Giáo xứ Nam Hòa 2017
TGPSG -- “Nhà thờ, nhà xứ và các cơ sở vật chất khác của giáo xứ đã được xây dựng kiên cố và ổn định. Bây giờ là lúc giáo xứ phải có kế hoạch phát triển toàn diện, đặc biệt trong đời sống đức tin, niềm hy vọng và đức ái. Đấy cũng là cách thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã dày công xây dựng giáo xứ Nam Hoà có được như ngày hôm nay.”
Cha xứ đương nhiệm của Giáo xứ Nam Hòa đã chia sẻ như thế. Ngài nhấn mạnh thêm: “Để lưu truyền đời sống đức tin cho thế hệ mai sau, ngay từ bây giờ, chúng ta phải quan tâm đào tạo và từng bước giao việc cho giới trẻ, vì họ là rường cột của giáo xứ”.
I. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Sau hơn 60 năm hình thành, giáo xứ Nam Hoà đã phát triển dần dần qua 6 đời linh mục chánh xứ:
- Cha xứ tiên khởi: Linh mục (Lm) Đaminh Đinh Tiến Khoa (1954-1955). Năm 1954, do thời cuộc, cha Đaminh Đinh Tiến Khoa - chánh xứ Nam Lạng, giáo phận Bùi Chu - đã dẫn đoàn chiên vào lập nghiệp trên vùng đất canh tác của giáo phận Sài Gòn, do Nhà chung Chí Hòa quản lý. Có lẽ vì thế, ngài đã đặt tên là giáo xứ Nam Hoà (Nam Lạng - Chí Hoà).
- Cha xứ thứ 2: Lm Giuse Phạm Bảo Huấn (1955-1957). Trên nền nhà hội quán hiện nay, ngài đã dựng ngôi nhà thờ tạm đầu tiên bằng cột gỗ, vách ván, mái bằng vải bạt. Tiếp đó, ngài phân lô, cấp đất cho giáo dân. Toàn xứ chia thành 18 lô, mỗi lô từ 9 đến 14 căn, với diện tích mỗi căn là 3,5m x 9m.
- Cha xứ thứ 3: Lm Vinh Sơn Trần Đức Hoá (1957-1980). Sau khi ổn định nhân sự, ngôi nhà thờ bán kiên cố đầu tiên được ngài xây dựng trên nền nhà thờ cũ với sáu gian, cột gỗ, mái tôn, vách ván. Đầu nhà thờ xây tường, nền xi măng. Đầu năm 1958, Đức cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền về làm phép và khánh thành nhà thờ. Cha xứ tiếp tục xây dựng các cơ sở gồm: Nhà xứ phía Đông nhà thờ; nhà dì phước và trường học...
Tiếp theo, cha tổ chức giáo xứ thành 3 khu: Khu Bắc Hải, dọc đường Bắc Hải; khu Ân Lập, phía Tây Nam nhà thờ; khu Bắc Hợp, chạy ra đường Lý Thường Kiệt.
Các hội đoàn đã được thành lập gồm: Dòng Ba Đa Minh, Nữ Đoàn Bác Ái, Đạo Binh Đức Mẹ, ca đoàn Cecilia, Gia đình Phạt tạ, Gia đình Đền tạ Trái Tim Đức Mẹ, phong trào Thanh Sinh Công, Hội Con Đức Mẹ.
Tuy nhiên, vì số giáo dân ngày thêm đông, cha Hoá tiếp tục xây dựng ngôi nhà thờ mới trên nền nhà thờ cũ với chiều dài 34m, chiều rộng 18m, mái cao hơn, sườn và vì kèo bằng sắt, có tháp cao. Nhà thờ đã có điện để sử dụng.
Đầu năm 1967, nghi thức khánh thành nhà thờ mới được Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ sự, cùng với sự hiện diện của Đức Giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm. Ngay sau đó, cha xứ xây dựng lại nhà xứ bằng bê tông với 2 tầng lầu. Năm 1970, ngài thành lập Hội đồng Mục vụ giáo xứ đầu tiên với 65 người.
Năm 1968, cha Đa Minh Nguyễn Đức Bình được cử về làm phó xứ. Ngày 15.5.1980, cha Hoá đã an nghỉ, sau 23 năm trong chức vị chánh xứ.
- Cha xứ thứ 4: Lm Đa Minh Nguyễn Đức Bình (1980-1992)
Tháng 8-1980, cha Đa Minh Nguyễn Đức Bình được bổ nhiệm làm chánh xứ. Trong giai đoạn khó khăn về kinh tế này, ngài chú tâm vào việc củng cố nhân sự và duy trì các sinh hoạt trong giáo xứ, giáo khu và hội đoàn.
- Cha xứ thứ 5: Lm Vinh Sơn Trần Văn Đắc (1992-2006) Ngài nhậm xứ ngày 01-8-1992. Sau 4 năm vận động bà con tiết kiệm, ngày 07.01.1996, Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc đã chủ sự Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng ngôi nhà thờ kiên cố - ngôi thánh đường giáo xứ Nam Hoà hiện nay. Sau đó, giáo xứ còn xây dựng các công trình: Lưu xá sinh viên với tên gọi “Hội quán Nam Hoà”, nâng cấp trường Khai Quang, xây dựng tượng đài Đức Mẹ La Vang và Thánh Martinô...
- Cha xứ thứ 6: Lm Giuse Trần Văn Lưu (từ 2006-2017)
- Cha xứ thứ 7: Lm PX. Đậu Nguyễn Hoàng Linh (từ năm 2017 đến nay) .
II. CÁC CHA PHÓ ĐÃ PHỤC VỤ TẠI GIÁO XỨ NAM HÒA
1. Cha Giuse Nguyễn Quang Lâm (1962-1964)
2. Cha Gioan Bt. Bùi Kim Dương (1964-1966)
3. Cha Đaminh Phan Kim Sơn (1966-1968)
4. Cha Đaminh Nguyễn Đức Bình (1968-1980)
5. Cha Antôn Nguyễn Anh Dũng (1989-1992)
6. Cha Giuse Phạm Hồng Thái (1992-1998)
7. Cha Phêrô Nguyễn Văn Trọng (1998-2002)
8. Cha Phêrô Nguyễn Thanh Tùng (2002-2003)
9. Cha Phaolô Vũ Đỗ Anh Khoa (2003-2007)
10. Cha Phêrô Nguyễn Văn Giáo (2016 - 2017)
11. Cha Hiêrônimô Trần Anh Nhật (2017 đến nay)
III. ĐÓN NHẬN VÀ TRỔ SINH HOA TRÁI
“Tôi luôn bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị tiền nhiềm và mọi người đã quảng đại đóng góp để xây dựng giáo xứ qua nhiều thời kỳ. Với trách nhiệm của người mục tử, tôi luôn cố gắng duy trì tình đoàn kết, hiệp nhất, yêu thương giữa mọi thành phần trong giáo xứ, để đời sống đức tin của mọi thành phần dân Chúa ngày càng thăng tiến hơn”. Với tâm nguyện trên, cha xứ Giuse Trần Văn Lưu đã cùng với Hội đồng Mục vụ Giáo xứ thực hiện các chương trình mục vụ như sau:
Cấu trúc và sinh hoạt mục vụ
- Giáo xứ có trên dưới 4.500 giáo dân, với gần 900 hộ gia đình Công giáo, được chia thành 6 giáo khu.
- Các đoàn thể Công giáo Tiến hành được thành lập đều khắp cho mọi thành phần, gồm: Huynh đoàn giáo dân Đa Minh, Huynh Đệ Đoàn Phan Sinh tại thế, Hội Legio Mariae, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Đoàn Bác ái Hiêp hội Thánh Mẫu, Hiệp hội Gia đình Phúc Âm, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Ban Mục vụ Cao niên, Ban Mục vụ Gia đình, Ban Mục vụ Giới trẻ, Caritas và Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể với gần 600 em và 40 anh chị giáo lý viên.
- Với sự điều hành của cha xứ, sự cộng tác của các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ gồm 46 vị (40 nam và 6 nữ) và 12 ca đoàn (3 ca đoàn giáo xứ, 6 ca đoàn của 6 giáo họ, 2 ca đoàn các đoàn thể và ca đoàn thiếu nhi), các giờ kinh lễ, rước kiệu, tĩnh tâm, sinh hoạt đoàn thể được tổ chức rất nề nếp. Ngày thường có 2 Thánh lễ và Chúa nhật có 4 Thánh lễ, luôn thu hút đông người trong và ngoài giáo xứ đến tham dự.
Thành quả về Ơn gọi
Hơn 60 năm qua, nhiều hoa trái Ơn gọi linh mục, tu sĩ đã trổ sinh tại giáo xứ Nam Hòa, với 19 linh mục - trong đó có Giám mục Antôn Vũ Huy Chương, 5 tu sĩ nam và 30 tu sĩ nữ. Ngoài ra, giáo xứ còn có trên 10 chủng sinh, tu sinh, thanh tuyển sinh đang tu học.
Chăm lo đời sống đức tin
Cha chánh xứ luôn mời gọi mọi thành phần dân Chúa siêng năng đến hiệp dâng Thánh lễ mỗi ngày, lãnh nhận bí tích Giải tội, cùng nhau tổ chức đọc kinh tối sáng tại gia đình, tại các liên gia và các đền đài.
Đoàn thiếu nhi được chia thành 18 lớp dưới sự hướng dẫn của các tu sĩ và gần 40 anh chị giáo lý viên. Bên cạnh đó, lớp Giáo lý Hôn Nhân và Dự Tòng mỗi năm mở 2 khoá do 10 giảng viên hướng dẫn.
Ngoài ra, còn có các buổi sinh hoạt ngoại khoá theo năm phụng vụ. Cụ thể, trong năm “Tân Phúc âm hoá đời sống gia đình”, giáo xứ đã mời Ban Mục vụ Gia đình của Tổng Giáo phận về hướng dẫn 12 đề tài vào tối thứ Hai đầu tháng.
Nhằm giúp các em thiếu nhi và giới trẻ cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa nơi bí tích Thánh Thể, vào mỗi sáng Chúa nhật, sau Thánh lễ dành cho thiếu nhi, giáo xứ đã tổ chức cho các em Chầu Thánh Thể. Riêng Ban Mục vụ Giới trẻ sẽ tự chọn chủ đề, chuẩn bị nội dung và trình cha xứ, sau đó các bạn sẽ tổ chức, hướng dẫn giờ Chầu Thánh Thể vào tối thứ Hai đầu tháng, vào lúc 20g00.
Công tác bác ái, tông đồ
Nhờ lời cầu nguyện và những hy sinh âm thầm của các cụ Hội Cao niên, cũng như của anh chị em Legio Mariae mà trong 11 năm qua, có rất nhiều người trở lại để được Rửa tội vào dịp Giáng Sinh và Phục Sinh.
Hằng năm, ngoài việc các đoàn thể, ca đoàn, sinh viên Lưu xá Nam Hòa thực thi bác ái cho đồng bào thiểu số, anh chị em khuyết tật, và người nghèo vùng sông nước..., bà con giáo dân còn đóng góp cho việc tu bổ, sửa chữa nhà thờ, đóng góp quỹ Ơn Gọi, giúp nhà Hưu dưỡng các Linh mục, ủng hộ việc truyền giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam... với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng/năm.
Định hướng tương lai
Cha chánh xứ luôn quan tâm phát triển mọi giới, nhưng đặc biệt ưu tư về giới trẻ. Ngài tâm sự: “Khi về đảm nhận công tác mục vụ tại một giáo xứ đã ổn định về cơ sở vật chất, nỗi lo về đời sống đức tin, tạo sự hiệp nhất yêu thương, gắn kết sinh hoạt giữa các giáo khu, đoàn thể...với giáo xứ và với nhau là điều rất quan trọng.
Để truyền thống tốt đẹp của giáo xứ được lưu truyền cho thế hệ mai sau, thì giới trẻ là đối tượng chúng ta cần phải quan tâm, vì họ là rường cột của giáo xứ và cần sự đỡ nâng của những bậc cha anh. Đó là lý do giáo xứ luôn tạo “sân chơi” cho giới trẻ, tổ chức các giờ Chầu Thánh Thể. Giới trẻ phụ trách Thánh lễ Chúa nhật, thu gom ve chai để thực thi bác ái. Đặc biệt, giới trẻ luôn quan tâm đến những sinh viên Công giáo sống xa quê...”.
Cha chánh xứ còn cho biết thêm: “Sau khi ra trường, giới trẻ đã phải bận tâm với vấn đề cơm áo gạo tiền nên có rất ít thời gian cộng tác với Giáo hội. Vì thế, tôi sẵn sàng đồng hành với anh chị em Tán trợ và Cộng tác viên của Ban Mục vụ Truyền Thông Tổng Giáo phận Sài Gòn trong việc cầu nguyện cho mọi thành viên truyền thông luôn thông truyền Tin Mừng của Chúa phù hợp với nhịp sống xã hội hôm nay”.
Xin cầu chúc giáo xứ Nam Hòa luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo xứ, để xây dựng cộng đoàn giáo xứ ngày càng khởi sắc và phát triển toàn diện, đặc biệt là trong đời sống đức tin và văn hoá.
Quang Hoàng & Bích Liên - NSTM 8.2017 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)