Đổi mới bản thân
1. Đổi mới Hội Thánh là chuyện lớn. Đổi mới xã hội cũng là chuyện lớn. Chuyện lớn nên bắt đầu từ chuyện nhỏ. Chuyện nhỏ ở đây là việc đổi mới bản thân ta.
Tôi tin việc đổi mới bản thân là điều Chúa muốn. Tôi cũng tin việc đổi mới ấy chỉ có thể thực hiện được nhờ Chúa Thánh Thần.
Nói thế không có nghĩa là bản thân tôi sẽ giữ thái độ thụ động. Trái lại, Chúa đòi tôi phải cộng tác tích cực vào hoạt động của Chúa Thánh Thần.
2. Việc cộng tác đầu tiên cần có là tôi phải thực sự muốn đổi mới. Lòng ta phải thực sự khao khát ơn đổi mới. Đó là điều kiện căn bản. Nếu chúng ta không thực sự muốn đổi mới, thì Chúa sẽ không một mình đổi mới chúng ta, công việc đổi mới sẽ không thành.
3. Điều kiện tiếp theo là chúng ta cần nhận ra những gì cản ngăn ơn đổi mới.
Nếu chúng ta khiêm tốn cầu xin, Chúa sẽ cho chúng ta thấy dần dần những cản ngăn hoạt động của Chúa Thánh Thần. Đó là những tính mê nết xấu kéo chúng ta nghiêng về đàng xấu, và những hậu quả xấu do tội lỗi đã phạm gây nên.
Cản ngăn của những thứ đó được chúng ta cảm nghiệm rất rõ ở điểm này: chúng ta dễ nếm thấy sự ngọt ngào của những giá trị phù du. Nếm một cách trực tiếp và cảm thấy hấp dẫn.
Bám vào những thứ đó rồi, chúng ta hầu như không nếm được gì, không cảm thấy gì, khi tiếp xúc với Chúa.
Vì thế, sự đổi mới của Chúa Thánh Thần đòi việc thanh luyện. Việc thanh luyện này gọi là cuộc đấu tranh với xác thịt. Bởi vì xác thịt mang nhiều khuynh hướng xấu.
Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, Thánh Phaolô viết: “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt, còn những ai sống theo Thánh Thần thì hướng về những gì thuộc về Thánh Thần. Hướng đi của tính xác thịt là sự chết, còn hướng đi của Thánh Thần là sự sống và bình an” (Rm 8,5-6).
Những gì đưa tới sự chết do tính xác thịt, cũng đã được Thánh Phaolô gọi tên. Trong thư gửi giáo đoàn Galata, Thánh Tông đồ viết: “Những việc do tính xác thịt gây ra, thì ai cũng rõ: đó là dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những điều khác như vậy” (Gl 5,19-20).
4. Đổi mới không chỉ là đẩy lùi những cái xấu, mà còn phải đón nhận những cái tốt. Những cái tốt là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Cũng trong thư gửi giáo đoàn Galata, Thánh Phaolô viết: “Hoa quả của Thánh Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).
Trong số những hoa quả kể trên, hoa quả nào phải được coi là căn bản? Chính Thánh Phaolô đã xác định, đó là tình yêu Chúa: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô gọi tình yêu Chúa là con đường trổi vượt hơn cả. “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng..., có được ơn tiên tri, có biết được mọi lễ cao siêu..., có đức tin mạnh mẽ..., có bán hết gia tài để bố thí..., có nộp mình bị thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi... Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13,1-13).
5. Tới đây, chúng ta có thể thấy việc đổi mới bản thân gồm hai việc chính. Một là đẩy ra khỏi bản thân ta những gì là xấu xa đưa tới sự chết. Hai là đón nhận vào bản thân ta những gì là tốt đưa tới sự sống, trong đó tình mến Chúa là căn bản, cao trọng hơn hết và quan trọng hơn hết.
Hai việc đó đều do Chúa Thánh Thần thực hiện. Nhưng Người đòi ta phải cộng tác vào.
Khi được đổi mới như thế, chúng ta sẽ cảm thấy mình được tự do trong tâm hồn. “Đâu có Thánh Thần Chúa, ở đó có tự do” (2 Cr 3,17). Lúc đó, chúng ta thấy trong ta có một động lực thiêng liêng thúc đẩy ta làm bất cứ sự gì Chúa muốn.
6. Tiến trình đổi mới trên đây sẽ không được thực hiện một cách máy móc. Bất cứ chi tiết đổi mới nào đều tuỳ thuộc vào việc chúng ta đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần và sự cộng tác của ta.
Trong tiến trình đổi mới thường cũng có những thử thách. Những thử thách này nhắm mục đích tôi luyện chúng ta. Vì thế, tiến trình được cảm nghiệm như nhiều bước đi qua nhiều hoàn cảnh khác nhau. Nhiều bước đi của chúng ta có thể sẽ vấp ngã. Chúng ta sẽ có kinh nghiệm về thất bại và tội lỗi. Chính lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta trỗi dậy, gục đầu sám hối và khiêm tốn hơn trong mọi cái nhìn về những người khác.
Trên con đường đổi mới, Chúa luôn luôn huấn luyện ta về trách nhiệm yêu thương kẻ khác. “Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).
Suốt dọc đường đổi mới, Chúa không ngừng nhắc bảo ta về Mầu nhiệm Thánh giá. Thánh giá là nguồn ơn cứu độ. Thánh giá là nơi vinh quang của Thiên Chúa giàu lòng thương xót được sáng tỏ. Thánh giá cũng là những gì quý giá chúng ta có thể tìm được để phục vụ Hội Thánh và nhân loại.
Đổi mới là một hành trình. Dần dần Chúa đưa ta tới mức độ trưởng thành thiêng liêng. Thái độ trưởng thành ấy được nhận ra ở những nét đạo đức, mà Thánh Phaolô kể ra sau đây: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).
Những nét đạo đức trên đây làm chứng về một chân lý cội nguồn, đó là Chúa Giêsu ở trong ta. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
7. Với những nhận thức trên đây, chúng ta giờ đây nhìn vào bản thân chúng ta và Hội Thánh Việt Nam chúng ta. Chúng ta có thấy việc đổi mới nơi chúng ta được thực hiện đúng hướng hay không? Chúng ta hy vọng là có. Nhưng cũng có bằng chứng để phải lo ngại. Bởi vì tình hình nhiều nơi xem ra đang xấu đi. Có hăng say đổi mới về nhiều mặt, nhưng lại ơ hờ về đổi mới bản thân. Tinh thần thế tục thì được đón nhận nhiệt tình, đang khi tinh thần Phúc Âm thì bị bỏ qua. Đáng lẽ phải đẩy ra khỏi mình những tính mê nết xấu, thì lại nhập thêm vào nhiều thói xấu mới. Trong những liên đới với tha nhân, đáng lẽ phải có chiều kích siêu nhiên của tình yêu Chúa, thì xem ra chỉ còn chiều kích tự nhiên. Trong những hoạt động tôn giáo, đáng lẽ phải tỏ hiện tính cách linh thiêng, thì như chỉ còn phô trương những giá trị phàm tục. Đạo đức siêu nhiên xuống, đạo đức nhân bản cũng xuống.
Không phải mọi người mọi nơi đều là thế. Nhưng số người số nơi như thế không phải là ít.
Hôm nay hơn bao giờ hết, chúng ta hãy nhớ lại những cảnh báo của Đức Mẹ Fatima. Xin Mẹ thương đến chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa mà sớm đổi mới bản thân, kẻo sẽ quá muộn.
+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm