Điểm lại các sự kiện nổi bật trong tháng 8 năm 2012
WGPSG -- Tháng Tám là giai đoạn chuyển tiếp vào mùa thu, mùa đẹp nhất trong năm, mùa gợi hứng cho các thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác những bài thơ, bài hát nổi tiếng. Hòa cùng sự biến chuyển của đất trời, tình hình Giáo hội và xã hội trong và ngoài nước cũng có nhiều đổi thay.
1. Giáo hội toàn cầu
Trong một cuộc trao đổi được thuật lại trên tờ L’Osservatore Romano ngày 3 tháng 8, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh cổ vũ việc Hiệp nhất các Kitô hữu đã tuyên bố “Đại kết là một ‘chủ đề trung tâm’ của Công đồng Vatican II”.
ĐHY cho biết: Hội đồng Tòa Thánh cổ vũ việc Hiệp nhất các Kitô hữu cùng với Liên hiệp các Giáo hội Luther thế giới đang chuẩn bị một bản tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm năm trăm năm cuộc Cải cách vào năm 2017 tới đây.
Vào đầu tháng 8, Văn phòng báo chí Tòa Thánh loan tin Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết xong tập sách thứ ba của bộ sách ba tập Chúa Giêsu thành Nazareth, nói về thời thơ ấu của Chúa Giêsu. Văn phòng cho hay tập thứ ba này, bổ túc cho hai tập trước, hiện đang được dịch từ nguyên ngữ là tiếng Đức sang một số ngôn ngữ khác – trong đó có tiếng Anh.
Cũng trong những ngày này, một sứ điệp về giáo dục hòa bình cho giới trẻ Hồi giáo và Kitô giáo khuyến khích các người trẻ Kitô giáo và Hồi giáo vun đắp chân lý và tự do, không chạy theo những thỏa hiệp đáng ngờ, những lối đi tắt có tính cách phỉnh phờ hay những phương tiện không tôn trọng con người.
Sứ điệp trích dẫn lời Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI để nhắc nhở rằng người trẻ ngày nay cần những chứng nhân đích thực chứ không phải những kẻ chỉ biết ban bố luật lệ và thông tin. Hòa bình không phải là thế cân bằng giữa các lực lượng đối nghịch nhưng là hoa quả của công lý và tình bác ái. Điều cốt yếu là giúp người trẻ khám phá các tài nguyên Đấng Tạo Hóa đã giao cho họ và thiết lập những tương quan trách nhiệm giữa con người.
Chỉ còn hơn hai tháng nữa, Năm Đức Tin sẽ được long trọng khai mạc. Tòa Thánh Vatican cũng công bố lịch Năm Đức Tin, một năm đầy ắp các sự kiện: các nghi lễ phụng vụ, những cuộc gặp gỡ và các hội nghị về các khía cạnh tôn giáo và văn hóa.
Ngày 8 tháng 8, vị Tân Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Tòa Thánh, Đức TGM Gerhard Müller, nói ngài muốn Bộ này phải đóng vai trò tích cực trong việc Tân Phúc Âm Hóa chứ không phải chỉ đơn giản là ứng phó với các vấn đề giáo lý khi chúng phát sinh: “Nhiệm vụ của Bộ Giáo lý Đức tin không phải chỉ là bảo vệ đức tin Công giáo, nhưng còn là thúc đẩy đức tin, để đem lại các khía cạnh tích cực và khả năng của toàn bộ sự phong phú của đức tin Công giáo”.
Vào ngày 14 tháng 8, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI kêu gọi các Kitô hữu khắp thế giới cầu nguyện và thể hiện tình liên đới với người dân thuộc ba quốc gia châu Á vừa chịu thiên tai nặng nề.
ĐTC nói: “Anh chị em thân mến, tâm trí tôi lúc này đang hướng đến người dân tại Á Châu, đặc biệt tại Philippines, Trung Quốc vừa bị mưa lũ nặng nề, và miền Tây Bắc Iran bị động đất mạnh. Thiên tai đã khiến nhiều người chết và bị thương, hàng ngàn người phải tản cư, thiệt hại rất nặng nề. Tôi mời gọi anh chị em cùng cầu nguyện cho những người đã qua đời và tất cả những ai đang ra sức khắc phục hậu quả thảm họa. Chúng ta hãy liên đới và trợ giúp những anh chị em của chúng ta”.
Ngày 15 tháng 8, khởi tố hai bị can trong vụ đánh cắp tài liệu mật của Tòa Thánh. Cả hai sẽ bị xét xử bởi Tòa án Vatican: Paolo Gabriele về tội đánh cắp và Sciarpelletti Claudio về tội tàng trữ tài liệu bị đánh cắp.
Vào ngày 21 tháng 8, Đức Thánh Cha phát biểu rằng ngài hoan nghênh cuộc gặp gỡ giữa các tín hữu Chính thống Nga và tín hữu Công giáo Ba Lan. Ngài gọi đây là một “sự kiện khơi lên niềm hy vọng cho tương lai”. Các nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga và Công giáo Ba Lan đã ra Thông điệp chung thúc giục người Ba Lan và người Nga bỏ qua những thù hận và thành kiến từ nhiều thế kỷ nay và cùng nhau gìn giữ căn tính Kitô giáo của đất nước mình.
Vào lúc 6g42 chiều 22 tháng 8, Đức Hồng Y Phaolô Thiện Quốc Tỉ đã về với Chúa trong an bình tại Bệnh viện Canh Tân ở Đài Bắc, hưởng thọ 89 tuổi. ĐHY Thiện đã có những đóng góp đáng kể cho việc dung hòa những khác biệt giữa các Giáo hội ở Đài Loan và cải thiện sự hợp tác với các giáo phái Tin Lành. Ngài cũng có mối liên hệ mật thiết với các đại diện các tổ chức Phật giáo lớn ở Đài Loan.
Ngày 24 tháng 8, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã mời gọi mọi người “tái khám phá vẻ đẹp của bí tích Thánh Thể. Ngài nói: “Bí Tích Thánh Thể diễn tả sự khiêm hạ của Thiên Chúa”. Ngài mời gọi chúng ta “hãy để cho lời Chúa Kitô làm cho mình ngạc nhiên một cách mới mẻ, như các môn đệ”.
Cũng trong thời gian này, sau lễ tấn phong Giám mục của Đức Cha Tađêô Mã Đạt Khâm, giáo phận Thượng Hải đã phải chịu một áp lực từ phía chính quyền. Chính quyền đã dời lại vô thời hạn ngày khai giảng năm học mới của Đại chủng viện miền Xà Sơn, do giáo phận Thượng Hải quản lý.
Vào ngày 25 tháng 8 Tòa Thánh Vatican và công ty điện toán Apple đã hợp tác phổ biến các bài giáo lý của Đức Giáo hoàng theo định dạng kỹ thuật số để có thể truy cập bằng máy tính bảng và điện thoại thông minh.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI là một trong các nhà thần học được đọc nhiều nhất trên thế giới. Các sách của ngài được dịch ra hàng chục ngôn ngữ và nhiều cuốn trở thành sách bán chạy nhất. Cha Giuseppe Costa, giám đốc LEV cho biết: “Đây là một lựa chọn có chủ ý và mang tính chiến lược vì sớm hay muộn định dạng điện tử cũng trở nên tất yếu; chúng tôi đã thực hiện điều đó bằng cách liên kết với Apple. Công ty này giúp chúng tôi thực hiện các bài giáo lý của Đức Thánh Cha có minh họa”.
Tự do tôn giáo là một trong những chủ đề được đề cập tại Hội nghị Rimini lần thứ 33 do phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng tổ chức từ ngày 19 đến 25 tháng 8. Đây là một phong trào Công giáo do linh mục Luigi Giussiani thành lập từ năm 1954. Phong trào này hiện diện tại 70 quốc gia, đa số thành viên ở Italia.
Tham dự Hội nghị lần này có ông Nassir Adulaziz al-Nasser, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc; ông Giulio Terzi, Bộ trưởng ngoại giao Italia, và Đức hồng y Jean Louis Tauran, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn.
Ông Al-Nasser đã bày tỏ mối quan tâm đối với rất nhiều vụ vi phạm tự do tôn giáo ở nhiều nơi trên thế giới và ông hứa rằng Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục giám sát những gì đang xảy ra.
Ngoại trưởng Italia nói rằng Italia quan tâm đến việc bảo vệ các nhóm tín đồ thiểu số, và nhất là các Kitô hữu. Ông nói tiếp, ở châu Âu tôn giáo đã bị gạt ra bên lề từ lâu. Trích dẫn lời Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ông cho rằng hạn chế tự do tôn giáo có nghĩa là giảm thiểu những gì thuộc về con người.
Về phần mình, Đức Hồng Y Tauran nói: “Tự do tôn giáo có nền tảng nơi chính bản chất của con người, được Thiên Chúa tạo dựng, và vì vậy phải tôn trọng quyền tự do ấy, ít nhất ở mức độ không can thiệp vào quyền lợi của người khác”. Vì thế, Nhà nước không được xen vào tôn giáo và phải thừa nhận rằng con người có bản chất tôn giáo và tôn giáo là một phần của xã hội. Ngài kết luận: “Một thế giới không có Thiên Chúa sẽ là một thế giới phi nhân”.
Từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 8, Hội nghị thường lệ lần thứ 6 của Diễn đàn Công giáo tiến hành quốc tế diễn ra tại Iaşi, Romania với chủ đề “Thành viên giáo dân Công giáo tiến hành: đồng trách nhiệm trong Giáo hội và xã hội”.
Trong một thông điệp gửi đến Hội nghị, Đức Giáo hoàng đã trình bày suy tư của ngài về trách nhiệm của giáo dân đối với Giáo hội và xã hội: “Đồng trách nhiệm đòi hỏi một sự thay đổi trong não trạng”. Thế giới cần đến “những giáo dân trưởng thành và dấn thân, có thể đóng góp cụ thể cho sứ mạng của Giáo hội mà vẫn tôn trọng các thừa tác vụ và công việc của mỗi người trong đời sống Giáo hội và luôn hiệp thông chặt chẽ với các giám mục.”
Ngày 27 tháng 8, Tông thư – Tự sắc Porta Fidei có nói đến bốn điều:
1. “Cánh cửa đức Tin” (x. Cv 14,27) dẫn vào đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, đồng thời mở ra con đường bước vào Giáo hội, vẫn luôn mở rộng cho mọi người.
2. Cần phải tái khám phá hành trình đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và niềm hưng phấn mới của việc gặp gỡ Đức Kitô.
3. Không thể chấp nhận để muối nhạt đi và ánh sáng bị che khuất (x. Mt 5, 13-16).
4. Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng Mười 2012, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, và sẽ kết thúc vào ngày đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, 24 tháng Mười Một 2013. Ngày 11 tháng Mười cũng sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 20 năm xuất bản Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo.
Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, nguyên Tổng Giám mục Milano, đã qua đời chiều thứ Sáu, 31 tháng Tám 2012, hưởng thọ 85 tuổi.
Trong điện văn gửi ĐHY Angelo Scola, TGM Milano hiện nay, ĐTC Bênêđictô XVI bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sự ra đi của “người anh em yêu quý này, người đã quảng đại phục vụ Tin Mừng và Hội Thánh”. Ngài nhắc lại rằng, trong nhiều năm Đức Hồng Y Martini đã là “một chuyên gia, một học giả có thẩm quyền về Kinh Thánh và một vị hiệu trưởng đáng yêu của cả hai Đại học Giáo hoàng Gregoriana và Giáo hoàng Học viện Kinh Thánh”. ĐTC ca ngợi ĐHY Martini là “một vị Tổng Giám mục khôn ngoan và cần mẫn của giáo phận theo nghi lễ Ambrôsiô”.
2. Giáo hội Việt Nam
Tại Giáo hội Việt Nam, ngày 6 tháng 8, Ủy Ban Phụng Tự Toàn Quốc thông báo đã dịch xong trọn cuốn Sách lễ và phần lớn Sách Bài đọc trong Thánh lễ để xin góp ý và đề nghị sửa chữa. Lần này bản văn Latinh được in song song với bản dịch Việt ngữ, đồng thời cũng được đăng trên website của giáo phận Phú Cường: http://www.giaophanphucuong.org/. Những nhận xét sẽ được tổng kết lại và đem ra trình bày tại phiên họp toàn thể các Ban Phụng tự thuộc các giáo phận.
Vào ngày 12 tháng 8, đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang đã được trình làng: Toàn bộ công trình kiến trúc Trung tâm Hành hương được thiết kế theo phong cách kiến trúc Việt Nam, thích ứng với khí hậu miền Trung, lấy vương cung Thánh Đường Đức Mẹ làm trọng tâm, phục vụ cho các cuộc hành hương kính viếng quanh năm và các Đại hội Thánh Mẫu mang tầm vóc toàn quốc hoặc quốc tế. Người ta có thể theo dõi thiết kế của TTHH Đức Mẹ La Vang qua đoạn phim ngắn giới thiệu Đồ án thiết kế Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang.
Đúng 6g00 ngày 15/8/2012, tại Thánh địa La Vang, Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Chủ tịch HĐGM Việt Nam long trọng cử hành lễ Đặt viên đá đầu tiên xây dựng VCTĐLV với tước hiệu “Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu”.
Để chúc mừng sự kiện này, Đức TGM Girelli đã nói: “Chúng ta hãy làm cho Thiên Chúa được trở nên cao cả, được tôn vinh ngay tại Việt Nam của chúng ta, qua việc xây dựng Đền Thánh Toàn Quốc này, dâng kính Đức Mẹ La Vang. Đền Thánh này sẽ là Nhà của Thiên Chúa, bởi vì khi tôn vinh Đức Maria như là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta cũng tôn vinh Ngài chính là nơi mà Thiên Chúa ngự”.
Trong ngày mừng Lễ Đức Mẹ Lên Trời, Legio Mariæ Việt Nam cũng mừng ngày Truyền thống năm 2012, kỷ niệm 64 năm hiện diện ở Việt Nam tại nhà thờ giáo xứ Kim Ngọc, giáo phận Phan Thiết.
Vào ngày 18 tháng 8, Phòng Báo chí Tòa Thánh thông báo: Đức Thánh Cha đã chấp thuận đơn từ nhiệm giám mục Tổng giáo phận Huế (Việt Nam) của Đức Tổng giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể, theo khoản 401 § 1 của Bộ Giáo luật. Đồng thời, ĐTC đã bổ nhiệm Đức cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng –hiện đang là Giám mục phụ tá TGP Huế, hiệu tòa Gadiaufala– làm TGM TGP Huế.
Theo tin từ Tòa TGM Huế, vào ngày 12 tháng Chín, Thánh lễ tạ ơn khởi đầu sứ vụ mới của Đức tân Tổng giám mục sẽ diễn ra lúc 8g tại Nhà thờ chính tòa Phủ Cam.
Vào lúc 8g00 ngày 25 tháng 8, Thánh lễ tạ ơn và chuyển giao sứ vụ giám mục giữa Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, nguyên Giám mục Giáo phận Phú Cường, và Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Tân giám mục Giáo phận Phú Cường, đã diễn ra tại Nhà Chung Giáo phận Phú Cường với sự hiện diện đông đảo của các Giám Mục, linh mục, tu sĩ và cộng đoàn trong và ngoài giáo phận.
3. Ngoài xã hội
Trong tháng qua, nhiều cơn bão lụt, động đất, mưa lũ … đã liên tiếp xảy ra tại Á Châu. Thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Việt Nam cũng bị nhiều ảnh hưởng của lốc xoáy và lũ lụt.
Nhìn ra thế giới, sự kiện biển Đông vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia vì Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang trong việc sai phạm mặc cho sự bất bình của nhiều nước có liên quan.
Cuộc đề cử ứng viên vào chức vụ Tổng Thống Mỹ và chuyến viếng thăm của Bộ trưởng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta công du Trung Quốc vào tháng 9 cũng là những sự kiện được công chúng quan tâm theo dõi.
Tâm tình cuối tháng
Tháng Tám với mùa Thu thơ mộng giống như một mỹ nhân khó tính, nước mắt rơi nhiều khiến cho thế trần lụt lội rồi cũng qua mau. Bốn mùa thay lá thay hoa cũng sẽ theo tự nhiên đến rồi đi, chỉ có lời cảm tạ Chúa vẫn miên man bất tận. Xin dâng lên Chúa những ai đang phải chịu vất vả gian nan vì thiên tai và nhân tai, để họ được an ủi trong tình thương vô bờ của Chúa.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm