Giáo xứ Bình Hòa 2019
TGPSG -- Có một ngôi nhà thờ nhỏ nằm khiêm nhường giữa khu dân cư đông đúc, trong một con hẻm lớn trên đường Nơ Trang Long. Đó là Nhà thờ Bình Hòa, tọa lạc tại số 93/9 Nơ Trang Long, Phường 11, Quận Bình Thạnh. Điện thoại số: 38431861.
Tuy nhỏ bé, nhưng lối kiến trúc hình bát giác độc đáo như tám cánh hoa, nâng tượng Đức Mẹ uy nghi chắp tay nhìn xuống, mang lại cảm giác an bình cho đoàn con trong giáo xứ.
Và còn một điều đặc biệt nữa, nhà thờ tuy nhỏ xinh, nhưng tuổi đời không nhỏ chút nào: giáo xứ Bình Hòa sẽ mừng thất thập chu niên (70 tuổi) vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm 08.12.2019.
Quá trình hình thành
Năm 1947, cha sở Gia Định lúc bấy giờ là cha Giacôbê Huỳnh Văn Của (ngài được tấn phong Giám mục phó giáo phận Phú Cường tháng 04-1975), nhận thấy họ đạo Gia Định quá rộng lớn, bất tiện cho việc tham dự Thánh lễ và chịu các phép Bí tích của giáo dân, nên đã đệ trình lên Toà Tổng Giám mục ý muốn mở thêm một nhà thờ họ lẻ, nằm trong xã Bình Hòa, Tỉnh Gia Định, Thành phố Sài Gòn.
Sau khi được Tòa Giám mục đồng ý, cha sở đã chọn phần đất 14,408m2 là tài sản của Giáo Hội, làm nơi hiện diện của nhà thờ Bình Hòa hôm nay. Lúc bấy giờ ranh giới họ Bình Hòa được bao chung quanh bởi đường Nơ Trang Long, Lê Quang Định, Hoàng Hoa Thám, Phan Văn Trị cho đến gần cầu Bình Lợi, cầu Hang Trong, cầu Hang Ngoài. Hẻm 93 Nơ Trang Long là hẻm lớn đi vào nhà thờ. Tiếc rằng khu đất gần một mẫu rưỡi ấy không được chăm sóc, quan tâm, để người dân (đa số là lương dân) mạnh ai nấy chiếm dụng, cất nhà cư ngụ, sau nhiều năm đã trở thành tư gia có hộ khẩu, sổ đỏ đầy đủ...
Nhà thờ Bình Hoà ngay khi ấy đã được cha sở xây dựng theo kiến trúc Á Đông: bên dưới, phần nền có hình Thập Giá vuông, bốn cánh bằng nhau, phần trên nóc có hình bát giác. Nhà thờ lúc bấy giờ còn đuợc gọi là "Nhà thờ hầm", do cha sở bố trí nhà thờ có hình dạng chính ở phần nền là thánh giá bốn cánh bằng nhau nên có một điểm trung tâm nhìn lên là hai tầng bát giác. Bàn thờ được đặt ngay giữa cung thánh cách nền nhà thờ 3m chiều cao, bên dưới bàn thờ là tầng hầm ngầm dưới đất - nơi đặt phòng thánh.
Cha sở Giacôbê Huỳnh Văn Của đã chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm là bổn mạng họ đạo, kỷ niệm ngày 8 tháng 12 hằng năm.
Sau ngày khánh thành năm 1949, hai cha ở nhà thờ Gia Định là cha sở Giacôbê Huỳnh Văn Của và cha phó Giuse Nguyễn Hữu Lễ thay phiên nhau đến dâng lễ tại Bình Hòa, mỗi chiều thứ Bảy có tổ chức kiệu Đức Mẹ đi qua 3 con hẻm thuộc vùng đất họ đạo là hẻm 69, 93 và 99.
Theo truyền tụng thì Toà Giám mục muốn chọn nhà thờ Bình Hoà, họ lẻ của Gia Định, là nơi nghỉ dưỡng cho các cha già vẫn còn làm mục vụ được.
Vào đầu năm 1950, họ lẻ Bình Hoà được tách ra thành giáo xứ với cha sở đầu tiên là linh mục Anrê Nguyễn Văn Diên.
Các linh mục phục vụ giáo xứ:
+ 1950 - 1955: Lm Anrê Nguyễn Văn Diên, từ trần đầu năm 1955
+ 1955: Lm Giuse Huỳnh Kim Đức, từ trần cuối năm 1955
+ 1956: Lm PhaoLô Nguyễn Tấn Hưng, từ trần cuối năm 1956
+ 1957-1958: Lm Phêrô Phan Thanh Thời đại tu lần thứ nhất cho phù hợp hơn. Cha dời cung thánh và bàn thờ lên phía trên và cho lấp phòng thánh cũ là tầng hầm, mở rộng con hẻm đến con đường lớn như hiện nay.
+ 6/1958 - 8/1960: Lm Gioakim Nguyễn Văn Nghị về nhận xứ đã xây dựng nhà xứ lần thứ nhất, xây nhà hội và tháp chuông cho đến ngày nay.
+ 8/1960 - 1984: Lm Phêrô Nguyễn Văn Trung nới rộng và tu sửa mặt tiền nhà thờ, xây mới nhà xứ.
+ 11/1985: Lm Phêrô Nguyễn Văn Hầu về thì nhà thờ bị xuống cấp nặng, nên sửa lại cung thánh, tiền sảnh và thay bàn ghế mới cho khang trang hơn. Đầu năm 1998, cha Phêrô Hầu nghỉ hưu vì lý do sức khỏe.
+ 7/1/1998 – 02/2016: Lm Phêrô Bùi Văn Long về giúp xứ đã nâng nền, thay toàn bộ cửa nhà thờ, sửa phòng thánh và phòng âm thanh ánh sáng, xây thêm tầng lầu phòng thánh làm kho, để kỷ niệm mừng Kim Khánh nhà thờ (1949-1999). Năm 2002, cha xây mới nhà giáo lý cũ thành toà nhà 2 tầng lầu với nhiều phòng học giáo lý và có tháp chuông trên sân thượng. Năm 2004, cha tiếp tục đại tu phần mái và trần nhà thờ, rước tượng Đức Mẹ lên trên ban công nhà thờ. Năm 2009, cha đã tu sửa trải nhựa và làm cống thoát nước cho con đường dẫn từ đường Nơ Trang Long vào nhà thờ, cổng làm cao lên và bảng cổng cũng được làm mới.
Để xây dựng đời sống đức tin, Lm Phêrô đã khôi phục lại các lớp giáo lý, đào tạo giáo lý viên cho giáo xứ, thêm một thánh lễ lúc 7g30 sáng Chúa nhật dành riêng cho các em thiếu nhi và giới trẻ, bầu chọn Ban Mục vụ Giáo xứ mới, có thêm thành phần - đoàn thể hoạt động thờ phượng Chúa. Ơn gọi linh mục và tu sĩ nam nữ từ các tín hữu trong họ đạo ngày càng phát triển.
+ 27/02/2016 - 07/2018: Lm Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt
Về nhận giáo xứ, với lòng nhiệt huyết, hăng say của một linh mục trẻ, cha Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt đã làm thay đổi bộ mặt giáo xứ:
- Cho nâng cấp, sửa sang toàn bộ nhà xứ để có chỗ tiếp giáo dân cũng như có thêm nơi cho các em thiếu nhi học Giáo lý.
- Sửa lại gian cung thánh, bỏ vách tường hai bên và dưới tiền đường để nới rộng diện tích nhà thờ.
- Xây nhà hài cốt - có thể chứa được 900 hũ hài cốt.
- Sửa sang lại các lớp Giáo lý.
- Xây dựng tượng đài Lòng Chúa Thương Xót.
- Dùng các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho việc dạy Giáo lý cũng như giúp cho việc tham dự Thánh lễ được sống động hơn như: thay hệ thống âm thanh, màn hình Led…
Và hơn hết là việc xây dựng lòng đạo đức cho giáo dân: Khởi đầu, Cha sở Gioan Baotixita đã quy tụ gần 400 em thiếu nhi giáo lý phổ thông (những năm trước, chỉ khoảng hơn 100 em vì thiếu phòng học nên các em thiếu nhi đi học Giáo lý rải rác ở các giáo xứ lân cận); quy định lại giờ giấc và nề nếp sinh hoạt của các hội đoàn; cùng với Ban mục vụ HĐGX và các thành viên trong Hội Legio Mariae. Cha Gioan Baotixita đến thăm từng gia đình, đưa được nhiều người nguội lạnh trở về với Chúa.
+ 27/7/2018 đến nay: Lm Phanxicô Assisi Lê Hoàng Lâm: Về nhận giáo xứ chưa đầy một năm, cha sở Phanxicô Assisi đã làm mới lại nền cung thánh, hai đài Đức Mẹ và Thánh Giuse thật sạch đẹp; sửa lại và cơi nới tất các tầng của nhà hội để cho lớp học rộng thêm, đồng thời sơn lại tất cả cửa gỗ và đóng thêm nhiều bộ bàn ghế cho các lớp học giáo lý; lắp đặt hệ thống làm mát Air Cooler, có chức năng như máy lạnh, vừa giúp giáo dân được mát mẻ khi tham dự thánh lễ, vừa ít tốn điện... làm lại hệ thống điện ba pha và một pha cho nhà thờ để thuận tiện cho việc sử dụng hiệu quả…
Ơn gọi linh mục và tu sĩ
Xuất thân từ Giáo xứ Bình Hòa có 16 linh mục và 11 tu sĩ nam nữ. Năm nay, giáo xứ có thêm 1 chủng sinh dự bị được vào chủng viện dự bị tại Nhà Mục vụ họ đạo Chợ Đũi.
Mục vụ Giáo xứ
Giáo xứ Bình Hòa chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (08.12) làm Quan Thầy.
Họ lẻ của giáo xứ là Tu viện Thánh Tâm, mừng bổn mạng vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Giáo xứ có khoảng 3000 giáo dân với gần 400 hộ gia đình Công giáo chia thành 5 giáo khu với các ngày lễ bổn mạng:
- Giáo khu 1: Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa (01.01)
- Giáo khu 2: Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15.08)
- Giáo khu 3: Lễ Đức Mẹ Môi Khôi (07.10)
- Giáo khu 4: Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (08.12)
- Giáo khu 5: Lễ Đức Mẹ thăm viếng bà Isave (31.05)
Trừ những dịp lễ đặc biệt, trong tuần cha sở thường dâng lễ theo ý chỉ từng ngày:
- Thứ Hai cầu cho sự hiệp nhất.
- Thứ Ba cầu cho việc truyền giáo.
- Thứ Tư cầu cho các gia đình.
- Thứ Năm cầu cho các linh mục, tu sĩ nam nữ.
- Thứ Sáu kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.
- Chiều thứ Bảy theo Phụng vụ ngày Chúa nhật.
Mỗi ngày đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót lúc 15g30.
Sau Thánh lễ chiều mỗi ngày, các giáo dân cùng đọc kinh kính Đức Mẹ và viếng Nhà Hài cốt.
Vào tháng 5 và tháng 10, các em thiếu nhi và các bà mẹ đại diện giáo xứ dâng hoa kính Đức Mẹ.
Để chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Chúa Phục sinh, trong mùa chay và Tuần Thánh, cha sở mời quý cha đến giúp giảng tĩnh tâm cho các giới và giải tội cho giáo dân, đồng thời tổ chức ngắm 15 sự thương khó Chúa Giêsu để giúp giáo dân suy niệm về Cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Cái khó khăn của giáo xứ là khuôn viên nhà thờ nhỏ, không đủ chỗ nên những ngày Chúa nhật và lễ lớn, giáo dân ngồi tràn ra hẻm, có lúc ngồi dài tới tận cổng ngoài đường Nơ Trang Long. Vì hai bên là nhà dân, không thể làm mái che cố định, sáng sớm cha sở phải lo che bạt phía trước nhà thờ, sau Thánh lễ phải dọn dẹp cất đi. Cha sở nói tuy cực mà vui vì có thể che nắng cho giáo dân và phụ huynh đi tham dự Thánh lễ. Nếu trời mưa thì một số giáo dân phải dự Thánh lễ giờ khác, hoặc ở một nhà thờ khác.
Có nhiều ban ngành và đoàn thể lo việc phục vụ trong giáo xứ: Ban Hành Giáo, Ban Caritas, Ban Trật Tự - thiện nguyện viên, Ban Huynh trưởng - Giáo lý viên, Hội Các Bà mẹ Công Giáo, Huynh đệ đoàn Phan Sinh, Legio Mariae, Hội Lòng Chúa Thương Xót, Hội Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, nhóm học hỏi Kinh Thánh.
Mỗi thứ Sáu đầu tháng ban sáng, cha sở giúp trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân và các ông bà già yếu trong giáo xứ, giải tội và xức dầu cho họ nếu thấy cần thiết; ban chiều, sau thánh lễ có nửa giờ chầu Chúa để cầu nguyện cho Giáo Hội, Giáo xứ và cho mỗi gia đình
Mỗi thứ Bảy đầu tháng cha sở họp với hội Các Bà Mẹ Công Giáo và Legio. Các hội đoàn khác, khi có họp thì mời cha sở đến dự họp và chia sẻ tâm tình sống đạo.
Các bà mẹ và Legio thường lo quét dọn và lau nhà thờ. Các hội đoàn khác khi cha sở cần thì đến phụ giúp. Vì nhà thờ ở giữa khu dân cư, xe cộ đi lại nhiều bụi bặm, nên một năm cha sở và các hội đoàn phải cùng nhau tổng vệ sinh từ 2 tới 3 lần cho sạch sẽ.
Có 5 ca đoàn thay nhau đảm trách các giờ lễ của giáo xứ: ca đoàn Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ca đoàn Giới Trẻ, ca đoàn Têrêsa, ca đoàn Saviô (thiếu nhi), Ca đoàn Truyền Tin.
Giáo lý & Học hỏi
Giáo lý Thiếu nhi
Cha sở Phanxicô Assisi với sự cộng tác của ba thầy Dòng Thánh Tâm Huế, các nữ tu Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang, Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Dòng Chúa Giêsu Hài Đồng, Dòng Mến Thánh Giá Bà Rịa, và 10 Huynh trưởng – dự trưởng phụ trách việc dạy giáo lý cho trên 400 thiếu nhi.
Giáo xứ không có Xứ đoàn trưởng nên cha sở - với lòng ưu ái dành cho thiếu nhi - trực tiếp lo cho các em phát triển về cả hai mặt siêu nhiên và tự nhiên. Ngoài việc dạy dỗ kỹ lưỡng về giáo lý, ngài còn lo cho các em ăn sáng sau khi dự lễ 7g30 sáng Chúa nhật. Mỗi tuần là một món khác nhau: mì, bánh mì, xôi mặn, bánh giò…. Cha đặt hàng từ những nơi đáng tin cậy từ hôm trước, khi người ta giao tới, thành viên trong các hội đoàn phụ giúp làm và phân phát. Riêng món xôi mặn thì chính cha sở, hội các bà các chị Phan Sinh và một anh trong giáo xứ tự nấu. Vào những dịp đặc biệt, cha còn làm thêm món trà sữa cho thiếu nhi. Lúc 10 giờ, khi các em học giáo lý xong, cha sở họp với các nữ tu và Giáo lý viên để bàn thảo về chương trình trong tháng hoặc quý.
Vào dịp Tết Trung Thu, giáo xứ tổ chức cho các em Vui trung thu với nhiều tiết mục để lại kỷ niệm đẹp cho tuổi thơ; tổ chức Hội chợ ẩm thực, trò chơi và bốc thăm trúng thưởng vào dịp cuối năm, khi các em nghỉ Tết Nguyên Đán.
Trong năm học, tổ chức cho các thiếu nhi đi bác ái hoặc đi hành hương, xuất du theo các ngành. Cha sở chuẩn bị nhiều phần thưởng trong các mùa Giáng Sinh, Phục Sinh và Hè để khuyến khích các em siêng năng học hỏi Giáo lý và tham dự Thánh lễ.
Giáo lý Dự tòng và Hôn nhân
Giáo lý Dự tòng và Hôn nhân được chính cha sở dạy cho các bạn trẻ, đồng thời cha cũng dành thời gian dạy giáo lý riêng cho những người lớn tuổi muốn vào đạo và hợp thức hóa cho họ.
Lớp Học hỏi Kinh Thánh và Cầu nguyện
Lớp Học hỏi Kinh Thánh và cầu nguyện chia thành hai nhóm: Nhóm 1 mỗi tối thứ Hai từ 18g30 tới 20g00. Nhóm 2 mỗi chiều thứ Bảy.
Nhóm Phan Sinh học mỗi tháng 2 lần vào các buổi trưa Chúa nhật.
Học hỏi ngoại ngữ
Ngoài ra, cha sở còn mời cô giáo mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho những người lớn tuổi, giúp trang bị kiến thức cho những chuyến đi tham quan, du lịch gia đình và mua sắm.
Giờ lễ
Ngày thường có Thánh lễ vào lúc 17g30.
Chúa nhật có ba Thánh lễ: 5g30, 7g30, 18g
Vào những ngày Lễ Trọng, giờ lễ sẽ có chút thay đổi.
Chầu Thánh Thể
Chầu Thánh Thể mỗi thứ Năm:
- Nhóm 1 từ 08g00 tới 09g00
- Nhóm 2 từ 09g00 tới 10g00
- Nhóm 3 từ 10g00 tới 11g00
- Nhóm 4 từ 15g30 tới 16g30.
Hoạt động bác ái
Các hoạt động bác ái trong giáo xứ do Ban Caritas phụ trách. Ban Caritas lấy danh sách người nghèo từ các giáo khu đưa lên và trình qua cha sở. Một năm giúp người nghèo hai lần: vào dịp Tết và…
Nhìn về tương lai
Hiện nay, điều cha sở Phanxicô ưu tư nhất là làm sao có thể cơi nới nhà thờ lên cao để có thêm các phòng giáo lý cho các thiếu nhi. Vì với 11 lớp giáo lý bây giờ các phòng đều đã quá tải. Nếu được phép, cha sẽ chuẩn bị việc nuôi heo hàng tháng, tìm tư vấn để xây dựng.
Điều thứ hai cha sở mong muốn thực hiện là làm lại Đài Đức Mẹ, có thêm các Thánh với hình nền là logo Niềm vui Năm Gia đình; thay song sắt vướng vít trước Đài bằng cánh cửa được mở ra trước Thánh lễ để giáo dân có thể dễ dàng chiêm ngắm, vào tâm sự với Đức Mẹ và các Thánh.
Lời kết
Với sự quan tâm dành cho thiếu nhi là tương lai của Giáo Hội, cha sở Phanxicô Assisi luôn tươi nét mặt khi nói về hoạt động dành cho các em. Trẻ trung, năng động, sẵn sàng đồng hành với các hội đoàn và giáo dân từ việc nhỏ đến việc lớn, cha sở đang làm cho cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương và phát triển. Ngôi nhà thờ nhỏ như rộng hơn với đại gia đình họ đạo quy tụ dưới chân Mẹ Vô Nhiễm.
Nguyện xin Mẹ phù giúp cho các mong ước tốt lành của cha và nâng đỡ cộng đoàn giáo xứ Bình Hòa trên hành trình về miền đất hứa.
Tóc Ngắn – NSTM 8.2019 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)