Đức tin cần được cật vấn
Như Hồn Trong Xác
Chương 6: ĐỨC TIN CẦN ĐƯỢC CẬT VẤN
(Ga 9,1-38)
Trong Tin Mừng thánh Gioan, có hai bài tường thuật mà tôi thấy tuyệt vời nhất, đó là câu chuyện về người phụ nữ Samari (4,7-42) và về người mù từ thuở mới sinh (9,1-38). Cả hai bài đều được dùng trong phụng vụ Mùa Chay. Qua dẫn dắt câu chuyện thật khéo léo, thánh Gioan mô tả tài tình bước tiến của đức tin như một sự tăng trưởng dần dần, từ tiếp xúc bên ngoài đến gắn bó bên trong, từ biết “khách quan” bằng trí khôn đến biết bằng cảm nghiệm thâm sâu với trọn con người mình, hoặc biết nhờ nghe kẻ khác đến tự mình tuyên xưng và gắn bó với Chúa Giêsu như một chọn lựa của bản thân. Trong tiến trình đức tin này, môi trường sống chung quanh cũng có một vai trò quan trọng. Trong trường hợp người mù từ thuở mới sinh, vai trò ấy đặc biệt “lý thú”, cung cấp nhiều chất liệu cho ta suy nghĩ.
Môi trường xã hội: quần chúng
Câu chuyện người mù được Đức Giêsu chữa lành gây một tiếng vang lớn. Chuyện lạ đời quá đến nỗi điều vốn là sự kiện hiển nhiên nhưng dư luận vẫn không thể nhất trí là có thật. Người này nghi vấn: “Kẻ được chữa lành phải chăng là chính anh mù trước kia vẫn quen thấy ăn xin?” Kẻ kia quả quyết chắc chắn: “Đúng nó!” Nhưng những người khác lại nói: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào đó giống hắn thôi!” Trước dư luận chia rẽ như thế, người mù được chữa lành quả quyết: “Chính tôi đây.” Bà con muốn biết anh ta được sáng mắt như thế nào. Anh liền kể lại đầu đuôi sự việc một cách khách quan, không thêm một chi tiết nào cho thấy anh cảm thấy thế nào hay suy nghĩ gì (chủ quan) về sự lạ xảy đến cho mình hoặc về con người đã chữa lành mình, anh nói: “Người tên là Giêsu” đã làm “như thế”, đã nói với tôi “như kia”, và tôi đã làm “như vầy” v.v. Họ muốn biết thêm “ông ấy” bây giờ ở đâu, có lẽ là để có dịp “kiểm tra” trực tiếp xem lời nói của anh “cựu mù” có đúng không, nhưng anh này đáp: “Tôi không biết.” Ở múc độ thứ nhất này, ta thấy : dư luận “chất vấn” anh mù chỉ vì tò mò mà thôi nên anh ta không bị bó buộc phải bày tỏ THÁI ĐỘ riêng của mình ra; vả lại, căn cứ vào câu trả lời cho dư luận thì anh ta cũng còn mù mờ về Đức Giêsu, và không cảm thấy phải tìm hiểu thêm về Người.
Môi trường gia đình
Nhưng chuyện của anh mù (xin được gọi như thế cho gọn) sắp trở nên gay cấn vì nhóm Pharisêu đã vào cuộc. Lâu nay càng lúc họ càng phải điên đầu với cái ông Giêsu này, bây giờ lại thêm một chuyện lạ này nữa khiến thiên hạ khắp nơi bàn tán, không khéo rồi người ra sẽ đi theo ông ta hết! Vì thế họ đã quyết định trục xuất ra khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Mà nhìn nhận Đức Giêsu đã mở mắt cho người mù, tức là gián tiếp tuyên xưng Người là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai. Đối với bất cứ người Do Thái nào biết rõ Kinh Thánh, thì lý luận này là hoàn toàn hợp lý, hoàn toàn “lô-gích”. Vậy người Pharisêu muốn dập tắt dư luận bất lợi cho mình bằng cách chặn nó ngay từ gốc, nghĩa là từ chính anh mù và từ gia đình anh mù. Hai cuộc chất vấn sẽ được họ tổ chức với anh ta và một cuộc với cha mẹ anh.
Với hai ông bà này, họ hỏi anh bị mù từ khi mới sinh có phải là con của họ không, và làm sao bây giờ anh lại nhìn thấy được? Câu hỏi đầu không khó để trả lời : “Đúng, nó là con của chúng tôi, và nó thật sự bị mù từ khi mới sinh ra”; nhưng câu sau, họ cảm thấy có cái bẫy gài trong đó. Tất nhiên, họ đã nghe con kể lại đầu đuôi sự việc rồi, nhưng họ sợ, nếu thuật lại cho mấy ông Pharisêu này mà không khéo thì sẽ bị liên lụy vào và sẽ rắc rối lắm! Thế là họ nói: “Làm sao bây giờ nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” Câu trả lời thượng sách! Chúng tôi không biết. Thật ra thì chúng tôi biết, nhưng chúng tôi sợ mấy ông!
Tôi tự hỏi: anh mù nghĩ gì về bố mẹ mình khi biết các đấng sinh thành đã tìm cách lẩn tránh sự thật và không dám công khai đứng về phía mình như thế, lại còn cố tình đẩy mình vào vòng nguy hiểm? Không phục họ, đó là cái chắc rồi! Nhưng khi bị buộc phải tự mình chịu trách nhiệm về mình trước mặt người Pharisêu quyền thế và đe dọa, anh cũng buộc phải có một thái độ rõ ràng, dứt khoát hơn, hoặc nói theo Kinh Thánh, anh ta sẽ “có dịp làm chứng” (x. Lc 21,13)… Theo cách nhìn này, thì thái độ hèn nhất của cha mẹ cũng vẫn có ích cho anh.
Đứng trước quyền bính
Ra trước những người Pharisêu là ra trước quyền bính, - quyền bính phần đạo nhưng thực tế cũng là quyền bính phần đời, vì nhà cầm quyền Rôma ít khi can thiệp vào những chuyện dù là ngoài phạm vi tôn giáo nhưng không mang ý nghĩa chính trị lớn.
Lần thứ nhất, người Pharisêu cũng hỏi anh ta một câu gần giống như những người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ngồi ăn xin: làm sao anh nhìn thấy được? Và câu trả lời của anh cũng không có gì mới lạ, cũng mô tả sự việc một cách vô tư bình thản. Nhưng tác giả Gioan thêm một chi tiết: việc Chúa chữa lành người mù xảy ra trong ngày sa-bát, ngày hưu lễ, ngày cấm người ta làm việc. Và đó là yếu tố quan trọng để người Pharisêu kết luận: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát”. Nhưng cũng có người trong nhóm họ thắc mắc: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như thế?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt anh?”
Bây giờ thì không thể an toàn núp vào trong những sự kiện khách quan nữa rồi. Câu hỏi đặt anh mù vào cái thế phải chọn lựa: chọn lựa sự thật hay sự gian dối, lòng tự trọng hay sự hèn nhát, bày tỏ lòng biết ơn đối với người đã cứu giúp mình và chứng thực cho ngài hay phủ nhận ân huệ đã nhận được. Câu hỏi đã cho anh dịp để hiểu về Đức Giêsu cách chính xác hơn: trước đây anh chỉ nói “người tên là Giêsu”, nay anh tuyên xưng: “Người là một vị Ngôn sứ”. Một tiến bộ trong sự nhận biết và cả trong thái độ của anh mù về Đức Giêsu. Chắc người Pharisêu khó chịu lắm, nhưng họ không nói gì thêm, có lẽ vì giữa họ ngay lúc đó còn có sự bất đồng, đàng khác chính dân chúng đôi lúc cũng tuyên xưng Đức Giêsu là ngôn sứ.
Đã thất bại với cha mẹ anh mù, rồi cuộc chất vấn đương sự lần thứ nhất cũng chưa có kết quả mong muốn, nên lần thứ hai họ nhất quyết làm cho xong. Chủ ý của họ là tìm cách để buộc anh ta nói ra được câu: “Ông ấy là người tội lỗi”. Chỉ cần như thế thôi. Vì nếu ông ấy là người tội lỗi thì ông ta không đến từ Thiên Chúa, không phải là người của Thiên Chúa, không được Thiên Chúa nhận lời, và do đó không thể làm được dấu lạ. Chuyện của anh mù chỉ là chuyện tào lao bịa đặt.
Trong cuộc chất vấn, người Pharisêu luôn coi mình là “kẻ bề trên” và rất tự phụ: “chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi” (câu 24), “chúng ta đây, chúng ta là môn đệ ông Môsê” (câu 28). Nhưng anh mù cũng tỏ ra rất lý sự và vững vàng. Anh luôn quay về với sự kiện không thể chối cãi: tôi bị mù và nay tôi được thấy nhờ Đức Giêsu. Các vị giải thích thế nào đây? Một người làm được như thế không thể là người tội lỗi. Cuộc chất vấn trở thành cuộc tranh luận tay đôi, chính anh mù cũng đặt những câu hỏi cho những người tra vấn mình. Và càng lúc họ càng tỏ ra đuối lý và phải sử dụng tới đòn mắng nhiếc, nhục mạ phủ đầu: mày thế này, mày thế kia. Đó là cái “lý cùn” quen thuộc của kẻ có quyền thế, có sức mạnh. Và cuối cùng, họ trục xuất anh.
Về phía người mù, cuộc đối mặt này đã tạo cho anh cơ hội hiểu biết và gắn bó với Đức Giêsu hơn rất nhiều. Anh đã chấp nhận bị trục xuất để làm chứng cho Người. Thế nên, khi Đức Giêsu gặp lại anh và hỏi anh có tin Người không, anh đã mau mắn trả lời: “Thưa Ngài, TÔI TIN”. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người (câu 38).
Kết luận
Thử hỏi nếu không bị cật vấn, liệu sự hiểu biết và lòng gắn bó của người mù từ thuở mới sinh đối với Đấng đã cứu chữa mình có trở nên sâu sắc và thân thiết hơn không, liệu anh ta có trở thành môn đệ Đức Kitô không? Một môi trường sống thờ ơ lãnh đạm hay quá dễ dãi không bao giờ tốt cho đời sống Kitô hữu cả. Chúng ta luôn cần có sự cật vấn, thách thức và thậm chí chống đối cách này hay cách khác từ bên ngoài để giúp mình thức tỉnh và nỗ lực đi vào chiều sâu của đức tin.
Linh mục Nguyễn Hồng Giáo, OFM
Như Hồn Trong Xác, NXB Phương Đông (2011), tr. 41-47.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm