Giới thiệu sách: “Dấu Ấn 350 năm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam”

Giới thiệu sách: “Dấu Ấn 350 năm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam”

Ngày 09.09.1659 đối với tín hữu Việt Nam là một ngày lịch sử đáng nhớ: ngày Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chính thức chào đời. Thực ra, công trình truyền giảng Tin Mừng tại Việt Nam đã được thực hiện từ lâu trước thời điểm đó, với giáo sĩ Inêkhu năm 1533 tại làng Ninh Cường, Quần Anh và Trà Lũ như sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đã nhắc đến, với các thừa sai Dòng Tên tại Đàng Trong từ năm 1615 và tại Đàng Ngoài từ năm 1627 như Giáo Sử Việt Nam luôn ghi nhận; nhưng vẫn chưa chính thức có Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, dẫu các cộng đoàn tín hữu do các thừa sai thành lập đã gia tăng và việc cử hành phụng vụ cũng như việc điều hành các cộng đoàn này đã đi vào nề nếp.

Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II (x. Lumen Gentium, các số 25, 26, 27) và theo tinh thần của Giáo luật 9 (x. điều 368, 369), thì để khẳng định sự hiện diện của một Giáo Hội địa phương, phải hội đủ những yếu tố: Phúc Âm (duy nhất); Thánh Thể (thánh thiện); Giáo phận (công giáo); và Giám mục (tông truyền). Đầu thế kỷ XVII, tại Việt Nam đã có Phúc Âm được rao giảng, đã có Thánh Thể được cử hành, nhưng phải đợi đến ngày 09.09.1659 với đoản sắc Super Cathedram của Đức Giáo hoàng Alexander VII, thiết lập hai Giáo phận Tông tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài, đồng thời bổ nhiệm hai giám mục Đại diện Tông tòa là Đức cha François Pallu, hiệu tòa Héliopolis, cho Giáo phận Đàng Ngoài và Đức cha Pierre Lambert de la Motte, hiệu tòa Berythe, cho Giáo phận Đàng Trong, thì mới có đủ yếu tố để hình thành Giáo Hội địa phương.

Đã đành, Giáo phận Tông tòa với giám mục hiệu tòa chỉ là quy chế tạm thời, sau đó sẽ chuyển lên Giáo phận Chính tòa với giám mục chính tòa. Ở Việt Nam, thời gian chuyển tiếp này là 300 năm, từ 1659 cho đến 1960 khi thiết lập Hàng Giáo phẩm! Nhưng dù Tông tòa hay Chính tòa, vẫn là Giáo Hội địa phương vì có giáo phận được thiết lập và có giám mục được bổ nhiệm. Như vậy, ngày 09.09.1659 là ngày chính thức khai sinh Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Mừng sinh nhật lần thứ 350 (09.09.1659 – 09.09.2009), khắp nơi tại Việt Nam đã có nhiều sinh hoạt đặc biệt, như Khóa Bồi dưỡng của Hội dòng Mến Thánh Giá, như cuộc Hội thảo “Dấu ấn Đức tin 2” của Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, và mang tầm vóc rộng lớn hơn là Tổ chức Năm Thánh 2010 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Riêng để ghi nhớ dịp trọng đại này, UBVH/HĐGM.VN, với sự tham gia của các tác giả chuyên môn, đã hình thành tập sách “Dấu Ấn 350 năm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam”, như một sưu tập hình ảnh lịch sử gọn nhẹ, như một dấu ấn biết ơn đối với tiền nhân, như một phác vẽ của sức sống hiện tại, và đồng thời cũng như một quà tặng lưu niệm hiệp thông. Xin trân trọng và ân cần giới thiệu đến quý độc giả Bản Tin Hiệp Thông và tất cả những ai tâm huyết với lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

+ Giuse Vũ Duy Thống
Giám mục GP Phan Thiết
CT. UBVH/HĐGM.VN

-------------------------------
* Sách dày 460 trang, khổ 21 x 30 cm, bìa cứng, do UB Văn hóa / HĐGM.VN thực hiện, Nhà xuất bản Phương Đông. Phát hành tại Trung Tâm Văn Hóa Công Giáo Việt Nam (6 Tôn Đức Thắng, Q.1 Tp.HCM), giá: 185.000đ.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top