Giáo xứ Jeanne d’Arc 2016
TGPSG -- Ở quận 5, có một nhà thờ xây dựng theo phong cách kiến trúc Gothique, được đặt trong khu công viên với nhiều cây cao lớn, thảm cỏ xanh, hai bên hông nhà thờ tiếp giáp với hai con đường, phía trước là một khoảng không gian rộng. Đó là nhà thờ thánh Jeanne d’Arc, thuộc hạt Sài Gòn Chợ Quán.
Một giáo xứ có hoàn cảnh đặc biệt...
Trao đổi với cha chánh xứ Antôn Lương Thủ Hơn, chúng tôi được vị linh mục cao tuổi cho biết về nhịp sống đạo của cộng đoàn giáo xứ khá đặc biệt này.
Giáo xứ có gần 2.000 giáo dân. Nhiều người lầm tưởng cộng đoàn này có nhiều giáo dân gốc Hoa; nhưng không, giáo xứ không có thánh lễ tiếng Hoa và chỉ có ít người gốc Hoa. Giáo xứ có chín giáo khu trên địa bàn quận 5, quận 10 và quận 11. Ở vùng này, giáo dân ở rải rác, lại nặng trách nhiệm mưu sinh cho gia đình và không có nhiều thời gian làm “việc nhà thờ” nên mỗi giáo khu chỉ có một vị trưởng khu, còn HĐMV thì có sáu vị.
Với hoàn cảnh khá đặc thù, giáo xứ đã kết nối cộng đoàn trong bầu khí như thế nào ? BẢN TIN GIÁO XỨ (hàng tháng xuất hiện trên trang web TGP Sài Gòn) như một gạch nối dễ thương dù chỉ phô-tô rõ ràng, đơn sơ với những nội dung như bài giảng của Đức Thánh Cha; tin tức Giáo Hội toàn cầu, GH Việt Nam, giáo phận, giáo xứ; gương thánh nhân, lịch phục vụ trong tháng, góc học hỏi. Riêng Lá Thư Mục Tử của cha xứ thường hay gửi gắm những suy tư cuộc sống và tấm gương tu đức... hẳn là ít nhiều cũng là một phần hội thoại giữa cha xứ và giáo dân.
Bốn thánh lễ ngày Chúa nhật có nhiều khách vãng lai nên nhịp sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn rõ nét hơn. Thiếu Nhi Thánh Thể học giáo lý lúc 8 giờ sáng Chúa nhật, sau đó dự lễ cùng với các phụ huynh vào lúc 9 giờ. Các lớp Khai tâm, Rước lễ Lần Đầu, Thêm Sức, Bao Đồng được hướng dẫn do quí Sơ và các giáo lý viên.
Dưới thời cha Giuse Bùi Văn Nho, chỉ có một đoàn thể duy nhất là Hùng Tâm Dũng Chí. Từ sau năm 1975, không có hoạt động đoàn thể nào, giáo dân phân tán, cuộc sống khó khăn. Đến năm 1989, nhân sự chỉ còn dăm ba người, rồi từ từ cha chánh xứ Antôn Hơn thành lập hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và Mến Thánh Giá Tại Thế, hoạt động từ đó đến nay.
Trên địa bàn giáo xứ có 7 bệnh viện trong số 11 bệnh viện ở quận 5. Người nhà bệnh nhân mời cha vào xức dầu ngày càng nhiều; cha xứ đã dành khá nhiều thời gian để “đi kẻ liệt”. Trên địa bàn khá rộng, thế mà ngày Chúa nhật nào các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cũng đi trao Mình Thánh Chúa cho các bệnh nhân.
Việc bác ái của cộng đoàn giáo xứ cũng rất rõ ràng: đóng góp theo phong trào địa phương như nhà tình nghĩa; tặng phong bì tiền giúp đỡ người nghèo vào dịp Tết (các giáo khu báo số lượng gia đình nghèo không phân biệt lương giáo, người Kinh người Hoa).
Bên cạnh hoạt động của lòng nhân ái, còn có những việc đạo đức tự phát của cộng đoàn như giờ chầu Mình Thánh Chúa đầu tháng, kinh chiều Chúa nhật , kính Lòng Chúa Thương Xót hằng ngày.
Năm 1999, giáo xứ xây hội trường và nhà dành cho các nữ tu. Năm 2012, nhà thờ được sơn lại bên trong; có thêm sáu chiếc màn hình tivi để phục vụ cho việc cầu nguyện trong thánh lễ; và tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu cao lớn nơi cung thánh, thể hiện lòng xót thương vô biên của Thiên Chúa.
Nhà thờ trước đây có khuôn viên rộng, nhưng từ khi khu vực này thành công viên thì khoảng trống hai bên hông trở thành hai con đường công cộng mà thường ngày có nhiều xe hơi đậu vô tư, nên khuôn viên nhà thờ chỉ còn là hành lang nhỏ sau hàng rào sắt; vào ngày lễ lớn có rước kiệu chỉ trong phạm vi hành lang đó thôi.
Giáo xứ không có bảo vệ, không có văn phòng. Trước nhà xứ là phòng nhỏ rất đơn sơ, cha xứ tiếp giáo dân ở đây. Có nhiều tệ nạn xã hội như lừa đảo, trộm cắp vặt (dưới dạng xin trú mưa, ăn xin). Trước kia khu vực này nổi tiếng là của những người “buôn phấn, bán hương”. Sau khi bị truy quét thì không còn lộ liễu mà chuyển sang kiểu hoạt động âm thầm, tinh vi, nên không gian quanh nhà thờ có phần “sạch” hơn.
Giáo xứ nhận Thánh Jeanne d’Arc là thánh bổn mạng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Là một giáo họ thuộc họ đạo Chợ Quán, nên khi được tách thành họ đạo riêng vào đúng dịp bà Jeanne d’Arc được phong thánh vào đầu thế kỷ 20, nên cha sở bấy giờ đã nhận vị thánh này làm bổn mạng.
...Và một lược sử đặc biệt Hình thành
Mỗi giáo xứ, mỗi nhà thờ đều có lịch sử riêng biệt, từ lúc manh nha thành lập đến giai đoạn phát triển. Cộng đoàn giáo xứ và nhà thờ Jeanne d’Arc ở Ngã Sáu Chợ Lớn cũng như vậy.
Trước năm 1865, giáo dân Việt Hoa còn thưa thớt, chưa có nhà thờ nên họ thường đi lễ ở nhà thờ Chợ Quán. Đến năm 1865, linh mục Philipphê thuộc dòng Thừa Sai Paris (MEP) từ Trung Quốc sang Chợ Lớn, thấy giáo dân người Hoa ngày một đông, nên ngài đã cất một ngôi thánh đường tọa lạc tại đường Phùng Hưng. Nhà thờ này mang tên Tổng lãnh Thiên Thần Micae.
Khoảng năm 1890, giáo dân người Việt gia tăng. Linh mục Phanxicô Xavier Tam Assou, gọi tắt là Cha Tam, đã cất xong một ngôi thánh đường mới như hiện nay vào năm 1898. Cũng vào năm ấy, nhà thờ Micae được nhường lại cho tín hữu người Việt. Năm 1919, linh mục Gioan Baotixita Huỳnh Tịnh Hướng là cha sở Họ đạo Micae.
Giai đoạn phát triển và ngôi thánh đường mới Jeanne d’Arc
Vùng Chợ Lớn vào thời kì này rất phồn thịnh. Dân chúng tuôn về đây sinh sống ngày một đông. Giáo dân người Việt cũng theo đà phát triển kinh tế mà gia tăng. Cha Gioan B. Huỳnh Tịnh Hướng nhận thấy nhà thờ Micae xuống cấp và hư nhiều, nên ngài chọn một địa điểm khác rộng rãi hơn để cất một ngôi thánh đường mới với danh hiệu là Jeanne d’Arc. Người dân thường gọi là “Nhà thờ Ngã Sáu”, vì gần nhà thờ có ba con đường Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự và Nguyễn Chí Thanh đan chéo nhau chia thành sáu hướng đi. Nhà thờ thánh Jeanne d’Arc được kiến trúc theo Tây phương kiểu Gothique, tọa lạc trên nghĩa trang Huế kiều (người Pháp gọi là Plaine des tombeaux). Nhà thờ khởi công xây năm 1922, khánh thành tháng 5-1928. Sau khi có ngôi thánh đường mới, nhà thờ Micae không còn hoạt động tôn giáo nữa.
Từ khi có ngôi thánh đường mới đến nay (2016) đã có bốn đời linh mục quản xứ:
Linh mục tiên khởi Gioan B. Huỳnh Tịnh Hướng (1928 – 1934)
Linh mục người Pháp duy nhất Louis Bosvieux (1934 – 1946)
Linh mục Giuse Bùi Văn Nho (1946 – 1989)
Linh mục Antôn Lương Thủ Hơn (1989 – 2016)
Lời kết
Hạt giống Tin Mừng được gieo vãi khắp nơi nhưng hoa trái đức tin lại trổ sinh dồi dào khác nhau trên từng mảnh đất. Cộng đoàn giáo xứ thánh Jeanne d’ Arc với hành trình từ năm 1865 đến nay đã kiên trì vững bước qua chặng đường dài quả là điều quí báu trong hành trình đức tin.
Vũ Loan - Bài Giảng Chúa Nhật 2016 (TGPSG)
Ghi chú:
Sau khi Linh mục Antôn Lương Thủ Hơn về hưu, linh mục Giuse Vũ Minh Thùy đã được bổ nhiệm làm chính xứ Jeanne d'Arc từ 2016 đến 2020.
Và vào ngày 21.08.2020, linh mục Giuse Bùi Văn Quyền, nguyên Chánh xứ Nữ Vương Hòa Bình - giáo hạt Xóm Mới, đã được Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng bổ nhiệm làm chính xứ giáo xứ thánh Jeanne d’Arc.
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)