“Đẹp” - Ngài “lấy tĩnh chế động”
TGPSG -- “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi-. Họ kéo người lên tận đỉnh núi để xô xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.” (Lc 4,28-30)
Hình ảnh Đức Giêsu băng qua giữa những người đang có ý định xô Người xuống vực, là một hình ảnh rất đẹp.
'Đẹp' là bởi vì trước mối nguy hiểm cận kề, Ngài vẫn không nao núng, không lo sợ, không thương lượng, không thỏa hiệp, không bỏ chạy, không biện minh, không nói một lời. Chỉ im lặng “băng qua giữa họ”, tức là băng qua giữa hiểm nguy.
'Đẹp' còn bởi vì Ngài 'lấy tĩnh chế động', dùng thinh lặng để át chế hỗn loạn náo động, dùng hành động hiên ngang để chiến thắng những manh động mang tính hùa theo.
'Đẹp' còn thể hiện qua ý tưởng Ngài đã chọn nguy hiểm mang tính chủ động, nghĩa là tự lao vào hay đương đầu với đám đông nguy hiểm, băng qua đám đông nguy hiểm mà đi. Ý tưởng này người ta vẫn thường diễn tả qua thành ngữ: “nơi nguy hiểm nhất, lại là nơi an toàn nhất”, tưởng là nguy hiểm nhưng rút cuộc lại an toàn.
Nói đến đây con liên tưởng tới lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”: Ngài mời gọi mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc, sự an toàn hằng ngày của mình để đi đến những nơi dễ bỏ quên, những nơi không ai để ý, không ai dòm ngó, những nơi thuộc vùng ven, vùng ngoại biên, Ngài mời gọi hãy “đi ra vùng ngoại vi”. Việc đi ra này chẳng phải là lao vào nguy hiểm hay sao?
Thiết nghĩ chỗ nguy hiểm đây cũng chính là “chỗ nước sâu” mà Đức Giêsu khuyên môn đệ thả lưới bắt cá (x. Lc 5,4-7). Điều này cũng là hình ảnh mà Đức Giêsu đã tiên báo trước: “Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10,3).
Đi vào nơi nguy hiểm tính mạng là vùng ven, là chỗ nước sâu, là vào giữa bầy sói, là đang đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu, đang theo hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng vị lãnh đạo thay Chúa ở trần gian, là đang thực thi Lời Chúa: “Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).
Các 'thiện nguyện viên linh mục tu sĩ' cũng đang tiếp nối hình ảnh đẹp của Đức Giêsu là đối diện với nguy hiểm, băng qua đám đông nguy hiểm bằng việc, từng đợt lên đường làm thiện nguyện viên ra tuyến đầu chống dịch. Vì ở tuyến đầu là tiếp xúc trực tiếp với những bệnh nhân Covid hằng ngày, với mối hiểm nguy bao quanh.
Tất cả mọi người kể cả người thân và bạn bè đều cho rằng đi ra tuyến đầu chống dịch là đi vào hiểm nguy, đi vào chỗ chết. Một mặt, quả đúng là như vậy, vì mình có nguy cơ trở thành F0 bất cứ lúc nào; mặt khác, chính ở nơi nguy hiểm, mình lại có một thái độ cảnh giác cao nhất, nên khó nhiễm bệnh. Mà có lỡ nhiễm bệnh (trở thành F0) đi nữa thì tức khắc được điều trị (được kiểm tra PCR hằng tuần). Do đó, ra tuyến đầu mới thấy rằng mình an toàn hơn những người ở nhà.
Việc 'linh mục, tu sĩ thiện nguyện' đã duy trì hình ảnh đẹp theo gương Đức Giêsu, bằng sự hiện diện giữa nơi nguy hiểm, đem niềm hy vọng cho các bệnh nhân, “kết nối tình thân” giữa bệnh nhân và người thân đã mất liên lạc, đem lại sự an ủi nâng đỡ cho bệnh nhân, đôi khi cho cả các nhân viên phục vụ tại bệnh viện.
Để được như thế, các thiện nguyện viên không được quên 'phản tỉnh':
Đừng bao giờ làm lu mờ hay làm giảm hình ảnh đẹp của Đức Giêsu
qua thái độ tiêu cực như: từ chối giúp đỡ khi có ai mở lời.
Đừng bao giờ so đo rạch ròi 'việc ông, việc tôi'.
Đừng bao giờ tính toán 'việc nặng, việc nhẹ' hay 'dừa việc',
cũng đừng sợ mình bị thiệt thòi.
Nếu cư xử như thế thì vừa làm mất hình ảnh Đức Giêsu nơi mình,
vừa làm mất ý nghĩa của việc tự nguyện trở thành thiện nguyện viên...
Tóm lại, mỗi người Công giáo cách chung đều là môn đệ của Đức Giêsu. Cách riêng các tu sĩ và linh mục là những người môn đệ theo sát Đức Giêsu trên đường dâng hiến, cần phải sống cái “đẹp” mà Tin mừng mời gọi để duy trì hình ảnh đẹp của Đức Giêsu nơi làm việc.
Nguyện xin cho mọi người Công giáo đều sống đẹp, cư xử tốt đẹp theo gương Đức Giêsu Kitô.
Jos. Phạm Quang Vũ (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm