Đợi chờ
WGPSG -- “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.” (Tv 41,2)
Từ 5 giờ sáng thứ Ba, 05.12.2012, tại bệnh viện Trung tâm Ung Bướu, số 3 Nơ Trang Lơng, phường 7, quận Bình Thạnh, TP HCM, nhiều bệnh nhân và người thân thấp thỏm đợi chờ tới phiên được các bác sĩ phẫu thuật. Sáng nay, người bác ruột của tôi cũng mỏi mòn đợi chờ phẫu thuật khối u tuyến tiền liệt, phải đợi từ 5g00 tới 13g30 mới bắt đầu vô phòng mổ. Mọi người ai cũng nôn nao, lo lắng và hy vọng sau khi phẫu thuật sẽ được khỏi bệnh, trở về với gia đình chuẩn bị mừng lễ Noen, tết Tây và tết Nguyên đán năm Quý Tỵ 2013.
Từ câu chuyện đợi chờ trên đây, đã gợi lên nơi tôi những cảm thức đức tin sống động về tâm trạng đợi chờ Chúa Giêsu đến lần thứ hai trong tuần lễ đầu tiên của mùa Vọng. Vậy, tâm tình cốt lõi của sự đợi chờ ấy là gì?
Đợi chờ giữa đời thường
Trước tiên là sự đợi chờ của những con người đang sống giữa đời thường. Đó là sự chờ đợi của những người mẹ: mong những người con cuối tuần điện thoại về thăm, hoặc những người mẹ đậu xe trên vỉa hè trước trường học đợi con tan học về. Nhìn từ góc độ cuộc sống mưu sinh, chúng ta không thể không nhắc đến sự đợi chờ, mong mỏi trời mau sáng của những người vất vả vì kế sinh nhai, cơm áo gạo tiền của những người bán thịt cá, rau quả, bán hàng rong ở chợ, trên khắp các vỉa hè, quán xá, hay những người đi nhặt rác, lượm ve chai v.v… Nói tóm lại, ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm về sự đợi chờ trong đời. Sáng nay, chạy xe trên đường Phạm Hùng, quận 8, Tp. Hồ Chí Minh, hướng từ quận 8 về đường Nguyễn Tri Phương, kẹt xe, dừng lại ở ngã tư đèn xanh đèn đỏ dưới dốc cầu Phạm Hùng, tôi có kinh nghiệm về sự đợi chờ. Ai cũng nôn nao muốn đi thật nhanh vì sợ trễ giờ làm, giờ học của con, hoặc giờ hẹn bạn mỗi buổi sáng uống cà phê. Đợi chờ lâu, nhất là đợi chờ lúc kẹt xe dễ làm người ta cảm thấy khó chịu và lo lắng.
Vậy thì điều cốt lõi của sự đợi chờ là gì? Quả thật, đợi chờ luôn gắn liền với thời gian và đối tượng của sự đợi chờ ai hay đợi chờ điều gì. Bởi vậy, sự đợi chờ còn mang tâm thức hy vọng: hy vọng được khỏi bệnh, được buôn bán đắt, hy vọng có cơ may kiếm thật nhiều tiền để trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học thành tài v.v… Giữa đời thường, có biết bao tình huống đợi chờ. Vì gắn liền với thời gian nên đợi chờ dễ làm cho người ta bực bội khi chờ đợi một ai đó quá lâu. Thế nên, đợi chờ là cơ hội để con người rèn luyện tính kiên nhẫn trong cuộc sống hằng ngày. Vậy trong đời sống đức tin, mùa Vọng thường được gọi là mùa đợi chờ mang những cảm thức gì?
Mùa vọng: đợi chờ và hy vọng
Tiếp đến, nếu nhìn dưới góc độ tôn giáo, lịch sử dân Do Thái là lịch sử đợi chờ: đợi chờ tới ngày hồi hương khi sống lưu đày nơi đất khách, hoặc đợi chờ mưa Manna rơi xuống trong hành trình 40 năm đi về đất Hứa, và đợi chờ Đấng Cứu Tinh xuất hiện để giải phóng dân tộc mình… Dòng chảy lịch sử cứu độ ấy cho thấy dân Do Thái đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống lữ hành và chờ đợi. Nhiều lần, dân Israel chán nản, tuyệt vọng và phản bội: không còn tin vào Thiên Chúa, chạy theo những thần khác để thỏa mãn những nhu cầu tức thời cho bản thân. Thế nhưng, dân đâu biết rằng Thiên Chúa dùng sự đói khát, vất vả và tâm trạng khát khao đợi chờ để huấn luyện lòng dân: dân có thật sự tin tưởng và cậy trông tuyệt đối vào Ngài hay không? Bởi vậy, Thánh vịnh mới có câu: “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.” (Tv 41,2)
Lịch Công giáo đã bước sang năm phụng vụ mới 2013, đang ở tuần lễ đầu tiên của mùa Vọng: mùa đợi chờ và hy vọng. Các bài đọc và những bài thánh ca trong mỗi Thánh lễ mùa Vọng quy hướng tâm hồn chúng ta về Đấng Cứu Thế. Chúng ta không thể không nhắc đến sự xuất hiện của Gioan Tiền Hô, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế ra đời, cứu độ muôn dân. Hay trong mỗi Thánh lễ của mùa Vọng, mỗi Kitô hữu chúng ta thường cất cao bài thánh ca đợi chờ ngày Chúa đến: “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội. Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngày mây hãy mưa Đấng cứu đời.” Thật vậy, tâm tình cốt lõi của mùa Vọng là khao khát đợi chờ, tin tưởng và hy vọng, và hướng lòng về Thiên Chúa. Dòng lịch sử cứu độ năm xưa và dòng lịch sử hôm nay luôn chất chứa những cảm thức đức tin và tâm trạng thực tế về sự đợi chờ.
Quả thật, cuộc sống hôm nay luôn biến động phức tạp, suy thoái kinh tế, kéo theo những tất bật lo toan vì kiếp mưu sinh, những hoàn cảnh gia đình bệnh tật, nghèo đói, nợ nần chồng chất. Dù khó khăn vất vả hay đau khổ đến tột cùng, nhưng phải chăng người ta vẫn cố gắng bươn chải với cuộc sống nghiệt ngã, để hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn. Còn mỗi Kitô hữu chúng ta thì sao? Phải chăng từ những thực tế đau thương của cuộc sống, giúp mỗi chúng ta hướng lòng cậy trông và tin tưởng vào ơn Chúa? Vậy thì tâm tình cốt lõi của mùa Vọng là gì nếu không phải là tin tưởng, đợi chờ Chúa Giêsu đến để mang ngọn lửa của tình yêu thương, để thắp lên ánh sáng hy vọng, xua tan đi những bóng đêm tội lỗi, tuyệt vọng và đau khổ của cuộc sống đời thường hôm nay?
Bạn thân mến, tâm tình đợi chờ trong mùa Vọng không ở trong tư thế bị động nhưng Lời Chúa mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta một tâm thế chủ động: tỉnh thức nhìn lại bản thân, sám hối, xưng tội, và tìm lại những cảm thức thiêng liêng cho tâm hồn. Phải chăng câu hỏi cốt lõi trong mùa Vọng đối với mỗi Kitô hữu chúng ta và của con người thời đại là: “Con người hôm nay có còn tin tưởng và cần đến Thiên Chúa nữa hay không?”
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm