Giới Thiệu Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu" (Ecclesia in Asia)
GIỚI THIỆU TÔNG HUẤN
"GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU" (ECCLESIA IN ASIA)
"Giáo Hội tại Á Châu là tài liệu hậu Thượng Hội Ðồng mà Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố trong chuyến công du mục vụ của Ngài tại Á Châu, khi Ngài dừng chân ở New Delhi, Ấn Ðộ vào ngày 6/11/1999. Khi chiêm ngắm đại lục, nơi Ðức Giêsu đã sinh ra và sống cuộc đời trần thế, nơi Giáo Hội Công Giáo chỉ là một thiểu số nhỏ bé, nơi những vấn đề không bao giờ chấm dứt và dù là nơi Giáo Hội chịu nhiều bách hại, Ðức Thánh Cha vẫn nhận thấy Á Châu là một chân trời mới đầy hứa hẹn cho một "mùa gặt các linh hồn mà Ngài thấy đã chín mùi và phong phú" cho sứ vụ của Giáo Hội trong Ngàn Năm Thứ Ba (số 9).
1. Á Châu, nơi khai sinh của Ðức Giêsu và của Giáo Hội. Sự tin tưởng và nhiệt huyết của Ðức Thánh Cha dựa trên hai yếu tố:
* Mặc dù không gây ấn tượng bề ngoài, nhưng trong lịch sử Ðức Giêsu và Giáo Hội được khai sinh từ nguồn cội Á Châu. Kế hoạch cứu chuộc kỳ diệu của Thiên Chúa được "khởi đầu tại Á Châu" (số 1), Thiên Chúa chọn một truyền thống ở Á Châu; chính từ Á Châu mà Giáo Hội bắt đầu phát triển (Tây Á Châu: thế kỷ IV và V ; Ấn Ðộ: năm 52; Trung Hoa: thế kỷ V,X ‘số 9’). Mặc dù "đây là một mầu nhiệm: Ðấng Cứu chuộc thế gian sinh ra ở Á Châu, mà cho đến nay vẫn còn nhiều người của lục địa này chưa biết đến Ngài" (số 2), nhưng Năm Thánh là một cơ hội để công bố rằng "Ðấng Cứu Chuộc thế gian ... đã sinh ra ở Á Châu" (số 2) và trong Ngàn Năm Kitô Giáo Thứ Ba "một mùa gặt phong phú về đức tin sẽ thu hoạch được trong lục địa rộng lớn và đầy sức sống này" (số 1).
* Lục địa Á Châu, tuy có nhiều mâu thuẫn về kinh tế, chính trị, văn hóa và tôn giáo, nhưng đang phát triển trong sự cộng tác (số 7) và trong nhận thức về nhân phẩm và quyền con người (số 8). Sự thức tỉnh lương tâm này là công trình của Thánh Thần (số 8) nhận thấy qua sự khao khát Thượng Ðế của người dân Á Châu (số 9): "Á Châu đang khao khát nước hằng sống mà chỉ có Ðức Giêsu Kitô mới có thể ban cho". Chính sự tìm kiếm tôn giáo này là yếu tố độc đáo của đại lục Á Châu và nền văn hóa của Á Châu. Như một thách đố cho các nhà nhân chủng học quá tỉ mỉ muốn phân chia Á Châu thành nhiều Á Châu khác nhau, Ðức Giáo Hoàng nói "là người Á Châu" (số 6), con người đã thấm sâu các tôn giáo và văn hóa của lục địa này: đó là thinh lặng, chiêm niệm, hài hòa, hiếu thảo, quý trọng các giá trị của gia đình, tôn trọng người già, và liên đới với tha nhân ... Nhận xét của Ðức Giáo Hoàng thật nền tảng, bởi vì nó giải thoát người Á Châu khỏi những phân loại có tính cách phân biệt chủng tộc của Tây Phương, mà còn khỏi bị khuynh hướng tự đề cao chính mình, cho rằng mọi nguồn văn hóa đích thực chỉ phát xuất từ Á Châu. Ðức Giáo Hoàng nói: "Nhận thức 'là người Á Châu' này được khám phá cách tốt đẹp nhất và xác quyết không do bởi sự đối chất và chống đối, nhưng trong tinh thần hòa hợp và bổ sung."
2. Món quà cao quý Giáo Hội dành cho Á Châu: Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Thế. Sự phong phú về tôn giáo và văn hóa Á Châu, thay vì làm giảm bớt, đã thực sự gia tăng tính cách khẩn trương của sứ vụ truyền giáo được giao phó cho Giáo Hội. Sau Công Ðồng, một số thần học gia, là người Á Châu hay không, bắt đầu đặt vấn đề có cần thiết phải rao giảng Kitô Giáo hay không? họ cho rằng mọi tôn giáo đều là "Ðường dẫn đến ơn cứu độ"; hơn thế nữa, còn có những ý tưởng hội nhập văn hóa đức tin Kitô Giáo, đưa đến việc so sánh công trình cứu chuộc của Ðức Kitô với công trình của Ðức Phật hay của các thần nhập thế của Ấn Giáo, và như thế đã giảm bớt các nét đặc trưng của Kitô Giáo. Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tiếp thu các chỉ dẫn của các Nghị Phụ, đã diễn đạt lại trong tư cách là huấn quyền. Trong chương 2 và 3 của Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu, Ngài cho thấy tại sao Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Thế duy nhất, và tại sao Ngài là Ðấng Cứu Chuộc muôn dân (số 10). Trước hết, Ðức Giáo Hoàng đã diễn tả cuộc đời Ðức Giêsu với các nét "Á Châu": Ngài sinh ra và lớn lên trong một cuộc đời nghèo nàn, Ngài là người tị nạn, Ngài vâng phục cha mẹ, Ngài cầu nguyện liên lỉ (số 11). Sau đó Ðức Giáo Hoàng đưa ra những đặc tính của Ðức Giêsu hoàn toàn xa lạ với văn hoá Á Châu: Ngài gần gũi với người nghèo, người tội lỗi, người ô uế, trẻ em và người chết. Ngài bị nền văn hóa thống trị thời ấy cho là kẻ phạm thượng, vi phạm Luật Thánh, phá rối công cộng, một kẻ thất bại. Như mọi người nói, đó chính là cớ vấp phạm của Kitô Giáo. Nó đã xúc phạm đến văn hóa Á Châu (và không chỉ có Á Châu), nơi đầy dẫy giai cấp, sợ hãi chết chóc, hòa hợp để có an bình nội tâm, thành công, được trọng vọng. "Cớ vấp phạm" Kitô Giáo lại càng triệt để hơn nữa: Ðức Giáo Hoàng định nghĩa căn tính của Ðức Giêsu như một mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Cha (số 12). Sự quy chiếu của Ngài về với Chúa Cha là điểm phân biệt Ðức Giêsu với vô vàn vị "Cứu Tinh" khác (họ đến nhân danh chính mình) hoặc các thần nhập thế (có nguồn gốc vô danh và mơ hồ), và với bất cứ tôn giáo nào coi Thiên Chúa cách biệt với nhân loại và không thể đến gần được. Ðức Giêsu Kitô, "Con người đích thực", tự tỏ lộ cho nhân loại: trong Ngài, chúng ta khám phá ra "Sự cao cả và phẩm giá của mỗi một con người trong trái tim của Thiên Chúa" (số 13); một "Sự hiệp thông mới giữa loài người" và "Giữa Thiên đàng và trần thế". Ðức Giêsu Kitô, "Một mình Ngài đã hoàn thành kế hoạch cứu chuộc trần gian của Chúa Cha", Ngài đã "Tỏ lộ mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Cha" (số 14) và là Ðấng Trung Gian duy nhất và phổ quát. Ðiều đó có nghĩa :
. "Không cá nhân nào, không quốc gia nào, không văn hóa nào mà không thể không bị tác động bởi lời mời gọi của Ðức Giêsu" (số 14);
. "Những giá trị đích thực của mọi truyền thống tôn giáo và văn hóa" tìm thấy nơi Ngài "Sự viên mãn và thực hiện";
3. Hoạt động của Chúa Thánh Thần, trong công trình sáng tạo và trong dòng lịch sử, cách riêng tại Á Châu.
Ðiều này được nói rõ hơn trong chương 3, đề cập đến Chúa Thánh Thần. Nơi đây Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh về :
. Sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa trong tạo thành: các giá trị của Thánh Thần là trật tự, hòa hợp, phụ thuộc lẫn nhau, ở những nền tảng của các tôn giáo như Lão Giáo và Ấn Giáo; mọi tôn giáo ở Á Châu đều "Có khả năng giúp đỡ con người hành động trong tư cách cá nhân cũng như tập thể, chống lại sự dữ, và phục vụ đời sống cũng như những gì được coi là tốt lành".
. Thần Khí "Xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con"; chúng ta không thể tách biệt hoạt động của Thần Khí với hoạt động của Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Thế - như một số thần học gia Á Châu đã có ý định này (số 16). Ðó là lý do tại sao "Sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh Thần không thể được dùng như một bào chữa cho sự thất bại trong việc loan truyền minh nhiên Ðức Giêsu Kitô là Ðấng Cứu Thế duy nhất và độc nhất".
. Giáo Hội, Nhiệm Thể của Ðức Kitô cũng có cùng một Thần Khí, Ðấng khuôn đúc Giáo Hội thành "Một cộng đồng chứng nhân". Sự hiện diện của Giáo Hội có thể "Ðem lại một sự gặp gỡ giữa Ðức Giêsu Kitô và người dân Á Châu.
4. Hội Nhập Văn Hóa Ðể Loan Báo Ðức Giêsu, Ðấng Cứu Ðộ Duy Nhất.
Những giải thích thần học thật hấp dẫn và thận trọng của những chương này nhấn mạnh đến sự khẩn trương rõ rệt và sự cần thiết trong việc loan truyền đức tin Kitô giáo cho Á Châu mà không mặc cảm hay lo sợ: "Không thể có việc truyền giáo thực sự nếu không công bố Ðức Giêsu là Chúa một cách rõ ràng" (số 19). Việc loan báo "Tôn trọng quyền tự do của lương tâm" và "Không xâm phạm sự tự do" (số 20); Chúng ta không thể bị cản trở bởi mặc cảm về Kitô giáo có "Nguồn gốc Tây Phương". Chúng ta phải chấp nhận cái thách đố của sự hội nhập, bằng cách trình bày một Ðức Kitô Á Châu cho người Á Châu, như nhiều nhà truyền giáo đã từng thực hiện Giovanni di Montecorvino, Matteo Ricci, Roberto de Nobili, x. số 20.
Ðức Thánh Cha dành ba đoạn về vấn đề hội nhập văn hóa (21-23) để đề cập đến các tác nhân (trước hết là các Giám mục, linh mục và thần học gia, và toàn thể Dân Chúa), và các lãnh vực (tư duy, triết học, phụng vụ). Về vấn đề hội nhập văn hóa của phụng vụ, Ðức Giáo Hoàng nói rằng những nỗ lực không chỉ về phương diện khảo cổ học (dùng những dấu hiệu cổ truyền) - nhưng còn phải nhận thức những dấu hiệu quan trọng trong hoàn cảnh hiện nay, và những nhu cầu đặc biệt của người Á Châu. Ngài nhắc đến các Nghị Phụ có đề nghị các danh xưng mới cho Ðức Giêsu, mang nhiều ý nghĩa trong não trạng người Á Châu và phù hợp với truyền thống Kinh Thánh: "Ðức Giêsu như Thầy Khôn Ngoan, Ðấng Chữa Lành, Ðấng Giải Phóng, Vị Thầy hướng dẫn thiêng liêng, Minh Chủ, Người Bạn hay thương xót của kẻ nghèo, Mục Tử Tốt Lành, Ðấng Vâng Phục ..." (x. số 20) "Tuy nhiên, đời sống người Kitô là phạm vi quan trọng nhất cần đến sự hội nhập văn hóa". Ðức Giáo Hoàng kêu gọi mọi người Kitô Á Châu hãy làm nhân chứng cho một đời sống mới trong Ðức Giêsu, qua sự cầu nguyện, chiêm niệm, và bác ái (số 23). Thật vậy, Ðức Giáo Hoàng yêu cầu rằng bất cứ hình thức hoạt động truyền giáo nào đều phải có cuộc sống chiêm niệm như một nâng đỡ và hình thức, chứ không phải chủ trương duy hoạt động. Trong Tông Huấn này, nhiều lần Ðức Giáo Hoàng yêu cầu các Giám mục và Linh mục không chỉ là "Người quản trị về kinh tế" hay "Các người thiện chí có lòng nhân đạo", nhưng "Chính yếu là người của Thiên Chúa" (số 43). Theo chiều hướng đó, hoạt động truyền giáo sẽ không chỉ là một dấn thân về phương diện xã hội. Hơn thế nữa, để thỏa đáp nhu cầu tinh thần của Á Châu, Ðức Giáo Hoàng "Mạnh mẽ khuyến khích" các cộng đoàn đan tu và chiêm niệm mở các lãnh vực truyền giáo ở Á Châu (số 44), cũng như thiết lập những tương giao với các truyền thống đan tu khác của lục địa này (số 31). Một phương cách đặc biệt để loan truyền đức tin là sống thinh lặng và trở nên thật sự chứng nhân của Tin Mừng ngay cả khi gặp bách hại về đức tin. Hội nhập văn hóa không chỉ được thi hành trên bàn giấy, qua nghiên cứu, mà còn qua sự tử đạo hàng ngày (số 23). Ðức Giáo Hoàng nhắc đến "Nhiều miền của Á Châu", nơi đó "Sự tự do tôn giáo bị khước từ hoặc giới hạn một cách có hệ thống".
5. Hiệp thông và đối thoại để loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc.
Sự khẩn trương của công cuộc truyền giáo lại tái xuất hiện ở chương V. Chương này khẳng định sự hiệp thông, sự hiệp nhất của Giáo Hội về chân lý đức tin và công cuộc truyền giáo ở Á Châu, là một lục địa có nhiều căng thẳng, chia rẽ và xung đột do những khác biệt chủng tộc, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế và tôn giáo ...
Sự hợp nhất phải được gia tăng bằng cách để giáo dân tham dự trong việc hoạch định mục vụ, nhất là phụ nữ và trẻ em. Nhưng trên tất cả, sự hợp nhất phải được biểu lộ bằng sự liên đới giữa các Giáo Hội (số 26). Ðức Giáo Hoàng kêu gọi việc đề cao hơn các Giáo Hội cổ kính Ðông Phương, phong phú về truyền thống và kinh nghiệm đối thoại với thế giới Chính Thống Giáo và Hồi Giáo. Ngài cũng kêu gọi hỗ trợ các Giáo Hội non trẻ. Nhưng trên tất cả, Ngài thúc dục sự liên đới với các Giáo Hội đang đau khổ và bị bách hại (số 28). Ngài nhắc đến Giáo Hội ở những nơi không được công khai bày tỏ niềm tin của mình, gởi đến các người Công Giáo này một sứ điệp cảm động (đừng bao giờ để sự gian khổ và buồn phiền làm giảm bớt lòng sốt mến đối với Ðức Kitô và sự dấn thân phục vụ tha nhân).
Trên tất cả, các nỗ lực hợp nhất đại kết phải được hỗ trợ qua "các trung tâm đại kết về cầu nguyện và thảo luận" (số 29); đối thoại với các tôn giáo khác qua những nơi sống khổ tu và thần bí Kitô giáo". Ðức Giáo Hoàng khẳng định rõ ràng rằng đối thoại với các tôn giáo khác không phải là chủ trương hòa hợp, đó là "sự biểu hiện truyền giáo cho mọi dân tộc".
6. Giáo Hội tiếp nối sứ mạng yêu thương và phục vụ của Ðức Giêsu: Phục vụ sự thăng tiến con người.
Chương VI nhắm đến sự phục vụ của Giáo Hội đối với sự thăng tiến con người, Á Châu được mô tả với những hạn chế về quyền con người và vì lý do tôn giáo (số 33), nghèo khổ về mặt kinh tế (số 34), văn hóa sự chết và loại trừ (số 35). Hoàn cảnh đó tạo nên hàng triệu người nghèo, trẻ em bị bóc lột, phụ nữ bị đối xử như nô lệ, các người tị nạn, di dân, người thổ dân, những người không được chăm sóc về y tế. Việc bảo vệ nhân quyền và cổ võ công lý là một thách đố "không thể tránh và không thể khước từ" đối với Giáo Hội. Phương tiện để thực hiện điều đó là dạy bảo về học thuyết xã hội của Giáo Hội; Tạo sự liên đới mới giữa các quốc gia giàu và quốc gia kém phát triển (số 32); dấn thân trong việc giáo dục và y tế với một "căn tính Kitô Giáo rõ rệt" (số 37); Nỗ lực tìm kiếm hòa bình trên phương diện liên tôn giáo và quốc tế (số 38) về lãnh vực này, Ðức Giáo Hoàng nhắc đến "những đau khổ của nhiều người dân tại một số nước ở Á Châu mà do những hệ lụy khác nhau, phải thiếu thốn các tiện nghi căn bản để sống", Ngài kêu gọi những người có trách nhiệm hãy tìm kiếm "một giải pháp thích đáng cho sự khủng hoảng" (số 38). Ngài vạch ra cho Giáo Hội những dấn thân trong thế giới toàn cầu hóa, khuyến khích giáo dân tìm kiếm "những qui tắc đạo đức và pháp lý' để đảm bảo "sự toàn cầu hóa mà không gạt một số người ra ngoài lề" (số 39); Ðể giảm bớt nợ nần quốc tế, bằng cách kêu gọi các chính phủ chủ nợ diệt trừ nạn tham nhũng (số 40); Bảo vệ môi sinh; Dấn thân cho công lý là một khía cạnh của sự thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực (số 41).
7. Những chứng nhân của Tin Mừng tại Á Châu: Rường cột của công cuộc truyền giáo.
Chương cuối cùng, chứng nhân cho Phúc Âm, đem lại những hướng dẫn cho hoạt động truyền giáo của Kitô hữu ở Á Châu. Thêm vào những gì Ngài đã đề cập trước đó về các Giám mục, Linh mục, các cộng đồng, Ðức Giáo Hoàng còn khuyến khích các hiệp hội truyền giáo từ lâu đời "đừng nao núng trong dấn thân truyền giáo" và hãy tập trung vào Ðức Kitô và đời sống thiêng liêng sâu sắc, bên cạnh việc hòa nhập sứ vụ truyền giáo và các kế hoạch mục vụ của Giáo phận. Ðồng thời, mỗi Giáo phận được mời gọi khuyến khích việc mở mang các hội đời sống tông đồ ở địa phương, với sứ vụ truyền giáo ad gentes, ad exteros và ad vitam (số 44).
Việc đề cao giá trị của giáo dân - đặc biệt là người trẻ - trên hết phải tập trung vào gia đình, là cột trụ nền tảng của xã hội và Giáo Hội ở Á Châu (số 46). Về các phương tiện mới mẻ để Phúc Âm hóa, Ðức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến truyền thông, truyền thanh, cơ quan thông tấn, nhà xuất bản khi nói rằng những phương tiện này không chỉ được xử dụng trong việc loan truyền Phúc Âm mà còn phải đem Phúc Âm vào nền văn hóa mới của truyền thông (số 48). Tuy nhiên, công cụ quan trọng nhất cho việc Phúc Âm hóa ở Á Châu vẫn là "các anh hùng đức tin" - các vị tử đạo là "hạt giống của đời sống mới cho Giáo Hội trong bất cứ nơi đâu của lục địa" (số 49). Thêm vào số các vị tử đạo trong quá khứ, chúng ta phải kể đến các Kitô hữu bị bách hại ngày nay: "họ là những cột trụ ẩn dấu của Giáo Hội" là thành phần của Giáo Hội Á Châu, một thiểu số nhưng "đầy hy vọng và sức sống" (số 50).
Trong lời nguyện kết dâng lên Mẹ Ðức Kitô (số 51), Ðức Maria đựơc tuyên xưng như gương mẫu của mọi công cuộc truyền giáo ở Á Châu, là người có thể "dạy chúng ta đừng bao giờ sợ nói về thế giới với Ðức Giêsu và nói về Ðức Giêsu với thế giới".
bài liên quan mới nhất
- Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Các hồng y tác giả của “Năm điểm dubia (hoài nghi) về Tông huấn Amoris Laetitia” lại gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô -
Những bức xúc của ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm 2013 -
Malta: Các Giám mục ban hành văn kiện “Những tiêu chí áp dụng Chương VIII Tông huấn Amoris Laetitia” -
Giới thiệu Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, bản Việt ngữ -
Hướng dẫn đọc Amoris Laetitia -
Suy nghĩ về Tông huấn Amoris Laetitia
bài liên quan đọc nhiều
- 40 câu hỏi & đáp về Tông huấn Familiaris Consortio
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Những câu hỏi thông thường về Tông huấn Amoris Laetitia -
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (1) -
Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan -
“Hội Nhập Văn Hóa” và “Đối Thoại Liên Tôn” trong Tông huấn Verbum Domini -
Mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia -
Hướng dẫn đọc Amoris Laetitia