Giáo xứ Đông Quang 2016
TGPSG -- Phần vì không biết nhà thờ Đông Quang nằm ở chỗ nào trên địa bàn quận 12 rộng lớn, phần vì sợ cơn mưa chiều ập đến, nên chúng tôi đi rất vội vã.
Chạy dọc con đường Trường Chinh, phải chú ý lắm chúng tôi mới thấy bảng tên nhà thờ bằng sắt, cũ kỹ, gắn ở đầu một con ngõ. Quẹo vô hẻm, đi vòng vo thêm một đỗi nữa, chúng tôi thấy một nhà thờ nhỏ. Đang lúng túng nhìn vào sân của mặt tiền nhà thờ để quan sát thì một bà đọc kinh Lòng Chúa Thương Xót bước ra, giúp chúng tôi tìm gặp cha chánh xứ Giuse Phạm Đình Đại.
Một niềm vui lớn
Cha xứ tiếp chúng tôi trong phòng khách nhỏ, đơn sơ. Cơ sở vật chất của giáo xứ chỉ có nhà thờ và ba phòng bé xíu: văn phòng Hội đồng Mục vụ (HĐMV), phòng cha xứ và nhà bếp.
Mở đầu câu chuyện, cha xứ chia sẻ niềm vui: cộng đoàn giáo xứ mới thu hồi được 10.000 mét vuông đất.
Nhà thờ Đông Quang trước đây ở mặt tiền đường Trường Chinh, bị yêu cầu giải tỏa để mở rộng đường và được đền bù bằng đất nghĩa trang (đất của các giáo xứ Thị Nghè, Xóm Chiếu và Chợ Quán) được trưng thu. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, đất nghĩa trang đang bị người dân lấn và nhà nước muốn giáo xứ tự giải tỏa để lấy lại đất này.
Đây là một việc làm rất khó, cần sự tế nhị. Nhưng nhờ ơn Chúa, nhờ sự thao thức của quí cha tiền nhiệm, sự khôn ngoan của cha chánh xứ đương nhiệm Giuse, cộng với sự nhiệt thành của đông đảo giáo dân, năm 2013, giáo xứ đã thu hồi được 10.000 mét vuông đất sau khi thỏa thuận xong việc đền bù cho những gia đình lấn chiếm đất. Đây chính là niềm vui lớn khó diễn tả của giáo dân Đông Quang. Từ niềm vui này, giáo dân và cha xứ đang hồ hởi chung tay xây cất một ngôi thánh đường mới để phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn với 4.500 giáo dân.
Địa bàn giáo xứ rất rộng: Bốn phía Đông - Tây - Nam - Bắc giáp giới các giáo xứ Hy Vọng - Lạc Quang - Bạch Đằng - Chợ Cầu.
Ngoài số giáo dân định cư còn có khoảng 2.000 dân nhập cư, hầu hết là dân lao động: làm công nhân dệt, may, nhuộm nơi các nhà máy công nghiệp quanh khu vực.
Để có thể liên kết chặt chẽ khi có việc ma chay, cưới hỏi, giáo dân trong bốn giáo họ của giáo xứ được chia thành 30 liên gia. Hiện nay, Hội đồng Mục vụ (HĐMV) giáo xứ có gần 80 người gồm: Ban Thường vụ, Ban Điều hành Giáo họ, các liên gia trưởng và đại diện các đoàn thể; được cha chánh xứ huấn giáo hàng tháng qua hình thức họp HĐMV.
Sinh hoạt mục vụ tại giáo xứ rất sinh động. Ngày Chúa nhật có 4 Thánh lễ, mỗi Thánh lễ khoảng một ngàn người tham dự. Thánh lễ lúc 19g00 dành cho giới trẻ và di dân.
Giới trẻ ở đây tuy không sinh hoạt thành đoàn thể nhưng khi giáo xứ có việc gì, họ luôn đến trợ giúp. Ngoài ra, giáo xứ còn có Chầu Thánh Thể chung sau Thánh lễ thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy đầu tháng.
Cha xứ thường mời các linh mục ở Trung tâm Mục vụ TGP, dòng Đồng Công, dòng Don Bosco, dòng Đa Minh đến dâng lễ và giúp tĩnh tâm theo mùa phụng vụ. Vì chưa ổn định cơ sở vật chất nên chỉ có hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán giúp việc phòng thánh.
Hàng tháng, cha xứ kết hợp với Ban Thường Vụ đi thăm và trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân. Thánh lễ dành cho bệnh nhân được cử hành như một ngày hội vào 13 tháng 10 hàng năm. Từ lúc 9g00 sáng, sau hồi chuông vang rền, người người lũ lượt tiến về thánh đường: người khỏe dắt người già, người bệnh được đẩy xe lăn. Trước Thánh lễ, quí cha khách còn giải tội cho tất cả những ai muốn xưng tội và xức dầu cho họ.
Mặc dù giáo xứ còn thiếu thốn cơ sở vật chất nhưng vẫn đầy đủ các hội đoàn, sinh hoạt đều đặn: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Legio Mariae, Huynh đoàn Đa Minh, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót và 5 ca đoàn.
Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể có 800 em, được cha xứ quan tâm, ưu tiên hàng đầu: mỗi tháng họp hai lần với huynh trưởng; tổ chức Trung Thu, tổ chức cắm trại ngay tại giáo xứ, phát học bổng cho các em nghèo hiếu học... Chương trình Giáo lý khá ổn định, gồm 12 lớp cho đủ các Ngành: Chiên Con, Ấu nhi, Thiếu nhi, Nghĩa sĩ và Hiệp sĩ, học vào thứ Năm và Chúa nhật, do các anh chị giáo lý viên phụ trách. Mặc dù hoàn cảnh thiếu thốn, phải ngồi ngoài sân nhà thờ hay góc này, góc kia bằng những chiếc ghế nhựa, nhưng các em thiếu nhi vẫn hăng say học Giáo lý. Với các em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu hay lãnh Bí tích Thêm Sức, đích thân cha xứ sẽ giảng dạy, nhằm giúp các em vững vàng giáo lý và đạt được nền tảng đức tin sâu sắc.
Trước đây, mỗi năm giáo xứ có hai khoá dành cho lớp Dự tòng và Hôn nhân, nhưng từ khi xây nhà thờ thì chỉ tổ chức được một khoá. Ban giảng huấn của lớp này là cha xứ, các thầy và các nữ tu.
Ban Caritas có những việc làm rất cụ thể từ nhiều năm nay: Hằng tháng phát gạo và nhu yếu phẩm cho người nghèo, không phân biệt tôn giáo. Vào dịp lễ Giáng Sinh, Caritas sẽ kết hợp với phường tặng quà cho 100 gia đình khó khăn. Những dịp thăm viếng nhà hưu dưỡng các Linh mục, nhà hưu MTG Chợ Quán, cả cha xứ lẫn Ban Thường vụ và các hội đoàn đều tham gia.
Linh mục chánh xứ thao thức: “Hiện nay, giáo xứ không có phòng giáo lý nào hết, nên các lớp giáo lý phải ngồi học ngoài sân. Tôi mong cơ sở vật chất sớm hoàn thành, để sinh hoạt chung được ổn định, từ đó đức tin của giáo dân mới được nâng cao và vững chắc hơn.” Cha xứ mỉm cười khi nhớ lại kỷ niệm đặc biệt vào tháng 3 năm 2014: Nhà thờ Đông Quang là nơi đầu tiên được Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đặt viên đá đầu tiên trong nhiệm vụ Tổng Giám Mục Sài Gòn.
Kết thúc câu chuyện, cha xứ dẫn chúng tôi ra quan sát công trình nhà thờ mới. Nhìn thấy khung nhà thờ khang trang đang hình thành - đã có phần rõ nét trong một hàng rào bằng tường xi-măng, bao quanh diện tích 10.000 mét vuông - chúng tôi tưởng tượng: không bao lâu nữa, một ngôi thánh đường kiên cố và một khu nhà giáo lý vững chắc sẽ hiện hữu với dân Chúa nơi đây. Quả là một niềm vui lớn!
Trời bỗng đổ mưa; chúng tôi ở lại dự lễ chiều. Ngày thường mà giáo dân vẫn dự lễ khá đôn. Tất cả đều ngồi vào những hàng ghế đã xếp sẵn chứ không ngồi lộn xộn, rải rác. Trẻ em và người lớn cùng tham dự Thánh lễ sốt sắng. Thật là ấn tượng trong cái nhìn của chúng tôi về giáo dân ở đây.
Lược sử
Nhà thờ Đông Quang hiện ở số 35 đường Đông Hưng Thuận 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM. Từ khi thành lập đến nay, cộng đoàn giáo xứ Đông Quang đã trải qua nhiều thăng trầm:
- Khởi đầu năm 1965, có 45 hộ gia đình từ giáo xứ Ninh Phát - Cầu Xáng (nay thuộc xã Phạm Văn Hai, quận Bình Tân, TP.HCM) di cư lên ấp Bầu Nai, xã Đông Hưng Thuận, huyện Hóc Môn (quận 12 ngày nay) thành lập giáo họ Tân Lập thuộc giáo xứ Lạc Quang, hạt Hóc Môn.
- Năm 1972, cha Rémy Bùi Bằng Hiến về, tách giáo họ Tân Lập khỏi giáo xứ Lạc Quang, lập nên giáo xứ Đông Quang, nhận Đức Mẹ Mân Côi là bổn mạng giáo xứ.
- Năm 1988, cha Vinh Sơn Bùi Quang Điện nhận xứ, chia giáo xứ thành 4 giáo khu: Giuse, Phanxicô, Phêrô và Têrêsa.
- Năm 1996, cha Giuse Đinh Quang Thịnh nhận xứ, đã liên hệ với Tòa TGM Sài Gòn để xin đất nghĩa trang của các giáo xứ Thị Nghè, Xóm Chiếu và Chợ Quán; đồng thời làm đơn lên chính quyền để xin lấy lại đất đã bị các hộ dân lấn chiếm bất hợp pháp.
- Năm 2004, cha Đaminh Ngô Quang Tuyên về nhận xứ, xây ngôi nhà thờ tạm trên đất nghĩa trang để chuẩn bị cho việc di dời nhà thờ ở số 222 đường Trường Chinh đã bị giải tỏa.
- Năm 2005, cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái về ổn định cộng đoàn giáo xứ Đông Quang.
- Vào ngày 07.07.2009: cha Giuse Phạm Đình Đại được Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn bổ nhiệm về giáo xứ Đông Quang và giao cho cha giải quyết vấn đề đất đai, xây dựng nhà thờ mới.
Lời kết
Ngày nay, chúng ta thấy được niềm hân hoan rạng rỡ trên từng khuôn mặt của giáo dân Đông Quang là nhờ từ bao năm qua, dưới sự trợ giúp của Ơn Chúa, giáo dân Đông Quang đã hy sinh đóng góp - cùng với nỗ lực xây dựng cộng đoàn đức tin của các cha xứ, nhất là sự vận động của cha chánh xứ Giuse - để từng bước lấy lại được đất xây dựng nhà thờ.
Nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Mân Côi, xin cho cộng đoàn giáo xứ Đông Quang biết sống đạo như lời của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm nhắn nhủ ngày 07/10/2012, khi ngài về dâng lễ tạ ơn trong ngày Đức Mẹ Mân Côi - bổn mạng giáo xứ, cũng là ngày kỷ niệm 40 năm thành lập giáo xứ: “Một giáo xứ Công giáo là một cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương nhau và cùng giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người qua cuộc sống của mình”.
Bài Giảng Chúa Nhật 2016 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)