Gặp "người xưa"

Gặp "người xưa"

WGPSG -- Lâu lắm rồi mới có dịp trở về hưởng gió biển. Dĩ nhiên chọn bãi tắm "tu sĩ" cho đơn giản. Nhiều người đùa vui Bãi Dâu là bãi tắm của "tu sĩ" vì lẽ giản đơn: Bãi Dâu tập trung khá nhiều dòng tu!  

Đúng với tên gọi, gần chỗ tôi có 3 người. Nghi nghi cụ già kia là linh mục! Lý đoán quả không sai. Hỏi thăm thì ra năm nay ngài 74 tuổi, đã nghỉ hưu. Dịp này đi biển cùng với gia đình người em trai và các cháu. Nói được năm ba câu thì ngài chào từ biệt vì cùng lên với người em và người cháu vì họ đang chờ.

Đang thơ thẩn bỗng nhiên một cụ già tiến lại gần. Hỏi thăm thì được biết năm nay cụ 71 tuổi! 71 tuổi nhưng vẫn còn sung sức lắm vì nảy giờ thấy cụ bơi qua bơi lại. Như một mối duyên, cụ đến và chia sẻ. Hết sức ngạc nhiên vì trong nhóm của cụ đa phần là người không phải Công giáo. Thắc mắc không hiểu sao cụ lại lọt vào bãi tắm "tu sĩ" này thì cụ từ từ giải thích: "Tôi năm nay 71 tuổi. Tôi đi chung nhóm bạn ngày xưa học ở trường Trần Lục. Hồi nhỏ học với nhau, sau này bắt được liên lạc với nhau và quy tụ lại với nhau và lâu lâu đi chơi như thế này". Ngưng một lát, cụ kể tiếp: "Trong trường thời đó, hiện giờ có một số người  ở Mỹ, gom tiền lại và lâu lâu cho anh em đi chơi như thế này. Thường thì tụ tập uống cà phê, lâu lâu đi chơi xa. Trưởng nhóm tổ chức là người đạo Công giáo. Ông ấy đang đi nhà thờ, tụi tôi tắm biển, hẹn đến giờ thì đi ăn cơm".

Thấy cụ có tuổi nhưng nói chuyện hoạt bát và vui vẻ, hỏi thăm tiếp thì cụ nói cụ là nhà giáo. Cụ nói: "Sau năm 1975, tôi đi vượt biên mấy lần nhưng không được, trở về dạy học. Tôi dạy môn Toán. Đến bây giờ cũng còn đi dạy để kiếm sống... Ngày xưa bọn tôi học ít chứ không như bây giờ... Bọn tôi được dạy rất kỹ về nhân lễ nghĩa trí tín... Sống nhường nhịn yêu thương nên mới có như ngày hôm nay, những buổi sinh hoạt như thế này. Ở bên kia họ lập nhóm gọi là nhóm Trần Lục... sinh hoạt và góp tiền về cho chúng tôi sinh hoạt ở bên đây... Tôi ngày xưa được các sư huynh Lasan dạy học. Các sư huynh dạy rất kỹ... Tôi không phải là tín hữu Công giáo nhưng tôi học trường Dòng. Trường Dòng dạy tôi nên người... Tôi thấy ngày xưa được dạy kỹ về nhân cách sống... ngày nay ra đường chỉ cần quẹt xe thôi là có chuyện... Mấy ngày nay nghe toàn là chuyện giết người cắt khúc... thấy ghê quá!..."

Mải mê nói chuyện đến giờ cơm của cụ, cụ chào từ biệt. Trước khi chia tay, cụ nói: "Hôm nay hình như là có kha khá tiền nên được đãi ở nhà hàng ngon ngon". Cụ đi khuất nhưng hình ảnh nhà giáo già còn đó. Đẹp quá hình ảnh của "người xưa".

Lâu lâu gặp "người xưa", được nghe những hoài niệm ngày xưa. "Người xưa" và những hoài niệm cuộc sống ngày xưa thật là hay. Không chỉ từ ông cụ mà hôm nay tôi có duyên gặp nhưng qua những "người xưa" mà có duyên gặp gỡ lại nghe về lối sống, giáo dục, y tế... của ngày xưa thật là hay.

Ngày xưa người ta đối nhân xử thế thật là hay. Dĩ nhiên cũng có chuyện này chuyện kia trong cuộc sống, trong xã hội, trong gia đình nhưng không như ngày hôm nay. Ngày hôm nay giữa nền kinh tế thị trường và lối sống mở đã làm cho con người ta mất đi tình, mất đi nghĩa. Ngày xưa hình như không có chuyện cha mẹ, anh chị em ruột phải đổ máu nhau vì vài ba tấc đất. Ngày xưa làm gì có cái chuyện học thêm, học bớt, học ngày không đủ tranh thủ học thêm như bây giờ. Ngày xưa làm gì mà cuộc sống nó vội vã như bây giờ đến thế! Ngày xưa và ngày xưa...

Những ngày này, Sài Thành mất đi một công trình kiến trúc cổ để làm nhà ga... và mất đi những hàng cây xanh  thật quý giá... Dĩ nhiên cũng cần đổi mới nhưng những cái gì xưa ta vẫn cần tôn tạo và trân quý.

Lối sống, đạo đức, giáo dục... ngày xưa vẫn là những hoài niệm không bao giờ quên được trong đầu của những ông già bà lão. Những người ở tuổi thất thập cổ lai hy như cụ già tôi gặp hôm nay phiền muộn cho lối sống quá nhanh của người trẻ. Phiền muộn cộng thêm phiền muộn bởi lẽ nhiều người trẻ chẳng nghĩ đến tuổi già để trân trọng các cụ. Có lẽ họ nghĩ họ không bao giờ già để họ không trân trọng những người có tuổi cũng như những cách lối sống của người xưa. Ước gì thời gian quay trở lại để được thụ hưởng nền giáo dục của ngày xưa, lối sống của ngày xưa.

Thời xưa an bình và thanh thản lắm! Ngày nay... như thế nào chắc ai ai cũng thừa hiểu…

Tuy nhiên, thỉnh thoảng lòng cũng tràn niềm vui khi đọc được những bản tin như:

“Còn nhỏ tuổi nhưng những lúc mẹ đi làm thuê cho người ta, Trí đều lúp xúp chạy theo phụ mẹ, có khi khiêng cỏ, gom củi, lùa vịt... Trí kể năm học lớp 9 thấy mẹ thường ngất xỉu do cao huyết áp lại làm thuê suốt ngày nên giấu mẹ nghỉ học đi làm phụ hồ. Đến khi mẹ phát hiện, mẹ chặt mấy nhánh mai trước nhà rọc hết lá bắt Trí nằm sấp rồi quất vào mông tới tấp, vừa quất mẹ vừa khóc và nói dù mẹ khổ trăm bề cũng không muốn con dốt nát...

Sau trận đòn đó, Trí đi học lại và càng gắng học giỏi hơn xưa. Hết giờ học, Trí xin đi làm thuê phụ mẹ từ làm cỏ, chặt mía đến bón phân, cào hến... và cam kết không để ảnh hưởng tới việc học. Em đã giữ đúng lời hứa với mẹ, ba năm học cấp III đều đứng đầu lớp. Trí đậu thủ khoa ngành quản trị kinh doanh và sư phạm Anh Trường ĐH Cần Thơ nhưng chọn ngành sư phạm để mẹ bớt gánh nặng tiền bạc.

Trong khi đó, từ bé gánh nặng gia đình dường như đổ hết lên vai tân sinh viên Võ Thị Trang (Trà Ôn, Vĩnh Long). Ba bị tâm thần, mẹ cũng ngồi một chỗ do bị teo cơ. Thầy Võ Tấn Lực, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Trang, cho biết sau giờ học Trang lại tất bật ra đồng mò cua bắt ốc để kịp giao hàng mỗi tối cho đầu mối. Có những đợt vô mùa thì sáng em ra đồng tranh thủ bắt một mớ rồi trưa đi học về bắt tiếp. Cố gắng lắm mỗi ngày Trang kiếm được chục ký cua, ốc, bán được gần 100.000 đồng lo chi phí ăn uống trong nhà và thuốc thang cho ba mẹ. “Có hôm đi học trễ, tưởng em lo bắt cua cúp tiết học nên tôi có rầy la em, hỏi ra mới biết trọn đêm đó em đi khắp xóm để tìm ba đi lang thang...” - thầy Lực bùi ngùi.” (Tuổi Trẻ)

Ước mong xã hội hôm nay cứ nhân lên mãi những điểm sáng như thế. Và cũng mong đời bớt khổ hơn...

Top