Giáo xứ Tắc Rỗi: Hành trình Đức tin 135 năm
WGPSG -- Nhờ tình yêu bao la và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa toàn năng, giáo xứ Tắc Rỗi đã kiên vững trải qua dòng lịch sử 135 năm hình thành và phát triển (1880 - 2015).
Nhìn lại suốt chặng đường đã qua, với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc cùng với bao khó khăn thử thách của giáo xứ, có lúc tưởng chừng cộng đoàn bé nhỏ này sẽ bị xóa tên trên bản đồ Giáo phận. Thế nhưng, trên tất cả, đó là ân sủng tràn đầy của Thiên Chúa qua từng biến cố, từng sự kiện của giáo xứ.
Thiết nghĩ, điểm dừng chân với con số 135 năm cũng khá đủ để chân nhận Tắc Rỗi là một giáo xứ cổ xưa trong Giáo phận Sài Gòn. Đồng thời, trong bối cảnh Năm Phúc Âm hóa Giáo xứ, việc mừng kỷ niệm 135 năm thành lập là dịp để các thế hệ con cháu hôm nay sống và thể hiện niềm tin qua việc dâng lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ tình thương bao la mà Thiên Chúa đã tuôn đổ trên giáo xứ. Đây còn là dịp để các thế hệ hiện tại cùng tìm về dĩ vãng xa xưa, để hiểu biết và trân trọng những giá trị cao quý trong quá khứ, hầu mở ra một con đường thăng tiến trong tương lai.
Hành trình Đức tin 135 năm của giáo xứ Tắc Rỗi có thể chia làm hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Địa điểm, thời gian và bối cảnh xã hội
1. Tắc Rỗi là một cù lao, hướng Đông là sông Nhà Bè, ba hướng kia là vùng nước bao quanh. Vùng nước này gọi là Tắc và có nhiều ghe đậu lại chờ chở hàng và tránh gió, tránh nước ngược. Do những ghe rỗi (chưa có hàng) nên gọi là Tắc Rỗi.
2. Năm 1863, em thứ tư của Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm là ông Phaolô Lê Văn Bằng, mua của Chính phủ cả khu vực ruộng Tắc Rỗi. Năm 1880, ông Bằng bắt đầu khởi nghiệp. Trong vùng cũng có một số người theo Đạo nên ông đã xin Cha Phi (Baimbaud) là Cha sở Xóm Chiếu cho lập họ đạo Tắc Rỗi, nhận Thánh Phêrô làm bổn mạng.
3. Năm 1882, số người theo Đạo được 80 người. Thời kỳ này, các Thầy tới dạy dỗ, giúp việc giáo xứ. Sau đó, có hai Dì Phước Chợ Quán. Thời bấy giờ, việc đi lại khó khăn, nghèo khổ và hoàn cảnh phức tạp nhiều mặt nên Cha sở thăm bổn đạo phải ở lại vài ba ngày mới trở về Xóm Chiếu.
4. Từ 1890, số người theo Đạo bớt dần, ruộng xấu, thu hoạch kém, vợ chồng ông bà Lê Văn Bằng già cả, yếu đuối. Nhân dịp Đức cha Mỹ (Colombert) tới thăm họ đạo Tắc Rỗi thì vợ chồng ông cùng con cái đã kí tờ đoạn mãi 170 mẫu ruộng ở Tắc Rỗi dâng cho Nhà Chung, phần của họ đạo Tắc Rỗi được chia là 20 mẫu. Thời bấy giờ, giáo dân quá ít, lại nghèo khó, làm ngày nào ăn ngày ấy, nhiều người không tới Nhà thờ. Khi có Cha thì người ta đổ xô tới, khi không có Cha thì coi như bỏ trống Nhà thờ. Việc đọc kinh, dâng lễ cũng ít, trừ khi có lễ Hôn phối, hay lễ Hối tử thì đông người hơn các lễ khác.
Về giáo dục, có thời mở lớp cho trẻ em trong họ đạo. Vài năm đầu, các Thầy Đại Chủng viện giúp, tiếp theo là các Thầy Ân Đức - Cái Nhum. Sau cùng, các Dì Phước Mến Thánh Giá Chợ Quán tới cư ngụ tại chỗ để trông coi họ đạo. Từ lúc được thành lập, Tắc Rỗi chưa có Cha sở riêng, do đó các Cha sở Xóm Chiếu chịu trách nhiệm mục vụ cho Tắc Rỗi.
Có thể nói câu chuyện Chúa Giêsu tại Tắc Rỗi trong thời điểm này có nhiều nét khó đọc, các tín hữu còn vất vả tô những nét chữ ngoằn ngoèo trên trang giấy Đức tin. Nhưng Chúa Giêsu vẫn hướng dẫn và đồng hành để những môn sinh Tắc Rỗi viết tiếp những dòng chữ chứng nhân sống động và tiếp tục kể chuyện Đấng Cứu Thế trên mảnh đất giáo xứ thân yêu, mà Người luôn có mặt.
Giai đoạn 2: Chúa Giêsu luôn có mặt
1. Năm 1993, công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh phát triển, khu chế xuất Tân Thuận hình thành, Nhà nước trưng thu đất đai để xây dựng. Diện tích đất của họ đạo Tắc Rỗi nằm trong vùng quy hoạch. Thời đó, cha Giuse Bùi Minh Sơn (chánh xứ Tân Hòa) được Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình ủy thác trông coi việc di dời Nhà thờ Tắc Rỗi vào khu dân cư Tân Mỹ. Diện tích chỉ có 890 m2, với căn nhà thờ nhỏ bằng gỗ. Bà con giáo dân gốc Tắc Rỗi lúc bấy giờ chỉ còn lại trên dưới 10 gia đình, với khoảng 100 giáo dân.
2. Theo lời của Đức cố Giám mục Alosiô thì giáo xứ Tắc Rỗi, dù nhỏ bé nhưng rất được Đức cố Tổng Giám mục Phaolô quan tâm và dành cho một sự ưu ái đặc biệt vì Tắc Rỗi là một địa danh cổ kính của Tổng Giáo phận. Ngày 26.12.1996, Đức cha Alosiô giao giáo xứ Tắc Rỗi cho Linh mục Đaminh Ngô Quang Tuyên chăm sóc mục vụ. Giáo xứ Tắc Rỗi bắt đầu hồi sinh và phát triển từ khi nhà thờ được di dời đến địa điểm mới, có thể nói đây là khởi đầu giai đoạn 2 của giáo xứ Tắc Rỗi. Cha Đaminh đã cùng với các nữ tu và giáo dân dần dần chỉnh trang nhà thờ và tổ chức nhân sự để phát triển Đức tin và nhân bản cho giáo xứ.
3. Thế rồi, một trang sử mới đã mở ra cho giáo xứ Tắc Rỗi với việc ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn bổ nhiệm Cha Martin Trần Quang Vinh làm chánh xứ Tắc Rỗi vào ngày 24.07.2011. Hơn ba năm qua, Cha Martin đã cùng cộng đoàn dân Chúa canh tân, xây dựng giáo xứ ngày càng phát triển về mọi mặt.
Tưởng cũng nên nhắc lại, ngôi thánh đường của giáo xứ do Nhà nước xây dựng đền bù năm 1993, đã xuống cấp trầm trọng, và không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con giáo dân. Xuất phát từ tình hình đó, được sự đồng thuận của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, cùng với sự ủng hộ của quý ân nhân xa gần, cha chánh xứ và cộng đoàn Tắc Rỗi đã quyết định khởi công xây dựng Nhà Giáo lý và ngôi Thánh đường mới.
4. Ngày 04.03.2012, một dấu chỉ nói lên sự hồi sinh thật sống động nơi giáo xứ Tắc Rỗi, khi mọi thành phần dân Chúa từ Đức Hồng y Gioan Baotixita, quý cha, quý nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân cùng quy tụ về nơi đây để cử hành những nghi thức thật trang trọng: khánh thành, làm phép tháp chuông và đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường mới.
Ngày 30.06.2013, Cha Hạt trưởng Đaminh Ngô Quang Tuyên chủ sự Thánh lễ khởi công xây dựng Thánh đường.
Ngày 03.12.2013, Cha Hạt trưởng Đaminh Ngô Quang Tuyên chủ sự Thánh lễ khánh thành Nhà Giáo lý.
Hồng ân nối tiếp hồng ân, sau hơn một năm xây dựng, ngôi Thánh đường mới đã hoàn thành vào dịp mừng 135 năm thành lập giáo xứ Tắc Rỗi, trong bối cảnh năm Phúc Âm hóa Giáo xứ. Ngày 21.12.2014, ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc chủ sự Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 135 năm thành lập giáo xứ và Cung hiến Thánh đường.
Với những mốc điểm về thời gian như thế, giáo xứ Tắc Rỗi đã được hình thành, tồn tại cùng với bao khó khăn, thử thách, và đã lớn lên trong tình thương của Thiên Chúa Quan Phòng. Dấu ấn 135 năm qua không chỉ đọng lại nơi ký ức mọi người qua ngôi nhà thờ vật chất mới được xây dựng, nhưng quan trọng hơn cả, đền thờ tâm hồn nơi mỗi người và đời sống Đức tin của cộng đoàn giáo xứ ngày một vững mạnh, là nhờ các vị mục tử đã dày công dạy dỗ, ban các bí tích, cử hành phụng vụ, cùng với sự hiện diện của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán trong suốt lịch sử hình thành giáo xứ, và bao công lao vất vả hy sinh của các bậc tiền nhân và quý ân nhân. Nhìn lại đôi dòng lịch sử giáo xứ Tắc Rỗi 135 năm qua, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm bức tranh tuyệt tác về công trình của Thiên Chúa và sự hồi sinh của cộng đoàn dân Chúa nơi đây.
“Tất cả là hồng ân”. Xin dâng lời chúc tụng, ngợi khen và tạ ơn Thiên Chúa! Xin bày tỏ lòng tri ân cảm mến đối với quý Đức cha, quý Cha, quý Tu sĩ nam nữ và bao Ân nhân đã hy sinh thời gian, công sức, tiền bạc để giáo xứ Tắc Rỗi được hình thành và phát triển như ngày hôm nay.
Mừng 135 năm thành lập giáo xứ là dịp trở về nguồn cội yêu thương, đồng thời cũng là bước khởi hành mới trên con đường Tân Phúc Âm hóa Giáo xứ. Nguyện xin Chúa thương ban cho giáo xứ Tắc Rỗi được bình an, cho mọi người, mọi nhà trong giáo xứ luôn sống đạo đức trong giây phút hiện tại và sống đẹp Chúa trong chuỗi ngày tương lai, thăng tiến con người trong đời sống Đức tin, nuôi dưỡng và củng cố tình yêu thương và hiệp nhất trong giáo xứ.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm