Đi xưng tội hay "ở lì" trong tội
Thế giới hôm nay đang đối diện với rất nhiều khủng hoảng: khủng hoảng kinh tế, tài chánh, dân số, khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên và lương thực, khủng hoảng gia đình như ngoại tình, ly dị, bạo lực hôn nhân, khủng hoảng những giá trị luân lý và đạo đức như phá thai, tự tử, giết người v.v… Nguyên nhân xảy ra những khủng hoảng như thế thường rất đa dạng. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chỉ ra nguyên nhân cốt lõi nhất, đó chính là sự khủng hoảng đức tin. Con người thời đại hôm nay đang ngày càng đánh mất đi những cảm thức về đức tin, những cảm thức về tội lỗi. Vì thế, trong một bài giảng cho bà con giáo dân ở một xứ đạo miền tây, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục giáo phận Mỹ Tho đã ân cần nhắn nhủ: “Nếu chúng ta phạm tội thì hãy đi xưng tội ngay, để chúng ta được hiệp thông với Thiên Chúa.” Khởi đi từ những lời nhận định và mời gọi sâu sắc như thế, gợi lên nơi mỗi người Kitô hữu chúng ta những suy nghĩ gì liên quan đến việc đi xưng tội, đến bí tích giải tội trong đời sống đức tin của mình?
Trước hết, là người Kitô hữu, ai trong chúng ta có lẽ cũng đã kinh nghiệm ít nhiều về việc đi xưng tội. Mỗi lần phạm tội là mỗi lần chúng ta cảm thấy tâm hồn bất an. Sau khi xưng tội, chúng ta cảm thấy tâm hồn thật nhẹ nhàng, thanh thản và chan chứa một niềm vui sâu xa đến từ Thiên Chúa. Với cái nhìn đức tin, đó là một ân huệ Chúa ban, để đánh thức lương tâm mỗi người chúng ta. Mỗi lần đi xưng tội là mỗi lần chúng ta đối diện với lòng thương xót của Thiên Chúa. Tất cả đều khởi đi từ ân sủng của Thiên Chúa, để cuộc đời chúng ta được làm mới lại và được biến đổi từng ngày như lời của Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ năm xưa: “Này chị, tôi không kết án chị đâu, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” (x. Ga 8,11).
Quả thật, mỗi người chúng ta đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa. Kinh nghiệm cho thấy, chúng ta thường quan niệm rằng: tôi đi xưng tội để tìm lại sự trong trắng mà tôi đã đánh mất và để trở nên một người hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa. Quan niệm này cho thấy Chúa chỉ là cái cớ để ta đi tìm một hình ảnh lý tưởng của chính mình mà thôi. Thực tế thì ngược lại, bởi vì tất cả chúng ta đều mang thân phận con người mỏng giòn, yếu đuối. Không có một ai là hoàn hảo bao giờ. Ý niệm “hoàn hảo” chỉ áp dụng cho Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta đi xưng tội rồi lại phạm tội. Điệp khúc này cho thấy giới hạn nơi thân phận con người yếu đuối của người Kitô hữu chúng ta. Càng thấy mình yếu đuối, tội lỗi, chúng ta càng thấy cần Thiên Chúa nhiều hơn. Vì vậy, chiều sâu của việc xưng tội, đó là thái độ khiêm tốn, sám hối nhận ra mình là kẻ có tội, là thái độ mở rộng cánh cửa tâm hồn để đón nhận Chúa Giêsu Kitô. Bao lâu chúng ta còn nhạy cảm đối với việc đi xưng tội, siêng năng xưng tội là bấy lâu chúng ta còn sống mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa. Ngược lại, bao lâu chúng ta còn ngại đi xưng tội, không muốn đi xưng tội thì mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa đang bị đổ vỡ. Một khi mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa đổ vỡ thì mối tương quan giữa chúng ta với bản thân và tha nhân cũng đổ vỡ. Càng sống trong tình trạng tội lỗi, chúng ta càng kéo lê cuộc đời của mình trong những đổ vỡ, trục trặc, sai lầm và bất an.
Ngoài ra, não trạng của những người trẻ hôm nay đối với việc không đi xưng tội trong nhiều năm là chuyện bình thường. Thế nhưng, dựa vào Lời Chúa và những giáo huấn của Giáo hội thì những não trạng bình thường như thế xem ra chẳng bình thường chút nào. Họ đang đánh mất những cảm thức về tội lỗi, đang để mất ân sủng của Chúa, đang để mất Chúa trong cuộc đời của mình. Đây là một thực trạng rất thực tế và phổ biến nơi con người thời đại hôm nay. Cái tội lớn nhất của con người thời đại hôm nay là loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Lối sống thực dụng và hưởng thụ vật chất, tình dục, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tương đối đã làm cho người trẻ bỏ việc xưng tội trong nhiều năm liền. Thực tế này làm đau lòng Giáo hội. Con người đang phủ nhận nền luân lý, phủ nhận Thiên Chúa, để chạy theo những ngẫu tượng của khoa học, của kinh tế, của hưởng thụ. Một cuộc sống như thế là một cuộc sống vô nghĩa. Con người đang tự trấn an sự trống rỗng, vô nghĩa trong tâm hồn mình bằng những ngẫu tượng giả tạo và vô nghĩa của thế gian. Một cuộc sống vô nghĩa như thế sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta hay nó đang hủy diệt chúng ta?
“Không có thánh nhân nào mà không có quá khứ, và không có tội nhân nào lại không có tương lai” Một lần nào đó đến Dòng Chúa Cứu Thế, chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều hối nhân xếp hàng đi xưng tội. Một lần nào đó hồi tâm nhìn lại đời sống đạo, chúng ta sẽ thấy người ta đi xưng tội rất đông vào những dịp mùa Vọng, mùa Chay. Thế nhưng, trong những dòng người như thế, có mấy ai cảm nhận được điều cốt lõi sâu xa nhất của bí tích hòa giải, của ân sủng và lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho con người một cách nhưng không. Ước mong sao những dòng cảm nghiệm trên đây như là một sứ điệp giúp mỗi người chúng ta hồi tâm nhìn lại chính mình: Mỗi lần phạm tội chúng ta có đủ can đản và nhanh nhẹn để tìm cách đi xưng tội ngay hay chúng ta cứ ở lì mãi trong tình trạng tội lỗi của mình?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm