Gia đình Exluro: tĩnh tâm Mùa Chay
WGPSG -- Gia đình Exluro là sinh hoạt của những anh em đã từng được gọi và sống dưới mái trường Tiểu Chủng viện Thánh Giuse; số 6 đường Tôn Đức Thắng; nằm trên con đường cây cối thật xanh tươi, theo hàng thẳng tắp đẹp nhất nhì thành phố. Trước ngày 30/04/1975 con đường này mang tên là đường Cường Để và trước đó nữa nó được mang một cái tên là đường Lurô; do đó tất cả những anh em đi ra từ con đường này được ví von gọi là Exluro (Ex: đi ra). Và gia đình Exluro có tên gọi từ đó.
Hiện nay gia đình Exluro qui tụ các anh em vào Tiểu Chủng viện từ niên khóa 1944 đến niên khóa cuối cùng 1971. Gia đình Exluro ngày nay đông vui lắm các anh đã là những ông bố, ông nội, ông ngoại, ông cố nữa rồi, còn em út nhất cũng đã tròm trèm 50, bậc trưởng lão đã gần 80 rồi, nhưng mỗi lần gặp mặt nhau như vậy dù trong ngày truyền thống hay những lần tĩnh tâm cũng vẫn với Slogan “Anh em sum họp một nhà. Bao là tốt đẹp, bao là sướng vui.”
Ngày 14/03/2010 Chúa nhật thứ IV Mùa Chay, còn được gọi là Chúa nhật của Vui Mừng năm nay; Như thường lệ hằng năm, tại nhà Truyền thống Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận, gia đình Exluro tổ chức buổi tĩnh tâm dành cho các thành viên của gia đình để dọn mình chuẩn bị mừng ngày Đại Lễ Phục Sinh sắp tới. Năm nay, gia đình Exluro vinh dự mời được cha Piô Ngô Phúc Hậu giúp tĩnh tâm. Đúng 08g30’ sau lời giới thiệu của anh Nguyễn Trí Dũng lớp 59, cha Piô đã mở đầu buổi tĩnh tâm bằng Tin Mừng Mc 3, 20-21
Với giọng thuyết giảng trầm trầm đều đều pha chút chân chất, mộc mạc đầy chất nam bộ thật bình dị dễ lôi cuốn người nghe bằng những ví dụ thật đơn giản, rất thực tế trong cuộc sống đời thường của người Việt hiện nay; hay nhất là cha liên kết luật Do Thái ngày xưa với cuộc sống thường ngày của người Việt Nam hiện nay.
Đọc thánh kinh phải moi thôi, vì thánh kinh nói quá ít. Nên phải moi ra và cha bắt đầu
Moi Thánh Kinh Mc 3, 20-21: các thân nhân coi Đức Giêsu là mất trí
Đức Mẹ có một đứa con 19, 20, 30 tuổi không thấy lấy vợ, Đức Giêsu lại còn đi lang thang phá luật, nhưng Đức Giêsu lại nói là không có phá nhưng làm cho nó hoàn hảo thôi. Cha Pio dí dỏm: nói thật chứ Chúa Giêsu có phá luật chứ không phải không đâu, bằng chứng là:
- Môsê cho phép ly dị còn Đức Giêsu nói là không được
- Môsê nói ngày Sabát không được trị bệnh, Đức Giêsu trị bệnh tưới hột sen luôn, và còn lý luận ngày Sabát con ngựa bị sa xuống hố, con người còn kéo nó lên tại sao con người bị bệnh lại không cho chữa, chẳng lẽ con người lại thua con lừa.
- Về con vật ô uế trong chương Lêvi 11, Đức Giêsu cũng phá luôn, coi như chương Lêvi 11 vất luôn.
- Luật Môsê người phạm tội ngoại tình cho ném đá chết, Đức Giêsu còn thách thức ai sạch tội thì ném đá trước đi, còn nói với cô gái “chị về đi và đừng phạm tội nữa.”
Cha Piô kể câu chuyện cô gái mù (mắt thì tối, mặt thì sáng) mang thai ở ngoài Bắc thật là hấp dẫn.
Các Kinh sư, Pharisêu thì cứ cho rằng Đức Giêsu phá luật Môsê, còn nhập băng với những người tội lỗi, mê ăn, mê uống, nên khi Đức Giêsu trở về nhà ở Caphácnaum thì bị mang tiếng. Làm các thân nhân và Đức Mẹ cũng bị mang tiếng theo luôn.
Cha dẫn chứng những người phụ nữ Do Thái lúc bấy giờ (Cha dí dỏm về cách giận của đàn ông và đàn bà: đàn ông khi giận thì đánh nhau, còn đàn bà đâu làm được như dzậy nên chửi cho nó đã cho nó nhục thì thôi) dèm pha Đức Mẹ. Do đó, Đức Mẹ phải gánh chịu đòn dư luận nào là:
- Đàn bà chỉ có một con. (lời nguyền rủa của người Do Thái, bởi người phụ nữ lấy chồng phải có nhiều con)
- Không biết dạy con, không lấy vợ cho con (Chúa Giêsu đã hơn 30 tuổi rồi)
- Chống lại lề luật của Môsê, chống lại bề trên (người thân của Chúa Giêsu bị mất trí đó)
Điều này cha Piô cảm nghiệm được từ năm 1975 qua câu chuyện truyền giáo của một ông thầy viết thư cho một cô gái động viên tinh thần thà chết không được bỏ đạo, nhưng lại bị rơi vào tay cán bộ, nên ông cán bộ nói: truyền giáo gì các anh trai gái thôi. Bởi vì tội trai gái nó nhẹ hơn tội gián điệp.
Qua câu chuyện của Chúa Giêsu tôi đoán lúc bấy giờ các thân nhân cho là tội mất trí nhớ nó nhẹ hơn tội phá đạo, nên khi moi Mc 3,20-21 tuy không nói đến Đức Mẹ nhưng thật ra Đức Mẹ đã được nói nhiều nhứt nên vừa thương vừa tội nghiệp cho Đức Mẹ, bị quá nhiều dư luận dèm pha, rồi lời ra tiếng vô vì người con của mình. Nhưng thật lạ là Đức Mẹ vẫn dửng dưng ngay cả khi đứng dưới cây Thập Giá, Đức Mẹ vẫn bình thản chứng kiến cái chết của con mình, tại sao chịu đựng được tất cả những điều đó, bởi Đức Mẹ có một chiêu thôi, thắng tất cả đó là xin vâng theo ý Chúa. Chính vì có đời sống xin vâng nên tâm hồn được bình an.
Cha Piô moi tiếp Ga 21, 25 và Ga 20, 31
Thánh sử Gioan nói: “nếu tôi ghi lại hết những gì Đức Giêsu nói thì cả thế gian này không có chỗ mà chứa,” tôi nói với thánh Gioan rằng: Bố ơi bố cứ viết đi thế gian này rộng lớn lắm, chúng con chỉ cần một cái kho là chứa được rồi, thánh Gioan nói tiếp “chúng tôi chỉ viết bấy nhiêu để anh em tin và được cứu độ.” Tôi lại nói với thánh Gioan: Bố ơi! chúng con đâu cần cứu độ đâu, chúng con chỉ cần yêu Chúa thôi mà đã yêu Chúa rồi thì được cứu độ hay không thì tính sau. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói như thế này: “xuống hỏa ngục cũng được, miễn là được yêu Chúa thôi.” Vì khi đã yêu thì phải hiểu nhiều.
Nên phải moi Thánh Kinh thôi, mà phải moi cho khéo cho đúng phải có khoa Thánh Kinh; phải có tâm lý của người Do Thái; tâm lý, văn hóa của người Trung Đông và ngôn ngữ văn hóa của người Do Thái nữa.
Cuộc đời nên bắt chước Đức Maria: xin vâng và phó thác cho Chúa.
Trong cuộc sống đàn ông, đàn bà do Chúa sáng tạo (đàn ông hay lo chuyện lớn, chuyện nhỏ lại quên, còn đàn bà thì rất chu đáo cái chuyện nhỏ còn chuyện lớn thì không nghĩ tới) nên 2 người cần phải bổ túc cho nhau, hỗ trợ cho nhau nên quên không hỗ trợ nhau cứ làm khổ nhau hoài, biết thế đi tu cho rồi, nhưng mà ai cũng đi tu mà tu không trúng thì biết dzậy ra ngoài lấy vợ. Do đó đời không bao giờ hết cái khổ cả, chỉ biết con đường Chúa an bài cho mình vâng theo thánh ý Chúa, như các anh em đi tu nhưng chỉ đi tu tới đó thôi Chúa lại bảo ra đời, ra đời cũng là con đường của Chúa, ra đời phải lấy vợ, mà vợ không giống mình, nên mình phải hiểu điều đó.
Cha ví von đàn ông như một cái dù, cái cột trụ, cột bêtông, đàn bà như hoa bông giấy mềm xèo mà đẹp lắm, hai cái hỗ trợ cho nhau mà phải là không giống nhau mới được. Đàn ông mau quên, dễ tha thứ là một hữu thể mau quên. Đàn bà nhớ lâu là một hữu thể không quên. Nếu hiểu nhau được như vậy thì thương nhau hơn.
Cả hai đàn ông và đàn bà nên bắt chước Đức Mẹ: xin vâng thì tâm hồn mình sẽ được thanh thản, bình an.
Kinh nghiệm cha cho biết quyết tâm không buồn quá 10 giây và không sợ. Cha kể về một lần sợ nghĩ lại mắc cở quá. Đó là lần cha sợ buốt xương sống dù chỉ có nửa phút thôi. Nên cần xây dựng đức tin, có Chúa bên mình là hết sợ ngay. Khi có Chúa rồi thì không được quyền sợ, không được quyền ghét, không được giận, không nên buồn; nếu có lỡ buồn, giận, ghét rồi thì noi gương thánh Phaolô “khi mặt trời lặn là bỏ hết”
Kết thúc:
Khi đọc Thánh Kinh nên nhớ rằng Thánh Kinh quá ngắn nhiều khi ngắn quá dẫn đến buồn cười, phi lý nên phải moi ra để thấy Chúa nhiều hơn, yêu Chúa nhiều hơn vì biết càng nhiều, thì yêu càng nhiều hơn. Và hãy nhìn đến Đức Mẹ, một người không ai thương hết, bên chồng không thương, bề trên không thương, xóm giềng không thương chỉ vì một người đàn bà lấy chồng mà chỉ có một con, không đem lại vinh dự cho nhà chồng, con lớn lên không lo lấy vợ cho nó để nó đi rao giảng lung tung để cho các đấng bề trên giận cho nên Đức Mẹ lãnh đủ hết thế mà vẫn không ngã gục, không bị bệnh tâm thần; và khi Chúa thọ nạn vẫn bình thản đứng dưới chân cây Thập Giá, đứng trong tư thế hiền từ, bao dung, tha thứ nên Đức Mẹ xứng đáng là người đàn bà vĩ đại nhứt đồng thời đáng yêu nhứt, chỉ vì ngài cứ xin vâng, xin vâng là xong; vì thế chúng ta cần giải tỏa, bão hòa tất cả những nỗi buồn, nỗi lo, nỗi giận, nỗi sợ và cha mong rằng trong đời sống vợ chồng ở gia đình và trong cuộc sống xã hội chúng ta cứ bắt chước Đức Mẹ xin vâng – xin vâng và cứ quên hết đi thế là xong, các bà quên hết đi, các ông quên hết đi rồi sẽ thấy gia đình trở nên ấm cúng và việc giáo dục cho con cái cũng sẽ tốt hơn.
Xưng tội:
Bài tĩnh tâm kết thúc, gia đình Exluro thinh lặng và được xưng tội với 3 cha ngồi tòa, cha Phêrô Nguyễn Văn Võ, cha Roco Nguyễn Duy và cha Piô Ngô Phúc Hậu.
Thánh lễ:
Cha Piô dâng thánh lễ Chúa nhật thứ IV Mùa Chay cầu nguyện cho các cha giáo đã qua đời, anh em gia đình Exluro đã về nhà Chúa, và cầu bình an.
Trong phần bài giảng cha Piô phân tích Đức Giêsu đi ngược lại mục vụ Cựu Ước, đó là các thánh vịnh 100, 118, 16 Chúa phạt người tội lỗi, còn Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu dùng hình ảnh người con tội lỗi đi hoang trở về được người Cha nhân hậu đón mừng, cho mặc áo mới, xỏ nhẫn vào tay, mang đôi giầy mới, còn giết bê béo ăn mừng mà không thèm dò hỏi tội con điều gì. Đó chính là sự mạc khải trọn vẹn của Chúa Cha qua chính Con của Ngài. Đức Giêsu không loại trừ người tội lỗi mà còn đi tìm người tội lỗi để họ trở về với Thiên Chúa.
Do đó nếu hễ gặp một người lỗi lầm trở về thì cứ việc mừng đi đã đó là ý của Chúa đừng nghĩ đến chuyện trừng phạt, đừng nghĩ đến chuyện xua đuổi, đừng có loại trừ, vì loại trừ trừng phạt là sai với Đức Giêsu mà chỉ giống ông Môsê mà thôi. Vì Đức Giêsu mới là thầy, là người chúng ta theo thôi.
Cha tóm tắt như sau: tất cả các vị trong Cựu Ước, người cao trọng nhứt là thánh Gioan Tẩy Giả mà thánh Gioan Tẩy Giả đã tuyên bố rằng: Thầy đến sau tôi, Thầy cao trọng hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Thầy. Do đó những gì Môsê dạy không đúng thì bỏ đi. Chỉ có Đức Giêsu là thầy và chỉ có mạc khải trọn vẹn trong Đức Giêsu mà thôi. Nên nhiều khi chúng ta làm theo lời dạy của Môsê, của Êlia mà không hay biết nên đã đi ngược lại lời dạy của Đức Giêsu.
Buổi tĩnh tâm kết thúc lúc 12 giờ cùng ngày.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm