Giáo điểm Doi Lầu 2017
TGPSG -- Nằm ở phía đông thành phố, cách trung tâm khoảng 40 km, Giáo điểm Doi Lầu - thuộc hạt Xóm Chiếu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ - là một giáo điểm nghèo và còn rất nhiều khó khăn. Nhưng với ơn Chúa cùng sự hy sinh đóng góp của nhiều người và sự quan tâm của các Đấng Bản Quyền, ngôi nhà nguyện mới của giáo điểm đã được khánh thành vào ngày 08-07-2017 vừa qua.
Tại đây, nhiều thành phần dân Chúa đang dấn thân đem Tin Mừng đến cho dân nghèo. Đó cũng chính là đường hướng mục vụ chung của Tổng Giáo phận (TGP) Sài Gòn: đi ra vùng ven mà Loan báo Tin Mừng (LBTM) theo đề nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Ngược dòng thời gian
Trước đây, vùng đất Doi Lầu này hoàn toàn không có bóng dáng người Công giáo. Theo lời kể của linh mục (lm) Phanxicô Assisi Hoàng Minh Đức, Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT), vào năm 1999, trong một dịp tình cờ, khi từ Thành phố về cộng đoàn DCCT ở Cần Thạnh, ngài đã cho chị Sáu Nhị là một người dân nơi đây đi nhờ xe. Sau đó, ngài đã thường xuyên đến thăm gia đình chị và “kể chuyện về Chúa Giêsu” cho cả nhà cùng nghe. Năm 2001, trong dịp Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn về thăm mục vụ giáo điểm An Thới Đông, gia đình chị Sáu Nhị - gồm 7 người - đã được rửa tội. Dần dần, một số bà con trong vùng cũng xin học giáo lý để trở thành Kitô hữu.
Cùng giúp lm Phanxicô Assisi dạy giáo lý có nhóm Legio, giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp (DCCT) và Xơ Loan, Dòng Phan Sinh. Địa điểm dạy giáo lý lúc bấy giờ là nhà của anh chị Sáu Nhị. Như vậy là cách nay 18 năm, những hạt giống Tin Mừng đầu tiên đã được gieo vào vùng đất nghèo Doi Lầu này.
Năm 2000, các cha DCCT đã thỏa thuận mua lại 1.000 m2 đất của gia đình anh chị Sáu Nhị để mở rộng vùng truyền giáo, nhưng mãi đến năm 2009 mới được hợp thức hóa.
Sau đó, một số gia đình Công giáo từ nơi khác chuyển đến, đã góp phần làm nên giáo điểm Doi Lầu.
Thời bấy giờ, để tham dự Thánh lễ Chúa nhật, bà con phải ra tận nhà thờ An Thới Đông, cách xa nhà từ 8 đến 20 cây số. Đường xá khi ấy chưa được mở mang, phương tiện giao thông không có, mà bà con đều nghèo khổ, sống bằng nghề mò cua, bắt ốc, làm thuê, làm mướn. Trăn trở trước những khó khăn của giáo dân, sau khi mua đất, Cha Phanxicô Assisi đã tân trang lại căn chòi lá có sẵn của người nuôi tôm để làm nơi dâng lễ. Chính vì thế mà mọi người vẫn quen gọi là “chòi thờ”.
Lúc đầu, cứ 2 tuần mới có 1 Thánh lễ Chúa nhật. Ba tháng sau, mỗi tuần có 1 Thánh lễ Chúa nhật. Sau một năm, mỗi tuần có Thánh lễ vào thứ Năm và Chúa nhật.
Ngày 30.04.2010, với sự hỗ trợ của nhóm Legio, giáo xứ Lam Sơn, “Chòi thờ” đã được sửa chữa lại bằng vách gạch và mái tôn. Lúc đó, số người theo đạo đã tăng lên được 14 gia đình, với 26 giáo dân.
Trong dịp Năm Thánh của Giáo hội Việt Nam, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam (1960-2010), giáo điểm Doi Lầu đã chọn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam làm bổn mạng. Đã có 10 người được rửa tội tại Doi Lầu trong Thánh lễ do Cha Phanxicô Assisi cử hành vào dịp Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam 2010 này.
Sau đó, giáo điểm tiếp tục xây hàng rào xung quanh khu đất nhà nguyện, trồng xả, làm các chòi lá để dạy giáo lý, tiếp khách...
Từ khi được thành lập đến nay, giáo điểm đã được các lm DCCT chăm sóc mục vụ: lm Phanxicô Assisi Hoàng Minh Đức, lm Giuse Nguyễn Bá Long, lm Giuse Lê Chiếu Khắp. Các cha rất nhiệt tâm trong công việc truyền giáo nhưng gặp quá nhiều khó khăn: Bà con nghèo, phải lo miếng cơm manh áo, thiếu phương tiện đi lại; các vị mục tử thì phải kiêm nhiệm công việc mục vụ cho nhiều nơi, không thể hiện diện thường xuyên tại giáo điểm…
Trang sử mới
Từ tháng 10-2016, quý cha Dòng Chúa Cứu Thế trao lại giáo điểm Doi Lầu cho Tòa Giám mục (TGM) Sài Gòn, và cha phụ tá Xóm Chiếu Giuse Nguyễn Văn Khiêm được cử đặc trách giáo điểm. Cha đã bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà nguyện mới (12m x 14 m, cao 10m) bằng bê tông và những vật liệu nhẹ, nhưng khang trang và mỹ thuật. Phòng học giáo lý cũng được xây dựng, cùng với máy lọc nước tinh khiết để phục vụ bà con, bất kể lương giáo.
Ngày 09-07-2017, ĐGM phụ tá TGP Sài Gòn Giuse Đỗ Mạnh Hùng và cha Tổng Đại diện Inhaxiô Hồ Văn Xuân đã về cắt băng khánh thành nhà nguyện mới. ĐGM Giuse đã nhắn nhủ cộng đoàn: Ngoài việc thờ phượng Thiên Chúa, nguyện đường còn là nơi đón tiếp, chia sẻ và nâng đỡ tất cả mọi người, kể cả những người không có đạo.
Hiện nay, giáo điểm có hơn 40 gia đình Công giáo. Mỗi ngày đều có Thánh lễ. Có các lớp giáo lý Rước Lễ, Thêm Sức dành cho thiếu nhi, do cha đặc trách và quý nữ tu đảm trách. Đặc biệt, có một số gia đình và trên 40 thiếu nhi đang học giáo lý để chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa tội.
Hướng đến tương lai
Chia sẻ với chúng tôi về tình hình truyền giáo tại giáo điểm Doi Lầu, ĐGM phụ tá Giuse Đỗ Mạnh Hùng cho biết, ngài rất tin tưởng và hy vọng vào sự phát triển của giáo điểm này vì từ nay đã có cha đặc trách và hai nữ tu Mến Thánh Giá Chợ Quán luôn hiện diện với bà con nơi đây. Công việc của các nữ tu là mục vụ thiếu nhi và qua đó, sẽ tiếp cận được với nhiều người quanh vùng. Ngài cũng bày tỏ niềm vui khi nhìn thấy sự cộng tác của các nhóm Công giáo tiến hành trong công cuộc LBTM nơi vùng đất này, được thể hiện bằng những việc làm cụ thể như thường xuyên viếng thăm mục vụ và trợ giúp bà con nghèo nơi đây.
Cha đặc trách hiện đang có những dự án rất cụ thể: làm những ‘nhà di động’ để giáo điểm có chỗ sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe cho bà con với các khóa Yoga, nâng cao trình độ văn hóa cho thiếu nhi bằng cách nhờ cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng hỗ trợ tổ chức dạy Anh văn cho các em sau các giờ sinh hoạt ngày Chúa nhật…
Những dự định ấy của cha đã làm chúng tôi liên tưởng đến nhận định của ĐGM nguyên Chủ tịch Ủy Ban LBTM Micae Hoàng Đức Oanh trong lần tới thăm giáo điểm Doi Lầu và các giáo điểm ở vùng Cần Giờ vào dịp lễ Hiển Linh 2016: “Tôi nhìn thấy đây là miền đất hứa của công cuộc LBTM… Chúng ta phải kiên trì và chuyển đổi phương pháp LBTM. Phải đi vào với dân và sinh hoạt với dân, phải thật gần gũi với dân. Đây là dân nghèo, rất cần các thừa sai dấn thân với dân. Con đường bác ái là con đường bày tỏ Lòng Thương Xót của Chúa cụ thể nhất, đặc biệt phải chú ý đến lãnh vực giáo dục các em học sinh nghèo”.
Lời kết
Giáo điểm Doi Lầu có được như ngày hôm nay là do công lao của không biết bao nhiêu người góp lại, đặc biệt phải kể đến công sức của Cha Phanxicô Assisi Hoàng Minh Đức. Với tinh thần truyền giáo mạnh mẽ, những dấu chân của ngài đã in sâu trên vùng đất này, để rồi sau 18 năm, những hạt giống Tin Mừng nơi đây đang dần phát triển và sinh hoa, kết trái. Chúa Thánh Thần đã và đang tiếp tục vẽ đường thẳng bằng những đường cong. Và đó cũng chính là sự quan phòng kỳ diệu mà Thiên Chúa đã dành cho “miền đất hứa” Doi Lầu. Xin được chung lời cảm tạ và dâng Chúa công cuộc LBTM nơi đây.
Hống Tuyến - NSTM 9.2017 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)