Giáo xứ Bà Điểm 2016
TGPSG -- Bà Điểm là một địa danh nổi tiếng với “mười tám thôn vườn trầu”, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn hơn 300 năm. Có ai ngờ, bên cạnh truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó lao động, xây dựng quê hương của cư dân 18 thôn vườn trầu đó - vốn có truyền thống yêu nước và cách mạng từ lâu đời - lại có một nhà thờ mà lược sử mang nhiều nét thăng trầm theo dòng thời gian.
Một cộng đoàn khá đặc biệt
Một buổi chiều thứ bảy mưa lất phất, chúng tôi đến nhà thờ Bà Điểm. Cái tháp chuông hình chữ A đơn sơ bên cạnh ngôi nhà thờ thấp và nhỏ. Bước vào cái sân rộng bên cạnh nhà thờ, chúng tôi lại thấy một bàn thờ trên một “cung thánh” dã chiến với những chồng ghế nhựa xem ra đã có phần cũ rồi.
Ngồi chờ một chút, chúng tôi được cha chánh xứ Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân tiếp đón bên chiếc bàn đơn sơ ở giữa cái sân ấy. Cha vui vẻ:
- Chào chị. Lâu rồi mới gặp, chị có khỏe không?
- Kính chào cha ạ! Con vẫn khỏe. Gần chín năm nay con không gặp cha. Thật khó liên lạc với cha bằng điện thoại. Phải chăng giáo xứ Bà Điểm có phần đặc biệt nên phải cẩn thận? Và vì sao gọi là Bà Điểm ạ?
- Có nhiều chuyện đặc biệt lắm! Trầu cau của vùng Bà Điểm ngày xưa nổi tiếng, nay chỉ còn một ấp là còn trồng trầu cau. Nhiều người trong vùng đã bán đất, chỉ có một số gia đình là còn đất rộng. Thời Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc tại nhà bà lão tên “Điểm” nên thôn Tân Thới Nhứt còn có địa danh là Bà Điểm.
- Xin cha nói qua về tình hình giáo dân ạ?
- Có 3.500 giáo dân và 3.000 di dân trên địa bàn ba xã là Bà Điểm, Xuân Thới Thượng và Vĩnh Lộc A. Số giáo dân gốc ngày xưa chỉ còn khoảng 20 gia đình. Cư dân địa phương ngày trước không Công giáo thì còn nhiều. Với số giáo dân và di dân là gần 6.000, người ta nghĩ rằng ở đây nhiều người Công giáo; nhưng không, đây là vùng dân cư chen chúc đông đúc, thậm chí chính quyền cũng không kiểm soát hết số dân vì thành phần di dân quá đa tạp; cụ thể là riêng xã Bà Điểm đã có trên 100.000 dân; vì thế số giáo dân chỉ hơn 1% . Di dân là số giáo dân từ miền Bắc vào thuê đất để nuôi heo, gà, cá…Họ còn nghèo. Vùng này có nhiều “đồng mả”; một số di dân Công giáo cùng khổ, không có đất, họ dựng nhà ở đất đồng mả để sống tạm, ban ngày lao động tự do.
- Thưa cha, địa bàn giáo xứ có rộng không mà có chuyện nuôi heo, gà, cá? Nếu rộng, hẳn là cha khá vất vả?
- Nửa chu vi của giáo xứ là 16 km. Còn lại nửa chu vi thì có khi là ruộng, là vườn. Dù trên địa bàn rộng nhưng Hội Đồng Mục Vụ sống hài hòa, có sáu vị trong Ban Thường vụ và 14 Ủy viên các ban. Có bốn giáo khu. Vì hoàn cảnh khó khăn chung nên quí ông có sự đồng cảm với nhau và hăng say cộng tác với cha; đặc biệt, vì địa bàn quá rộng nên Ban điều hành khu có từ 11 đến 13 người. Mỗi ấp là một xóm giáo, một giáo khu có từ 3 đến 7 xóm giáo… Tuy vậy, cha đi thăm kẻ liệt là bất cứ lúc nào. Nhưng có một điều đặc biệt là để truyền giáo và phát triển các đoàn thể, hội viên các đoàn thể khi qua đời mới được xin dâng lễ tại gia, còn những giáo dân bình thường thì được ban điều hành khu tổ chức thăm viếng và đọc kinh rồi đưa đến nhà thờ dâng lễ an táng. Vì thế, mấy năm nay các đoàn thể rất phát triển, số hội viên đông đảo, sốt sắng hơn.
- Nhìn vào sơ đồ tổ chức giáo xứ Bà Điểm trên mạng, con thấy ngoài các giáo khu, khối Đoàn thể và khối Mục vụ rất rõ ràng. Nhưng nhà thờ ở giữa “cái nôi truyền thống cách mạng”, tình hình giáo dân giữ đạo như thế nào ạ?
- Trong các đoàn thể có con em “gia đình cách mạng”, thậm chí có giáo dân là đảng viên, nhưng chẳng sao cả, tất cả cứ thờ phượng Chúa bình thường. Cha về đây gỡ rối rất nhiều, rối đến cấp 2 cấp 3, nghĩa là bố mẹ rối, rồi đến con, đến cháu cũng rối. Nhiều chuyện cười ra nước mắt: có gia đình kia chỉ một bà cụ đạo Công giáo, con cháu hai ba đời đã bỏ đạo; khi bà cụ chết thì không muốn cha đến dâng lễ, nhưng mong có người đến đọc kinh để chứng minh cho người nhà ở nước ngoài biết, để giữ mối quan hệ tốt thông qua cụ bà qua đời. Có trường hợp cha đến làm phép hôn phối tại nhà vì “các đương sự” đã già, lại bị liệt và đang sống chung với nhau.
- Chuyện bác ái ở khu vực này chắc là dư “đất dụng võ” phải không cha? Cha đang thao thức về điều gì với đoàn chiên của mình.
- Có ban Caritas làm việc theo hệ thống khu. Hàng tháng có người đi theo thừa tác viên mà giúp bệnh nhân nghèo. Các ngày lễ lớn đều có quà tặng cho các hộ nghèo có đạo và không Công giáo trong giáo khu. Từ khi tôi về giáo xứ, Thiếu Nhi Thánh Thể được khôi phục, vào nề nếp; hiện có trên 600 em được 30 giáo lý viên và 12 Sơ dòng Trinh Vương coi sóc. Chị nhìn đây nè, chiều thứ bảy, giáo dân dự lễ đông nên phải dâng lễ ở ngoài sân với số ghế nhiều thế này! Chắc chắn là tôi và cộng đoàn giáo xứ đang ao ước một ngôi thánh đường mới, khang trang hơn.
- Nếu vào địa chỉ www.giaoxubadiem.com hoặc trang http://saigon.titocovn.net/gxbadiem thì biết được rõ nét những sinh hoạt sinh động trong giáo xứ, từ video clip cha đang giảng trong thánh lễ, các bài đọc trong tháng đến hình ảnh nhật ký xây dựng khuôn viên thánh đường và cả thư viện video và audio. Thật là một trang web sinh động của một giáo xứ, phải không, thưa cha?
- Cảm ơn chị đã có lời khen. Ban Truyền Thông của giáo xứ làm việc rất tốt.
- Xin cảm ơn cha đã cho biết nhịp sống của giáo xứ. Kính chúc cha và cộng đoàn sớm đạt được ước nguyện.
Lược sử một họ đạo lâu đời
Thật khó có ai nghĩ họ đạo Bà Điểm lại được hình thành lâu đến như vậy - từ năm 1863 đến nay. Tạm chia làm 4 giai đoạn sau 152 năm thành lập:
Giai đoạn 1 (1863-1903)
Theo tạp chí Nam Kỳ Địa Phận năm 1917 thì giáo xứ Bà Điểm xưa gọi là Họ Bà Điểm. Họ này do cha Lý (Paulus Galy) thành lập năm 1863 ( Quí Hợi) dưới thời Đức Thánh Giáo Hoàng PIÔ IX (đời thứ 255), và thời ĐGM Dominique Lefèbvre (ĐC Ngãi), số giáo dân được khoảng 140 người.
Khi quân đội Pháp chiếm đồn Thuận Kiều, họ đóng quân ở đó và không biết tiếng Việt nên xin cha Galy đến ở trong đồn để giúp họ thông dịch, nhà nước Pháp đều lo cho cha mọi sự.
Thời điểm này, phần lớn những làng mạc của người Việt Nam vùng Bà Điểm tiếp tục nổi dậy chống chính quyền Pháp và nhiều cuộc nổi dậy bị dập tắt nhanh chóng. Khi đó có tin đồn rằng người Pháp sẽ phá hủy 18 thôn vườn trầu. Ông Huyện Sở (làm Hương chức trong làng) nghe tin đồn này thì lo sợ. Ông cùng nhiều người khác tìm Cha Galy xin cứu giúp khỏi sự tàn phá đổ nát, đồng thời họ hứa sẽ trở lại đạo Công Giáo. Cha Galy đã nói điều đó với các sĩ quan Pháp, nhờ thế những người này được bình an và đã gia nhập đạo.
Năm 1863, những người Pháp cho cha Galy miếng đất nhỏ (là chỗ cất nhà thờ bây giờ), cha Galy đã dựng một nhà thờ lợp tranh, vừa làm nhà ở, vừa làm nhà nguyện đồng thời là nơi dạy các tân tòng.
Năm 1865, ngôi nhà nguyện được làm bằng gỗ, lợp ngói. Cha Galy lúc này đã già yếu nhưng vẫn hết lòng chuyên lo tìm kiếm người ngoại đạo đến với Chúa. Cha Galy đã truyền bá Phúc Âm nhiều làng mạc chung quanh Bà Điểm như Mỹ Huê, Thới Thượng, Vĩnh Lộc; số người trở lại đạo nơi này cũng được năm, sáu chục người, chính Cha đã dạy dỗ và rửa tội cho họ.
Cha Galy thường giúp những tân tòng về tiền bạc. Ngày Chúa nhật nhiều Kitô hữu và tân tòng đến từ các làng mạc khác nhau để dự lễ tại Bà Điểm, giáo dân vui vẻ trở về sau khi dùng bữa do cha Galy chiêu đãi.
Khi cha Galy vẫn đang hăng say việc mở mang nước Chúa thì Cha được Chúa gọi về tại Bà Điểm ngày 15/10/1869. Cha được chôn cất tại đất thánh Bà Điểm. Như thế, cha Galy lập họ Bà Điểm và đã ở đó gần 7 năm. Trong thời của Cha Galy, số giáo dân của họ đạo ngày một gia tăng; tuy nhiên sau này vì không có linh mục thường xuyên ở tại họ đạo, nên số giáo dân bắt đầu giảm sút, thậm chí có một số bỏ đạo.
Đến năm 1911, số bổn đạo chỉ còn khoảng từ 60-70 người. Họ Đạo Bà Điểm chỉ có miếng đất là chỗ cất nhà thờ nên không có huê lợi gì, không có nhà cha sở, các cha tới ban các Bí Tích thì ở tại phòng mặc áo. Sau đó ĐGM Dominique Lefèbre Ngãi điều động cha Thành đến giúp họ đạo. Cha Thành giúp khoảng 1 năm rưỡi rồi đổi đi.
Sau đó, cha Vĩnh (P. Le Vicent) đến giúp họ đạo cho đến 1874. Qua năm 1874, đời ĐGM Isidor Francois Joseph Colombert (Mỹ) thì cha Báu thay thế cha Vĩnh, lúc này, họ đạo có dì Matta Lành đến giúp. Năm 1877 cha Điều thay thế cha Báu, nhưng cha Điều thường ở họ Hóc Môn. Đến năm 1881 thì cha Thạch đến giúp. Năm 1903 cha Chinh đến giúp họ đạo thời ĐGM Lucien Emile Mossard (ĐC Mão).
Khi cha Lý qua đời, từ đó về sau cha ở họ Hóc Môn qua dâng lễ và cử hành các bí tích rồi về. Rồi họ đạo Bà Điểm nhập vào họ Tân Hưng, đến năm 1903 thì nhập vào Hạnh Thông Tây, sau đó lại nhập về Hóc Môn. Năm 1877-1881, cha Điều cho làm lại nhà thờ. Đến năm 1903, cha Chinh lại cho xây cất nhà thờ mới.
Giai đoạn 2 (1903- 1954)
Có một số dì phước đến giúp họ đạo trong thời gian này (1928-1945) Từ năm 1946-1954 các Dì ngưng hoạt động tại họ đạo.
Giai đoạn 3 (1954- 1975)
Ngày 21/7/1954 hiệp định Genève chia đôi đất nước, gần 1 triệu người miền Bắc di dân vào miền Nam. Do đó các giáo phận miền Nam nhanh chóng phát triển. Giai đoạn này, tư liệu bị thất lạc hoàn toàn, ban biên soạn lược sử cũng ghi nhận có một số cha đã giúp cử hành thánh lễ tại họ đạo . Đây chính là thời điểm biến động nhất của giáo xứ Bà Điểm: đất nước đang chiến tranh, bị bão lụt năm 1964, rồi bị hỏa hoạn năm 1972. Đến thời điểm 1975, một số cha đã mất, một số cha đi nước ngoài, chỉ còn duy nhất cha Tôma Trần Quốc Phú (cha đã qua đời năm 2006).
Như thế, giai đoạn 3 có quí cha giúp giáo xứ như cha Thời (1954-1957); cha Thiên (1957-1962); cha Khánh, cha Thời (1962-1964); cha Nhạn, cha Phan, cha Ngọc (1964-1971); cha Thời (1971-1972); cha Phú (1972-1973); và cha Thời (1973-1975)
Ban hành giáo đầu tiên được thành lập từ 1960-1962 đến tháng 8/1963, do chiến tranh cũng tạm ngưng hoạt động.
Giai đoạn 4 (1975 cho đến nay)
Từ 1975 -2001, thời kỳ này tương đối ổn định.
Từ năm 1977- 1985 có cha Giuse Trần Văn Đắc coi xứ. Cha nới rộng mặt bằng và xây một nhà thờ mới hoàn toàn vào năm 1982. Do điều kiện khách quan của thời cuộc nên Ban hành giáo bị gọi là “Ban Thiện Chí”.
Kế tiếp, cha Giuse Thống (hiện là ĐGM Phan Thiết) giúp giáo xứ từ 1985-1992. Sau đó, cha Gioan Kim Trần Từ Hải giúp xứ từ 1992-1997. Cha Phanxicô X. Trần Văn Thi phục vụ từ 1997-1999.
Năm 1999 cha Antôn Phạm Gia Thuấn thay cha Thi kiêm nhiệm giáo xứ Bà Điểm . Đây là giai đoạn củng cố, sửa chữa, sắp xếp lại để giáo xứ được khang trang hơn.
Ngày 28/8/2003, Đức TGM GB. Phạm Minh Mẫn đã bổ nhiệm LM Phêrô Nguyễn Văn Thanh về cộng đoàn Bà Điểm làm chánh xứ. Cha trực tiếp coi sóc, xây dựng các cộng đoàn, tu sửa cơ sở vật chất, chăm sóc giáo dân, công tác mục vụ và nhất là chăm sóc thiếu nhi. Cha đã có công sưu tầm và biên soạn lược sử giáo xứ qua từng giai đoạn. Như vậy, mức khởi điểm giáo xứ được bắt đầu từ năm 1863 cho đến ngày biên soạn lược sử là năm 2004. Cha rời giáo xứ vào năm 2010. Ngày 18-8-2011, cha Phêrô Nguyễn Văn Bắc được bổ nhiệm làm chánh xứ Bà Điểm.
Sau đó, cha Gioan Maria Vianey Chu Minh Tân là chánh xứ từ 2012 đến nay.
Vũ Loan (BGCN 2015)
LƯỢC SỬ CHI TIẾT
Giai đoạn 1: Từ năm 1863 đến 1903.
Lược trích tạp chí Nam Kỳ Địa Phận- 1917:
Giáo Xứ Bà Điểm xưa gọi là Họ Bà Điểm. Họ này do Cha Lý ( Paulus Galy) đã thành lập vào năm 1863 (Quí Hợi) dưới thời Đức Giáo Hoàng PIÔ IX và thời Đức Giám mục Dominique Lefèbvre (Đức Cha Ngãi), số giáo dân được khoảng 140 người.
Khi quân đội Pháp chiếm được đồn Thuận Kiều, họ đóng quân ở đó luôn, nhưng những người Pháp này không biết tiếng Việt. Họ đã xin cha Galy đến ở trong đồn với họ để giúp họ thông dịch.
Vào thời điểm này, phần lớn những làng mạc của người Việt Nam vùng Bà Điểm tiếp tục nổi dậy chống chính quyền Pháp và nhiều cuộc nổi dậy đã bị dập tắt nhanh chóng. Chính khi đó có tin đồn rằng những người Pháp sẽ phá hủy 18 thôn vườn trầu. Ông Huyện Sở (lúc đó làm Hương chức trong làng) nghe tin đồn này thì lo sợ. Ông đến với nhiều người khác tìm Cha Galy và xin cha cứu họ khỏi sự tàn phá đổ nát đồng thời họ hứa sẽ trở lại đạo Công Giáo. Cha Galy đã nói điều đó với các sĩ quan Pháp, nhờ thế những người này được bình an và đã vô đạo.
Năm 1863, những người Pháp đã cho Cha Galy một miếng đất nhỏ, chỗ cất nhà thờ bây giờ. Cha Galy đã xây một nhà Thờ lợp tranh, vừa làm nhà, vừa làm nhà nguyện đồng thời cũng là nơi dạy các tân tòng.
Năm 1865, có một ngôi nhà nguyện nhỏ bằng gỗ, lợp ngói. Cha Galy lúc này đã già yếu nhưng vẫn hết lòng chuyên lo tìm kiếm các linh hồn về với Chúa. Cha Galy đã truyền bá Phúc Âm nhiều làng mạc chung quanh Bà Điểm như: Mỹ Huê, Thới Thượng, Vĩnh Lộc, người ta trở lại đạo trong mấy chỗ này cũng được năm, sáu chục người. Chính Cha đã dạy dỗ và ban bí tích Rửa Tội cho những người này.
Cha Galy cũng thường xuyên giúp những người tân tòng về tiền bạc. Ngày Chúa Nhật, tất cả các Kitô hữu hay những tân tòng đến từ các làng mạc khác nhau để dự Lễ tại Bà Điểm. Họ sẽ chỉ trở về sau khi đã dùng bữa do cha Galy đài thọ.
Cha Galy mất tại Bà Điểm ngày 15-10-1869, được chôn cất tại đất Thánh Bà Điểm. Cha Galy đã lập họ Bà Điểm và đã ở đó cho tới khi về với Chúa, như vậy thời gian cha Galy ở Bà Điểm được gần bảy năm. Trong thời của Cha Galy, số giáo dân của họ đạo Bà Điểm ngày một gia tăng, tuy nhiên sau này vì không có linh mục thường xuyên ở tại họ đạo, nên số giáo dân bắt đầu giảm sút, thậm chí một số giáo dân đã bỏ đạo. Tính đến năm 1911, số bổn đạo của họ Đạo Bà Điểm chỉ còn khoảng từ 60-70 người. Họ Đạo Bà Điểm có một miếng đất là chỗ cất Nhà Thờ mà thôi. Họ đạo không có huê lợi gì, không có nhà Cha Sở, khi các Cha tới ban các Bí tích thì ở tại phòng mặc áo.
Sau đó Đức Giám Mục Dominique Lefebre Ngãi điều động Cha Thành đến giúp họ Đạo. Cha Thành ở tại họ Đạo khoảng 1 năm rưỡi rồi được đổi đi nơi khác.
Sau đó, Cha Vĩnh ( P. Le Vicent) đến giúp Họ Đạo cho đến năm 1874.
Qua năm 1874 vào thời Đức Giám Mục Isidor Francois Joseph Colombert ( Mỹ), Cha Báu thay thế Cha Vĩnh. Cùng thời Cha Báu có Dì Matta Lành (Tài liệu Nam Kỳ địa phận số 449 trang 565 có ghi: Bà Nhất Lành là cựu bà nhất Cái Mơn).
Vào năm 1877 Cha Điều thay thế Cha Báu, coi sóc họ Bà Điểm cho đến năm 1881 thì Cha Thạch đến thay thế Cha Điều.
Đến năm 1903, Cha Chinh đến giúp họ đạo Bà Điểm thời Đức Giám Mục Lucien Emile Mossard (Đức Cha Mão).
Sau đó , họ đạo Bà Điểm nhập vào họ Tân Hưng, đến năm 1903 thì nhập vào Hạnh Thông Tây, sau đó lại nhập về Hóc Môn.
Khi Cha Điều Coi sóc Bà Điểm, thì đã cho làm lại Nhà Thờ Bà Điểm (vào khoảng năm 1877 đến năm 1881), nhưng Nhà Thờ ấy đã hư, đến năm 1903, Cha Chinh đã cho Xây cất nhà Thờ mới.
Giai đoạn 2: Từ năm 1903 đến năm 1954.
Giai đoạn từ năm 1903 đến năm 1954 do những điều kiện khách quan , tư liệu hoàn toàn bị thất lạc.
Tuy nhiên, có tư liệu về danh sách các Dì đã cộng tác mục vụ tại Họ Bà Điểm từ năm 1938 đến 1945, thời gian các Dì cộng tác lâu năm như sau: Dì Tỏ 5 năm, Dì Muôn 6 năm, Dì Maria Đặng thị Mến 8 năm. Từ năm 1946 đến năm 1954 các Dì ngưng hoạt động tại họ đạo.
Giai đoạn 3: Từ năm 1954 đến năm 1975
Bắt đầu từ năm 1954, ngày 21-7-1954 hiệp định Genève đã chia đôi đất nước Việt Nam tại vĩ tuyến 17, gần 1 triệu người miền Bắc di dân vào niền Nam. Do đó các Giáo Phận miền Nam nhanh chóng phát triển.
Trong giai đoạn từ 1954 đến năm 1975 tư liệu bị thất lạc hoàn toàn, ban biên soạn lược sử cũng ghi nhận có một số Cha đã giúp cử hành Thánh Lễ tại Giáo Xứ . Đây chính là thời điểm biến động nhất của Giáo Xứ Bà Điểm: Đất nước đang chiến tranh, bị bão lụt năm 1964, kế đó bị hỏa hoạn năm 1972 ,
Đến thời điểm 1975, một số Cha đã mất, một số Cha đi nước ngoài, chỉ còn duy nhất Cha Tôma Trần Quốc Phú hiện đã về hưu tại Nhà Thờ Hy Vọng. Cha Phú hiện thượng thọ 91 tuổi.
Như thế có thể tạm tóm lược giai đoạn 3 như sau :
Từ năm 1954 đến năm 1957 : Cha Thời.
Từ năm 1957 đến năm 1962 : Cha Thiên.
Từ năm 1762 đến năm 1964 : Cha Khánh, Cha Thời.
Từ năm 1964 đến năm 1971 : Cha Nhạn, Cha Phan, Cha Ngọc.
Từ năm 1971 đến năm 1972 : Cha Thời.
Từ năm 1972 đến năm 1973 : Cha Phú.
Từ năm 1773 đến năm 1975 : Cha Thời.
Ngoài ra, trong giai đoạn này còn có các Cha thỉnh thoảng đến cử hành Thánh lễ tại Giáo xứ như Cha Vũ Hân (đi nước ngoài), Cha Vinh Sơn Bùi Quang Điện ( hiện là chánh xứ Nam Hưng).
Vào giai đoạn Cha Thiên phục vụ (1957 đến năm 1962), Ban Hành Xứ đầu tiên được thành lập, nhiệm kỳ 3 năm, từ năm 1960 đến năm 1962 gồm chủ tịch là ông Lê Văn Út và cộng tác là ông Tám Hằng. Từ khi ông Lê Văn Út mất vào tháng 8 năm 1963, do điều kiện chiến tranh, ban Hành Xứ tạm ngưng hoạt động.
Giai đoạn 4 : Từ năm 1975 đến năm 2004.
Từ năm 1975 đến tháng 6/2001: Đây là thời kỳ tương đối ổn định , tuy nhiên tư liệu vẫn bị thất thoát
Thời điểm từ năm 1975 đến năm 1977 có các Cha đến giúp dâng lễ tại Giáo xứ là Cha Diên , Cha Hưng (mất), Cha Phan (mất), Cha Hiếu (hiện đang ở tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse). Thời điểm này (1975 – 1977) là nhiệm kỳ lần 2 của ban hành xứ gồm: Chú Mười Vân, Chú Sáu Nhỏ và Chú Ba Tánh. Sau thời điểm này, do Cha Phan đi cải tạo và đã chết; ban hành xứ tạm ngưng hoạt động chỉ có chú Sáu Nhỏ hoạt động một mình.
Bắt đầu từ năm 1977 đến năm 1985 có Cha Giuse Trần Văn Đắc (sinh năm 1946 , thụ phong linh Mục năm 1977, địa chỉ Nhà Thờ Bình Thái kiêm xứ Bình Hưng – Bình An). Cha Đắc đã nới rộng mặt bằng và xây một nhà Thờ mới hoàn toàn vào năm 1982.
Do điều kiện khách quan của thời cuộc nên ban hành xứ được tạm gọi là “Ban Thiện Chí” gồm chú Mười Vân và chú Sáu Nhỏ (nhiệm kỳ 3 năm từ năm 1980 – 1982). Sau nhiệm kỳ này, ban Thiện Chí tạm ngưng hoạt động, chú Mười Vân đi định cư ở nước ngoài .
Đến năm 1984 , ban Thiện Chí lại tiếp tục nhiệm kỳ 4 với các chu Chín Khánh, chú Sáu Nhỏ, chú Tuấn Anh, nhưng ban Thiện Chí chỉ hoạt động đến năm 1985 thì lại tạm ngưng.
Khi Cha Đắc đi thì Cha Thống đã thay thế, Cha Thống phục vụ cho Giáo xứ từ năm 1985 đến năm 1992.
Cha Gioan Kim Trần Tử Hải (sinh năm 1947, thụ phong Linh Mục năm 1975, địa chỉ nhà Thờ Phú Quí – Phú Nhuận) thay Cha Thống coi sóc giáo xứ từ năm 1992 đến năm 1997. Trong thời gian này, Cha Hải đã cho sửa lại Cung Thánh và xây nhà Giáo Lý .
Năm 1997 Cha Phanxico Xavie Trần Văn Thi (sinh năm 1957 thụ phong Linh Mục năm 1992 , địa chỉ hiện nay Giáo Xứ Lạc Quang) thay thế Cha Hải cho đến năm 1999. Vào thời điểm này các Dì Dòng Mến Thánh Giá đã cho xây tường rào khuôn viên Nhà Thờ ( Dì Anna lê Thị Huệ , Dì Maria Nguyễn Thị Hồng Loan)
Năm 1999 Cha Antôn Phạm Gia Thuấn (hiện là Cha Hạt Trưởng Hạt Hóc Môn) thay Cha Thi kiêm nhiệm Giáo Xứ Bà Điểm. Ngoài ra còn có Cha Hổ, Cha Quang, Cha Cường cùng giúp cho Giáo Xứ. Đây là giai đoạn củng cố, sửa chữa, sắp xếp lại để Giáo Xứ có được bộ mặt khang trang như ngày hôm nay.
Ngày 28-8-2003, Đức Tổng Giám Mục Giáo Phận TP-HCM đã bổ nhiệm LM Phêrô Trần Văn Thanh, sinh ngày 18-5-1961, thụ phong Linh Mục ngày 30-5-2000 tại TP.HCM,về Nhà Thờ Bà Điểm làm Chánh Xứ.
Ngày 30-9-2003 Cha Phêrô Trần Văn Thanh chính thức về coi xứ Bà Điểm, Cha đã đổ nhiều công sức cho 1 Giáo Xứ đã nhiều năm không có Linh Mục trực tiếp coi sóc, xây dựng các cộng đoàn, tu sửa cơ sở vật chất, chăm sóc Giáo Dân, công tác Mục Vụ, và nhất là Thiếu Nhi được Cha hết lòng lo lắng và xây dựng.
Đến cuối năm 2009, Cha bị bệnh kéo dài đến giữa năm 2010 thì Cha xin nghỉ dưỡng bệnh, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Tổng Giám Mục Giáo Phận chấp thuận và Cha đã rời Giáo Xứ đi dưỡng bệnh.
Ngày 18 – 8 – 2011, Đức Hồng Y Gioan Baotixita đã bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Văn Bắc, sinh ngày 2-11-1957 thụ phong Linh Mục ngày 27-6-1992 làm chánh xứ Bà Điểm cho đến nay.
Cha Phêrô Nguyễn Văn Bắc vẫn giữ nguyên HĐMV và các đoàn thể cũng như các sinh hoạt của Giáo Xứ như cũ.
Năm 2004 là năm Giáo Xứ ghi lại lược sử các sự kiện , dữ liệu , con số thống kê được đúc kết tại thời điểm 31–12 –2004 do Cha Phêrô Nguyễn Văn Thanh là chánh xứ Bà Điểm từ năm 2003 đến năm 2010 sưu tầm và biên soạn . Như vậy, mức khởi điểm được bắt đầu từ năm 1863 cho đến ngày biên soạn lược sử Giáo xứ.
Nguồn : http://titocovn.com/
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)