Điểm lại các sự kiện trong tháng 5 năm 2016
WGPSG -- Trong tháng Năm, những từ được nhắc đến nhiều nhất là 'cá' và 'biển', nguồn sống của ngư dân và của tất cả dân chúng, đã chết lần hồi từ miền Trung và lan rộng khắp cả nước. Những thiệt hại vật chất và những nỗi đau tinh thần được biểu hiện qua các cuộc biểu đình ôn hòa và qua những tràng hoa Môi Khôi không ngớt dâng lên Mẹ từ khắp nơi.
Vào ngày thứ Sáu 06 tháng Năm, Papa Phanxicô đã được trao Giải thưởng Charlemagne lần thứ 58 tại Vatican.
Papa đã chấp thuận đơn từ nhiệm Giám mục chính toà giáo phận Xuân Lộc của Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, theo khoản 401 § 1 của Bộ Giáo Luật. Kế nhiệm Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh là Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục phó giáo phận Xuân Lộc.
ĐHY GB Phạm Minh Mẫn đã chủ sự Thánh lễ đồng tế với một số linh mục vào lúc 6g30 ngày 25.05 tại Nhà Truyền Thống của TGPSG để kỷ niệm 51 năm linh mục của ngài.
Giáo hội toàn cầu
1/ Nhân dịp Lễ Phục Sinh của các Giáo hội Đông phương cử hành vào Chúa nhật 01.05.2016 theo lịch Julianô, ĐTC đã gửi lời chúc mừng đến tín hữu của các Giáo hội này. (Xem bài)
2/ Hôm 01.05, ĐTC một lần nữa lại đưa ra lời kêu gọi hòa bình tại Syria. Trước hàng vạn người quy tụ tại quảng trường Thánh Phêrô đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng, ĐTC bày tỏ nỗi buồn sâu xa của ngài trước thảm kịch mới xảy ra tại đất nước này. (Xem bài)
3/ Giải thưởng Charlemagne lần thứ 58 được trao cho ĐTC tại Vatican vào thứ Sáu 06 tháng Năm. Đây là lần đầu tiên giải được trao cho một người ngoài châu Âu. ĐTC là vị giáo hoàng thứ hai được trao giải này, sau Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II vào năm 2004. (Xem bài)
4/ Giáo hội tại Pakistan đang sống đức tin trong hoàn cảnh khó khăn hằng ngày, trong một đất nước mà 95% là người Hồi giáo; tuy nhiên Giáo hội ấy “rất nhiệt thành trong ơn gọi linh mục và tu sĩ, đó là dấu chỉ được Thiên Chúa chúc phúc, một Thiên Chúa luôn gần gũi với dân Người”. (Xem bài)
5/ Trước buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư 04.05, ĐTC đã gặp các tham dự viên đang tham dự cuộc Hội thảo giữa Viện Nghiên cứu Liên tôn Hoàng gia Amman và Hội đồng Tòa Thánh về Đối thoại Liên tôn tại Vatican. (Xem bài)
6/ Ngày 04 tháng Năm 2016, lần đầu tiên Toà Thánh đã khai mạc một triển lãm để trưng bày một số Tông sắc mở Năm Thánh thường lệ do các Đức giáo hoàng ban hành. Các Tông sắc là những thư do Đức giáo hoàng soạn trong hình thức trang trọng. Tông sắc theo tiếng Latinh là Bulla; bulla là dấu niêm bằng chì thường dùng để niêm phong các văn kiện này, do đó cũng được dùng để gọi chính Tông sắc. Cuộc triển lãm sẽ kéo dài tới ngày 31 tháng Bảy tại dinh Palazzo del Vicariato Vecchio. (Xem bài)
7/ Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ vương Thiên đàng ngày Chúa nhật 08 tháng Năm tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC giải thích về ý nghĩa của ngày lễ Chúa Thăng Thiên: “Trong ngày lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu rời khỏi trái đất của chúng ta để đi vào vinh quang viên mãn của Thiên Chúa, đồng thời mang theo với Người nhân tính của chúng ta”. ĐTC kêu gọi những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông của Giáo hội phải luôn có “một phong cách đậm chất Tin Mừng, một phong cách nối kết chân lý với lòng thương xót”. (Xem bài)
8/ Trong Năm thánh Lòng Thương xót này, Giáo hội tại Campuchia đã có thêm 111 người chịu phép Thánh tẩy và 80 người khác được nhận vào số các dự tòng trong mùa Chay vừa qua để đồng hành với cộng đoàn chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. (Xem bài)
9/ Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi các Phật tử nhân dịp lễ Vesak 2016 Phật tử và Kitô hữu: Cùng nhau cổ võ nền giáo dục sinh thái. (Xem bài)
10/ Trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư 11 tháng Năm tại quảng trường thánh Phêrô, ĐTC đã dành bài giáo lý về lòng thương xót để nói về một dụ ngôn trong Tân Ước thường được gọi là dụ ngôn “đứa con hoang đàng” mà ngài sửa lại thành dụ ngôn “về người cha có lòng thương xót”. Người cha nhân hậu trong dụ ngôn kêu gọi hai đứa con đối xử với nhau như anh em, vì thế có thể nói lòng thương xót của người cha tái lập tình anh em. ĐTC đã khẳng định tính ưu tiên của lòng thương xót trên mọi thứ công trạng của con người, và đồng thời, tính nhưng không của lòng thương xót: “Phẩm giá của người con Chúa không lệ thuộc vào công trạng của chúng ta, hành động của chúng ta, mà là vào tình thương nhưng không của Chúa Cha”. (Xem bài)
11/ Indonesia đang tích cực chuẩn bị cho hai Đại hội Giới trẻ được tổ chức trong hai năm 2016 và 2017. Đại hội thứ nhất là Ngày Giới trẻ Indonesia, diễn ra từ 1 đến 6 tháng Mười 2016, tại Manado. Đại hội thứ hai là Ngày Giới trẻ Châu Á, diễn ra từ 30 tháng Bảy đến 6 tháng Tám 2017, tại Yogyakarta. Ông Antonius Agus Sriyono, đại sứ Indonesia tại Toà Thánh, nói: “Qua hai sự kiện trọng đại này, chúng tôi hy vọng sẽ cho mọi người thấy các tín hữu Công giáo là một thành phần của nhân dân Indonesia.” (Xem bài)
12/ Cha Federico Lombardi, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, nói rằng trong bài nói chuyện của ĐTC với các Bề trên Dòng nữ, ngài đã không nói ngài có dự định phong chức phó tế cho phụ nữ, lại càng không phải là phong chức linh mục cho họ. Tuyên bố của cha Lombardi được đưa ra sau khi giới truyền thông loan tin rộng rãi về việc ĐTC muốn thành lập một Uỷ ban nghiên cứu vấn đề nữ phó tế. Phát biểu của ĐTC về nữ phó tế nằm trong bối cảnh cuộc nói chuyện của ngài hôm thứ Năm 12.05 với khoảng 900 vị Bề trên Dòng nữ thuộc Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền. (Xem bài)
13/ Một công ty chuyên về nông nghiệp “bền vững” đã tuyển dụng 15 người trong số những người tị nạn Iraq và những người thất nghiệp Jordan: sự kiện này nằm trong một dự án đoàn kết có tên gọi “Vườn thương xót”, được khai trương hôm thứ Năm 12 tháng Năm vừa qua tại Trung tâm Đức Mẹ Hoà bình ở Amman, Jordan, trước sự hiện diện của Đức Tổng giám mục Fouad Twal, Thượng phụ Jerusalem, và Đức Tổng giám mục Alberto Ortega Martin, Sứ thần Tòa Thánh tại Jordan và Iraq. Vườn thương xót không chỉ là nơi người tị nạn và người nghèo có thể tìm được việc làm và lương bổng, mà còn trở thành một nơi đối thoại và gặp gỡ giữa nhiều người của các tôn giáo khác nhau. (Xem bài)
14/ “Châu Phi thường được mô tả như một lục địa của bóng tối và cái chết, lục địa của những thất bại xã hội vì chủ nghĩa vị chủng, của các cuộc xung đột bạo lực và dịch bệnh như AIDS và Ebola”: đó là lời than phiền của cha Chrisantus Ndaga, đặc trách truyền thông của AMECEA (Liên Hội đồng Giám mục Đông Phi), trong khuôn khổ Hội nghị chuyên đề của các phóng viên Công giáo tổ chức tại Nairobi (Kenya). (Xem bài)
15/ Hôm 13.05, Phòng báo chí Toà Thánh đã công bố chương trình chi tiết chuyến tông du ba ngày (từ ngày 24 đến 26 tháng Sáu 2016) của ĐTC tại Armenia, quốc gia đầu tiên công nhận Kitô giáo là tôn giáo chính thức từ năm 301. Sau chuyến tông du này, vào tháng Bảy ĐTC sẽ đi Krakow, Ba Lan tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới; rồi đi Gruzia và Azerbaijan vào cuối tháng Chín - đầu tháng Mười; cuối cùng là đi Thụy Điển vào ngày 31 tháng Mười để tham dự lễ khai mạc kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của Luther cùng với người Tin Lành. (Xem bài)
16/ Sứ điệp của Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn gửi các Phật tử nhân dịp lễ Vesak 2016 của Phật giáo (ngày 21.05.2016), Hội đồng Toà Thánh về Đối thoại Liên tôn đã gửi một sứ điệp chúc mừng đến các Phật tử trên toàn thế giới. (Xem bài)
17/ Vào ngày lễ trọng thể kính Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa nhật 15.05, ĐTC đã công bố Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo. Ngày Thế giới Truyền giáo được Đức giáo hoàng Piô XI phê chuẩn năm 1926 và hằng năm được cử hành vào Chúa nhật thứ ba của tháng Mười. Năm nay, Ngày Thế giới Truyền giáo là lần thứ 90 và được cử hành vào Chúa nhật 23 tháng Mười với chủ đề “Giáo hội thừa sai, chứng nhân lòng thương xót”. “Đức tin là một ân sủng chứ không phải kết quả của việc truyền giáo. Nhưng, đức tin ấy lại lớn lên nhờ đức tin và đức ái của các nhà thừa sai là chứng nhân của Chúa Kitô.” (Xem bài)
18/ Chiều thứ Hai 16.05, ĐTC đã chủ toạ phiên khai mạc Khoá họp Đại hội lần thứ 69 của Hội đồng Giám mục Italia (CEI) tại Hội trường Thượng Hội đồng Giám mục ở Vatican. Đề tài chính trong chương trình nghị sự của Đại hội CEI lần này là việc canh tân hàng giáo sĩ qua việc thường huấn. (Xem bài)
19/ “Hợp tác liên tôn xây dựng hoà bình tại Cộng hoà Trung Phi” (CIPP) là tên của một dự án chung do một nhóm tổ chức phi chính phủ Kitô giáo và Hồi giáo tài trợ cho tiến trình hoà bình ở quốc gia hiện đang thực hiện những nỗ lực đáng kể để kết thúc cuộc nội chiến. (Xem bài)
20/ “Lòng thương xót trong Kitô giáo và Hồi giáo” là chủ đề của một cuộc Hội thảo chuyên đề tại Lahore, Pakistan, nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương xót, do Hội đồng Đối thoại Liên tôn ở Pakistan (CFID) tổ chức. (Xem bài)
21/ Vùng Qasr al-Yahud trải dài từ bờ tây sông Jordan tới chỗ theo truyền thống được cho là nơi Chúa Giêsu đã chịu phép Rửa, sẽ được dọn sạch mìn và các chất nổ còn sót lại từ cuộc chiến tranh Sáu ngày (5–10.6.1967), cách nay 50 năm. (Xem bài)
22/ Tuyên bố của Tổng thống Nieto về hôn nhân đồng tính hôm thứ Ba 17.05 trong Ngày quốc tế chống lại Kỳ thị đồng tính, đã ngay lập tức nhận được những chỉ trích từ phía Giáo hội và một phần của xã hội dân sự. Một bản kiến nghị trên mạng internet phát động hôm thứ Tư 18.05 do các công dân nhận định rằng việc sửa đổi hiến pháp này “đe dọa thiết chế gia đình” đã thu được hơn 28.000 chữ ký chỉ trong vài giờ. (Xem bài)
23/ ĐTC vừa ban hành một phúc chiếu nhằm làm rõ yêu cầu của Giáo luật về việc thiết lập một dòng tu giáo phận. Trong phúc chiếu này, ngài nêu rõ Vị Bản quyền địa phương muốn lập một Dòng tu mới trong phạm vị quyền tài phán và thẩm quyền của mình, trước hết phải xin ý kiến Toà Thánh trước khi ban hành quyết định thành lập bất kỳ Dòng tu mới nào. Phúc chiếu này sẽ được công bố trên báo L’Osservatore Romano, có hiệu lực từ ngày 01 tháng Sáu 2016, và sau đó được đăng trong công báo Toà Thánh Acta Apostolicae Sedis. (Xem bài)
24/ Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI khẳng định ngài không bao giờ nói với bất cứ ai rằng việc công bố “bí mật thứ ba của Fatima” vào năm 2000 là không đầy đủ, và xác nhận rằng bí mật Fatima đã được công bố trọn vẹn. Hôm thứ Bảy 21.05, Phòng Báo chí Toà Thánh đã ra một thông cáo bác bỏ điều bịa đặt của nhiều bài báo nói về “Bí mật thứ ba của Fatima”. Bí mật thứ ba không được công bố cùng với hai bí mật đầu, nhưng đã được Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II quyết định công bố vào dịp Đại Năm Thánh 2000. (Xem bài)
25/ Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật 22.05, ĐTC đã mời gọi các tín hữu hãy hiệp lòng với người Công giáo Trung Quốc trong ngày lễ kính Đức Trinh nữ Maria với tước hiệu “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”, vào ngày thứ Ba 24.05. (Xem bài)
26/ Hôm thứ Hai 23.05 tại Vatican, ĐTC đã tiếp kiến Sheik Ahmed Muhammad Al-Tayyib, Imam của Thánh đường Hồi giáo Al-Azhar. (Xem bài)
27/ Từ ngày 23 đến 24 tháng Năm, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhân đạo Thế giới lần thứ nhất. Phái đoàn của Toà Thánh Vatican tham dự Hội nghị này do ĐHY Quốc vụ khanh Toà Thánh Pietro Parolin dẫn đầu. (Xem bài)
28/ Tại Syria, vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01 tháng Sáu tới đây, dự kiến sẽ có hàng trăm thiếu nhi thuộc nhiều hệ phái Kitô giáo khác nhau cùng quy tụ tại Damascus, Aleppo, Homs, Tartus và Marmarita để cầu nguyện cho hoà bình. (Xem bài)
29/ Bản dịch tiếng Pháp Sách lễ Roma hiện chưa được thông qua vì còn những khác biệt giữa Roma và các giám mục khối Pháp ngữ. Bộ trưởng Bộ Phụng tự mới đây đã nhắc lại: “Các bản dịch buộc phải tôn trọng bản gốc La tinh”. Đó là điểm khiến bản dịch phải sửa đổi. (Xem bài)
30/ Đức Hồng y Rainer Maria Woelki Tổng giám mục Köln (nước Đức), đã cử hành Thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa hôm thứ Năm 25 tháng Năm trên một con thuyền của người di dân mà ngài đã mua lại và đặt tại sân trước cửa chính nhà thờ Chính toà. (Xem bài)
31/ Hôm thứ Sáu 27.05, nhóm trẻ em Iraq đầu tiên ở trại tị nạn ở Erbil đã được rước lễ lần đầu, đem lại một nét sáng sủa cho tình hình u ám hiện nay. Trong số 5.500 người tị nạn sống trong trại Aishty 2 ở Erbil, đa số là trẻ em; trong số này, 470 em sẽ được rước lễ lần đầu trong vài tuần tới. Vì con số năm nay quá đông, nên các em được chia thành ba nhóm. Nhóm đầu tiên 175 em, rước lễ hôm thứ Sáu 27.05; nhóm thứ hai 145 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 03.06, và nhóm thứ ba 150 em sẽ rước lễ vào thứ Sáu 10.06. (Xem bài)
32/ ĐTC đã chủ sự Thánh lễ trong Ngày Năm Thánh dành cho các phó tế, hôm Chúa nhật 29 tháng Năm 2016 tại quảng trường Thánh Phêrô, với sự tham dự của nhiều đoàn phó tế từ các nước trên thế giới. Đức Thánh Cha kết luận: “Một khi có tinh thần sẵn sàng, có quả tim mềm mại và thường xuyên nói chuyện với Chúa Giêsu, anh em sẽ không sợ trở nên tôi tớ của Chúa Kitô, gặp gỡ và chăm sóc thân xác của Chúa nơi những người nghèo của ngày hôm nay”. (Xem bài)
33/ Theo thường lệ sáu tháng một lần, hôm thứ Hai 30.05, ĐTC đã tiếp các vị trong Giáo triều. Chương trình nghị sự bắt đầu bằng việc bàn về cải tổ hoạt động truyền thông của Toà Thánh. Đức ông Dario Viganò - Chủ tịch Quốc vụ viện Truyền thông - đã lưu ý việc cải tổ này không chỉ thay đổi về danh xưng, mà còn đặt lại suy nghĩ nhằm mang lại hiệu quả hơn cho hoạt động truyền thông của Toà Thánh, nhất là trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số. (Xem bài)
Giáo hội Việt Nam
1/ Thư Mục tử về Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 50 Sắc lệnh Inter Mirifica số 2 của Công đồng Vatican II xác định: “Mẹ Giáo Hội biết rằng, nếu được sử dụng đúng cách, các phương tiện truyền thông sẽ mang lại lợi ích lớn lao cho nhân loại, sẽ đóng góp rất nhiều cho việc làm phong phú trí tuệ của con người cũng như mở rộng và hỗ trợ Nước Chúa.” (Xem bài)
2/ Suy nghĩ của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm từ Sứ điệp 2016 về Truyền thông của Đức giáo hoàng Phanxicô: Hôm nay, trong hội trường lớn của Trung tâm Mục vụ, đối diện với anh chị em là những người đang dấn thân trong lãnh vực truyền thông và đang sống trong thời đại của internet và social network (mạng xã hội), tôi muốn vận dụng hình ảnh khác để nói với anh chị em: anh chị em là những người phục vụ network, mạng lưới của lòng thương xót. Khi viết một bài báo, đăng tải một hình ảnh hoặc ghi một dòng comment, hãy tự hỏi: Tôi nói cái gì? Điều đó có thực sự mang lại lợi ích cho tha nhân và cộng đồng không? Hay chỉ để thỏa mãn tính ích kỷ, hiếu thắng, thích nổi tiếng (trả đũa, câu view…)? (Xem bài)
3/ "Truyền Thông và Lòng Thương Xót: Một cuộc gặp gỡ sinh hoa trái", đó là chủ đề của Ngày Thế giới Truyền Thông Xã hội (TGTTXH) lần thứ 50, được cử hành vào sáng 07.05. Đây cũng là ngày mừng bổn mạng Chúa Thăng Thiên của MVTT Sài Gòn, Phú Cường và Mỹ Tho. (Xem bài)
4/ Thứ Bảy 07.05, Phòng Báo chí Toà Thánh công bố: ĐTC đã chấp thuận đơn từ nhiệm Giám mục chính toà giáo phận Xuân Lộc của Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh, theo khoản 401 § 1 của Bộ Giáo Luật. Kế nhiệm Đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh là Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục phó giáo phận Xuân Lộc. (Xem bài)
5/ Giới thiệu vài trang đầu Tông huấn Amoris Laetitia - Niềm vui của Tình yêu, bản dịch của Văn phòng Hội dồng Giám mục Việt Nam. (Xem bài)
6/ Sinh hoạt chuyên đề cuối cùng trước khi kết thúc năm học 2015-2016 của Học viện Mục vụ với chủ đề: “Giai điệu Lòng thương xót trong Thánh nhạc”, diễn ra vào lúc 8g30 thứ Bảy 14.05 tại Hội trường Phạm Minh Mẫn của Học viện. (Xem bài)
7/ Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐGMVN đã gởi thơ đề ngày 16.05.2016 để giải đáp thắc mắc liên quan đến Thông báo của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc - Chủ tịch HĐGMVN - về tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung Việt Nam: Đức TGM Phaolô ký thông báo này ngay trước khi lên đường công tác mục vụ tại Pháp. Vì thời gian có hạn, nên ngài không thể trình bày rõ ràng và chi tiết những suy nghĩ và mong muốn của ngài. Nay, Văn phòng Thư ký có gửi Thư giải thích đến cộng đồng Dân Chúa để mọi người có thể hiểu rõ hơn nội dung thông báo trên. (Xem bài)
8/ ĐTGM Phaolô đã đến Việt Nam Quốc Tự để chúc mừng lễ Phật Đản vào lúc 15g15 ngày 19.05. (Xem bài)
9/ Chiều ngày 19.5, phái đoàn Tòa giám mục Mỹ Tho, do Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm hướng dẫn, đã đến thăm Hòa thượngThích Huệ Minh, nhân dịp lễ Phật Đản. (Xem bài)
10/ Để tạ ơn Chúa nhân kỷ niệm 51 năm linh mục của mình, ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn đã chủ sự Thánh lễ đồng tế với một số linh mục vào lúc 6g30 ngày 25.05 tại Nhà Truyền Thống của TGPSG. Hiệp dâng Thánh lễ có các chủng sinh dự bị cùng với một số nhân viên của Toà Giám mục và của Trung tâm Mục vụ. ĐHY đề cập đến những điều cốt yếu nhất của đời linh mục cùng với những thuận lợi và thách đố, những cách thức giúp linh mục luôn giữ được sự nhiệt tình và bình an. (Xem bài)
11/ Thư kêu gọi giúp đồng bào nạn nhân thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển miền Trung UB Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam: Đứng trước tình trạng bi đát đó, trong tâm tình của Năm Thánh Lòng Thương Xót, chúng ta cũng được mời gọi hiệp lòng cầu nguyện và bày tỏ lòng thương xót đối với những anh chị em đang trong hoàn cảnh khó khăn rất đáng quan tâm này. (Xem bài)
12/ "Linh mục là người đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ... được tuyển chọn để rao giảng Tin Mừng, vậy hãy cố gắng hết sức để mỗi ngày đều suy niệm Lời Chúa..." ĐTGM Phaolô đã nhắn nhủ các tiến chức như thế trong Thánh lễ Truyền chức linh mục cho 23 thầy phó tế vào lúc 08g30 ngày 30.5 tại Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn. (Xem bài)
Tâm tình cuối tháng
Xin thương nghe và nâng đỡ những khi lầm than
Xin ban phúc lành cho khắp nơi đượm thắm tình người
Xin dâng lên lòng bao dung cùng muôn tha thứ
Sống chứng nhân tình yêu ngàn hoa dâng đẹp lòng Mẹ yêu.
Lời bài hát "Hoa Dâng Nhiệm Lạ" đã thay lời muốn nói của bao người con đang hướng trông về Mẹ vào ngày cuối tháng Năm, với lòng mong ước Trái Tim Mẹ sẽ thắng để đem lại bình an và hạnh phúc cho đoàn con đang trên đường lữ thứ.
Làm theo lời Papa kêu gọi trong Sứ điệp Truyền Giáo: “Và ngày nay, chúng ta đừng tránh né cử chỉ hiệp thông này với Giáo hội truyền giáo. Đừng khép cửa lòng với những nỗi ưu tư của riêng mình, nhưng hãy mở rộng tấm lòng trước chân trời của toàn thể nhân loại.”
Nguyện xin Chúa Thánh Linh, giúp mở rộng tâm hồn của mọi người trên thế giới, hầu nhân loại có thể cùng chung sống hài hòa trong vũ trụ xinh tươi được tạo dựng bởi tình yêu Thiên Chúa. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm