Đời sống gia đình: Một nỗi lo
WGPSG -- Đứng trước một lựa chọn, ai ai cũng phải suy nghĩ, cân nhắc và cả cầu nguyện nếu như người đó có niềm tin vào Thiên Chúa, vào Thượng Đế, vào Đức Phật, vào đấng mà mình tin theo. Cầu nguyện để xin các đấng trợ lực cũng như giúp sức cho quyết định của mình được chín chắn, được phù trợ, được chở che...
Hôn nhân! Mối lo, nỗi bận tâm lớn của đời người khi chọn cho mình đời sống hôn nhân gia đình. Lẽ dĩ nhiên, trước khi đi đến quyết định cuối cùng thì người đi vào đời sống hôn nhân cũng cân nhắc, trao đổi, bàn tính... Và, ai ai cũng mong cho mình nên trọn mối duyên, mong cho mình được trăm năm hạnh phúc, được sống với nhau cho đến ngày "răng long đầu bạc". Thật ra, đó là khát vọng rất chính đáng và là niềm mơ ước của những ai đi vào đời sống hôn nhân gia đình.
Thế nhưng, đứng trước đời sống hôn nhân gia đình ngày hôm nay, thi thoảng dừng lại để kiểm thảo, để nhìn lại thì thấy nó có nhiều vấn đề, hay nói gần hơn, có quá nhiều vấn đề. Quá nhiểu vấn đề, bởi lẽ, khi đời sống kinh tế xã hội mở ra, thì nó cũng ảnh hưởng không ít trên đời sống hôn nhân gia đình.
Người ta nói, nghèo có cái khổ của cái nghèo và giàu cũng có cái khổ của cái giàu. Không sai, bởi vì cũng có thể do cái nghèo nó làm cho gia đình tan vỡ và cũng có thể cái giàu nó làm cho gia đình tan vỡ. Và như thế, khi đối diện với đời sống gia đình, người ta cần phải cân nhắc hơn trước khi quyết định.
Một người trẻ tìm đến gặp tôi để tỏ bày chia sẻ. Anh chàng năm nay tuổi cũng không quá lớn nhưng cũng không phải là còn nhỏ để không nhìn thấy thực trạng của gia đình anh. Nói chuyện về gia đình mà hai hàng nước mắt cứ như muốn trào ra. Anh ta nói rằng không phải đến ngày hôm nay bố mới làm khổ gia đình. Bao nhiêu năm rồi và phải nói là lâu lắm rồi, gia đình cứ cắng đắng, cứ lục đục hoài. Số ngày gia đình anh hạnh phúc đếm trên đầu ngón tay.
Trong nghẹn lời, anh nói rằng chẳng hiểu sao bố nằng nặc đòi ly dị với mẹ dù cho mấy anh em trong nhà van xin bố hết lời. Chàng trai trẻ cầu nguyện cũng như thuyết phục bố nhưng không được. Cuối cùng, gia đình đồng ý theo ý của bố là để bố ly dị mẹ như là giải thoát cho mẹ.
Chẳng biết nói gì với em cả. Chỉ biết nói lời chia buồn cũng như an ủi em, và nói với em là hãy cố gắng vượt qua cú sốc quá lớn này. Hãy cố gắng làm cho mọi chuyện qua đi, bởi vì giờ này suy nghĩ cũng không giải quyết được chuyện gì. Hãy cố ăn uống, ngủ nghỉ cho diều độ để còn giữ sức mà đi làm nuôi mẹ.
Bóng em đã xa khuất nhưng hình ảnh con người đang đau khổ của em vẫn còn mãi trong tôi. Ba mẹ lấy nhau hơn ba chục năm chứ đâu phải mới mẻ gì để giờ này lại nói lời chia tay. Thật không thể hiểu được.
Một đôi bạn không gần mà cũng không quá xa, bởi lẽ cũng có một mối tương quan nhất định nào đó trong một khoảng thời gian. Gia đình đang ấm êm hạnh phúc, bỗng đến một ngày kia nghe đâu giữa họ có những chuyện xích mích. Họ cũng đã nhờ vài cha thân quen đến cho họ tỏ bày vướng mắc của nhau. Các cha cũng đã cố gắng hết sức khuyên nhủ cũng như thêm lời cầu nguyện cho mối tương quan của cả hai còn mãi vì dẫu sao họ cũng đã nên nghĩa vợ chồng, và đặc biệt, đã thành hôn với nhau trong bí tích Hôn Phối.
Câu chuyện của đôi bạn cũng đến tôi, và khi hỏi thì được nghe, nhưng khi nghe thì mỗi người đưa ra cái lý của mình. Nghiệt ngã một cái là ai cũng cho cái lý của mình đúng để không tìm được tiếng nói chung trong đời sống vợ chồng. Cũng chỉ biết thêm lời cầu nguyện để cho họ đi qua cơn khủng hoảng lớn này trong đời sống gia đình mà họ đang gặp phải.
Đây cũng chỉ là hai trong nhiều gia đình đang đứng trước cửa ngõ của chia ly. Thật ra thì tôi cũng như ai đó đứng ở bên ngoài, cũng chỉ thấy, cũng chỉ nghe lý luận họ đưa ra để đi đến quyết định ly dị. Tôi, cũng như những người thân, không sống trong gia đình của họ nên thật sự cũng không thể nào hiểu được bên trong cũng như không biết được ai đúng ai sai. Giờ chỉ biết là họ đang căng thẳng và chờ ngày ra tòa.
Nỗi đau của những gia đình gần gũi thân quen đó cũng chính là nỗi đau của bản thân tôi. Nỗi buồn của gia đình họ cũng là nỗi buồn của tôi, bởi lẽ một cách nào đó tôi cũng có lien quan với gia đình trong tư cách là bạn bè, là thân hữu. Khi họ chia ly như thế làm sao tôi tránh khỏi những nghĩ suy, những nỗi lòng trăn trở.
Nhìn những gia đình đó lại nhìn những gia đình đang bước vào đời sống hôn nhân gia đình. Không bi quan để cứ nghĩ đến chuyện chia ly như hai gia đình trên đây nhưng cũng không nên lạc quan tếu trước khi cùng nhau đi đến quyết định sống chung với nhau, bởi vì không chỉ ràng buộc ngoài đời qua tờ giấy đăng ký kết hôn mà nó còn gắn kết với nhau nơi bí tích mà không bao giờ phá vỡ được theo luật Chúa và Hội Thánh.
Nhìn những gia đình đó lại bận tâm, lại nghĩ suy cho những đôi bạn đang tìm hiểu, đang tiến tới. Vẫn chỉ cầu mong cho họ được trăm năm hạnh phúc, vẫn chỉ mong cho họ sống với nhau cho đến ngày bạc đầu rụng tóc răng long.
Để có được cái mong, cái ước nguyện đó, các bạn trẻ cần phải ngồi lại với nhau để tìm hiểu, để trao đổi, để sẻ chia, và đặc biệt, là phải cầu nguyện trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Nếu như chỉ đến với nhau với cái vẻ bên ngoài, với tiền bạc, với danh vọng, với địa vị... thì thật là đáng tiếc. Nếu đi đến quyết định một cách chóng vánh thiếu nghĩ suy cũng như cân nhắc, và đặc biệt, là cầu nguyện thì e rằng đời sống hôn nhân cũng sẽ rất éo le và chông chênh.
Hôn nhân không chỉ một ngày một bữa, một tháng một năm hay mười hay hai mươi năm nhưng là chặng đường dài cho đến cuối cuộc đời. Cầu mong và nguyện chúc cho những ai đang bước vào đời sống hôn nhân gia đình hãy thận trọng, cân nhắc, suy nghĩ, đặc biệt là cầu nguyện xin Chúa chúc lành và thánh hóa cho mối tình của mình, cho gia đình của mình. Chỉ như thế, ta mới mong và sống được đến ngày cuối của cuộc đời trong tình yêu và ơn nghĩa của Thiên Chúa là Vua của Tình Yêu.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm