Giáo xứ Hiển Linh Gia Định 2016
TGPSG -- Ở Tổng giáo phận TPHCM có ba giáo xứ Hiển Linh: giáo xứ Hiển Linh thuộc dòng Tên tại Thủ Đức, giáo xứ Hiển Linh trên địa bàn quận 6 (Giáo xứ Chúa Hiển Linh, hạt Sài Gòn Chợ Quán) và giáo xứ Hiển Linh mà lần này chúng tôi ghé thăm, thuộc hạt Gia Định.
Cây cầu Thị Nghè làm cho bề mặt thông thoáng, lịch sự của Quận 1 khác biệt với khu dân cư đông đúc phía bên kia cầu, có chợ tấp nập kẻ buôn người bán.
Chúng tôi rẽ qua con đường Ngô Tất Tố và dừng lại trước ngôi nhà thờ nhỏ nằm ở “mặt tiền” này. Khuôn viên giáo xứ nhỏ mà sạch, làm cho ai đến thăm cũng cảm thấy dễ chịu: dù diện tích nhà thờ nhỏ hẹp, giáo xứ vẫn không quên “mục vụ môi trường”!
Đúng giờ hẹn, chúng tôi vừa bấm chuông, cha chánh xứ Giuse Phạm Sỹ Tùng đã xuất hiện trước cửa phòng khách. Và sau đây là những chia sẻ tâm tình của vị mục tử đầy nhiệt tình này.
Kính thưa cha, “tài liệu” cho biết giáo xứ của cha chỉ có 1.778 giáo dân, chắc là nhịp sinh hoạt cũng “be bé xinh xinh”?
Vâng, với số giáo dân nói trên, Thiếu Nhi Thánh Thể cũng chỉ có 170 em, nhưng các sinh hoạt cũng có một nề nếp giống nhiều giáo xứ khác dù nhỏ gọn hơn. Cách đây hai năm, khi mới về nhận giáo xứ, tôi không làm “xáo trộn” các đoàn thể. Từ những gì đã có, tôi làm cho tươi vui hơn.
Xin cha nói qua về “nét vui tươi” hiện nay?
Ở đây, giáo dân là người tứ phương đến. Họ là công nhân viên chức, còn dân lao động nghèo thì khá nhiều. Có nhiều di dân là người nhập cư miền Bắc, có những người Công giáo không xin nhập xứ... Nhìn chung, mang tiếng là ở sát Quận 1, thế mà dân trí ở đây trình độ tri thức không cao.
Đầu tiên, tôi gây được mức độ thân thiện nên làm việc gì giáo dân cũng nhẹ nhàng, đoàn kết. Kế đến là cởi mở với trẻ em; lúc trước chỉ có trên dưới 10 em dự thánh lễ ngày thứ năm, đến nay có đến trên dưới 90 em hiện diện trong thánh lễ này làm bầu khí ngôi nhà thờ nhỏ rộn ràng hẳn lên; từ đây, phụ huynh cũng năng đến nhà thờ.
Hành trình hòa nhập của cha và giáo xứ có gì thuận lợi và khó khăn không ạ?
Tôi thành lập Hội Đồng Mục Vụ khá trẻ gồm 25 người, với 5 vị trong Ban Thường vụ. Có 4 giáo khu, mỗi giáo khu có đến 5 người ở trong mỗi Ban Điều hành giáo khu. Có các ban chuyên trách được phân chia công việc rõ ràng. Các giáo xứ khác thường có “nhóm Lòng Chúa Thương Xót”, đặc biệt ở đây gọi là “Ban Thương Xót”, làm tất cả những công việc có liên quan đến việc thương xót như tên gọi vốn có.
Các công việc thuộc về mục vụ giáo xứ thì thế nào ạ?
Vào ngày thứ tư, sau Chúa nhật thứ hai trong tháng tôi dạy “linh hoạt phụng vụ” để giáo dân hiểu về thánh lễ nhiều hơn. Riêng các em thiếu nhi vừa được học giáo lý vừa được học về phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Học giáo lý là “phần siêu nhiên”, học phong trào là “phần tự nhiên”; sau đó là tham dự thánh lễ là “phần thực hành”.
Cũng như các giáo xứ khác, các lớp giáo lý dự tòng và hôn nhân do tôi cùng quí thầy dòng Thánh Tân (Huế) và quí Sơ Đaminh (Bà Rịa) đảm trách. Ngoài ra những thánh lễ riêng trong năm như lễ dành cho bệnh nhân, thánh lễ kính Đức Mẹ vào ngày 13... đều có giáo dân tham dự rất đông. Chị cứ xem đĩa VCD “Giáo xứ Hiển Linh diễn nguyện mừng Chúa Giáng Sinh 2015” sẽ thấy lòng sốt sắng và sự nhiệt thành của giáo dân ở đây.
Còn 2 năm nữa, tức là năm 2018, giáo xứ mừng 50 năm thành lập, cha có tâm tư tâm nguyện thế nào, xin vui lòng chia sẻ?
Theo quan điểm riêng, tôi luôn nhấn mạnh về “sứ mạng mục vụ”, việc gì cũng nằm trong lòng Giáo Hội, việc làm mang ý nghĩa là luôn đi theo đường hướng của Hội Thánh.
Sau cùng, xin cha cho biết giáo xứ sống tinh thần bác ái thế nào ạ?
Giáo xứ có ban Caritas hoạt động một cách đơn sơ và dễ thương. Thí dụ như trên địa bàn giáo xứ có quán cơm “năm ngàn đồng” dành cho sinh viên của Caritas giáo phận, thành viên Caritas giáo xứ cũng góp sức phục vụ và giáo dân cũng chung tay trợ giúp phần nào. Để có quà Tết cho người nghèo, ban Caritas bày bán quần áo và hoa tươi ở sân mặt tiền đường của nhà thờ, “ai mua sản phẩm là giúp cho người nghèo” và cộng đoàn còn giúp cho giáo dân khó khăn cùng với gia đình nghèo không Công giáo nữa!
Đặc biệt, vì giáo xứ có nhiều người lao động phổ thông nghèo nên không có chuyện “kêu gọi đóng góp” mà chỉ nhận những người “tình nguyện” mang đến. Thôi thì “lá rách đùm lá rách hơn”, một năm cộng đoàn giáo xứ cũng giúp cho hai giáo xứ vùng sâu vùng xa đến và có một hai chuyến đi thăm giáo xứ khác.
Chuyện ngoài lề
Cha xứ còn kể thêm một số chuyện ngoài lề, làm cho chúng tôi hiểu rõ hơn một số thuận lợi và khó khăn khác tại đây. Ngoài ra, cha chia sẻ, với năng khiếu âm nhạc của mình, cha còn dạy đàn tranh, piano và organ cho linh mục, tu sĩ và một số em tình nguyện, tuy nhiên, cha nói rằng mục vụ giáo xứ vẫn là công việc chính yếu.
Sau đó, chúng tôi được ông cựu chánh trương Đaminh Đinh Văn Lâm - người có nhiều năm phục vụ trong giáo khu và làm chủ tịch HĐMV hai khóa tại giáo xứ này - tiếp đón tại nhà riêng và giúp chúng tôi ghi lại lược sử phát triển giáo xứ dưới đây.
Vài hàng lược sử
Nhà thờ Hiển Linh - địa chỉ số 05GH, đường Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM - ngày xưa là khu 9, họ lẻ của giáo xứ Thị Nghè, và là cư xá Cửu Long của quân đội.
Vào năm 1964, vì nhu cầu giáo dân nơi đây, linh mục Gioan Nguyễn Văn Minh đã khởi công xây dựng ngôi nhà thờ trên một thửa đất ruộng diện tích 800 mét vuông, bên cạnh bờ kinh rạch Văn Thánh. Nhà thờ xây dựng bằng vật liệu nhẹ, tường gạch, mái tôn nhỏ bé, có nhà xứ dành cho các linh mục. Có nhà thờ, hằng ngày giáo dân đến cầu nguyện nhưng chỉ vào Chúa nhật mới có linh mục đến dâng lễ.
Đến năm 1965, linh mục Luca Phạm Anh Dụ được bổ nhiệm với tư cách là cha xứ tiên khởi. Năm 1966, họ lẻ này được nâng lên hàng giáo xứ, lấy tên là Hiển Linh với 900 giáo dân.
Cha Luca Dụ phục vụ từ 1965 đến 1975 thì đi xa. Cha Phêrô Vũ Văn Huỳnh được bổ nhiệm làm chánh xứ Hiển Linh từ năm 1975 đến năm 1993.
Khi cha Phêrô về hưu dưỡng, cha Gioan Nguyễn Văn Minh - vị linh mục từng xây ngôi nhà thờ đầu tiên ở đây - về làm chánh xứ. Năm 1994, số giáo dân là 1.600 người, cha xứ Gioan xin xây nhà thờ mới. Giáo quyền đồng ý nhưng chính quyền chỉ cho phép xây trên nền cũ, không được nới rộng, không được quá cao. Thời điểm này kinh tế khó khăn nhưng cha xứ và cộng đoàn dân Chúa vẫn tin tưởng phó thác. Người giúp công, kẻ giúp của, cùng sự trợ giúp của các giáo xứ khác, nhà thờ mới với tháp chuông đã được hoàn thành và được Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần cắt băng khánh thành vào ngày 05-01-1995. Đến năm 2001, giáo xứ đại tu thánh đường. Trong năm Thánh Truyền Giáo 2004, giáo xứ mừng nhà thờ được tròn 40 tuổi (1964-2004).
Linh mục Gioan Nguyễn Văn Minh phục vụ giáo xứ từ 1993 đến 2013 thì nghỉ hưu. Ngày 31-7-2013, linh mục Giuse Phạm Sỹ Tùng được Tòa TGM bổ nhiệm làm cha chánh xứ Hiển Linh. Từ năm 2013 đến 2014, giáo xứ lại đại tu, sửa sang nhà xứ, đài thánh Giuse, xây núi Đức Mẹ, xây thư quán, sửa gian cung thánh cho khang trang và đã ổn định.
Bài Giảng Chúa Nhật, 2016 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)