Đường đời Thánh giá
WGPSG -- Khai mạc Tuần Thánh và sống trong Tuần Thánh, ngẫm suy lại cuộc đời của mình nay đã mấy chục tuổi đời, đã mấy chục lần tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Nghe đi nghe lại bài Thương khó, ăn chay biết bao lần, xưng tội biết bao lần… Cuộc sống cứ mãi trôi, thời gian cũng qua đi. Hết lo cơm áo gạo tiền rồi lại đến tương lai… Có biết bao niềm vui nỗi buồn rồi cũng đã qua, còn lại chăng chỉ là những kỷ niệm. Qua bao biến cố đổi thay trên đường đời của Tôi cũng không làm Tôi thay đổi cách sống. Sống và giữ đạo như là một nghĩa vụ, đến hẹn lại đến, như thế tốt hơn. Vẻ bề ngoài nhìn thì mình sống tốt: không ăn cắp, không giết người, đi lễ đều, đọc kinh, giữ đạo tốt và tham gia các hoạt động của Giáo hội.
Trong những tháng ngày qua, truyền thông xã hội đưa tin rất nhiều về các vụ: vợ giết chồng, chồng giết vợ (rạch bụng vợ khi vợ đang mang thai), con giết cha mẹ, đâm chết người yêu (sát thủ đẹp trai), đánh bạn học chết, cần tiền giật máy laptop đâm chết người… Đường đời đau thương ấy của những người anh em (người bị hại và người hại) này thật xót thương và đau lòng, và trong suy nghĩ của người làm hại người khác rất đơn giản là “không theo đúng ý mình là giết”, đơn giản thế thôi… Nhưng có một điều giống nhau trớ trêu của những bị cáo là khi đưa ra xét xử các vụ giết người thì các bị cáo rất là bình thản, rất là khẳng khái và mạnh mẽ (trong suy nghĩ “giết người thì tôi đền mạng, có gì đâu”) nhưng cho đến khi tòa tuyên án cuối cùng là tử hình, chung thân hay mấy chục năm tù giam, thì hầu hết các bị cáo nghe xong đều khóc và nói rất chân tình với các người thân mình là: “cha ơi cứu con”, “mẹ ơi cứu con”, “cha ơi đừng bỏ con”, “mẹ ơi đừng bỏ con”… nghe mà quặn lòng, cha mẹ nào nghe xong cho dù có giận đứa con đó đi nữa cũng không thể nào bỏ mặc nó, mà không thể không tìm cách này hay cách khác để lo và cứu nó cho dẫu rằng vẫn biết việc làm ấy không thể thay đổi được bản án.
Qua những biến cố đó, cho đến hôm nay, khi Tôi nghe và đọc lại bài Thương khó của Chúa Giêsu thì nó đã đọng lại trong Tôi những lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Như thấy Chúa Giêsu thật gần với Tôi, Tôi cảm nhận Chúa Giêsu thật là con người y như ta, cũng yếu đuối và mỏng dòn. Chúa biết rõ mọi sự về đường đời của Mình, là phải chết cách nào, thế mà Ngài cũng có những giây phút cũng yếu lòng, sự giằng co của sự yếu đuối của con người và đã thốt lên bằng lời:
"Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."
"Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha."
"Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?"
Trong cuộc sống, rất nhiều lần Tôi cũng trong tình trạng căng thẳng và bị giằng co giữa cái phải và cái không phải, giữa thiện và ác, giữa thắng và bại, giữa được và mất… Cuộc chiến ấy trong tôi như xé tôi ra làm hai, bên nào cũng muốn thắng cho đến khi thân xác rã rời, mệt mỏi, và cuối cùng là một sự trống vắng và buồn tủi, và nhiều lần đã thốt lên “sao Chúa bỏ rơi con?” Rồi cuối cùng, vẫn một mình trong tuyệt vọng, nhiều khi Tôi muốn bỏ đạo và lẩn trốn mọi người.
Nhưng rồi trong cái tuyệt vọng ấy, Tôi nghe được bài hát trên điện thoại nhạc chờ của một nữ tu là bài “CHO CON VỮNG TIN” của nhạc sĩ Linh mục Roco Nguyễn Duy, vị linh mục này Tôi đã gặp nhiều lần tại Trung tâm Mục vụ Sài Gòn, trông rất bình dị sao mà ngài thể hiện bài hát này đúng tâm trạng của Tôi: hụt hẫng, mất niềm tin…
1. Con tưởng rằng con vững tin, tin vào Chúa là Cha nhân hiền, khi cuộc sống nhẹ trôi êm đềm với tháng ngày lặng lẽ bình yên. Nhưng khi đường đời gieo nguy khó, bên trời ngập tràn cơn giông tố, con lo âu lạc bến xa bờ, con mới biết rằng con chưa vững tin.
ĐK: Thì lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay, con luôn cần đến Chúa từng phút giây. Nhờ ơn Chúa, con kiên trì tín thác kể từ đây, khi an vui cũng như khi sầu đầy.
2. Con tưởng rằng con vững tin, tin vào Chúa là Cha quan phòng, khi cuộc sống toàn những hoa hồng, khắp đất trời là của mùa Xuân. Nhưng khi chạm phải gai tê buốt, khi trời vừa lập Đông băng tuyết, con than van thầm trách trong lòng, con mới biết niềm tin con rỗng không.
3. Con tưởng rằng con vững tin, trên đỉnh núi nhìn Chúa biến hình, ôi hạnh phúc thật ở bên mình, quyết sẵn sàng theo Chúa ngày đêm. Nhưng khi được gởi trao Thánh giá, con sợ mà đành tâm bỏ Chúa, con quay lưng từ chối ân tình, con mới biết niềm tin con bấp bênh.
Qua đường Thánh giá, Chúa đã cho Tôi thấy đường đời Thánh giá của Tôi không là gì, thế mà Tôi vẫn thấy rất khó khăn và chông gai. Qua đó, Tôi cảm nghiệm và nhận thấy rằng Tôi bị rất nhiều sự làm cản trở bước đi của Tôi trên đường đời khi Tôi đi với Chúa.
Những cản trở:
- Cái Tôi của mình
- Không dám chấp nhận giá trị của mình
Cái Tôi của mình: Trong thân phận con người có cái Tôi của mình, Tôi bị mù lòa và đã đánh mất chính mình, bởi vì:
+ Quyền lực và quyền lợi: Tôi tham gia công tác trong Giáo hội hầu mong có chút quyền và chút lợi. Được các đấng các bậc tín nhiệm giao cho công việc, thế là Tôi dùng quyền ấy để tập họp một số người thân tín của Tôi và kéo họ làm theo ý mình, và báo cáo lên các đấng các bậc công việc rất tốt, nhưng thực tế thì không phải thế. Các đấng bậc không theo sát nên không biết rõ. Mọi người nhìn vào công việc thấy không tốt và nhìn các đấng bậc đáng kính nên không dám góp ý thẳng thắn dẫn đến công việc trì trệ và không hiệu quả. Công việc thực hiện đồng nghĩa với việc phải chi trả tiền dẫn đến quyền lợi thì người này đố kỵ người kia và dẫn đến triệt hạ nhau; triệt hạ những người anh em thân tín đã gắn bó nhau nhiều năm tháng, đã đóng góp công sức và chất xám và ý kiến với lòng chân thật thì bị loại trừ để mong giữ được vị trí và công việc của mình đang làm. Khi đó, Tôi không biết lắng nghe ý kiến hay và nhiệt huyết của người khác. Tiền để chi trả là tiền của Giáo hội mà tiền của Giáo hội chính là tiền do công sức đóng góp của các tín hữu gom góp mà có, chứ có phải là của riêng ai.
+ Danh vọng: Nhiều khi lòng tham nuốn danh vọng trong Tôi trào lên, ngoài miệng thì Tôi nói đi làm để phục vụ Chúa nhưng thực chất bề trong là Tôi đi tìm cái Danh, qua những công việc làm đình đám, với chút ít chuyên môn, thế là Tôi được nhiều người biết đến, sự sung sướng đến tột đỉnh khi được người khác sướng tên. Có khi đã dùng công việc của Chúa để làm sáng Danh mình.
Không dám chấp nhận giá trị của mình: Mỗi người đều có một phẩm vị là Con Thiên Chúa mà ta không dám chấp nhận thân phận của mình để mãi đi tìm một giá trị khác. Có lúc đã phải mượn thân phận của người khác để che đậy cho thân phận mình. Không dám chấp nhận sự yếu đuối và yếu kém về tri thức của mình, ai nói đến sự yếu kém của Tôi là Tôi như con nhím dương các lông gai lên để phòng thủ, thay vì đón nhận và học hỏi. Hay phải khua chiêng đánh trống cho to để che lấp các lỗi lầm thiếu sót của mình “Cả vú lấp miệng em”…
“Lạy Chúa, Chúa biết con yếu đuối và đổi thay, con luôn cần đến Chúa từng phút giây.”
Tạ ơn Chúa đã cho con cảm nghiệm được Đường Thánh giá của Chúa, xin Chúa nâng đỡ, gìn giữ con và đồng hành với con đi trọn trên đường đời Thánh giá này, dẫu biết rằng còn rất nhiều chông gai và thử thách. Con Tin có Chúa luôn giúp con bước đi.
Cho Tôi xin lời cầu nguyện của mọi người.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm