Giáo xứ Gia Định 2017
TGPSG -- Từ ngã tư đầu chợ Bà Chiểu, đi thẳng vào đường Bùi Hữu Nghĩa khoảng 200m, rồi nhìn về phía trái, ta sẽ thấy một ngôi nhà thờ kiên cố, với tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu đứng uy nghi trên nóc tiền đường nhà thờ, đang mở rộng đôi tay đón mọi người với lời mời gọi: “Venite ad Me Omnes: Tất cả những ai đang vất vả nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Đó là nhà thờ Gia Định đã đứng vững chãi trên mảnh đất sình lầy của thành Gia Định cổ xưa cho đến bây giờ. Người địa phương còn gọi là nhà thờ Thánh Mẫu vì trước 1975, trong khuôn viên nhà thờ có ngôi trường mang tên Thánh Mẫu. Nhiều người khác gọi là nhà thờ Bà Chiểu vì gần chợ Bà Chiểu.
Cuối tháng 12-2017, giáo xứ Gia Định sẽ mừng kỷ niệm 150 năm hiện diện trên vùng đất hiện nay. Đây là thời điểm thật đẹp để nhìn lại chặng đường 150 năm qua của cộng đoàn rất ấm tình này mà hết lòng tạ ơn Chúa.
I. THUỞ BAN ĐẦU
Vùng Đất Hứa và ngôi nhà thờ đầu tiên
Vào khoảng năm 1860, dưới thời Đức Cha Dominique Lefèbvre (Đức Thầy Ngãi), một số giáo dân từ miền Đông Nam Bộ như: Búng, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một… gặp khó khăn trong đời sống đức tin, đã rời bỏ nơi ‘chôn nhau cắt rốn’, tìm đến đất Gia Định. Có thể nói đây là vùng Đất Hứa, là nơi trú ẩn an toàn cho giáo dân đang bị bách hại, nên một số gia đình đã định cư gần rạch Cầu Bông. Sau đó, nhiều anh chị em giáo dân từ những nơi khác cũng tìm đến lập nghiệp. Chẳng bao lâu, con số lên đến cả ngàn người.
Để giúp giáo dân có nơi thờ phượng Chúa, năm 1867, linh mục Antôn Võ Ngọc Triêm - cha sở họ Thị Nghè (1860 - 1867) - mua được một miếng đất sát rạch Cầu Bông và một giáo dân ở họ Búng dâng một ngôi nhà ngói cạnh đó, ngài liền nới rộng thêm để làm nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên mang tên nhà thờ Cầu Bông. Lúc này, số giáo dân chỉ còn khoảng 200 vì phần lớn đã hồi cư, số khác gia nhập họ Tân Định (do triều cường liên miên từ rạch Cầu Bông cùng với hệ thống sông rạch chằng chịt khiến cho việc đi lại khó khăn).
Chuyển dời địa điểm
Sau đó, con rạch bị lở nên địa điểm nhà thờ được dời đến bên cạnh trường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay, đối diện với lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt (Lăng Ông). Năm 1875, ngôi nhà thờ thứ hai này xuống cấp, không thể sử dụng được nữa. Nhiều gia đình Công giáo, chủ yếu là những người ở Lái Thiêu và Chợ Quán, dâng cúng tiền của để Cha Delpech (Định) mua đất, xin phép dời nhà thờ từ chỗ đối diện Lăng Ông đến địa điểm hiện nay (280 Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, quận Bình Thạnh) dựng lên ngôi nhà thờ thứ ba.
Đến tháng 06-1911, nhà thờ xuống cấp nghiêm trọng, cha Phaolô Quy quyết định xây lại, nhưng vì tài chính eo hẹp, nên chỉ xây cột bằng gạch, vách ván, cung thánh và phía sau phòng thánh xây vách gạch không mấy kiên cố. Mãi 3 năm sau mới được Đức Cha Lucien Mossard (Đức Thầy Mão) làm lễ cung hiến và khánh thành vào ngày 28-05-1913. Ngôi nhà thờ thứ tư này được tu sửa nhiều lần mỗi khi xuống cấp.
Ngôi thánh đường đồ sộ như hiện nay là ngôi nhà thờ thứ năm, được Cha Phanxicô Xaviê Trần Công Mưu, cha sở thứ 8 khởi công xây dựng từ 1935 và 10 năm sau, đến ngày 29-01-1945, cha P.X Mưu về với Chúa, ngôi nhà thờ mới tạm xong. Kế nhiệm là cha sở Giacôbê Huỳnh Văn Của đã hoàn chỉnh và được các cha sở sau nâng cấp mỗi khi có sự cố.
Chuyển tên
Năm 1931, hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn được sáp nhập làm một, lấy tên là vùng Sài Gòn - Chợ Lớn, trong đó có tỉnh Gia Định được chia làm 4 quận: Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè và Thủ Đức. Họ Cầu Bông thuộc quận Gò Vấp và kể từ đầu năm 1934, họ Cầu Bông được Tòa Giám Mục chính thức đổi tên thành họ GIA ĐỊNH cho đến nay.
Các Linh mục quản xứ
30 năm đầu (1867 - 1897), nhà thờ chưa có cha sở, chỉ được các linh mục ở nhà thờ Thị Nghè hoặc Tân Định chăm lo đức tin cho giáo dân:
- Cha Antôn Võ Ngọc Triêm, cha sở Thị Nghè (1860 - 1867).
- Cha Isidore Colobert, thư ký của Đức Cha Jean Claude Miche, ở tại Tòa giám mục Sài Gòn.
- Cha Martin, cha sở Thị Nghè (1869-1873).
- Cha Delpech (Định) (từ 10-1873 đến 12-1876; và từ 1884 đến 22-4-1887)
- 1976 -1978: thuộc về nhà thờ Tân Định.
- 1878 - 1879: cha Greset (Hòa) cha sở họ Thị Nghè coi sóc.
- Cha Fourgerouse (Phụng) (1879-1884).
- Cha Abonnel (Bổn), giáo sư Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse.
- Cha P. Dương, cha phó họ Thị Nghè.
II. TRƯỞNG THÀNH
Các Cha Sở
Năm 1897 đã ghi một dấu ấn quan trọng: họ Cầu Bông có Cha sở đầu tiên: Cha Lambert (Lương). Họ đạo được chính thức nâng lên hàng giáo xứ.
Cha Sở thứ nhất: LAMBERT (LƯƠNG) (1897-1894)
Năm 1897, Đức Cha Jean Dépierre, Giám Mục Sài Gòn bổ nhiệm cha Lambert Lương, đang ở họ Thị Nghè, làm Cha sở đầu tiên của họ Cầu Bông. Toàn thể giáo dân rất vui mừng, cùng góp công góp của lo cất nhà cha sở và cùng với ngài sửa chữa nhà thờ. Sinh hoạt mục vụ khởi sắc hẳn lên. Ngài lập ban Quới chức, tổ chức các hội đoàn Công Giáo Tiến Hành, lập các hội hát, hội giúp lễ, mở các lớp Giáo lý Rước lễ lần đầu và Thêm Sức cho thiếu nhi trong họ đạo…
Cha sở thứ hai: DESSEAUME (NGƯƠN) (1899 -1908)
Cha Desseaume (Ngươn) xây dựng trường học và cho đào một lạch nhỏ nối rạch Cầu Bông với chợ Bà Chiểu, nhằm giảm ngập và lấy đất nâng cao nền nhà thờ, (hiện nay lạch này vẫn còn và chạy ngang qua khu ‘Khăn đen Suối Đờn’ phường 1, quận Bình Thạnh). Để đủ chỗ cho giáo dân dự lễ, ngài giảm diện tích phòng thánh, và thêm một chái nhà gỗ trước tiền đường nhà thờ; hướng dẫn và giới thiệu hai thiếu nữ gia nhập dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán và dạy học tại một số họ đạo trong địa phận.
Cha sở thứ ba: PHAOLÔ NGUYỄN VĂN QUY (1908-1910)
Nguyên là cha giáo Đại Chủng viện Thánh Giuse suốt 20 năm, Cha Phaolô Quy tận tâm đào tạo các linh mục tương lai cho Giáo Hội. Ngài học rộng biết nhiều, viết rất nhiều sách hướng dẫn về tu đức cho chủng sinh, đặc biệt là những bài thánh ca đầu tiên bằng Tiếng Việt rất có giá trị cho cộng đồng dân Chúa. Khi quản xứ, Ngài không ngại vất vả, lặn lội đến thăm viếng từng gia đình trễ nải, bệnh tật, neo đơn để khuyên nhủ, an ủi, giúp đỡ nên đã đưa được nhiều người nguội lạnh trở lại giữ đạo sốt sắng. Tổng số giáo dân trong năm 1908 là 450 người.
Cha sở thứ tư: BOSVIEUX (BỘ) (1910-1911)
Tháng 04-1910, cha Phaolô Quy được chuyển về làm Cha sở họ Chí Hòa kiêm Giám đốc nhà Hưu dưỡng các linh mục địa phận. Cha Bosvieux (Bộ) được cử đến giúp họ Cầu Bông trong 14 tháng (4-1910 đến 6-1911).
Cha sở thứ năm: PHAOLÔ QUY (1911-1914)
Sau cha Bộ, Cha Quy lại được điều về làm cha sở thứ năm. Ngài mở trường học cho khoảng 70-80 thiếu nhi nam nữ, nhờ hai nữ tu MTG Chợ Quán dạy chữ quốc ngữ và làm toán; nữ sinh được học thêm may vá, thêu thùa; mở các lớp giáo lý cho thanh niên nam nữ và giáo dân trong giáo xứ, đem lại cho cộng đoàn họ Cầu Bông một đà tiến mới trong đời sống đức tin. Ngày 01-08-1914, cha Quy được Chúa gọi về với 59 tuổi đời và 32 tuổi linh mục, để lại trong lòng giáo dân một sự quý mến tiếc thương vị mục tử nhiệt thành, thánh thiện.
Cha sở thứ sáu: PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN BINH (1915 - 1916)
Sau khi cha Phaolô Quy qua đời, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Binh được bề trên sai đến phục vụ cộng đoàn dân Chúa họ Gia Định cho đến tháng 04-1916. Rồi họ Gia Định lại được nhập về họ Thị Nghè vì không có cha sở.
Cha sở thứ bảy: TÔMA NGUYỄN KHOA THI (1917 - 1934)
Cha Tôma Thi đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao trình độ văn hóa, củng cố đời sống đạo đức của giáo dân qua việc mời lại các nữ tu MTG Chợ Quán dạy giáo lý cho thiếu nhi, diễn các tuồng về sự Thương Khó của Chúa và cuộc đời của các Thánh cho giáo dân xem trong các dịp lễ. Ngài đã xây núi Đức Mẹ vào năm 1930. Năm 1932, ngài lập hội Con Đức Mẹ, giao cho 3 nữ tu Bác Ái Vinh Sơn phụ trách. Ngài qua đời vào ngày 07-06-1934 giữa sự thương tiếc vô vàn của giáo dân.
Cha sở thứ tám: PHANXICÔ XAVIÊ TRẦN CÔNG MƯU (1934 – 1945)
Tháng 6-1934, cha FX. Trần Công Mưu, từ họ Bến Gỗ (gần ngã ba Vũng Tàu) được Đức Cha Victor Quinton bổ nhiệm làm Cha sở họ Gia Định. Ngài đã xây dựng lại ngôi nhà thờ quá mục nát thành ngôi thánh đường đồ sộ như hiện nay. Khởi công từ năm 1935, nhưng mãi đến 10 năm sau, lúc Cha từ biệt giáo dân trở về với Chúa vào ngày 29-01-1945 mới tạm xong. Thi hài của ngài được an táng ngay trước tiền đường nhà thờ, dưới chân tháp chuông.
Cha sở thứ chín: GIACÔBÊ HUỲNH VĂN CỦA (1945 - 1955)
Nguyên làm phó cho Cha sở FX. Mưu từ năm 1944, cha Giacôbê Của được Đức Cha Jean Cassaigne bổ nhiệm khi cha FX. Mưu qua đời. Cha Giacôbê đã xây dựng hoàn chỉnh ngôi nhà thờ; xây trường Bossuet dành cho nam sinh bên hông nhà thờ, đồng thời mời các nữ tu dòng thánh Phaolô dạy văn hóa cho các nữ sinh tại ngôi trường bên cạnh núi Đức Mẹ. Cha Giacôbê còn xây dựng nhà thờ Bình Hòa năm 1948, mua bộ chuông nhạc từ bên Pháp cho họ Gia Định năm 1949. Ngài thường xuyên tổ chức rước kiệu từ nhà thờ Gia Định đến Phú Nhuận. Số giáo dân vào thời điểm này lên tới 6000 người và ơn gọi linh mục, tu sĩ khá dồi dào.
Cha sở thứ mười: MICAE NGUYỄN KHOA HỌC (1956-1961)
Trong 5 năm làm cha sở, linh mục Micae Học lo củng cố đời sống đức tin của cộng đoàn giáo xứ. Ngài đã trải qua nhiều khó khăn để xây dựng hàng rào bao quanh khuôn viên nhà thờ, mở rộng hai cánh bên hông nhà thờ - chỗ bàn thờ Đức Mẹ và Thánh Giuse, và cho đúc trần hai bên hông nhà thờ.
Cha sở thứ mười một: ANTÔN PHÙNG QUANG MẠNH (1961-2004)
Ngày 24-06-1961, linh mục Antôn Phùng Quang Mạnh được Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm về làm cha sở thứ mười một. Đây là thời hoàng kim của họ Gia Định. Trong 43 năm phục vụ, Cha sở Antôn đã làm được rất nhiều việc hữu ích cho cộng đoàn dân Chúa.
Ngài đã sửa chữa lớn và nâng cấp nhà thờ Gia Định vào những năm 1962, 1988 và 2003. Ngài cũng đã xây nhà thờ cho các giáo họ : Thánh Giuse Thợ (1964) Thánh Mẫu (Đồng Ông Cộ - 1970), Đức Mẹ Hồn xác lên trời (Trần Kế Xương -1973), xây dựng trường trung tiểu học Thánh Mẫu -1962 (nay là trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lam Sơn), xây dựng ký túc xá cho nam sinh, nữ sinh và nhà cha sở vào năm 1966.
Năm 1975, sau khi trao các cơ sở giáo dục cho nhà nước, cha quan tâm đến đối tượng nghèo và các trẻ chậm phát triển nên đã mở trường Chuyên biệt Gia Định, mở các lớp tình thương giúp các trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường, mở phòng khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí.
Đồng thời, ngài lo xây dựng ngôi nhà đức tin vững chắc nên, ngoài các lớp Giáo lý phổ thông cho các em xưng tội, rước lễ, thêm sức, ngài còn mở các lớp Thần học Giáo dân, Kinh Thánh Cựu ước, Tân ước, thu hút được nhiều học viên giới trẻ cũng như người lớn tuổi. Ngài cũng luôn chú ý đến mục vụ truyền giáo và khuyến khích ơn gọi qua việc rộng tay đóng góp vào quỹ truyền giáo của giáo phận, khuyến khích thanh niên thiếu nữ trong giáo xứ đi tu.
Ngày 16-1-2004, Chúa gọi Cha Antôn về. Cả đời Cha đã làm được rất nhiều việc cho giáo dân, lo cho người nghèo khổ bất hạnh, cho đến lúc qua đời, Ngài cũng chỉ muốn là một người nghèo qua những lời lẽ khiêm tốn trong di chúc: “…khi tôi mất đi xin làm lễ an táng đơn sơ, xin không phúng điếu và vòng hoa, chỉ cho tôi được về an nghỉ trong Chúa...” Ngài đã để lại muôn vàn thương nhớ luyến tiếc nơi rất nhiều người thuộc mọi giới.
Cha sở thứ mười hai: INHAXIÔ HỒ VĂN XUÂN (2004 - 2016)
Ngày 23-1-2004, Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn đã bổ nhiệm cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân (phụ tá cha Antôn Mạnh từ 23-7-1975) làm Cha sở thứ mười hai của họ Gia Định. Mặc dù bận rộn với nhiều công việc mà các đấng bề trên tín cẩn trao phó như làm việc cho Ủy ban Phụng tự, Thư ký riêng cho Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình, Quản lý Trung tâm Công giáo, Quản lý Tổng Giáo phận và Đặc trách Văn phòng tòa TGM, nhưng Ngài vẫn chu toàn trọng trách của một cha sở, nhờ sự cộng tác nhiệt tâm của các cha phó. Ngài dành thời gian củng cố đức tin cho giáo dân qua việc trực tiếp dạy các lớp chuyên biệt cho người lớn và giới trẻ về Thánh Kinh, Phụng vụ, Lịch sử Truyền giáo ở VN, các thông điệp, tông thư, thư chung của HĐGM. Nhờ đó, cộng đoàn giáo xứ am hiểu nhiều việc và cộng tác chặt chẽ với các cha để xây dựng một giáo xứ sống chan hòa yêu thương, đóng góp nhiều cho công việc mục vụ trong giáo phận.
Cuối tháng 9-2016, vì đức vâng lời, Cha Inhaxiô tạm biệt nhà thờ Gia Định để nhận nhiệm vụ Tổng đại diện TGP Sài Gòn kiêm cha sở nhà thờ Chánh Tòa Đức Bà Sài Gòn trong sự tiếc nuối của đại gia đình họ đạo Gia Định.
Cha sở thứ mười ba: GIUSE MAI THANH TÙNG (tháng 9-2016 đến nay):
Tháng 9-2016, cha Giuse Mai Thanh Tùng, nguyên là cha phó Gia Định, được Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc bổ nhiệm làm cha sở Gia Định. Vì sinh trưởng trong giáo xứ và đã ở phục vụ trong nhà xứ từ 1981 - lúc còn làm chủng sinh cho đến khi được phong chức Linh mục - nên ngài nắm vững tình hình họ đạo, hiểu rõ đời sống đức tin của giáo dân. Ngài đã giúp cha sở tiền nhiệm rất nhiều trong việc điều hành giáo xứ: phụ trách các lớp giáo lý dự tòng, chăm sóc mục vụ cho hai giáo họ Giuse Thợ và Thánh Mẫu, nhanh nhẹn đi xức dầu, ban các bí tích. Khi làm cha sở, ngài đã cho sơn lại nhà thờ để chuẩn bị mừng Giáo xứ kỷ niệm 150 năm, trùng tu núi Đức Mẹ cho hợp với nhãn quan hiện đại.
Các cha phó của giáo xứ Gia Định
Các cha phó của giáo xứ Gia Định được các cha sở tin yêu, trao toàn quyền trong những công việc được giao. Vì thế các ngài rất hăng say, nhiệt tâm chu toàn trọng trách. Lòng nhiệt thành của các ngài đã tác động, thổi sức sống vào các hội đoàn khiến mọi người hăng hái trong các hoạt động theo đúng tôn chỉ của hội đoàn.
Từ năm 1961 đến nay có:
1964-1978: ĐGM Louis Phạm Văn Nẫm (làm Giám mục phụ tá TGP Sài Gòn từ năm 1978, qua đời năm 2001).
1964-1968: Lm. Giuse Phạm Văn Thăng (đang hưu dưỡng ở nhà hưu dưỡng dòng Đồng Công).
1966-1981: Lm. Giuse Nguyễn Thế (qua đời năm 1981).
1970-1971: Lm. Giuse Đinh Tất Quý (hiện là cha sở Bùi Phát, Hạt trưởng hạt Tân Định).
1971-1975: Lm. Vinh sơn Trần Văn Hòa (hiện là cha sở nhà thờ Bình Thới).
1972-1993: Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết (hiện là cha sở Tân Sa Châu).
1975-2004: Lm Inhaxiô Hồ Văn Xuân (hiện là cha sở nhà thờ Chánh Tòa Sài Gòn, linh mục Tổng đại diện TGP Sài Gòn).
1990-11/1998 : Lm. Giuse Vũ Hữu Hiền (hiện là Trưởng Ban Mục vụ Truyền Thông TGP Sài Gòn, Tổng thư ký Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc HĐGM Việt Nam).
1991-1993: Lm. Louis Tô Minh Quang (hiện là cha sở nhà thờ An Phú).
1992-1995: Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thái (hiện là cha Sở nhà thờ Phú Hữu).
1995-9/2016: Lm. Giuse Mai Thanh Tùng (đương nhiệm cha sở nhà thờ Gia Định).
1998-2003: Lm. Clêmentê Lê Minh Trung (hiện là cha sở nhà thờ Chí Hòa, kiêm Giám đốc nhà hưu Chí Hòa).
2003-2005: Lm. Gioan Baotixita Phạm Gioan (qua đời 2007).
2005-2010: Lm. Phaolô Nguyễn Quốc Hưng (hiện là Cha Sở nhà thờ Tân Định).
2010-2016: Lm. Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt (hiện là cha Sở nhà thờ Bình Hòa).
2/2016 đến nay: Lm. Gioan Phạm Văn Thanh.
4/2016 - 2018: Lm. Phanxicô Assisi Lê Hoàng Lâm.
2019 đến nay: Lm Phêrô Nguyễn Đức Trọng
Ơn gọi linh mục và tu sĩ
Xuất thân từ giáo xứ Gia Định có 33 linh mục, trong đó có Đức cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền. Đến nay 13 người đã qua đời, số còn lại đang phục vụ trong, ngoài giáo phận và cả nước ngoài. Số tu sĩ được 35 người, thuộc nhiều hội dòng: Bác Ái Vinh Sơn, Chúa Hài Đồng, Clara, Dòng Kín, Đa Minh, Đức Bà truyền giáo, Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, Lasan, Mến Thánh Giá, Thánh Phaolô, Xitô…
III. SINH HOẠT GIÁO XỨ
Hội đồng mục vụ giáo xứ
Tại nhà thờ chính và hai giáo họ, mỗi nơi đều có 5 vị trong Ban Thường Vụ với 34 trưởng khu (18 khu ở nhà thờ chính; 4 khu ở giáo họ Giuse Thợ, 12 khu ở giáo họ Thánh Mẫu).
Phụng vụ - Bí tích
Tại nhà thờ chính, mỗi ngày Chúa nhật có 6 Thánh lễ: buổi sáng 4 lễ (4g30; 5g30; 7g00; 8g30: dành cho thiếu nhi); chiều 2 lễ (16g30 và 18g30); ngày thường có Thánh lễ sáng lúc 4g45, Thánh lễ chiều lúc 17g30; sau thánh lễ chiều thứ Năm của tuần thứ ba trong tháng có cầu nguyện Taizé; sau Thánh lễ chiều thứ Sáu đầu tháng có chầu Mình Thánh Chúa; Thánh lễ chiều ngày thứ Bảy cử hành phụng vụ của Chúa nhật. Có 6 ca đoàn người lớn, 1 ca đoàn thiếu nhi và ban đàn gồm 12 người thay phiên nhau đệm đàn trong các Thánh lễ. Phục vụ phòng thánh có các nữ tu dòng Thánh Phaolô và hội Giúp lễ.
Vào lúc 15 giờ mỗi ngày, cộng đoàn Lòng Chúa thương xót đọc kinh tại nhà thờ và có Thánh lễ vào mỗi thứ Sáu, lúc 15g30 sau giờ kinh Lòng Chúa thương xót.
Giáo xứ vẫn giữ những việc đạo đức truyền thống như: làm Tuần cửu nhật Đức Bà vào ngày thứ Bảy, hát Kinh cầu Đức Bà vào tháng Năm, hát Kinh cầu Rất thánh trái tim Chúa Giêsu vào tháng Sáu, dâng hoa và kiệu Đức Mẹ vào ngày lễ kính Đức Mẹ.
Giáo họ Thánh Mẫu 3 có lễ sáng Chúa nhật lúc 6g15. Mỗi chiều thứ Năm, thứ Bảy hằng tuần và thứ Sáu đầu tháng có Thánh lễ lúc 16g30 với 2 ca đoàn lo việc phụng vụ.
Thánh lễ tại Giáo họ Giuse vào chiều Chúa nhật lúc 16g30; thứ Ba, thứ Bảy hằng tuần và thứ Sáu đầu tháng có Thánh lễ lúc 17g30.
Rửa tội trẻ em vào Chúa nhật tuần thứ hai trong tháng, sau thánh lễ tư. Rửa tội tân tòng trong các dịp trước Giáng Sinh, Phục sinh hoặc các dịp lễ trọng trong năm.
Giáo lý
Giáo xứ hiện có khoảng 1000 em học các lớp Giáo lý phổ thông, được chia thành 5 ngành theo phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể:
- Chiên: các em 4,5 tuổi được học thuộc kinh, tìm hiểu về Giáo lý qua các bài hát, tô màu tranh ảnh;
- Ấu: học Giáo lý Rước lễ trong 3 năm;
- Thiếu: học Giáo lý Thêm sức trong 3 năm;
- Nghĩa sĩ: học về Thánh Kinh, Bí tích, Phụng vụ;
- Hiệp sĩ: học về Giáo Hội và Luân lý Ki tô giáo, sau đó, các em được rước lễ Bao đồng.
- Sau đó, em nào có tinh thần tông đồ sẽ tiếp tục được huấn luyện để trở thành dự trưởng, tiến đến huynh Trưởng, những GLV tương lai.
Dạy Giáo lý cho các em có hơn 80 giáo lý viên là các huynh trưởng TNTT và các tu sĩ thuộc các dòng tu trong địa bàn giáo xứ: Dòng Đức Mẹ Lên Trời; MTG Nha Trang; MTG Thủ Thiêm; Nữ Vương Hòa Bình; Saint Paul; Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời; Thánh Tâm Huế. Với một đội ngũ GLV đông đảo và nhiệt tình như thế, các em thiếu nhi được chăm sóc rất kỹ lưỡng.
Các lớp Giáo lý Tân Tòng và Giáo lý Hôn Nhân học vào thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần, do chính cha sở dạy với sự cộng tác của các cha phó và một vài giáo dân xuất thân từ các dòng tu, am hiểu về Giáo lý dạy trong các trường hợp học viên không thể sắp xếp giờ đi học chung được.
Các Hội đoàn
Các Bà mẹ Công Giáo: gồm 343 hội viên hoạt động và tán trợ. Các hội viên hoạt động họp vào tối thứ Năm của các tuần thứ hai trong tháng, rất tích cực trong các công tác tông đồ cũng như hoạt động xã hội.
Bác ái Vinh Sơn: quy tụ những người nhiệt tâm, giàu lòng bác ái; có thời gian đi viếng thăm và phát gạo cho những người nghèo, già, neo đơn vào các thứ Bảy đầu tháng; thăm nhà Hưu dưỡng các linh mục, tu sĩ, các trẻ mồ côi; giúp trả một phần viện phí; đám tang cho người nghèo; giúp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học.
Dòng Ba Cát Minh: có 65 hội viên, ngoài việc chu toàn bổn phận của hội dòng, còn tham gia vào ban phục vụ trong các Thánh lễ, quét dọn làm sạch nhà Chúa…
Legio Mariae: hiện có tất cả 8 Praesidium Senior (4 ở nhà thờ chính, 3 thuộc giáo họ Thánh Mẫu và 1 ở Giáo họ Giuse) gồm 997 hội viên tán trợ và 77 hội viên hoạt động rất tích cực. Nhờ sự hiệp thông trong kinh nguyện của hội viên tán trợ, các hội viên hoạt động họp theo nhóm rồi đi thăm viếng, giúp ích rất nhiều trong việc giải hòa, đưa các gia đình rối hợp thức hóa hôn phối, những người nguội lạnh và những người chưa biết đạo trở về với Chúa.
Phạt tạ Thánh Tâm: có 84 hội viên, họp định kỳ vào thứ Sáu của tuần thứ hai trong tháng. Các hội viên luôn tôn sùng và đền tạ Thánh Tâm Chúa, thánh hóa bản thân và gia đình.
Ban Phục vụ: có 70 người giữ trật tự khuôn viên sân, sắp xếp chỗ ngồi trong nhà thờ giúp cho thánh lễ được nghiêm trang. Ngoài ra, còn một số người hy sinh thời gian làm đẹp nhà Chúa trong các công việc quét, lau nhà thờ, cắm hoa …
LỜI KẾT
Nhờ sự hy sinh hết lòng vì đoàn chiên của các vị mục tử và hầu hết giáo dân đạo đức, nhiệt tình, quý trọng vâng lời các chủ chăn, nên đại gia đình họ đạo Gia Định đã không ngừng tiến triển vững mạnh về số lượng cũng như về lòng đạo đức. Từ con số khởi đầu là 200, ngày nay Giáo xứ đã có trên 10.000 giáo dân. Cánh đồng truyền giáo đã phát triển mạnh mẽ.
Ước mong giáo xứ ngày càng phát triển trên con đường nhân đức và mỗi giáo dân trong đại gia đình họ đạo Gia Định luôn noi gương Trái tim Chúa Giêsu (Bổn Mạng giáo xứ) sống hiền lành khiêm nhường và mở rộng trái tim giúp đỡ mọi người, làm cho Nước Chúa ngày càng lan rộng.
Trần Thăng - NSTM 12.2017 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)