Giáo xứ Long Bình 2018
TGPSG -- Nằm trên Hương lộ 33, nay là đường Nguyễn Xiển, phường Long Bình, Quận 9, Giáo xứ Long Bình, giáo hạt Thủ Thiêm nằm sát ranh giới với Giáo phận Xuân Lộc, như một cánh cửa mở ra phía Đông của Tổng Giáo phận Sài Gòn.
Giáo xứ được thành lập vào năm 1958. Vào năm 1961, ngôi nhà thờ khang trang đầu tiên của giáo xứ đã được dựng lên để dâng kính Đức Mẹ Mân Côi - Bổn Mạng của Giáo xứ, được kính vào ngày 7-10 hằng năm.
Quá trình hình thành
Năm 1954, một số giáo dân làng Bồ Ngọc ở miền Bắc đã vào Nam và tạm cư tại Hố Nai. Gần một năm sau, linh mục Micae Nguyễn Khắc Tuần OP, đã đưa giáo dân ba làng: Bồ Ngọc, Chi Lai và Nghĩa Chính cùng đến định cư ở cù lao Long Phước Thôn. Nhưng cù lao này cô lập, cuộc sống nhiều khó khăn, nên cha Micae cùng giáo dân hai làng Giáo Thiện, Bồ Ngọc đã di chuyển đến cánh đồng Tròn, thuộc xã Long Bình, huyện Thủ Đức, nay là quận 9, thành phố HCM, lập nên một giáo xứ mang tên là Đa Minh Phước, tức là phước lộc của thánh Đa Minh.
Sau đó, Giáo xứ đã được Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đổi tên thành giáo xứ Long Bình vì ngài muốn bổn đạo hội nhập với dân địa phương, trở nên muối men cho vùng đất Long Bình. Trú ngụ trong khoảng 40 căn nhà mái rơm vách đất, đầm ấm vây quanh ngôi nhà thờ thân thương, giáo dân Long Bình đã cần cù lao động, cải tạo vùng đất hoang sơ thành những cánh đồng lúa xanh tươi.
Đã có nhiều linh mục được sai đến đây phục vụ và để lại những dấu ấn mục vụ đặc biệt:
- Cha Phêrô Vũ Văn Mạch hoàn chỉnh gian Cung thánh, xây trường học, thành lập hội Bác Ái.
- Cha Giuse Vũ Quang Tuyến xây nhà xã hội để dạy nghề may cho thanh thiếu niên.
- Cha Gioakim Vũ Ngọc Long xây năm gian nhà giáo lý.
- Cha Giuse Phạm Văn Nhân quan tâm xây nhà tình thương tình nghĩa.
- Cha Giuse Đỗ Duy Lạn giúp giáo dân có lòng sùng kính Đức Mẹ Mễ Du.
- Cha Phêrô Nguyễn Bá Ân xây dựng nhà thờ, nhà giáo lý và tháp chuông như hiện nay.
- Cha Phêrô Nguyễn Văn Cường đang tiếp nối xây dựng đời sống đạo đức, bác ái, chỉnh trang và tu bổ thêm cơ sở vật chất cho giáo xứ.
Các linh mục chánh xứ của giáo xứ Long Bình
1. Micae Nguyễn Khắc Tuần, OP (1958 – 1959)
2. Luca Nguyễn Thanh Bình (1959 – 1960)
3. Stêphanô Phan Sâm (1960 – 1963)
4. Gioan Bt. Đào Duy Du (1963 – 1969)
5. Phêrô Vũ Văn Mạch (1969 – 1970)
6. Giuse Vũ Quang Tuyến (1970 – 1993)
7. Gioakim Vũ Ngọc Long (1993 – 1995)
8. Giuse Phạm Văn Nhân (1995 – 2002)
9. Giuse Maria Đỗ Duy Lạn (2002 – 2004)
10. Phêrô Nguyễn Bá Ân, OP (Quản xứ 2004 – 2006, Chánh xứ 2006 – 2012)
11. Phêrô Nguyễn Văn Cường (2012 đến nay).
Tổ chức sinh hoạt
Từ khi giáo xứ được thành lập đến nay, các linh mục chánh xứ luôn quan tâm xây dựng cấu trúc của giáo xứ, thành lập các giáo khu và bầu ban phục vụ giáo xứ, với những sinh hoạt điều hành được tổ chức chặt chẽ.
Giáo xứ hiện nay có khoảng 2.700 giáo dân, được chia thành 5 giáo khu: Thánh Giuse, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Thánh Vinh (Thánh Tử đạo Stêphanô Nguyễn Văn Vinh), Thánh Mới (Thánh tử đạo Augustinô Nguyễn Văn Mới) và Thánh Phaolô trở lại.
Các đoàn thể bao gồm: Gia đình Phạt Tạ, Các Bà Mẹ Công Giáo, Huynh đoàn Đaminh, Hội Mân Côi, Gia đình Tận Hiến, Thiếu Nhi Thánh Thể, Lòng Thương Xót, Chăm sóc kẻ liệt, Ban Caritas, Ban Lễ Sinh…
Mục vụ và Đức Tin
Tất cả các ngày trong tuần đều có thánh lễ: ngày thường vào lúc 4g30 và 17g00; Chúa nhật vào lúc 4g30, 7g00 (lễ Thiếu Nhi) và 16g00. Thánh lễ nào cũng có ca đoàn phục vụ.
Giáo xứ chầu Thánh Thể vào thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy đầu tháng.
Các lớp Giáo lý được khai giảng đều đặn hằng năm cho thiếu nhi cũng như cho các anh chị em dự tòng, dưới sự chăm sóc của Cha chánh xứ, cùng sự cộng tác của các tu sĩ, các huynh trưởng và giáo lý viên.
Trình độ văn hóa của thanh thiếu niên Long Bình có phần bị hạn chế vì trường học ở xa, đường xá khi nắng thì bụi, mưa xuống thì lầy lội. Dẫu vậy, nhiều con em trong giáo xứ đã vượt khó để đáp lại tiếng Chúa kêu gọi vào đời sống tu trì, nên hiện nay đã có nhiều tu sĩ xuất thân từ giáo xứ Long Bình này.
Thực thi bác ái
Dù giáo dân ít ỏi, lại sống nơi vùng quê còn nhiều khó khăn, nhưng việc bác ái luôn được giáo xứ quan tâm thực hiện. Những năm gần đây, dưới sự động viên của Cha Chánh xứ Phêrô, giáo xứ đã tìm cách chia sẻ, nâng đỡ các em tại trại mồ côi Vinh sơn 4 và Vinh sơn 6, do các nữ tu Hội Dòng Ảnh Đức Mẹ Làm Phép Lạ tại Kontum phụ trách.
Lời kết: Giáo xứ của Men và Muối
Là men và muối để làm cho Tin Mừng lan tỏa trong một nơi có nhiều anh chị em lương dân - đây chính là sứ vụ cần thiết mà giáo xứ Long Bình đã ý thức ngay từ lúc được thành lập vào thời Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền.
Đặc biệt, giáo dân nơi đây đã ghi khắc sâu đậm huấn từ khai mạc năm thánh kỷ niệm 60 năm thành lập giáo xứ của Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc: “Ước mong giáo xứ sống Lời Chúa và nỗ lực loan báo Tin Mừng cho những anh chị em chưa biết Chúa. Giáo xứ đã và đang phát huy những sáng kiến để triển khai điều này…”
Giuse Nguyễn Văn Quý - NSTM 3.2018 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)