Giáo xứ Tắc Rỗi 2017
TGPSG -- Suốt thời gian dài 138 năm với bao sóng gió thăng trầm, đã có lúc tưởng chừng giáo xứ Tắc Rỗi sẽ bị xóa tên trên bản đồ Giáo phận. Thế nhưng, sức sống đạo nơi đây không lụi tàn đi mà lại được hồi sinh một cách diệu kỳ trong sự quan phòng của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Chặng đường đầu đầy gian khó
Trước đây, Tắc Rỗi là một cù lao, hướng đông là sông Nhà Bè, ba hướng kia là vùng nước bao quanh. Vùng nước này gọi là Tắc và có nhiều ghe đậu lại, chờ chở hàng và tránh gió, tránh nước ngược. Do những ghe đậu ở đây thường rảnh rỗi (chưa có hàng), nên nơi này được gọi là Tắc Rỗi.
Năm 1863, Ông Phaolô Lê Văn Bằng (em của Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm) mua cả khu vực ruộng Tắc Rỗi để khởi nghiệp.
Năm 1880, có một số người trong vùng theo Đạo nên ông Bằng xin Cha sở Xóm Chiếu - lúc bấy giờ là cha Phi - cho lập họ đạo Tắc Rỗi vào năm 1880 và nhận Thánh Phêrô làm quan thầy. Số bổn đạo lúc bấy giờ khoảng 80 người.
Trong dịp Đức cha Mỹ (Colombert) tới thăm họ đạo Tắc Rỗi, vợ chồng ông Bằng cùng con cái đã ký tờ đoạn mãi 170 mẫu ruộng ở Tắc Rỗi dâng cho Nhà Chung. Phần của họ đạo Tắc Rỗi được chia là 20 mẫu.
Vào những năm đầu thành lập họ đạo, có các thầy Đại Chủng viện đến giúp; tiếp theo là các thầy Ân Đức - Cái Nhum. Sau đó, các dì phước Mến Thánh Giá Chợ Quán tới cư ngụ tại chỗ để giúp trông coi họ đạo. Từ lúc được thành lập, Tắc Rỗi chưa có cha sở riêng, do đó các cha sở Xóm Chiếu chịu trách nhiệm mục vụ cho Tắc Rỗi.
Thời bấy giờ, giáo dân quá ít, lại nghèo khó, làm ngày nào ăn ngày ấy, nhiều người không tới nhà thờ. Khi có linh mục đến thì người ta đổ xô tới, khi không có linh mục thì nhà thờ coi như bị bỏ trống. Do việc đi lại khó khăn, dân chúng nghèo khổ và hoàn cảnh phức tạp nhiều mặt, nên từ năm 1890, số người Công giáo giảm dần.
Khi nhìn lại chặng đường dài đầy gian khó hơn 100 năm của Họ đạo Tắc Rỗi, cha Đaminh Ngô Quang Tuyên đã nhận định: “Có thể nói chuyện kể về Chúa Giêsu tại Tắc Rỗi trong thời điểm này có nhiều nét khó đọc: các tín hữu đã rất vất vả tô những nét chữ ngoằn ngoèo trên trang giấy đức tin của Tắc Rỗi. Nhưng Chúa Giêsu vẫn hướng dẫn và đồng hành để những môn sinh Tắc Rỗi vẫn có thể viết tiếp những dòng chữ chứng nhân sống động, vẫn tiếp tục kể chuyện về Đấng Cứu Thế ở Tắc Rỗi, nơi mà Người luôn có mặt.”
Bước vào giai đoạn Hồi sinh
Và… sau hơn 100 năm,
Năm 1993, công nghiệp Tp Hồ Chí Minh phát triển, khu chế xuất Tân Thuận hình thành, nhà nước trưng thu đất đai để xây dựng. Diện tích đất của Họ đạo Tắc Rỗi nằm trong vùng quy hoạch. Thời đó cha Giuse Bùi Minh Sơn (chánh xứ Tân Hòa) được Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình ủy thác trông coi việc di dời nhà thờ Tắc Rỗi vào khu dân cư Tân Mỹ (số 1, đường số 1, khu dân cư Tân Mỹ, phường Tân Phú, Q.7). Diện tích đền bù chỉ có 890 m2, với căn nhà thờ nhỏ bằng gỗ. Lúc ấy, bà con giáo dân gốc Tắc Rỗi chỉ còn lại trên dưới 10 gia đình, với khoảng 100 giáo dân.
Theo lời của Đức cố Giám mục Aloisiô Phạm Văn Nẫm thì giáo xứ Tắc Rỗi, dù nhỏ bé nhưng rất được Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình quan tâm dành cho một sự ưu ái đặc biệt vì Tắc Rỗi là một địa danh cổ kính của Tổng Giáo phận. Ngày 26.12.1996, Đức cha Aloisiô giao giáo xứ Tắc Rỗi cho Linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên chăm sóc mục vụ. Giáo xứ Tắc Rỗi bắt đầu hồi sinh và phát triển từ khi nhà thờ được di dời đến địa điểm mới. Cha Đaminh đã cùng với các nữ tu Mến Thánh Giá Chợ Quán và giáo dân dần dần chỉnh trang nhà thờ và tổ chức nhân sự để phát triển đức tin và nhân bản cho giáo xứ.
Bắt đầu khởi sắc
Vào ngày 10.07.2011, một trang sử đặc biệt đã mở ra cho giáo xứ Tắc Rỗi khi ĐHY TGM Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn bổ nhiệm cha Martinô Trần Quang Vinh làm chánh xứ Tắc Rỗi. Sau lễ nhậm chức chánh xứ vào ngày 24.07.2011, Cha Martinô cùng giáo dân tại đây đã dùng đời sống đức tin của mình mà viết tiếp câu chuyện thật sống động về Chúa Giêsu tại Tắc Rỗi .
Vào thời điểm 2011, ngôi nhà thờ do nhà nước xây dựng đền bù đã xuống cấp trầm trọng; nhà thờ bị ngập nặng nề mỗi khi thủy triều dâng; bà con giáo dân ngày càng đông, Chúa nhật và lễ lớn, giáo dân đứng chật kín cả sân, thậm chí phải đứng tràn ra đường. Trước cảnh tượng đó, mọi người cảm thấy việc xây dựng thánh đường mới là vô cùng cần thiết và cấp bách.
Ngày 04.03.2012, Đức Hồng y Gioan Baotixita đã cử hành nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường mới.
Ngày 30.06.2013, khởi công xây dựng Thánh đường.
Ngày 03.12.2013, khánh thành nhà Giáo lý.
Ngày 21.12.2014, Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 135 năm thành lập giáo xứ và Cung hiến Thánh đường. Ngài mời gọi giáo dân Tắc Rỗi không dừng lại ở việc xây dựng Nhà Chúa, mà hãy cùng nhau xây dựng cộng đoàn và mỗi người hãy trở thành sứ giả hòa bình, đem niềm vui đến cho người khác, nhờ đó sẽ có nhiều người nhận biết Chúa.
Cũng với ý hướng này, cha Martinô đã dành nhiều tâm huyết trong việc xây dựng giáo xứ, gầy dựng các hội đoàn, ca đoàn, ban giáo lý, nề nếp sinh hoạt phụng vụ, tổ chức các chuyến công tác từ thiện…
Củng cố và phát triển
Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc đã sai Cha Martinô Trần Quang Vinh đi nhận nhiệm vụ nơi khác vào ngày 24.06.2015, và bổ nhiệm Cha Giuse Nguyễn Hữu Thức làm chánh xứ Tắc Rỗi vào ngày 26.06.2015.
Hiện nay, giáo xứ Tắc Rỗi có khoảng 1.000 giáo dân, sống rải rác trên một địa bàn rộng lớn (gồm phường Tân Phú, phường Phú Mỹ và một phần của phường Tân Phong) và được chia làm 5 giáo khu. Ban Hành giáo, các đoàn thể Công giáo tiến hành và quý nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, Dòng Đức Bà Truyền Giáo, Dòng Nữ Tử Bác Ái đã cùng cộng tác với cha chánh xứ trong các hoạt động mục vụ. Đông đảo thiếu nhi tham gia sinh hoạt các lớp giáo lý từ Khai tâm đến Bao đồng. Riêng lớp giáo lý Tân tòng và Hôn nhân do cha sở phụ trách đã thu hút rất nhiều học viên là các bạn trẻ di dân. Ngoài những khóa học chính thức, cha còn còn tạo điều kiện để các bạn sắp lập gia đình có hoàn cảnh đặc biệt được học hỏi giáo lý vào nhiều giờ khác nhau.
Cha đặc biệt quan tâm đến việc Giải tội: trước và sau tất cả các Thánh lễ trong tuần, kể cả Chúa nhật, bà con giáo dân đều có thể tìm gặp ơn tha thứ qua bí tích Hòa Giải.
Để bà con giáo dân tiếp xúc nhiều hơn với Lời Chúa và hòa nhịp với những sinh hoạt của giáo phận, hằng tháng cha sở gửi đến mỗi gia đình trong giáo xứ sách Nhịp sống Tin Mừng. Ban Hành giáo có nhiệm vụ đến phát cho từng gia đình. Theo cha thì đây là một công tác nhằm giúp Ban Hành giáo có được mối liên hệ thường xuyên với các gia đình trong giáo xứ, nhờ đó mà nắm được tình hình của bà con.
Riêng các Hội viên Legio Mariae hoạt động rất tích cực, là những cánh tay nối dài đắc lực của cha sở trong việc thăm viếng, giúp đỡ những người đang mang những căn bệnh nơi tâm hồn và cả thể xác.
Từ 2018, Cha Martinô Trần Quang Vinh chính thức được bổ nhiệm làm chánh xứ Tắc Rỗi cho đến nay.
Lời kết: Ngắm nhìn và cảm tạ
Giáo xứ Tắc Rỗi đã được hình thành và tồn tại trong bao khó khăn thử thách, để rồi sau đó hồi sinh và phát triển đầy khả quan trong tình thương của Thiên Chúa Quan Phòng và trong sự cộng tác đắc lực của mọi thành phần dân Chúa. Đây là một bức tranh tuyệt tác, được vẽ trong 138 năm qua, mô tả dung nhan Giêsu đang dần dần tỏ hiện trong tâm hồn những người sống tại đây. Xin được chiêm ngắm bức tranh ấy với niềm tạ ơn vô bờ bến.
Hồng Tuyến - Nhịp Sống Tin Mừng 6.2017 (TGPSG)
bài liên quan mới nhất
- Giáo xứ An Bình 2018
-
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020) -
Giáo xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm -
Giáo xứ Lạc Quang 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Mông Triệu 2020 -
Hậu trường phim tư liệu về giáo xứ Thị Nghè -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa
bài liên quan đọc nhiều
- Video Giáo xứ Bình An: 66 năm hiện diện
-
Giáo xứ Chợ Đũi 2019 -
Giáo xứ Lam Sơn 2020 -
Video Giáo xứ Thị Nghè: Nhớ về cái nôi Thành phố -
Video Giáo xứ An Bình: Cộng đồng Hoa - Việt hài hòa -
Video Giáo xứ Hòa Hưng: Cộng đoàn tin yêu -
Giáo xứ Cầu Kho: Hiệp nhất để truyền giáo -
Giáo xứ Trung Bắc 2020 -
Giáo xứ An Nhơn 2020 -
Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Xóm Mới (2020)