Giếng làng
Trong hệ thống tổ chức làng xã tại Việt Nam, nhất là ở miền Bắc, giếng làng đã trở nên thiết yếu đối với một cộng đồng dân cư địa phương. Cùng với cây đa và sân đình, giếng rất thân thuộc với mọi người sinh ra và lớn lên tại đó. Cây đa có tác dụng cho bóng mát và bầu khí trong lành; giếng nước cung cấp nước sạch cho mọi người mọi nhà; sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ nghi, thờ tự tín ngưỡng của người dân. Bộ ba “cây đa, giếng nước, sân đình” thường ở vị trí đầu làng, thuận tiện cho việc quy tụ mọi người dân để dễ gặp gỡ nhau hơn.
Vào thời xa xưa, không có báo chí, không có truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông như ngày nay, giếng làng là trung tâm tin tức. Bờ giếng là nơi người ta gặp gỡ nhau để thông tin thời sự về cuộc sống của làng. Từ những chuyện vui đến chuyện buồn, từ chuyện chung đến chuyện riêng, tất cả đều được thông tin, bình luận. Từ “trung tâm thông tin” này, các tin tức được loan báo về ngõ xóm cũng như đến mọi gia đình.
Nước giếng làng bao giờ cũng rất trong và ngọt, vì thường được thiết kế theo luật phong thủy địa lý. Giếng làng cũng là nguồn nước sạch cho mọi gia đình. Hằng ngày, họ đều đến gánh nước về, chứa trong những chiếc chum sành để dùng dần. Những người con của dân làng đang sinh sống xa quê, mỗi khi trở về, thường vục đầu vào dòng nước mát, cảm thấy tấm lòng thanh thản như được gặp gỡ hồn quê rất thiêng liêng và đáng trân trọng. Phần lớn những giếng làng đều có nước quanh năm, kể cả những thời kỳ hạn hán.
Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, bờ giếng cũng là nơi hẹn hò của các cặp uyên ương. Có những đôi vợ chồng đã nên duyên nhờ gặp nhau khi đến kín nước ở giếng làng. Giếng làng là nhân chứng của biết bao mối tình, lắng nghe những lời thề non hẹn biển, những dòng tâm sự tưởng như không bao giờ chấm dứt của những đôi lứa yêu nhau. Giếng làng cũng được chứng kiến biết bao cuộc từ biệt chia ly hay hồi hương gặp gỡ. Giếng làng đã trở nên thân thiết gần gũi với dân làng, như một thành viên của cộng đồng xã hội, như chứng nhân lịch sử về những biến cố vui buồn của người dân. Không ít những đôi trai gái khắc lên thành giếng những lời yêu thương, như những lời thề nguyền thiêng liêng bền vững.
“Cây đa bến nước sân đình
Thành nơi hò hẹn chúng mình yêu nhau
Về nhà chẳng nói mẹ đâu
Xốn xang với việc lần đầu gặp anh” (Sưu tầm)
Vì giếng làng thân thiết như thế, nên đôi khi người ta gán cho nó một tính chất linh thiêng, giống như một vị thần. Không ít nơi, nhiều người thường đến lễ bái nơi bờ giếng để cầu may và xin phúc lộc. Nhiều giếng còn mang vẻ huyền bí, kèm theo biết bao giai thoại được thêu dệt, đến mức hoang đường. Nguời ta đồn đại về một giếng cổ ở xã Bá Hiến (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chưa bao giờ biết cạn nước. Một người dân ở đây là ông Nguyễn Viết Bồng đã kể lại rất nhiều điều lạ lùng liên quan đến giếng này, đến nỗi gia đình Ông phải lập một miếu thờ ngay tại giếng để cầu may tránh họa.
Những giếng làng mang nhiều hình thức khác nhau. Có những giếng lớn, thường là hình tròn, có đường kính rộng đến hai chục mét, nhưng cũng có những giếng rất đơn giản, đường kính chỉ từ một mét đến một mét rưỡi. Có những giếng được kè gạch, nhưng phần lớn được kè đá để nước trong và ngọt hơn.
Trong truyền thống Thánh Kinh, hình ảnh giếng cũng được sử dụng với những ý nghĩa tượng trưng rất đặc biệt. Sách Sáng thế kể lại việc Ông Giacóp về quê hương mình là Pátđan Aram để hỏi vợ. Bên cạnh giếng làng, Ông đã gặp cô Rakhen, con ông Laban, đang múc nước giếng cho đàn vật của cha mình uống. Mối tình đã nảy nở trong cuộc gặp gỡ lịch sử này. Ông Giacóp đã cưới bà Rakhen làm vợ (x St 29,1-14).
Thánh Gioan kể lại trong Tin Mừng của Ngài về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria bên bờ giếng mang tên ông Giacóp ở thành Xykha. Nhân vật gặp gỡ Chúa vừa là phụ nữ, vừa là người ngoại. Đây là hai điều cấm kỵ trong việc giao tiếp thời Chúa Giêsu. Hơn nữa, cuộc gặp gỡ này lại vào đúng lúc giờ trưa vắng vẻ. Chúa đã vượt qua mọi rào cản để nói chuyện với chị. Qua cuộc trao đổi này, người phụ nữ Samaria đã nhận ra sứ mạng Thiên sai của Chúa, đồng thời chị đã trở nên một nhà “truyền giáo”, vào làng, kể với mọi người về giáo huấn của Chúa, làm chứng rằng Chúa là một ngôn sứ (x. Ga 4,7-41). Bờ giếng Giacóp đã trở thành nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau. Người phụ nữ Samari đại diện cho cả dân ngoại đón nhận mạc khải của Chúa để nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu độ trần gian.
Như thế, văn hóa Việt Nam và truyền thống Thánh Kinh đã gặp nhau nơi giếng nước thân thương bình dị. Giếng nước Giacóp được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Gioan đã là nguồn gợi hứng cho một phương pháp truyền giáo rất hiệu quả. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã dùng hình ảnh xứ đạo với giếng nước đầu làng, từ giếng nước ấy mọi người có thể giải khát, tìm được sự tươi mát của Tin Mừng. Một cách cụ thể, Ngài đề nghị một phương pháp truyền giáo qua những cuộc gặp gỡ thân thiện với mọi người. Việc giới thiệu Chúa Giêsu khởi đi từ những sinh hoạt rất đời thường, như người ta đến múc nước ở giếng làng. Giáo xứ không phải là một ốc đảo riêng biệt khép kín, nhưng là một nơi mà ai cũng có thể đến để gặp gỡ, tâm sự, giãi bày những trăn trở băn khoăn của đời sống thường nhật. Cũng giống như giếng nước đầu làng, giáo xứ là nơi liên kết mọi người trong tình mến, cùng nâng đỡ nhau và giúp nhau vượt qua những khó khăn thử thách. Giáo xứ cũng là nơi mọi người được đón nhận những thông tin bổ ích cho đời sống xã hội và đời sống đức tin. Đây cũng là nơi gột rửa bụi trần, thanh tẩy tâm hồn và đem lại cho con người sự bình an. Giáo xứ còn là nơi người đi xa trở về tìm lại được mái ấm, như người vục đầu vào làn nước mát của giếng làng, tìm lại hồn quê và những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu.
Mô hình giếng làng cũng được đề nghị trong Sứ điệp Thượng Hội đồng Giám mục thế giới tháng 10-2012 vừa qua. Các nghị phụ đã liên hệ hình ảnh Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp để nói lên trách nhiệm của Giáo Hội hôm nay trước một thế giới đang khát khao chân lý. Trong bối cảnh này, Giáo Hội có sứ mạng hướng dẫn và giới thiệu Đức Giêsu là nguồn mạch hằng sống. Chỉ có Người mới có thể lấp đầy cơn khát của nhân loại. Sứ điệp đã nêu rõ: “Như Chúa Giêsu bên giếng nước Xykha, Giáo Hội cũng cảm thấy phải ngồi cạnh những người nam nữ thời nay, để làm cho Chúa hiện diện trong cuộc sống của họ, nhờ đó họ có thể gặp Chúa, vì chỉ mình Ngài mới là nước ban sự sống vĩnh cửu đích thực” (số 1). Thực thế, những cơn khủng hoảng trong cuộc sống xã hội hôm nay là bằng chứng cho cơn khát khao những giá trị tinh thần. “Truyền giáo” chính là trình bày tình yêu bao la của Thiên Chúa và mời gọi con người nhận ra sự hiện hữu của Ngài.
Làng xóm nông thôn đang dần dần được đô thị hóa. Phần lớn người dân các địa phương đã quen với hệ thống nước sạch, với giếng khoan. Những phương tiện truyền thông hiện đại như vô tuyến truyền hình, mạng internet, điện thoại… đã trở nên quá quen thuộc và thông dụng với người dân nông thôn. Giếng làng xem ra đã hết nhiệm vụ lịch sử của nó. Tại nhiều nơi, người ta đã lấp đi để tạo mặt bằng, vì “tấc đất tấc vàng”. Những người đã một thời gắn bó với truyền thống, lòng không khỏi bâng khuâng khi hoài niệm về quê hương. Rất mừng là tại nhiều làng quê, những giếng làng vẫn được tôn trọng và gìn giữ, như một nét đẹp của văn hóa làng xã Việt Nam. Giếng làng còn đó, như lời mời gọi mọi người hãy sống thân thiện với nhau, vì đều thuộc về một gia đình nhân loại.
Nếu những giếng làng không còn đóng vai trò quan trọng như xưa đối với đời sống con người, thì hình ảnh của nó luôn là gợi hứng cho một đời sống đạo tại mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn. Bởi lẽ cộng đoàn chính là gia đình liên kết mọi người nên một trong tình mến Chúa yêu người. Giáo xứ chính là một căn nhà luôn mở rộng để mọi người, dù lương hay giáo, có thể đến đây để tìm được nguồn nước đem lại sự thanh thản và bình an cho những tâm hồn đang khát bỏng ý nghĩa cuộc đời.
(Nguồn: WHĐ)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm