Giáo xứ Mẫu Tâm - Chí Hòa (2018)
TGPSG -- Giáo xứ Mẫu Tâm (Chí Hòa) nằm trên địa bàn phường 2, quận Tân Bình (khu vực Lăng Cha Cả), với nhà thờ có tháp chuông vừa đủ cao và mặt tiền sâu khoảng 10 mét trên đường Hoàng Văn Thụ, nên nếu không để ý, thì dù đi ngang qua nhà thờ, mọi người có thể sẽ không nhìn thấy ngôi nhà thờ này.
Nhịp sống sinh hoạt tôn giáo của cộng đoàn giáo xứ nơi đây cũng trầm trầm so với sự ồn ào náo nhiệt của khu vực.
Chúng tôi thường tham dự Thánh lễ ngày thường ở đây vào lúc 18 giờ 00, nên hiểu được phần nào “nhịp trầm trầm” ấy. Thánh lễ ngày thường có số giáo dân tham dự cố định. Vào ngày Chúa nhật và lễ trọng, giáo xứ đông vui hơn. Mọi việc diễn ra nhịp nhàng, tốt đẹp.
Một buổi chiều, chúng tôi quyết định vào nhà xứ, gặp cha chánh xứ Phêrô Nguyễn Văn Tâm để hiểu thêm về cộng đoàn ở đây.
Con kính chào Cha. Biết Cha từ lâu, nhưng hôm nay con mới đến để được nghe Cha chia sẻ về sinh hoạt giáo xứ. Hình như Cha về đây lâu rồi phải không ạ?
Chào chị! Chị ngồi đi, rồi mới nói chuyện này chuyện kia! Tôi về đây từ năm 2001, đến nay là mười lăm năm... cũng đã trải qua nhiều vui buồn sướng khổ với cộng đoàn 2.150 giáo dân rồi.
Thường khi quí cha vừa nhận nhiệm sở mới, hay có những thay đổi để phù hợp với cách làm việc, xin Cha nói về những năm đầu tiên Cha đến nơi đây?
Vừa được cộng đoàn đón nhận, tôi liền làm đơn xin lại dãy nhà là phân hiệu 2 trường học Nguyễn Thanh Tuyền mà nhà nước mượn sau 1975. Bốn năm sau, nhà nước trả lại, giáo xứ trùng tu lại thành Nhà Mục Vụ để có nơi hội họp, dạy giáo lý cho 250 thiếu nhi, có phòng hài cốt, có hội trường ở tầng trệt để có thể tổ chức tiệc vui, mừng bổn mạng hay giúp đỡ các gia đình nhà chật hẹp lo tang lễ...
Chặng đường tiếp theo có gì vui không, thưa Cha?
Chỉ cần bốn năm đầu, tôi và cộng đoàn giáo xứ đã ổn định xong tất cả mọi việc, từ Hội đồng Mục vụ cho đến các đoàn thể.... còn cơ sở vật chất chỉ sửa chữa theo từng hạng mục. Từ đó đến nay, giáo xứ đã hình thành được một nề nếp chung.
Xin Cha nói qua về những sinh hoạt của giáo xứ, nhất là về công tác huấn giáo?
Giáo xứ có Hội Đồng Mục vụ là 50 người. Có bốn giáo khu với bốn trưởng khu điều hành. Còn hội Các Bà Mẹ Công Giáo thì xứ nào cũng hoạt động tốt, ở đây cũng vậy. Huynh đoàn Đa Minh và Huynh Đệ đoàn Phan Sinh tuy ít người nhưng hoạt động đều đặn. Hội Légio Mariae có đến ba tiểu đội, hoạt động âm thầm, có hiệu quả. Giới trẻ thì ẩn mình trong các đoàn thể. Có ba ca đoàn chính và một vài nhóm phụng ca giúp cho Thánh lễ được thêm phần sinh độn, sốt sắng. Đội ngũ giáo lý viên gồm 20 anh chị và các nữ tu dòng Nữ Vương Hòa Bình (Ban Mê Thuột) phụ trách, giảng dạy bốn khối là Khai Tâm, Rước Lễ, Thêm Sức và Bao Đồng (mới đây các em thiếu nhi còn được ăn sáng do quí ân nhân trợ giúp). Bên cạnh đó, giáo xứ cũng thường xuyên tổ chức các lớp Giáo lý hôn nhân và Giáo lý dự tòng. Nhìn chung là “nhỏ bé thôi”, nhưng cũng đủ để làm nên “sức sống” của cộng đoàn giáo xứ! Tôi cũng có mời quý cha dòng Chúa Cứu Thế, dòng Đaminh, và các thầy, các nữ tu về giúp mục vụ cho giáo xứ.
Mời chị xem trang web giáo xứ Mẫu Tâm tại địa chỉ gxmautam.blogspot.com do tôi và ban truyền thông phụ trách với những sinh hoạt cụ thể về những ban chuyên trách...
Ồ, truyền thông sinh động sẽ phản ánh nhiều điều. Và sau cùng xin Cha cho chúng con biết thêm về việc bác ái của giáo xứ?
Hằng năm, Ban Caritas có “cây mùa xuân” tặng quà cho người nghèo trong và ngoài giáo xứ. Thường cứ hai, ba tháng lại có một giáo xứ vùng xa đến giáo xứ Mẫu Tâm xin trợ giúp về tài chánh để phục vụ cho mục đích xây dựng nhà thờ; nên xem ra giáo dân ở đây cũng có lòng với việc chung. Dịp Phục Sinh, người lớn cũng như thiếu nhi, khi tham dự Thánh lễ đều được nhận trứng phục sinh và nước suối đã được làm phép.
Xin cảm ơn Cha. Con sẽ vào gxmautam.blogspot.com của giáo xứ để xem những hình ảnh và đọc bài viết, hẳn là sinh động và đầy đủ hơn.
Cảm ơn chị đã ghé thăm.
Một lược sử có nét riêng
Giáo xứ Mẫu Tâm có một lược sử riêng khi hình thành chứ không tách ra từ một giáo xứ. Đến nay, cộng đoàn còn giữ được vài hình ảnh thuở mới thành lập mà khi nhìn vào, với cột mốc thời gian, người giáo dân dễ dàng xúc động .
Từ diễn biến lịch sử 1954, sau hiệp định Genève, bằng các phương tiện như đường thủy…. Một số khá đông người dân từ miền Bắc đã di cư vào miền Nam để sinh sống và lập nghiệp, phần đông là giáo dân thuộc gốc Bùi Chu – Phát Diệm, cùng giáo dân thuộc gốc Sa Châu được đưa về trại tạm cư Tân Sơn Nhất (nay là công viên Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình) và được sắp xếp ở tạm trong những nhà bạt lớn, sàn ván.
Để duy trì niềm tin Công Giáo và lòng sùng đạo, ngay tại góc của trại tạm cư, một dãy nhà năm gian được dựng lên với cột gỗ vuông, mái lợp tôn, chung quanh ghép ván cao khoảng 1 mét. Tại đây vừa được làm văn phòng tiếp nhận và phân phối nhu yếu phẩm, vừa là nhà nguyện để mỗi sáng cố linh mục Augustinô Nguyễn Văn Tra từ Tiểu chủng viện Phaolô Phát Diệm ở Phú Nhuận tới dâng lễ.
Đầu năm 1955, trại tạm cư Tân Sơn Nhất giải tỏa. Dưới sự hướng dẫn của Cha cố Augustinô Nguyễn Văn Tra, giáo dân gốc Bùi Chu – Phát Diệm đã chuyển đến khu đất trống của người Pháp, nguyên là khu ruộng khô cằn và gầy dựng nên giáo xứ Mẫu Tâm ngày nay. Còn lại một số giáo dân gốc Sa Châu theo cha cố Đaminh Mai Ngọc Khuê lập nên giáo xứ Tân Sa Châu. Cũng từ đây Mẫu Tâm và Tân Sa Châu trở thành địa danh hành chính là Ấp Tân Sa Châu, xã Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định.
Thời gian này chưa có nhà thờ, nhưng để duy trì đời sống tâm linh, mỗi sáng, giáo dân thường tập trung trong khu vực nhà mồ Lăng Cha Cả - nơi an táng Đức Cố Giám mục Bá Đa Lộc, để cùng nhau dự lễ.
Với nỗ lực của giáo dân và sự đồng thuận của Cha cố Augustinô Nguyễn Văn Tra, nhà thờ đầu tiên với tên gọi Mẫu Tâm đã được xây dựng bằng cột gỗ vuông, mái lá, ghép ván, tọa lạc tại số 163A đường Võ Tánh nối dài, gần Lăng Cha Cả. Ngày nay, địa chỉ trên đã được đổi thành số 389 đường Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM.
Sau khi hoàn thành nhà thờ, nhận thấy tầm quan trọng của giáo dục đối với con em giáo dân là cần thiết, cha cố Augustinô đã cho xây song song nhà thờ một dãy trường học bằng vật liệu nhẹ và đặt tên là trường Tiểu học tư thục Phaolô Bột.
Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt hằng ngày, một khu chợ nhỏ nằm trong khu dân cư cũng đã dần dần được hình thành với tên gọi Chợ Lăng Cha Cả. Khu chợ này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Từ khi thành lập đến nay, giáo xứ có các linh mục chánh xứ đến phục vụ qua các thời kỳ:
Cố Lm. Augustinô Nguyễn Văn Tra (1955 – 1957)
Cố Lm. Antôn Nguyễn Văn Thủy (1957 – 1970)
Cố Lm. Antôn Nguyễn Văn Luận (1970 – 2001)
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Tâm (từ 2001-2018)
Lm. Martinô Chu Quang Định (từ 2018 đến nay)
Lời kết
Một cộng đoàn giáo xứ, dù nhịp sinh hoạt tôn giáo có sinh động, náo nhiệt hay trầm lắng, lặng lẽ... thì việc nuôi dưỡng đức tin Kitô giáo vẫn là quan trọng hơn cả.
BGCN (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)