Giáo xứ Bình Thuận 2020
I. GIỚI THIỆU
Đi trên đường Tân Kỳ Tân Quý, bắt đầu từ ngã ba Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý, băng ngang đường Trường Chinh, đi tiếp một quãng dài, vượt qua khỏi Trung tâm Hỏa táng Bình Hưng Hòa, khách sẽ nhìn thấy một ngôi thánh đường phía bên tay phải, đó là nhà thờ của giáo xứ Bình Thuận, địa chỉ số 722 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà thờ năm 1966 |
Giáo xứ Bình Thuận nằm trong quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, thuộc giáo hạt Tân Sơn Nhì, chính thức được thành lập năm 1966, chọn Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng, lễ kính vào ngày 7-10 hằng năm.
Trong 53 năm, giáo xứ đã hình thành và phát triển qua sự chăm sóc lần lượt của 2 linh mục quản xứ và 6 linh mục (Lm) chánh xứ.
1. Lm Đa Minh Hoàng Duy Thanh: 1966 - 1967
Vào năm 1966, Lm Đa Minh Hoàng Duy Thanh đã dẫn một số giáo dân (của 8 gia đình) từ giáo xứ Thượng Phúc, Lạc An, Tân Uyên, Bình Dương (Giáo phận Phú Cường) đến sinh sống, làm thành cộng đoàn và xây dựng một nhà thờ tạm tại khu đất trống thuộc ấp Bình Thuận, xã Bình Hưng Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là khu phố 14, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM) để làm nơi tụ họp cầu nguyện, cử hành các bí tích…
Một năm sau, vâng lời bề trên, Lm Đa Minh phải trở về Giáo phận Phú Cường. Những người đã theo ngài thì vẫn trụ lại nơi này.
2. Lm Vinh Sơn Đinh Quốc Bảo: 1967 - 1968
Lm Vinh Sơn Đinh Quốc Bảo về làm Quản xứ khi cơ sở vật chất còn tạm bợ, và tinh thần của số giáo dân ít ỏi lúc khởi đầu có chiều hướng lo lắng, sợ sệt vì cảnh chiến tranh, loạn lạc trên vùng đất xôi đậu này. Cũng có những người muốn rời bỏ để tìm đến một nơi chốn an toàn hơn, nhưng Đức Mẹ đã che chở cho những di dân đầu tiên để họ trụ lại, giữ lấy họ đạo mới được hình thành.
3. Lm Đa Minh Bùi Quang Tuyến: 1969 - 1975
Thời kỳ chuyển mình bắt đầu khi Lm Đa Minh Bùi Quang Tuyến nhận bài sai về nhậm chức Chánh xứ. Ngài xây dựng nhà xứ mới và trùng tu lại ngôi thánh đường đã bị xuống cấp.
4. Lm Giuse Mai Thành Hân: 1976 - 1979
Khi Lm Đa Minh Bùi Quang Tuyến rời Bình Thuận để đi làm chánh xứ Nghĩa Hòa, Lm Hạt trưởng Đa Minh Vũ Nguyên Thiều đã quản nhiệm nơi này một thời gian ngắn cho đến khi Lm Giuse Mai Thành Hân về làm Chánh xứ Bình Thuận vào cuối năm 1976.
5. Lm Anphongsô Nguyễn Công Phương: 1979 - 2003
Là một linh mục gương mẫu, khiêm tốn và nhiệt thành, Lm Anphongsô Nguyễn Công Phương đã tích cực mở mang giáo xứ, khuyến khích giáo dân tham gia phụng vụ, hát cộng đồng chung với nhau trong thánh lễ. Ngài lập hai ca đoàn: Kitô Vua và Giới Trẻ, tổ chức lại Gia đình Giáo lý, chỉnh đốn lại các Hội đoàn Công giáo tiến hành. Nhà thờ mới đã được ngài huy động xây dựng vào năm 1995.
6. Lm Anrê Trần Minh Thông: 2003 - 2007
Lm Anrê Trần Minh Thông đã tu sửa và nâng cấp nhà xứ, xây dựng nhà sinh hoạt và các phòng học giáo lý, tổ chức lại các hội đoàn...
7. Lm Giuse Nguyễn Văn Thanh: 2007 - 2017
Về nhận giáo xứ khi số giáo dân đã tăng lên rất nhanh, cha Giuse Thanh đã phải vất vả tất bật nhiều trong công tác mục vụ và phụng vụ. Cha đã xây núi Đức Mẹ và đài Thánh Giuse, nâng cấp nhà chầu Thánh Thể, làm mái hiên cố định che hai bên hông nhà thờ, đại trùng tu ngôi Thánh Đường (được cung hiến vào ngày 20-12-2009), khởi công xây dựng nhà sinh hoạt giáo lý, nhà xứ và hoa viên mới… Năm 2016, cha Giuse thành lập thêm hội Các Bà Mẹ Công Giáo và ca đoàn Trinh Vương.
8. Lm Giuse Trần Văn Lưu: 2017 đến nay
Ngày 15-9-2017, Lm Giuse Trần Văn Lưu về tiếp nhận giáo xứ Bình Thuận với hơn 20 ngàn giáo dân, phần lớn là những di dân từ khắp nơi tìm về đây làm ăn sinh sống.
Đến nay, Cha chánh xứ Giuse đã hoàn thành các công trình còn dang dở của vị tiền nhiệm: xây dựng xong nhà Chờ Phục Sinh, nhà Sinh Hoạt Giáo Lý, mái che khuôn viên chung quanh nhà thờ và làm thêm tượng đài Lòng Chúa Thương Xót.
Cha Giuse luôn thao thức kêu gọi mọi người kiến tạo sự hiệp nhất, yêu thương, bác ái, và đặc biệt quan tâm đến sinh hoạt giáo lý: huấn luyện một đội ngũ giáo lý viên hùng hậu và nhiệt thành để hướng dẫn gần 3.500 em thiếu nhi.
III. MỤC VỤ GIÁO XỨ
Hội đồng Mục vụ
Giáo xứ Bình Thuận có 18 giáo khu. Hội đồng Mục vụ Giáo xứ 3 tháng họp một lần.
Hội đoàn
Giáo xứ có nhiều hội đoàn, nhưng hoạt động mạnh nhất là Legio Maria, Gia đình Tận Hiến, Dòng Ba Đa Minh, Phan Sinh Tại Thế, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Các Bà Mẹ Công Giáo và Caritas.
Ca đoàn
Có 7 ca đoàn, lần lượt mang tên: Kitô Vua, Thiện Chí, Trinh Vương, Đa Minh, Tận Hiến, Giới Trẻ và Thiếu Nhi.
Giáo lý
Hiện nay, chương trình Giáo lý Hôn nhân và Dự tòng, học vào mỗi buổi tối trong tuần, do cha phó Martin Đỗ Đức Chính phụ trách. Cộng tác với ngài có cha phó Giuse Nguyễn Cảnh Thịnh, các thầy dòng Phaolô và các cựu giáo lý viên.
Mục vụ thiếu nhi do cha phó Giuse Nguyễn Thành Công làm Tuyên úy. Các em thiếu nhi học giáo lý vào sáng Chúa nhật và các buổi tối từ thứ Hai đến thứ Bảy. Đứng lớp giảng dạy có hơn 100 giáo lý viên, huynh trưởng và tu sĩ nam nữ.
Giờ lễ
Lễ Chúa nhật: 5g, 7g, 10g (thiếu nhi), 15g30, 17g, 18g30.
Lễ Ngày thường: 5g, 17g30.
Chầu Thánh Thể
- Cho cộng đoàn: sau Thánh lễ chiều thứ Ba.
- Cho thiếu nhi: sau Thánh lễ chiều thứ Năm đầu tháng.
- Nhà chầu Thánh Thể: mở cửa từ 6g đến 16g mỗi ngày.
Về nhận giáo xứ khi số giáo dân đã tăng lên rất nhanh, cha Giuse Thanh đã phải vất vả tất bật nhiều trong công tác mục vụ và phụng vụ. Cha đã xây núi Đức Mẹ và đài Thánh Giuse, nâng cấp nhà chầu Thánh Thể, làm mái hiên cố định che hai bên hông nhà thờ, đại trùng tu ngôi Thánh Đường (được cung hiến vào ngày 20-12-2009), khởi công xây dựng nhà sinh hoạt giáo lý, nhà xứ và hoa viên mới… Năm 2016, cha Giuse thành lập thêm hội Các Bà Mẹ Công Giáo và ca đoàn Trinh Vương.
Hoạt động bác ái
Hoạt động bác ái của giáo xứ rất phong phú, được Hội Bác Ái Caritas điều phối dưới sự chỉ đạo của cha chánh xứ.
Mục vụ Giới trẻ - dưới sự dẫn dắt của Lm phó Giuse Nguyễn Cảnh Thịnh - cũng thực hiện những chuyến công tác từ thiện nơi vùng sâu, vùng xa; tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn của các gia đình neo đơn; tiếp cận các học sinh nghèo để hỗ trợ; thâu gom ve chai để có thêm nguồn tài chính cho việc bác ái…
IV. HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI
Địa bàn của giáo xứ Bình Thuận nằm trong dự án mở đường Tân Kỳ Tân Quý của Ủy ban Nhân dân Thành phố. Năm 2021 sẽ là mốc đến cho việc thực hiện giải tỏa, cắt lộ giới, mở rộng đường. Vì vậy, phần sân nhà thờ sẽ phải trả lại cho công trình công cộng cầu đường. Lm Giuse chánh xứ đã cùng với cộng đoàn trong giáo xứ hoạch định chương trình xây dựng lại Thánh Đường. Mọi người đang đồng tâm hiệp lực, gắn bó với nhau, cùng nhau hướng đến một tương lai tốt đẹp.
V. LỜI KẾT
Cách đây 53 năm, khi một nhóm giáo dân tìm đến nơi này, không ai có thể hình dung được sức mạnh tiềm ẩn nơi một vùng đất khô cằn vì chiến tranh. Sự lớn mạnh của giáo xứ Bình Thuận nằm ngoài dự tính của con người. Tất cả đều do hồng ân của Thiên Chúa, và sự cầu bầu của Đức Mẹ Mân Côi, cùng với sự cộng tác của bao nhiêu thế hệ tín hữu đã qua.
Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời cầu bầu của Đức Maria, gìn giữ các linh mục phụ trách và dìu dắt đàn chiên của Chúa tích cực sống đạo và hăng say loan báo Tin Mừng giữa lòng xã hội Việt Nam hôm nay.
Bạch Yến - NSTM 3.2020 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)