Định lượng tình yêu Chúa
Mình và Máu Chúa là bí tích Thánh Thể mà mỗi chúng ta thường đón nhận như là một nghi thức trong mỗi Thánh lễ, bất ngờ tôi lại tự hỏi: “Khi rước Mình và Máu Thánh Chúa -Ngài đã biến đổi gì trong bạn?” Câu hỏi này được bật ra lại khởi sự cho câu hỏi tiếp:
Tại cùng một thời điểm trong cuộc sống, rất nhiều khi chúng ta phải lựa chọn giữa những cái thiệp: dự tiệc Chiên Thiên Chúa mà Ngôi Lời mời gọi và những cuộc chào đón rất đời khác: sinh nhật, đám cưới. Và chúng ta đã nghiêng về ai? Trả lời những câu hỏi có tính đối kháng cao, chúng ta dễ định lượng lòng mến của bản thân với Chúa Kitô.
Lịch sử bí tích Tình yêu
Nhận thức của con người về thế giới quanh mình thường theo qui tắc: từ tổng quan đến chi tiết, từ đơn giản đến phức tạp. Cũng theo thể thức này và giống như bao mầu nhiệm khác, nhằm mặc khải về mầu nhiệm rất đặc biệt này, Thiên Chúa đã lập trình theo tuần tự từ rất xưa. Thời của ông Môsê đưa dân Do Thái ra khỏi đất Ai Cập, giữa sa mạc Xinai chỉ có nắng và cát, Ngài đã cho Mana từ Trời xuống như là một thứ lương thực hằng ngày nuôi sống dân Người. Một thứ lương thực được ban cho nhằm nuôi dưỡng phần xác, để con người nhận thấy lòng thương yêu bao la mà Thiên Chúa dành cho con cái Người.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu lại lập lại phép lạ này 2 lần (Mt 14, 13 và 15, 32): phép lạ hóa bánh ra nhiều. Nhưng đây vẫn là một phép lạ để phục vụ phần hữu hình và qua đó Chúa muốn bày tỏ một thứ mầu nhiệm khác bao la, siêu nhiên hơn. Có một chi tiết đáng chú ý, trước lúc làm 2 phép lạ này, Chúa “cầm lấy bánh ngước mắt lên Trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra rồi trao cho các tông đồ”. So với nhiều phép lạ khác, cử chỉ “ngước mắt lên Trời, dâng lời chúc tụng” là khá đặc biệt. Hành động này được thấy duy nhất ở một lần khác khi Ngài cho Ladarô đã chết 4 ngày rồi sống lại (Ga 11, 1), nhưng với lời đối thoại khác “lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời con”. Đây là 2 phép lạ mà Chúa Giêsu viện dẫn tới Chúa Cha trước khi quyết định, điều này nói lên ý nghĩa cực kì đặc biệt về tính chất của 2 phép lạ trên.
Trước ngày chịu nạn, khi Chúa Con chuẩn bị về lại với Chúa Cha, Ngài đã lập bí tích Mình và Máu Thánh Chúa. Và lần này, hàm ý sâu xa được tỏ ra. Đây là một phép lạ vô hình, hay còn gọi là sự mầu nhiệm. Phép lạ này tạo ra thứ bánh không phải như 3 phép lạ trên mà tạo ra nguồn mạch nuôi dưỡng sự sống thần linh - phần hồn. Đón nhận Thánh Thể nghĩa là Kitô hữu trở thành đồng huyết nhục, đồng thân thể với Đức Kitô như cành nho kết liền với cây nho. Và nhờ thế chúng ta có thể nói Chúa Giêsu sống trong tôi và tôi được đồng hành cùng Ngài trong lời nói và hành động. Và hệ quả là, những ngành nho sẽ sinh nhiều hoa trái.
Con người là một thực thể được cấu thành từ 02 phần xác - hồn. Nếu chúng ta xác tín rằng phần hồn là quan trọng hơn phần xác và nếu một ngày chúng ta cần 2 bữa cho phần xác thì chí ít chúng ta cũng cần một bữa cho phần hồn, là một khẳng định.
Tôi là ai?
Nhà thờ nơi tôi đang sinh sống có khoảng 1000 giáo dân. Thánh lễ ngày thường sáng chiều ước chừng 100 giáo dân dự, trong số đó khoảng 60 người rước lễ. Phụ nữ đông hơn đàn ông, người già nhiều hơn trung niên. Thanh niên ít nhất. Tỉ lệ dự bí tích Thánh Thể hằng ngày tại đây 6%. Các nơi khác có thể lên tới 20%. Trong 6% này, họ suy nghĩ về điều gì khi rước Chúa vào lòng là một câu hỏi lớn? và “Chúa đã biến đổi họ như thế nào qua bí tích này?” chắc lại là bất ngờ. Tôi đã từng nát óc đôi lần bởi đoạn Tin Mừng sau:
"Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây, Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” (Mc 12, 28-34). Chúng ta cần tìm hiểu từ “hết” ở đoạn trên trong Anh ngữ. (Jesus replied, 'This is the first: Listen, Israel, the Lord our God is the one, only Lord, and you must love the Lord your God with all your heart, with all your soul, with all your mind and with all your strength.)
Nếu ta yêu mến Chúa, chưa cần dùng đến những từ “hết” (all) hay chỉ cần dùng một trong bốn cái hết trong đoạn Tin Mừng trên, theo lẽ thường của tình yêu chúng ta phải mong muốn thấy hằng ngày, mong nói chuyện, ước ao ngự vào lòng Người Yêu. Và nếu như thế không đâu bằng nhà Tạm, không đâu bằng bí tích Thánh Thể. Vì Ngài bảo "Này là mình Ta, phải thí ban vì các ngươi; hãy làm sự này mà nhớ đến Ta. Và chén sau bữa ăn, cũng như vậy mà rằng: Chén này là giao ước mới trong máu Ta, phải đổ ra vì các ngươi" (Lc 22, 19). Vậy nếu tôi, 365 ngày chỉ đón Chúa với số lượng tối thiểu 52. Con số này tố cáo tình yêu của tôi với Chúa 14% còn 86% cho thứ khác. Một ngày ngoài giờ làm, ăn, ngủ nghỉ còn 12 giờ, nếu chỉ dành 15 phút cho giờ kinh tối sáng, nghĩa là tôi chỉ nhớ đến Ngài 0.21% trong một ngày. Vậy tôi là ai trong mấy hạt giống mà Ngài đã từng gieo? Tôi như “kẻ được gieo vào bụi gai, biết nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quí khiến Lời không sinh hoa kết quả” (Mt 13, 18).
Hãy dùng trí khôn của Thần Khí để khám phá mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đoạn Tin Mừng (Mc 12, 28) với thứ tự của 4 cụm từ: hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực là một gợi ý tinh tế.
Cái hay của cụm từ “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn” sẽ giúp bạn tiến tới “yêu Chúa hết trí khôn”. Cái tuyệt của hành động “yêu Chúa hết trí khôn” sẽ giúp bạn tiệm tiến tới “yêu Chuá hết sức lực”.
Kinh nghiệm của đức tin Công giáo xuất phát từ lòng mến chứ không phải bởi tư duy là vậy.
Phát lộ bí mật tình yêu
Lúc bé, khi nghe đọc Tin Mừng các đoạn Chúa Giêsu làm phép lạ là lúc tôi rất thích thú, bởi vì lòng tự hào về một Sư Phụ quyền năng. Khi lớn hơn, cuộc sống đã có những va đập lớn nhỏ. Những lúc cơ thể rã rời, trí lực cạn kiệt, tưởng chừng bỏ cuộc, tôi muốn kêu lên “Lạy Thầy xin cứu con” như thánh Phêrô đã từng kêu cứu (Mt 14, 22), nhưng nghĩ rằng mình không may mắn để có Ngài ngồi cùng thuyền như thánh thời ấy. Có những khi cơ thể đau đớn vì bệnh tật, tôi mong ước được chạm vào vạt áo Ngài để các bệnh tật biến mất như Ngài đã từng làm cho người đàn bà bị bệnh băng huyết (Mc 5, 25). Nhưng lại nghĩ Ngài đã ẩn mình gần 2000 năm. Và những khi ấy, tôi ao ước được sống cùng thời với thánh Phêrô, được ngồi trên vệ đường mà Chúa đã từng đi qua để chữa bệnh cho người phụ nữ may mắn ấy.
Có những lúc ngồi suy tư về Ngài, một Thiên Chúa làm chủ cả không gian và thời gian. Ngài đâu phải chỉ hiện diện 33 năm sau Công nguyên tại đất nước Do thái xa tít, Ngài tồn tại mọi nơi, mọi lúc. Ngài là Thiên Chúa của sự công bằng. Vậy Ngài đang ở đâu?
Những cảm giác thích thú, những ước mơ, những thử thách, những suy tư theo thời gian cứ chồng chất lúc mơ hồ, khi rõ ràng, lúc rời rạc, khi liên tục. Tôi đã trả lời được những dằn vặt của chính mình suốt nhiều năm qua trong một Thánh lễ. Câu hỏi Ngài đang ở đâu đã có đáp án. Ngài luôn luôn bên cạnh ta, Ngài ẩn mình trong chính bí tích Thánh Thể.
Phát hiện ra mầu nhiệm này, tôi gọi đây là tuyệt đỉnh của tình yêu. Ngài đã hiến chính mạng sống mình để lập nên bí tích cao siêu, để vượt cả không gian, bất chấp thời gian để ở cạnh ta mãi mãi. Chỉ một điều còn lại, ta có nhìn thấy Ngài hằng hữu trong chiếc bánh nhỏ bé ấy hay không. Thật đúng, Ngài là Đấng hiện hữu (Xh 3, 14). Câu nói mà Thiên Chúa đã từng nói với Môsê.
Nếu chúng ta xác tín tuyệt đối, Chúa đang ngự trong phép Thánh Thể, vậy khi rước lễ là ta đã được Ngài ở trong long - Đấng là vua vũ trụ - thế thì không có điều gì trên trần gian có thể làm chúng ta không bình an, là một khẳng định. Không làm được điều này, chúng ta khó trở thành một nhân chứng của Tin Mừng. Khi máu thịt Ngài hòa quyện vào thân thể của chúng ta nghĩa là con người trở nên giống hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 26).
Thiên Chúa phán sẽ ban miền đất hứa, nhưng dân Do Thái phải trải qua 40 năm thử thách, cực khổ trong sa mạc để sở hữu nó, cũng như ông Abraham khi nhận lệnh đem con sát tế, ông Gióp chịu nhiều bệnh tật, Chúa Giêsu phải ăn chay 40 ngày và chịu cám dỗ ma quỷ. Tất cả những thử thách này là cần thiết để bổi đắp đức tin và khai sáng nhãn quan. Mầu nhiệm Thánh Thể dù đã hé lộ bí mật tình yêu của Thiên Chúa với chúng ta nhưng không phải ai cũng nhận ra trong con mắt đời thường. Các mầu nhiệm ấy không thể nhìn qua con mắt thế tục nhưng cần phải ngắm bởi một lòng mến nội tâm vô song, cần một thời gian đủ dài để chiêm nghiệm và một vài thử thách mà Ngài dùng để tinh luyện thị giác đức tin của mỗi chúng ta.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm