Điểm lại các sự kiện trong tháng 9 năm 2016
WGPSG -- Tết Nhi đồng trong tháng Chín năm nay nhằm vào mùa bão lụt, nên chỉ có các thiếu nhi ở nơi phố thị được một ngày vui trọn vẹn. Thương cho các thiếu nhi ở những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai và nhân tai không được hưởng niềm vui của tuổi thơ.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong bài giảng Thánh lễ tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta ngày 04.09.2016: "Chúng ta hãy mang theo trong tim nụ cười của Mẹ và trao ban nó cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, nhất là cho những người đau khổ."
Buổi lễ khai giảng khóa đầu tiên Cao học Thần học 2, chuyên ngành Tín Lý và Thánh Kinh của Học viện Công giáo Việt Nam, đã diễn ra ngày 14.09.2016, tại trụ sở Văn phòng HĐGM Việt Nam.
Giáo hội toàn cầu
1/ Tòa Thánh Vatican đã công bố chương trình chính thức chuyến viếng thăm của ĐTC đến Assisi trong Ngày Thế giới cầu nguyện cho Hòa bình. (Xem bài)
2/ Một bức chân dung lớn của Chân phước Mẹ Têrêsa được treo trước tiền đường Đền thờ Thánh Phêrô dịp lễ tôn phong Mẹ lên hàng hiển thánh. Họa sĩ Fagan đã phải mất một tháng trời để chuẩn bị các phác họa trước khi bắt đầu vẽ, và đã hoàn thành bức họa sau 6 tuần làm việc. Bức họa diễn tả niềm vui và lòng vị tha của Mẹ Têrêsa. Bức họa được bắt đầu trưng bày vào hôm 1 tháng 9 tại đền thánh quốc gia Gioan Phaolô II ở Washington. (Xem bài)
3/ Một thực tế gần cuối đời của Thánh Têrêsa Calcutta mà ít người biết: Mẹ đã đến Trung Quốc ba lần để xem xét việc lập Dòng tại đây, nhưng không thành vì quan hệ ngoại giao giữa TQ và Toà Thánh còn lỏng lẻo. Tại một hội nghị chuyên đề về Mẹ Têrêsa tổ chức ngày 2 tháng Chín tại Roma, cha Worthley nói: “Quả vậy, Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã xin Mẹ trong những năm cuối cùng của Mẹ hãy là chiếc cầu nối của tình yêu và hoà giải giữa Giáo hội hoàn vũ với TQ”. (Xem bài)
4/ "Chúng ta hãy mang theo trong tim nụ cười của Mẹ và trao ban nó cho những ai chúng ta gặp trên đường đời, nhất là cho những người đau khổ." ĐTC đã nói như trên trong bài giảng Thánh lễ tôn phong hiển thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta, do ngài cử hành trước thềm Đền Thờ Thánh Phêrô lúc 10 giờ rưỡi sáng Chúa Nhật mùng 4 tháng 9. Đồng tế với ĐTC đã có khoảng 70 Hồng y, 400 Tổng Giám mục, 1.700 linh mục - trong đó có 600 vị giúp ĐTC cho tín hữu rước lễ. (Xem bài)
5/ Tại Vatican, một Khoá học hội do Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc (Bộ Truyền giáo) tổ chức dành cho các giám mục mới tại các quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ đã khai mạc hôm Chúa nhật, 4 tháng Chín. Khoá học kéo dài 2 tuần quy tụ 94 giám mục mới được bổ nhiệm trong vòng ba năm qua, gồm 42 giám mục từ 19 quốc gia châu Phi, 12 giám mục từ 9 quốc gia châu Mỹ, 4 giám mục từ 2 quốc gia châu Đại Dương và 36 giám mục từ 9 quốc gia châu Á, trong đó có 5 giám mục Việt Nam: GM Phêrô Nguyễn Văn Viên, GM Giuse Trần Văn Toản, GM Phêrô Nguyễn Văn Hai, GM Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, và GM Giuse Đỗ Mạnh Hùng. (Xem bài)
6/ Ngày 06.09.2016, Văn phòng Nghi lễ phụng vụ của ĐTC đã công bố các cử hành phụng vụ do ĐTC chủ sự từ nay cho đến ngày bế mạc Năm Thánh, 20.11. (Xem bài)
7/ Giáo hội bé nhỏ tại Lào vui mừng trước hai sự kiện lịch sử sắp tới: Ngày 16.09, tại Savannakhet, sẽ diễn ra lễ truyền chức linh mục cho ba phó tế người Lào. Rồi đến ngày 11 tháng Mười Hai, Chúa nhật thứ III Mùa Vọng, tại thủ đô Vientiane, là lễ tôn phong Chân phước cho 17 vị tử đạo, gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân, đã bỏ mình tại Lào. Giáo hội tại Lào đã được chính quyền đồng ý cho tổ chức hai buổi lễ trên. (Xem bài)
8/ Khoảng 150 tham dự viên thuộc 43 quốc gia đã gặp nhau tại Abuja (Nigeria) từ 05 đến 07.09 trong một Hội nghị do Caritas Quốc tế và HĐ Toà Thánh về Mục vụ di dân tổ chức, nhằm đấu tranh chống nạn buôn người ở châu Phi và trên thế giới. (Xem bài)
9/ Hôm thứ Năm 08.09, trên một số tờ báo của Italia đã xuất hiện một số đoạn trích từ cuốn sách mới xuất bản của Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI, “Những cuộc trò chuyện cuối cùng”. Sách ra mắt ngày 09.09 tại Italia, nội dung là những cuộc trao đổi với nhà báo người Đức Peter Seewald về những năm cuối trong triều giáo hoàng của ngài, về việc từ nhiệm, và về vị giáo hoàng kế nhiệm, Đức Phanxicô. (Xem bài)
10/ Như tin đã đưa, tại Vatican, một Khoá học hội do Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc (Bộ Truyền giáo) tổ chức dành cho các giám mục mới được bổ nhiệm trong vòng hai năm qua tại các quốc gia thuộc thẩm quyền của Bộ đã khai mạc hôm Chúa nhật, 4 tháng Chín 2016; khoá học kéo dài 2 tuần. Ngày thứ Sáu 9 tháng Chín, ĐTC đã tiếp kiến 94 giám mục tham dự Khoá học này tại Hội trường Clêmentê. (Xem bài)
11/ Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, ngày 11.09. ĐTC nói rằng với ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng Chúa Nhật, Đức Giêsu trình bày cho chúng ta gương mặt đích thật của Thiên Chúa. Ngài là một người cha với vòng tay rộng mở, đối xử với kẻ tội lỗi bằng sự dịu hiền và lòng xót thương. Khi chúng ta phạm tội nhưng biết ăn năn và trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ chẳng bao giờ quở mắng hay trách phạt, vì Thiên Chúa cứu độ và tái đón nhận ta vào nhà với niềm vui và tiệc mừng. (Xem bài)
12/ ĐTC sẽ viếng thăm Cộng hòa Georgia và Azerbaigian từ ngày 30.9 đến 2.10. Trong số gần 5 triệu dân tại Georgia, 84% là tín hữu Chính Thống, 10% theo Hồi giáo, chỉ có 0,8% là tín hữu Công giáo. Tại Azerbaigian chỉ có 560 tín hữu Công giáo trên tổng số 9 triệu 500 ngàn dân cư, hầu hết theo Hồi giáo. (Xem bài)
13/ Hôm thứ Tư 14 tháng Chín, lễ Suy tôn Thánh giá, trong nguyện đường của Nhà Santa Marta, ĐTC cử hành Thánh lễ lúc 7 giờ để cầu nguyện cho cha Jacques Hamel, người bị hai kẻ khủng bố thuộc nhóm Hồi giáo quá khích sát hại hôm thứ Ba 26.07.2016 tại nhà thờ Saint-Etienne du Rouvray khi ngài đang cử hành Thánh lễ. Tham dự Thánh lễ có 80 tín hữu hành hương từ giáo phận của cha Hamel. (Xem bài)
14/ ĐTC đã yêu cầu các HĐGM chọn một ngày để cầu nguyện cho nạn nhân của nạn lạm dụng tình dục. Sáng kiến này được Uỷ ban Toà Thánh bảo vệ Trẻ vị thành niên –do ĐTC thành lập vào tháng Ba năm 2014– công bố. Sáng kiến xuất phát từ thỉnh cầu của một nạn nhân đã bị lạm dụng tình dục thuở thiếu thời. (Xem bài)
15/ Kỷ niệm 10 năm diễn văn của ĐGH Bênêđictô XVI tại Regensburg. Ngày 12.09.2006, ĐGH Bênêđictô XVI được trường Đại học cũ của ngài ở Regensburg, nước Đức, mời đến nói chuyện về đề tài “Đức tin, lý trí và trường đại học”. (Xem bài)
16/ Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 15.09, dành cho 150 thành viên Hiệp Hội Kinh Thánh Italia, ĐTC kêu gọi bảo vệ phẩm giá con người chống lại nhiều thứ đe dọa. Hiệp hội nhóm họp nhân dịp Tuần lễ toàn quốc Italia về Kinh Thánh, với chủ đề: “Chúng ta hãy tạo dựng con người... nam và nữ: những đặc tính của nam - nữ trong Kinh Thánh”. (Xem bài)
17/ Trong bài huấn dụ của buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư, ĐTC đã giải thích ý nghĩa đoạn Phúc Âm trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy đến với Ta, tất cả các con là những kẻ mệt nhọc và bị áp bức, Ta sẽ bổ sức cho…" (Xem bài)
18/ Thực hiện hoặc cộng tác vào việc phá thai có hiệu quả hoặc toan tính tự tử tiếp tục là điều bất hợp luật cản trở sự chịu chức thánh, mặc dù đương sự không phải là người Công giáo khi thực hiện những điều đó. Trên đây là nội dung giải thích chính thức của Hội đồng Tòa Thánh về các văn bản luật được công bố hôm 15.9.2016 và được ĐTC phê chuẩn trước đó. (Xem bài)
19/ Tại Chieti, Italia, Uỷ ban hỗn hợp Quốc tế Đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống đang tiến hành Khoá họp toàn thể từ ngày 15 đến 22 tháng Chín. Khoá họp toàn thể sẽ dành thời gian xem xét tài liệu dự thảo “Hướng tới một sự hiểu biết chung về Tính Công nghị và Quyền Tối thượng để phục vụ Sự Hiệp nhất của Giáo hội”. (Xem bài)
20/ Ngày 15.09, Toà Thánh đã công bố một Tự sắc mới, nhan đề De concordia inter Codices, của ĐTC ký ngày 31.05.2016, nhằm điều hợp một số quy tắc của hai bộ Giáo luật Latinh và Đông phương. Bộ Giáo luật Latinh ban hành năm 1983, còn Bộ Giáo luật Đông phương năm 1990. Việc điều hợp này là do tình trạng nhiều Kitô hữu Đông phương (Công giáo hoặc Chính thống giáo) di cư đến các nước thuộc nghi lễ Latinh và đặc biệt liên quan đến các bí tích Thánh tẩy và Hôn nhân. (Xem bài)
21/ Cùng ngày thứ Năm 15.09, giáo phận Rouen đã trao quyển Sách nguyện (Sách Phụng vụ các Giờ kinh) của cha Jacques Hamel cho Vương cung thánh đường San Bartolomeo all’Isola ở Roma. Vào năm 2000, thánh đường này –toạ lạc trên một hòn đảo nằm giữa sông Tevere, Italia– đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II uỷ thác cho Cộng đồng Sant’Egidio với nhiệm vụ thu thập di vật của các vị tử đạo trong thế kỷ XX và XXI. (Xem bài)
22/ "Hãy để cho ánh sáng đức tin cháy sáng, bừng cháy trước mặt người đời. Đừng để cho ánh sáng ấy lịm tắt. Đó là ánh sáng mà chúng ta được ban tặng như một món quà, và món quà này làm chúng ta bừng sáng." ĐTC nói như thế trong Thánh lễ sáng 19.09 tại nhà nguyện thánh Marta. Ngài cảnh báo những hành vi làm lu mờ ánh sáng đức tin, như cạnh tranh trong ghen tỵ, chậm trễ làm việc thiện. (Xem bài)
23/ Ngày 20 tháng 9, các nhà thờ và các cộng đoàn Công giáo ở Ấn độ cầu nguyện cho hòa bình, hiệp thông với Đức Thánh Cha tham dự buổi cầu nguyện “Khao khát hòa bình” tại Assisi. (Xem bài)
24/ “Chắn chắn tinh thần Assisi vẫn có đó, và tinh thần ấy mang lại hoa trái khắp nơi trên thế giới”, đó là lời phát biểu của Đức cha Dominique Lebrun, Tổng giám mục Rouen. Ngài có mặt tại Assisi để tham dự “Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình” từ 18 đến 20.09, theo lời mời của Cộng đồng Sant’Egidio. (Xem bài)
25/ Chiều 20.09, tại Assisi, trong khuôn khổ Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình 2016, trước sự hiện diện của các vị đại diện những tôn giáo lớn trên thế giới, ĐTC đã có bài suy niệm theo chủ đề "Khao khát hoà bình. Đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hoá." (Xem bài)
26/ “Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình” diễn ra tại Assisi từ 18 đến 20.09 đã kết thúc với “Lời kêu gọi hoà bình”. Cùng ký tên vào Lời kêu gọi này có 450 vị lãnh đạo của 9 tôn giáo. Sau đó, ĐTC và các vị lãnh đạo tôn giáo đã trao Lời kêu gọi hoà bình cho các trẻ em đến từ khắp nơi trên thế giới: "Chiến tranh nhân danh tôn giáo trở thành một cuộc chiến tranh chống lại chính tôn giáo. Vì thế, với niềm xác tín mạnh mẽ, chúng tôi lặp lại rằng bạo lực và khủng bố đối nghịch với tinh thần tôn giáo chân chính." (Xem bài)
27/ Hôm 19.09, ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã chính thức trao văn kiện tham gia Hiệp ước chống tham nhũng đã được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 31-10 năm 2003. Hiệp ước này bắt đầu có hiệu lực đối với Tòa Thánh và Quốc gia Vatican từ ngày 19.10 tới đây. (Xem bài)
28/ Hôm thứ Ba, 20.09 vừa qua, các vị đại diện của các cộng đồng tôn giáo tại Biban đã họp nhau trong buổi cầu nguyện liên tôn cầu cho hòa bình tại đền Đức Mẹ ở Harisa, miền bắc Beirut với chủ đề “Quanh Mẹ Maria và với Mẹ Maria”, do Đức cha Chukrallah Nabil Hage, chủ tịch Ủy ban Công lý bà Hòa bình của Hội đồng các Thượng phụ và Giám mục Công giáo ở Liban chọn. (Xem bài)
29/ “Chúng ta không có quyền lên án người anh em lầm lỗi của chúng ta, (…) nhưng có bổn phận (…) đồng hành với người ấy trên con đường hoán cải của họ”, ĐTC đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ Tư 21.09. (Xem bài)
30/ Một Thông cáo của Tòa Thánh công bố hôm 21.09 cho biết Toà Thánh đã chính thức xác nhận Đức cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn, 53 tuổi, là GM chính toà giáo phận Ôn Châu. Việc công nhận Đức cha Thiệu Chúc Mẫn được đăng trong một Thông cáo ngắn của Toà Thánh, loan tin Đức cha Vinh sơn Chu Duy Phương, giám mục Ôn Châu, qua đời ngày 07 tháng Chín 2016 ở tuổi 89. (Xem bài)
31/ ĐTC kêu gọi các ký giả tôn trọng sự thật, phẩm giá con người và góp phần làm tăng trưởng chiều kích xã hội của con người. Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 22.09, dành cho 200 người thuộc Hội đồng toàn quốc ký giả đoàn của Italia. (Xem bài)
32/ Hôm 22.09, ĐTC đã cho công bố Quy chế Bộ Truyền Thông (Segreteria per le comunicazioni) của Tòa Thánh. Việc thành lập Bộ Truyền thông nhắm đáp ứng bối cảnh truyền thông ngày nay, với sự hiện diện và phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và những yếu tố hội tụ và tương tác. (Xem bài)
33/Trong khu rừng sâu thẳm vùng Melanesia, có một Linh mục Công giáo gốc Papua New Guinea trèo đèo lội suối, đi bộ hàng dặm trong rừng rậm để đến với đàn chiên sống ở những khu vực xa xăm hẻo lánh và để chăm sóc các giáo xứ nghèo khổ nhất vào các cuối tuần. Đó là cha Christian Sieland, thuộc Giáo phận Kundiawa, nước Papua New Guinea, một đất nước thuộc châu Đại dương, có 5 triệu dân. Để đến với giáo dân của mình, cha Sieland đã phải trèo qua những vùng đồi núi dốc đá đầy nguy hiểm. (Xem bài)
34/ “Người Công giáo và người Chính thống cần phải khám phá cách thức quyền bính được hiểu và thực hành ra sao để điều đó không phải là một trở ngại cho hiệp nhất”, đó là nội dung chính của bản Tuyên bố chung mang tên “Tính công nghị và Quyền tối thượng trong thiên niên kỷ đầu tiên: Hướng tới một hiểu biết chung trong Sứ vụ Hiệp nhất của Giáo Hội”, được các thành viên của Uỷ ban hỗn hợp Quốc tế Đối thoại thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống thông qua, khi kết thúc Khoá họp toàn thể diễn ra tại Chieti, Italia, từ ngày 15 đến 22 tháng Chín. (Xem bài)
35/ Hôm 23.09, Bộ Tuyên Thánh đã công bố một sửa đổi Quy chế liên quan đến việc các chuyên viên y tế chứng nhận phép lạ, trong khuôn khổ tiến trình tuyên phong chân phước và tuyên thánh. Theo nguyên tắc, mọi án phong chân phước đòi hỏi phải có một phép lạ (trừ các vị được công nhận là tử đạo), và mọi án phong thánh đòi hỏi phải có một phép lạ thứ hai được công nhận. Việc điều tra các phép lạ đôi khi phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, để phân định được một hiện tượng nào đó là do Thiên Chúa, chứ không phải là những hiện tượng có thể giải thích được bằng khoa học. (Xem bài)
36/ Ngày 24.09, ĐTC đã bổ nhiệm ĐHY Telesphore Placidus Toppo, TGM Ranchi, Ấn Độ, làm đặc sứ của ngài tham dự ĐH toàn thể lần thứ XI của Liên Hội đồng GM Á châu, diễn ra tại Colombo, Sri Lanka từ ngày 28 tháng Mười Một đến 4 tháng Mười Hai 2016. Chủ đề của Đại hội là “Niềm vui của Tin Mừng và Gia đình tại châu Á trong Ánh sáng của Thượng Hội đồng Giám mục”. (Xem bài)
37/ Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay giúp chúng ta hiểu yêu thương có nghĩa là gì, nhất là giúp chúng ta tránh được vài nguy hiểm. ĐTC đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ Năm Thánh các Giáo lý viên cử hành trước thềm Đền thờ Thánh Phêrô lúc 10g30 sáng Chúa Nhật 25 tháng 09. Đồng tế với ĐTC có 10 Hồng y, 30 Giám mục và 650 linh mục. Tham dự Thánh lễ ngoài 15.000 giáo lý viên đến từ nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, còn có hơn 30 ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu. (Xem bài)
38/ “Tôi hợp ý với các giám mục của Mêxicô trong việc ủng hộ những dấn thân của Giáo Hội và xã hội dân sự vì gia đình và sự sống, tại thời điểm này các vị yêu cầu sự quan tâm đặc biệt về mục vụ và văn hóa trên toàn thế giới”, đó là những lời ĐTC nói trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 25.09, để bày tỏ sự ủng hộ của mình với hàng chục ngàn người Mêxicô tuần hành chống lại việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào thứ Bảy 24.09 tại thành phố Mêxicô. (Xem bài)
39/ Vào thứ Sáu 30.09 tới, ĐTC sẽ bắt đầu chuyến tông du ba ngày đến Gruzia và Azerbaijan. Gruzia có 84% người theo Chính thống giáo và gần 10% là người Hồi giáo. Đa số người Azerbaijan theo Hồi giáo (97%), chủ yếu thuộc hệ phái Shia. (Xem bài)
40/ Hôm thứ Hai 26.09, Toà Thánh đã công bố chi tiết chương trình mới nhất chuyến đi Thụy Điển của ĐTC để tham dự lễ kỷ niệm 500 năm cuộc Cải Cách Tin Lành vào hai ngày 31 tháng 10 và 01 tháng 11 năm 2016. Hoạt động chính trong chuyến tông du của ĐTC là buổi cử hành chung của Giáo hội Công giáo và Liên đoàn Luther Thế giới (LWF), gồm ba sự kiện đại kết diễn ra ở Lund và Malmö. Ngoài ra ĐTC cũng sẽ chủ sự một Thánh lễ tại Malmö vào ngày Lễ Các Thánh. (Xem bài)
41/ Hôm thứ Ba, 27.09, quân đội Syria đã bắt đầu tấn công vào một khu vực ở phía đông thành phố Aleppo do phiến quân chiếm giữ. Sáng thứ Tư, hai bệnh viện lớn nhất ở phía đông đã bị trúng bom và tạm thời không thể hoạt động, theo thông tin của tổ chức phi chính phủ SAMS (Hội y tế Hoa Kỳ-Syria), có trụ sở tại Hoa Kỳ và tài trợ cho hai bệnh viện này. Với người dân thường muốn sống còn giữa cảnh đổ nát, đây lại là một khó khăn mới, các cơ sở y tế vẫn còn hoạt động thì thiếu thuốc men, máu và các thiết bị. (Xem bài)
42/ Đây là một sáng kiến chung của 36 giám mục của IARCCUM (Ủy ban Quốc tế Anh giáo – Công giáo Rôma về Hiệp nhất và Sứ vụ) nhằm đánh dấu kỷ niệm 50 năm ngày chính thức bắt đầu cuộc đối thoại giữa hai Giáo hội. (Xem bài)
43/ Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tin Lành tại Zambia đã cùng phản đối việc thành lập một Bộ phụ trách Tôn giáo vụ (Bộ Hướng dẫn và Phụ trách Tôn giáo vụ). Zambia rộng hơn 752.000 km2 và có hơn 16 triệu dân, trong đó 75,3% theo Tin Lành, 20,2% theo Công giáo, 2,5% theo Vật hồn giáo, 1,8% không theo tôn giáo nào và 0,5% theo Hồi giáo (số liệu năm 2010 của Zambia). (Xem bài)
44/ Sáng sớm 28.09, ông Shimon Peres, cựu Thủ tướng và Tổng thống Israel, qua đời tại Tel Aviv (Israel), thọ 93 tuổi. Trước sự ra đi của cựu Thủ tướng - Tổng thống Shimon Peres, ĐTC đã gửi điện văn chia buồn đến ông Reuven Rivlin, Tổng thống Israel. (Xem bài)
45/ “Đừng sợ, vì Ta ở với con (Is 43,5) - Thông truyền niềm hy vọng và tin tưởng trong thời đại chúng ta”: đây là chủ đề đã được ĐTC chọn cho Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 51 (năm 2017). Thông cáo của Quốc vụ viện Truyền thông cho biết, chủ đề này “là một lời mời gọi kể lại lịch sử thế giới và lịch sử của con người - nam cũng như nữ - theo logic của “tin vui”, nhắc nhở rằng Thiên Chúa không bao giờ từ chối làm một Người Cha, trong mọi hoàn cảnh của con người và với từng con người”. (Xem bài)
46/ Ngày thứ Sáu 30.09, ĐTC đã lên đường đi Gruzia, khởi đầu chuyến tông du 3 ngày tại hai quốc gia thuộc vùng Caucasus là Gruzia và Armenia. (Xem bài)
Giáo hội Việt Nam
1/ Thư của ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo gửi các Sinh viên Học sinh Công giáo dịp đầu Năm học 2016 - 2017: "Cha vui mừng gửi đến các con lời chào thân thương nhân dịp đầu Năm học 2016 - 2017 và cầu chúc các con một năm học an lành, nhiều kết quả và được Chúa chúc phúc. Các con bắt đầu năm học mới trong khi trên thế giới cũng như tại Quê hương Việt Nam chúng ta đang có những sự kiện gây hoang mang và nhiều âu lo cho mọi người. Trong hoàn cảnh này, Cha tự hỏi các con có thể làm được gì cho Giáo Hội, cho Đất Nước và cho thế giới?..." (Xem bài)
2/ Cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân đã cử hành nghi thức tẩn liệm cha cố Phanxicô Xaviê Huỳnh Hữu Đặng vào lúc 08g30 ngày 09.09 tại Hội trường Tòa Tổng Giám mục TGP Sài Gòn. Ông Bà cố Phêrô Huỳnh Hữu Báo sinh hạ được bốn người con (3 trai, 1 gái), và đã hiến dâng người con cả của mình là cha cố Phanxicô Xaviê cho Chúa. (Xem bài)
5/ "Lòng thương xót của Thiên Chúa biểu tỏ trong bí tích Hòa Giải", là chủ đề của buổi gặp gỡ anh chị em Giáo lý Dự Tòng thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn diễn ra lúc 8g00 thứ Bảy, ngày 10.09, tại Nhà Truyền Thống của Trung tâm Mục vụ Sài Gòn. (Xem bài)
6/ Mục đích của buổi gặp gỡ là đón nhận sự góp ý của các ca trưởng, người đệm đàn và các ca viên về văn kiện Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc “Trong cử hành Phụng vụ: Phụng vụ là chính, Thánh ca là phụ. Nhưng không có nghĩa là không cần. Cần đúng lúc. Vì thế, khi một hành động phụng vụ chấm dứt, chúng ta không nên hát thêm nữa”. (Xem bài)
7/ Thánh lễ An táng cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Hữu Đặng, được cử hành vào lúc 08g30 sáng 12.09, tại Tòa Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Sàigòn, do ĐTGM Phaolô chủ tế cùng với hơn 100 linh mục. (Xem bài)
8/ Buổi lễ khai giảng khóa đầu tiên Cao học Thần học 2, chuyên ngành Tín Lý và Thánh Kinh của Học viện Công giáo Việt Nam, diễn ra lúc 09g00 ngày 14.9, tại trụ sở Văn phòng HĐGM Việt Nam. (Xem bài)
9/ ĐGM Giuse Đinh Đức Đạo với Viễn tượng Học viện Công giáo Việt Nam: Ngày 14.09 vừa qua HVCGVN đã khai giảng năm học 2016 – 2017 của Khóa Cao học Thần học, mà hơn nữa còn là ngày chính thức khai mào sinh hoạt của HVCGVN. (Xem bài)
10/Thánh lễ xin ơn Chúa Thánh Thần thánh hoá niên khóa 2016-2017 của Học viện Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn cử hành vào lúc 18g30 thứ Ba 20.09 tại Nhà nguyện TTMV. Huấn dụ của ĐHY nhấn mạnh các tác động của Lời Chúa trên trí khôn và con tim, giúp các tín hữu biết cách đối thoại, phục vụ, trưởng thành, cao thượng, quảng đại, tạo tương giao trong sáng. (Xem bài)
Tâm tình cuối tháng
Trước tình hình thế giới đang có nhiều biến chuyển có thể dẫn đến chiến tranh, lời Đức Thánh Cha Phanxicô khi tham dự “Ngày Thế giới cầu nguyện cho hoà bình” diễn ra tại Assisi càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết: "Kẻ kêu cầu Danh Chúa để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh thì không đi theo con đường của Thiên Chúa."
Trong cuốn sách mới xuất bản của Đức nguyên giáo hoàng Bênêđictô XVI, “Những cuộc trò chuyện cuối cùng”. Ngài, nay đã 89 tuổi, bình tâm nói về cái chết: “Chúng ta phải dọn mình để chết. Không phải là hoàn tất một số việc, nhưng là sống sao để chuẩn bị cho cuộc phán xét cuối cùng trước mặt Chúa”.
Nguyện cho nhân loại biết chuẩn bị cho ngày về nơi vĩnh cửu thay vì lo tranh giành đấu đá nhau vì những vật chất phù du ảo ảnh nơi quán trọ trần gian.
Cầu xin Chúa Thánh Linh gìn giữ và nâng đỡ con người yếu đuối của chúng con. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm