dường có nghĩa là đầu tư trên mảnh ruộng ấy. Khi người ta cúng dường cho tăng hay cho chùa, thì tăng có nhiệm vụ trao phước đức lại cho người ta. Vậy tăng y lúc này lại có nghĩa là “Áo phước điền”. Tăng y còn mang ý nghĩa là “Áo nhẫn nhục” nó giúp cho tăng luôn ý thức vể sự nhẫn nhịn. Nó còn gọi là “Áo vô thượng” với ý nghĩa là không gì cao quí hơn, là áo tuyệt vời nhất.

Tôi đã ghi lại được mấy ý rồi quý vị? Bốn ý nghĩa của tăng y, nhiều quá! Nhưng chưa hết, thầy trụ trì còn nói tiếp: “Tăng y còn được gọi là 'Áo hoại sắc' vì nó có ba màu: vàng, đỏ, trắng hoặc đen (ý nghĩa của ba màu trên thế nào thì tôi chưa "ngộ" ra được). Đến lúc này thì tôi phải hớp trà liên tục vì “học nhanh quá!”.

Tam Đức

Thầy nói tiếp: “Người ta trông chờ ở một vị tăng ba đức là: Giới đức, Tâm đức và Trí đức. Đây là ba giới mà các tăng phải theo đuổi, trau dồi. Giới đức là sống một đời sống đẹp, lý tưởng và mô phạm. Tâm đức là tâm bác ái - từ bi - hỷ xả. Còn trí đức là phải có kiến thức để giúp bản thân cũng như giúp chúng sanh.”

Nghe thầy nói, tôi hoàn toàn đồng thuận và nghĩ rằng được một bậc đại sư mẫu mực chỉ dạy thì có nghĩa là mình cũng đang được hưởng ba giới đó từ thầy. Thoáng nhìn ra đàng sau thấy một chị xách vali đến, nên tôi hỏi thầy: “Ủa nhà chùa sắp tổ chức đi đâu hở thầy?”

Thầy gật đầu đáp: “ngày mai chùa sẽ tổ chức chuyến đi sang Campuchia”. Nghe nói tới đây là mắt sáng rỡ và tôi hỏi liền về thủ tục, chương trình, địa điểm với ý đồ xin đi ké trong thời gian tới…".

Dường như nắm bắt được ý nghĩ của tôi, nên thầy giải thích: “Người dân Campuchia rất nghèo, mình qua đó thăm hỏi và giúp đỡ họ. Đó là mục đích chính của chuyến đi này, tất nhiên cũng kết hợp tham quan các danh thắng đền đài (Chùa Đế Thiên-Đế Thích, đền vàng, đền Angkor…), nhưng đây có thể gọi là một chuyến hành hương - hành trình tâm linh, vì chúng tôi có các tăng đi theo để hướng dẫn theo một lịch trình sít sao. Hằng ngày có giờ hành lễ, giờ thuyết giảng, giờ thiền, giờ học tập, ăn, ngủ cho cả đoàn … chứ không chỉ là đi du lịch.

Tôi hiểu ý thầy nêu rõ chương trình để tránh ảo tưởng du lịch cho mình, nhưng trong lòng đã quyết tâm: “Khi nào nhà chùa tổ chức nữa, xin cho em đăng ký đi cùng”. Thầy trả lời nếu tổ chức, sẽ có thông báo trên trang web: www.chuahaiquang.com.vn.

5 điều tâm niệm

Sau câu chuyện hành hương, được xem như “phút giải lao”, thầy tiếp tục chia sẻ về năm điều cần suy xét khi ăn cơm:

1. Từ đâu có cơm ăn: nghĩ đến công khó nhọc của người nông dân mà biết ơn họ.

2. Xét đức hạnh bản thân: mình có xứng đáng để nhận của ăn này không?

3. Không khen-chê: khi ăn thức ăn thì không nói và không ý niệm khen chê ngon dở.

4. Ăn để chữa bịnh gầy khô: nghĩa là ăn chính là phương thuốc để chữa bịnh gầy khô của bản thân theo lời Đức Phật dạy, và ăn vừa đủ.

5. Ăn vì lý tưởng, vì sự nghiệp phụng vụ chúng sanh. Tôi hỏi để xác định “phụng vụ” hay “phục vụ?” Thầy trả lời là để phụng vụ chúng sanh, vì trong mỗi nhân sanh đều có Phật và mọi người đều có thể trở thành Phật, vậy ta phụng vụ chúng sanh cũng chính là đang phụng vụ Phật.

Về Đức Phật

Tôi kể: “ở chùa Bát Nhã, em được biết Phật không có giới tính, bằng chứng là tượng Phật Bà Quan Âm ở chùa được tạc theo quan điểm trên”. Thầy nói: “đúng là khi thành Phật thì không có giới tính, nhưng lúc đó các Ngài lại tùy thuộc vào “nhiếp hóa không ứng” để thể hiện ra cho người đời thấy các dạng khác nhau. Ví dụ Phật Bà Quán Thế Âm lại có hạnh nguyện là xuống địa ngục để độ cho những người đang thụ án phạt thì Ngài nhiếp hóa thành hình dạng vị thần mặt dữ tợn có râu, có nanh như ta hay thấy ở hai bên cửa của các chùa.” Thưa thầy, chùa mình ở đây theo phái Bắc Tông, vậy có phải là chuyên tu thiền?” Thầy đáp liền: “ở đây chúng tôi song tu, có cả tu tập thiền và cả tu tập tỉnh. Người tu thì nội thượng cầu Phật Đạo, hạ hóa (độ) chúng sanh…

Điểm dừng

Thôi, tiết học tùy duyên đến lúc ngừng, ngày hôm sau Thầy còn phải đưa đoàn đi hành hường sớm, mình mà ở lại nữa thì e rằng chưa thông bài học về “giới tâm đức” mới học. Tôi ra về và ôn lại những hiểu biết quý báu về Phật giáo vừa lĩnh hội được, trong tâm trạng vui mừng vì đã được một chức sắc tôn giáo khác tiếp đón và trò chuyện như bạn hữu.

Nhớ hồi còn ở ghế giảng đường, mình cũng từng nghe giảng về Phật giáo, nhưng nói thật lòng, thì những gì giữ lại trong đầu vẫn là những tri thức khoa học. Sự thọ giáo như hôm nay mới chính là học “Phật Đạo”.

Có thể vài bạn đọc sẽ phản ứng đối với một nhận định như thế! Nhưng xin thưa rằng tôi đang thực hành lời dạy của các nghị phụ công đồng Vatican II: "phải làm quen với những truyền thống và tôn giáo" của nhóm người mình chung sống và "phải lấy làm vui khi khám phá ra hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn nơi họ" (Ad gentes 11).

Xin kính chúc quý chư tăng và Phật tử luôn an mạnh, tấn đức!

Kính chào chư tăng chùa Hải Quang và xin hẹn ngày tái ngộ! Kính.

Ảnh: chuahaiquang.com.vnBan MVĐTLT

Top