Duật bạng tương tranh, ngư nhân đắc lợi
Truyện kể, thời Chiến quốc (453~221 TCN) bên Trung Quốc, nước Tần mạnh nhất, luôn dùng sức mạnh của mình xâm chiếm các nước yếu. Các nước yếu cũng thường đánh nhau. Lần kia, nước Triệu tuyên bố đánh nước Yên. Vua Yên nhờ Tô Đại làm thuyết khách, đến Triệu thuyết phục vua Triệu đừng đánh Yên.
Đến Hàm Đan, Tô Đại gặp Triệu Huệ Văn Vương. Vua Triệu biết Tô Đại đến làm thuyết khách, nên cố ý hỏi: “Tô Đại, khanh từ nước Yên đến nước Triệu để làm gì?”
“Tâu Đại Vương, thần đến để kể truyện cho Đại Vương nghe.”
Vua Triệu ngạc nhiên: “Kể truyện? Kể truyện gì?”
Tô Đại mới kể: “Trên đường đến nước Triệu, đi qua Dịch Thuỷ, thần thấy một con trai mở hai vỏ ra, phơi nắng bên bờ sông. Một con cò đến mổ thịt con trai. Con trai liền dùng hết sức lực đóng vỏ lại, kẹp cứng mỏ con cò. Cò nghĩ: “Không sao, hôm nay không mưa, mai không mưa, mi phải chết khô, giờ đó mới ăn thịt mi.”
Con trai cũng không chịu thua, nó nghĩ: “Không sao, mỏ mi hôm nay không rút ra được, mai không rút ra được, mi cũng chết, ai thắng ai bại còn chưa biết.” Con trai và cò không nhường nhau. Một ngư ông đi qua bắt được cả hai một cách dễ dàng.”
Kể truyện xong, Tô Đại mới nghiêm túc nói với Triệu Huệ Văn Vương: “Tâu Đại Vương, nghe nói Triệu sắp phát binh đánh Yên, nếu việc này là thật, thì Tần sẽ là ngư ông.” Triệu Vương thấy có lý, bèn bỏ ý định đánh nước Yên.
Từ ngụ ngôn này chúng ta ý thức được, người có đầu óc thì bất kể làm việc gì, trước khi hành động, đều phải suy nghĩ chu đáo, xem xét toàn diện, cân đo lợi hại. Nếu không, sẽ là “bạng duật tương trì”.
Thành ngữ “Duật bạng tương tranh, ngư nhân đắc lợi”[1] không dừng lại trong ý nghĩa giáo dục mà đã trở thành một kế trong 45 kế[2]. Đây là một kế dùng sức người đánh sức người. Những vị lãnh đạo biết nghệ thuật mưu mô, đều rất rành mưu kế này. Có hai ví dụ:
1. Thiệu Hưng năm thứ 7 (năm 1137), Tống Cao Tông muốn dùng Tần Cối làm tể tướng, vì sợ quần thần phản đối, nên hỏi thử Trương Tuấn, Trương Tuấn nói thẳng rằng Tần Cối mưu mô nhiều không nên dùng. Cao Tông bèn dùng Triệu Đỉnh làm tể tướng. Tần Cối rất tức về việc này.
Để ly gián quan hệ mật thiết giữa Trương Tuấn và Triệu Đỉnh, Tần Cối nói với Triệu Đỉnh: “Trương Tuấn từng cản Vua lập anh làm tể tướng.” Từ đó, Triệu Đỉnh bất mãn Trương Tuấn. Tần Cối lại nịnh hót Triệu Đỉnh. Thiệu Hưng năm thứ 8 (năm 1138) dưới sự ủng hộ của Triệu Đỉnh, Tần Cối được thăng làm hữu tướng.
Mấy tháng sau, Tần Cối đẩy Triệu Đỉnh ra khỏi triều đình, một mình nắm hết quyền hành trong tay. Về già, Triều Đỉnh và Trương Tuấn gặp nhau tại tỉnh Phúc Kiến, bàn đến việc này, mới biết Tần Cối tạo mâu thuẩn giữa hai người, Tần Cối được hưởng “ngư ông đắc lợi”.
2. Tháng 01/1966, thủ tưởng Ấn Độ Shastri qua đời một cách đột ngột. Các đảng phái Ấn lập tức tiến hành tranh ghế thủ tướng. Thời đó, có khả năng lớn nhất là ông Morarji Desai và quyền thủ tướng Gulzari Lal Nanda. Trong các đảng phái, bà Indira Gandhi có ưu thế đặc biệt, nhưng thực lực chính trị không lớn, nhưng bà quyết định ra tranh cử.
Sau khi phân tích tình hình, bà quyết định không tiến hành vận động tranh cử gì hết, nhưng để hai đối thủ kia tranh giành trước, chờ khi hai đối thủ đều bị thương, sức lực bị hao mòn rồi mới ra tay. Ông Morarji Desai kiêu ngạo, cố chấp, nghĩ rằng ghế thủ tướng nhất định thuộc về ông. Đảng Syndicat muốn ngăn cản ông Desai, chọn ông Gulzari Lal Nanda ra làm ứng cử viên hầu đánh bại ông Desai.
Các phe phái cạnh tranh, đấu đá nhau rất quyết liệt, sứt mẻ rất lớn, không thể dung hoà được nữa. Còn bà Indira chưa bị công kích, hình ảnh còn rất tốt giữa công chúng, lúc này bà mới ra tay.
Bà nắm lấy thời cơ, bắt đầu vận động tranh cử. 10 phe nhóm của đảng cầm quyền đều ủng hộ bà. Ông Nanda thấy vậy bèn rút lui. Ông Desai thóa mạ bà Indira, nhưng bà vẫn khiêm tốn thủ lễ, dân chúng rất thích phong độ của bà. Trong lần bầu cử này, bà trúng cử làm thủ tướng.
Gần đây, xung quanh sự kiện Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt từ chức, dư luận Giáo Hội tại Việt Nam, cả trong và ngoài nước đều xôn xao. Những người đồng đạo tranh cải, chửi bới, châm biếm, chỉ trích, đổ lỗi cho nhau...
Hỡi anh chị em rất thân yêu trong Chúa Kitô của tôi ! Xin mọi người bình tâm suy nghĩ lại, chúng ta có trúng kế “ngư ông đắc lợi” không?
-------------------------------
[1] Duật bạng tương tranh, ngư nhân đắc lợi: 鷸蚌相爭, 漁人得利: (1). (Nghĩa đen) Trai cò giành nhau phần thắng khiến ngư ông được lợi. (2). (Nghĩa bóng) Sự tranh chấp kéo dài giữa hai bên, khiến cho người thứ ba được hưởng lợi.
[2] Tam thập lục kế là quyển sách tóm tắt về ý nghĩa của 36 kế lưu truyền trong binh pháp, nhưng năm 2000, ông Lưu Khải Phong đã sưu tầm và bổ sung thành 45 kế, kế “Duật bạng tương tranh, ngư nhân đắc lợi” là kế thứ 21.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm