“Hội Nhập Văn Hóa” và “Đối Thoại Liên Tôn” trong Tông huấn Verbum Domini
Loan Báo Tin Mừng là ơn gọi đặc biệt của Giáo Hội. Ơn gọi này thuộc về bản chất sâu xa của Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội được khai sinh từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần: Chúa Cha đã sai Chúa Con vào trong thế gian để cứu độ thế gian và sai Chúa Thánh Thần đến trong Giáo Hội để tiếp tục và hoàn tất sứ mạng của Chúa Con.[1] Ba Ngôi là căn nguyên của Giáo Hội: chính vì điều này mà Giáo Hội tự bản chất có sứ mạng truyền giáo.[2] Vì thế, loan báo Tin Mừng là sứ mạng cốt yếu của Giáo Hội. Sứ mạng này không ngừng được thực hiện ngay từ khởi đầu của Giáo Hội cho đến thời đại của chúng ta. Nhưng sứ mạng này luôn luôn được thực hiện bởi những người được định vị vào trong những bối cảnh lịch sử và văn hóa, vì thế lịch sử loan báo Tin Mừng được ghi dấu bởi những mô hình khác nhau. “Hội Nhập Văn Hóa” và “Đối Thoại Liên Tôn” là hai từ then chốt đánh dấu một mô hình loan báo Tin Mừng mới sau Công Đồng Vatican II. Hai từ then chốt này cũng được Đức Bênêđitô XVI khai triển thành hai mục lớn: “Lời Chúa và Văn Hóa” (từ số 109 đến số 116) và “Lời Chúa và Đối Thoại Liên Tôn” (từ số 117 đến số 120) trong Tông Huấn Verbum Domini của ngài.
I. HỘI NHẬP VĂN HÓA
Trước Công Đồng Vatican II, trong quan niệm của Giáo Hội chỉ có hai thực tại: một thực tại là Giáo Hội và thực tại kia là thế giới biểu thị tất cả những gì ngoài Giáo Hội: một cặp đối lập giữa Kitô giáo và ngoại giáo. Kết quả, hoạt động truyền giáo là nhằm mục đích giải phóng con người khỏi tất cả những gì là ngoại giáo, bao gồm những giá trị văn hóa và tôn giáo của họ. Sau Công Đồng Vatican II, khởi đi từ ý thức về mầu nhiệm của mình: “dấu chỉ và bí tích của sự hiệp nhất với Thiên Chúa và sự duy nhất của toàn thể nhân loại”, nhân loại này không những đến từ những văn hóa của chính họ mà còn với những văn hóa của chính họ, Giáo Hội nhận ra những giá trị văn hóa và tôn giáo khác với những giá trị của mình. Từ đó, phát sinh mô hình “Hội Nhập Văn Hóa”. Đức Gioan-Phaolô II đã nhiều lần sử dụng thuật ngữ này, đặc biệt vào năm 1991: “Khi thi hành hoạt động truyền giáo của mình giữa các dân tộc, Giáo Hội tiếp xúc với những văn hóa khác nhau và thực hiện tiến trình hội nhập văn hóa”.[3] Thuật ngữ “hội nhập văn hóa” được dùng để chỉ một thái độ mới bày tỏ sự hiểu biết và lòng kính trọng đối với các giá trị văn hóa và tôn giáo khác và những độ nhạy bén của những người mà các nhà truyền giáo đem Tin Mừng đến.
1. Những ưu điểm của mô hình “Hội Nhập Văn Hóa”:
1.1 Trước Công Đồng Vatican II, tác nhân xác định phong cách của cuộc gặp gỡ giữa niềm tin Kitô giáo với văn hóa địa phương là các nhà truyền giáo Tây Phương, trong khi tác nhân trong mô hình Hội Nhập Văn Hóa là Chúa Thánh Thần và cộng đoàn Kitô giáo địa phương. Giáo Hội duy nhất và phổ quát chỉ thể hiện sự hiện diện thực sự của mình ở nơi các Giáo Hội địa phương và thi hành sứ mạng của mình qua các Giáo Hội địa phương.[4] Lời phổ quát chỉ tỏ bày ra bằng tiếng địa phương, tiếng bản xứ: “Quả thật, một bản dịch còn hơn chỉ là một sự chuyển ngữ bản văn gốc. Chuyển từ một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác nhất thiết hàm chứa một thay đổi bối cảnh văn hóa: các khái niệm không giống nhau và tầm mức của các biểu tượng thì khác, bởi vì chúng đặt vào thế tương quan với các truyền thống tư tưởng khác và những cách sống khác”.[5] Trên bình diện địa phương này, Hội Nhập Văn Hóa không đơn giản hiểu văn hóa theo nghĩa truyền thống hay nhân văn, nhưng còn bao hàm toàn bộ bối cảnh: xã hội, kinh tế, tôn giáo, nghệ thuật, giáo dục.
1.2 Hội Nhập Văn Hóa là một biến cố không chỉ ở bình diện địa phương, nhưng còn ở bình diện lục địa. Sự khác biệt địa dư, văn hóa và lịch sử của mỗi lục địa dẫn đến tính đa dạng của tâm thức tôn giáo, và những độ nhạy bén đối với những vấn đề niềm tin. Đó là lý do tại sao ở Châu Mỹ La-tinh Hội Nhập Văn Hóa mang hình thức của tình liên đới đối với những người nghèo; ở Phi Châu, đó có thể là mối hiệp thông trong bộ tộc; ở Á châu, đó có thể là tìm kiếm một căn tính ở giữa lòng đa tôn giáo rất đậm đặc. Chính như vậy mà, trong những phần khác nhau của thế giới, chúng ta chứng nhận sự nở rộ của khoa Giáo Hội học, khoa Kitô học...
1.3 Hội Nhập Văn Hóa rất phù hợp với mô hình Nhập Thể, theo đó Tin Mừng được “nhập thể” vào trong một dân tộc và một nền văn hóa của dân tộc: “Mẫu mực chân chính cho việc hội nhập văn hóa là chính cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời: một cuộc trao đổi văn hóa hoặc hội nhập văn hóa, sẽ thực sự là phản ảnh cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời, khi mà một nền văn hóa, được biến đổi và tái sinh nhờ Tin Mừng, làm sản sinh khởi đi từ chính Truyền Thống sống động của mình những cách thức diễn tả độc đáo sự sống, cử hành và những tư tưởng Kitô giáo, nhờ đâm chồi từ nền văn hóa địa phương, nhờ trân trọng các hạt giống Lời và tất cả những gì đang có trong nền văn hóa ấy như là điều tích cực, nhờ mở nó ra với các giá trị Tin Mừng”.[6] Vì thế, công cuộc truyền giáo thay vì được hiểu như cách thế Giáo Hội sử dụng để bành trướng, thì Giáo Hội lại sinh ra trong mỗi bối cảnh mới và trong mỗi nền văn hóa mới. Kết quả, công việc truyền giáo không chỉ cốt là mang Đức Kitô đến cho các dân tộc và các nền văn hóa khác, nhưng cũng cho phép niềm tin Kitô giáo khai mạc lịch sử của riêng mình ở giữa lòng của toàn thể cư dân được đặt trong sự hiện diện của Đức Kitô. Lúc đó, Hội Nhập Văn Hóa mang lấy một chuyển động kép: hội nhập Kitô giáo vào nền văn hóa bản địa và Kitô hóa nền văn hóa bản địa như hình ảnh của nhúm men Kitô được vùi sâu vào trong đống bột văn hóa và làm dậy lên cả đống bột Kitô. Sắc lệnh Ad Gentes so sánh mô hình này với việc “Lời Chúa là hạt giống, vừa nẩy mầm trong đất màu mỡ thấm nhuần sương thiêng, vừa thu hút biến đổi và tiêu hóa màu mỡ đó, để sau cùng mang lại nhiều hoa trái”.[7]
1.4 Hội nhập văn hóa được quan niệm như một “loại nhập thể đang tiến bước”.[8] Đức Gioan-Phaolô II nhận định: “Quá trình Giáo Hội thâm nhập vào nền văn hóa của các dân tộc đòi hỏi nhiều thời gian: đó không phải chỉ là biến đổi thích ứng bên ngoài, vì hội nhập văn hóa có nghĩa là biến đổi thâm sâu những giá trị văn hóa chân thật bằng cách hội nhập vào Kitô giáo, và có nghĩa là làm cho Kitô giáo ăn rễ sâu vào trong các nền văn hóa khác nhau của con người”.[9] Quả thật, văn hóa là một thực tại bao gồm tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Chính vì lý do đó người ta không thể nào tách rời những yếu tố văn hóa và phong tục tập quán để mà Kitô hóa chúng. “Con người luôn luôn sống theo một nền văn hóa riêng, và nền văn hóa này lại tạo ra giữa những con người một dây liên kết cũng riêng cho mình, bằng cách xác định tính chất liên nhân bản và xã hội của cuộc sống con người”.[10] Vì thế, chỉ ở nơi nào mà cuộc gặp gỡ toàn diện giữa Tin Mừng với nền văn hóa, thì kinh nghiệm này mới có thể trở thành một sức mạnh linh hoạt và làm mới lại nền văn hóa tự bên trong.
1.5 Người ta lưu ý rằng việc Giáo Hội tiên khởi, cưỡi trên hai thế giới: Do Thái và không-Do Thái, đã xuất hiện ngay từ nguồn gốc trong một bối cảnh liên-văn hóa. Cũng như vậy trong Giáo Hội hậu tông đồ. Chính nhờ đức tin được hội nhập vào trong những phụng vụ và những bối cảnh rất khác biệt: Sy-ri, Hy Lạp, Rô-ma, Cóp, Ác-mê-niên, Ê-thi-ô-pi…mà sứ vụ, chính là vừa cho và vừa nhận. Chính nhờ việc lương dân đến niềm tin và những vấn đề họ đặt ra mà các Kitô hữu tiên khởi đã bước một bước lớn lao vào trong sự hiểu biết về mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Giáo Hội: “Quả thật, Thiên Chúa không tự mạc khải cho con người theo cách trừu tượng, nhưng bằng cách nhận lấy các ngôn ngữ, các hình ảnh và các cách diễn tả gắn liền với các nền văn hóa khác nhau. Đây là một hiện tượng phong phú đã từng được chứng thực rộng rãi trong lịch sử Giáo Hội” .[11]
Khởi đi từ cuộc khám phá việc niềm tin Kitô giáo luôn luôn được hội nhập vào một nền văn hóa lại trở nên phong phú, cuối cùng người ta chấp nhận rằng tính đa dạng của các nền văn hóa hàm chứa tính đa dạng của các nền thần học: “Niềm tin Kitô giáo phải được suy tư lại, phát biểu lại và sống dưới hình thức mới trong mỗi nền văn hóa nhân loại”.[12] Đức Phaolô VI trong tông huấn Evangelii Nuntiandi nhấn rất mạnh trên niềm tin hội nhập văn hóa: “Điều này phải được làm một cách sống động, sâu xa, bằng cách đi cho đến tận những cội nguồn của nền văn hóa”.[13]
2. Những giới hạn của mô hình “Hội Nhập Văn Hóa”
Khi nói về Hội Nhập Văn Hóa là một trong những mô hình của sứ mạng, ngươi ta muốn nói rằng bản chất của sứ mạng không thay đổi: sự hiện diện, đối thoại và loan báo; điều có thể thay đổi chính là mô hình để thích nghi vào một hoàn cảnh mới. Việc thay đổi mô hình này sang mô hình khác không là một sự đoạn tuyệt, nhưng là một tiến trình năng động và sống động của truyền thống đích thật: “Truyền thống bảo đảm tính mạch lạc của quá khứ, hiện tại và tương lai. Truyền thống là bản chất của chính lịch sử, nó là yếu tố bền vững trong sự liên tục muôn hình vạn trạng của những biến cố”.[14]
2.1 Mỗi một mô hình đóng vai trò của nó trong mỗi hoàn cảnh lịch sử:
Tất cả chúng ta đều sống trong những giới hạn của con người, văn hóa, truyền thống và lịch sử. Trong những giới hạn này Giáo Hội đồng hành với nhân loại dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Các vị thừa sai đã đóng vai trò của họ khi xây dựng căn tính và truyền thống Kitô giáo của Giáo Hội Việt Nam trong môi trường đa tôn giáo. Chính nhờ họ mà những giá trị Kitô giáo được dẫn nhập vào xứ sở truyền giáo. Chính trên nền tảng chắc chắn của căn tính và truyền thống này mà hôm nay, chúng ta, những người Kitô hữu Việt Nam, mới có thể mơ ước về một Giáo Hội Việt Nam cảm thấy mình tại nhà của mình trong nền văn hóa của riêng mình. Chúng ta mới có thể mơ ước xây dựng một nền thần học Kitô giáo múc lấy những giá trị truyền thống văn hóa và tôn giáo của đất nước này để cho niềm tin Kitô giáo thật sự bám rễ sâu vào trong xứ sở ngàn năm văn hiến này. Tuy nhiên, trong nỗ lực hội nhập niềm tin Kitô giáo vào trong một nền văn hóa và tôn giáo Việt Nam, chúng ta biết rõ rằng hội nhập văn hóa không là mô hình cuối cùng. Nó mở ra những chân trời mới. Vì thế, khi đề cập đến những bất cập của mô hình Hội Nhập Văn Hóa này là muốn nói rằng cho đến bây giờ Hội Nhập Văn Hóa là mô hình tối ưu nhất trong việc loan báo Tin Mừng, tuy nhiên, sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội đối với mọi nền văn hóa không thể bị đóng khung trong mô hình này, nhưng còn vượt quá mô hình này nữa.
2.2 Sức mạnh giải phóng của Tin Mừng:
Đành rằng “Lời Thiên Chúa có thể xuyên thấu và được diễn tả trong các nền văn hóa và các ngôn ngữ khác nhau”, tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng “chính Lời này vượt quá các ranh giới của các nền văn hóa đặc thù bằng cách tạo ra một sự hiệp thông giữa các dân tộc. Lời Chúa mời gọi chúng ta đi đến một sự hiệp thông rộng lớn hơn”.[15] Ngoài ra, Tin Mừng tự bản chất vẫn luôn luôn là một dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Nếu người ta cố gắng uốn nắn Tin Mừng cho hòa hợp với nền văn hóa của riêng mình, lúc đó, người ta có nguy cơ làm cho Tin Mừng mất đi chiều kích năng động của nó: biến đổi và làm mới lại nền văn hóa để sản sinh một cuộc sáng tạo mới. “Chính vì thế việc hội nhập văn hóa không được lầm lẫn với các tiến trình hời hợt để thích ứng và càng không được lẫn lộn với một thứ chiết trung mơ hồ làm tan loãng tính độc đáo của Tin Mừng để làm cho Tin Mừng được chấp nhận dễ dàng hơn”.[16] Andrew F. Walls nhắc nhở cho chúng ta rằng hội nhập văn hóa đích thực phải xem Tin Mừng là tác nhân giải phóng văn hóa; nhưng Tin Mừng cũng có thể trở thành tù nhân của nền văn hóa.[17] Vì thế, khi Tin Mừng đi vào trong một cuộc xung đột với nền văn đặc thù, lúc đó, chúng ta phải tự hỏi phải chăng sự xung đột này là vì tự Tin Mừng hay vì nền văn hóa mà nhà truyền giáo thấm nhuần.
2.3 Hội nhập văn hóa không đồng nhất với sự đồng hóa:
Đừng quên rằng, rồi trong Tân Ước, Kitô giáo là thành quả của một lịch sử văn hóa, một “lịch sử được hình thành bởi việc đón nhận và loại bỏ, gặp gỡ và trao đổi”.[18] Lịch sử niềm tin của Israel, niềm tin này được giữ lại trong Kitô giáo, đã gặp thấy hình thức của riêng mình bởi những những cuộc chạm trán với nền văn hóa Ai Cập, Hít-tít, Su-me, Ba-by-lon, Ba-tư và Hy Lạp. Chính vì lịch sử được hình thành bởi chu trình “đón nhận và loại bỏ, gặp gỡ và trao đổi” mà Kitô giáo hiện diện ở thế giới và ở giữa lòng các nền văn hóa như dấu chỉ của sự hòa hợp và sự căng thẳng. Cả hai: hòa hợp và căng thẳng, đều diễn tả căn tính phổ quát của Kitô giáo, và sự phong phú mà Kitô giáo mang đến cho mỗi nền văn hóa. Đó là lý do tại sao “họ yêu thương mọi người, nhưng mọi người lại ngược đãi họ. Họ không được nhìn nhận, lại còn bị kết án. Họ bị giết mà vẫn được sống. Họ là những người hành khuất, nhưng lại làm cho nhiều người nên giàu. Họ thiếu thốn mọi sự, nhưng lại dư dật mọi sự. Họ bị sỉ nhục, nhưng giữa những sỉ nhục, họ lại được vinh quang. Danh thơm của họ bị chà đạp, nhưng bằng chứng về đời sống công chính của họ lại được phơi bày. Bị nguyền rủa, họ chúc lành; bị đối xử nhục nhã, họ tỏ lòng kính trọng. Khi làm điều thiện, họ lại bị trừng phạt như những kẻ bất lương”.[19] Ngay thậm chí ở giữa lòng Châu Âu thấm nhuần những giá trị Kitô giáo, sự hiện diện của Kitô giáo vẫn là sự hiện diện của sự hòa hợp và căng thẳng mang tính sáng tạo và năng động.
2.4 Hội nhập văn hóa và tính duy nhất và phổ quát của Giáo Hội:
Nếu thánh Phaolô quan tâm đến việc hội nhập Giáo Hội vào các nền văn hóa của các Giáo Hội địa phương, thì thánh nhân cũng bận lòng không ít đến sự duy nhất của Giáo Hội-Mẹ. Để giải quyết vấn đề phép cắt bì, chính Giáo Hội Antiôkia quyết định cử thánh Phaolô, thánh Ba-na-ba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các tông đồ và các kỳ mục để bàn về vấn đề tranh luận này (Cv 15: 1-36). Ấy vậy, thánh Phaolô vận động lạc quyên cho Giáo Hội Giêrusalem, và chính thánh nhân cùng với vài người mang đến Giáo Hội Giêrusalem (Cv 21, 17; 2Cr 8-9). Điều đó cho thấy không phải thánh nhân luôn luôn tìm kiếm sự hòa hợp của sứ điệp Tin Mừng với các nền văn hóa địa phương. Việc những triết gia Hy Lạp chế nhạo bài diễn từ của thánh Phaolô khi thánh nhân loan báo kẻ chết sống lại trước Hội Đồng Arêôpagô minh chứng điều này (Cv 17: 32). Không phải thánh Phaolô khuyên ông Timôthê, người môn đệ của ngài: “Anh Timôthê, hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh tránh những chuyện nhảm nhí, trống rỗng, và những vấn đề của tri thức giả hiệu” (1 Tm 6, 20) sao?
Nhấn quá mạnh vai trò của Giáo Hội địa phương có nguy cơ đánh mất tính duy nhất và phổ quát của Giáo Hội. Vì thế, phải giữ cho được tính duy nhất và phổ quát của Giáo Hội trong tiến trình hội nhập văn hóa. Nếu hội nhập văn hóa dẫn đến tính đa dạng trong khi đánh mất sự duy nhất, lúc đó tính đa dạng xé rách thân thể của Đức Giêsu ra thành từng mảnh. Sự đa dạng trong sự duy nhất mới mang đến sự phong phú cho tính phổ quát của Giáo Hội, bởi vì ngôn từ “sự duy nhất” không đơn giản nói lên sự duy nhất của niềm tin, đạo lý, nhưng nhất là căn tính của Kitô giáo: Sự khác nhau của các chi thể và sự duy nhất của một thân thể (1 Cr 12, 12-31). “Không được tách rời hoạt động phổ quát của Chúa Thánh Thần với hoạt động riêng biệt của Người trong thân thể Đức Kitô, là chính Giáo Hội. Quả thật, cũng một Thánh Thần đang hoạt động, khi làm cho Giáo Hội được sống động, thúc đẩy Giáo Hội loan báo Đức Kitô, cũng như tuôn đổ và làm tăng triển các hồng ân của Người nơi tất cả mọi người và mọi dân tộc; Người dẫn dắt Giáo Hội khám phá, cổ võ và đón nhận các hồng ân đó nhờ đối thoại. Cần phải đón nhận mọi hình thức biểu hiện của Chúa Thánh Thần với lòng tôn kính và biết ơn, nhưng Giáo Hội có bổn phận phân định các hình thức biểu hiện ấy, vì Đức Kitô đã trao ban Thánh Thần của Người cho Giáo Hội để dẫn đưa Giáo Hội đến chân lý trọn vẹn (x. Ga 16, 14)”.[20]
Trong Ut Unum Sit, Đức Gioan-Phaolô II kêu mời sống ba chiều kích của Giáo Hội: Sự Duy Nhất – Quyền Tối Thượng – Sự Khác Biệt. Hội nhập văn hóa mời gọi vừa sống khái niệm “Dân Thiên Chúa” mà cơ cấu phẩm trật vốn nội tại ở trong đó, vừa sống khái niệm “Thân Thể Đức Kitô” mà quyền tối thượng của những vị kế vị thánh Phêrô là nhằm phục vụ cho sự hiệp nhất của Giáo Hội, và sau cùng khái niệm “Đền Thờ của Chúa Thánh Thần”, Đấng muốn thổi đâu thì thổi, nghĩa là sự tự do và những đặc sủng.
Kết luận về Hội nhập Văn hóa
Văn hóa tự nó cũng luôn luôn đang tiến bước. Văn hóa là kinh nghiệm được chắt chiu từ cuộc sống và sự khôn ngoan của biết bao thế hệ, nó không ngừng được trao dồi, được bồi đắp, được thích ứng và được truyền đạt từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nhưng phải nói thêm rằng không một bậc hiền triết nào, không một bậc trí giả nào, không một nhà chính trị nào, không một nhà độc tài nào, có thể áp đặt bất cứ ý thức hệ nào thay chỗ cho văn hóa. Cuộc gặp gỡ giữa dân chúng và những giá trị cấu thành văn hóa của họ. Đối với người Đông Phương đó là cái duyên: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, còn đối với người Tây Phương đó là quy luật tự nhiên: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Tuy nhiên, văn hóa không là một thực tại tĩnh, bất động, không thay đổi nhưng luôn luôn ở trong tính năng động của chu trình trao đổi và liên hệ. Văn hóa luôn luôn đang tiến bước nhờ những gặp gỡ của nó với những thực tại mới và nhờ việc giao lưu với những tư tưởng mới. Tất cả những gì đến sau này, đều làm cho nó thêm phong phú, thậm chí cải thiện nó, nhưng không bao giờ thay thế nó. Đó là lý do tại sao người ta gọi văn hóa là gia sản sống động, là tâm hồn và thậm chí là căn tính của một dân tộc và kho tàng khôn ngoan của loài người.
Nhờ vào vai trò linh hoạt, biến đổi và canh tân của nó, Tin Mừng luôn luôn ở bên kia mọi nền văn hóa. Cuộc gặp gỡ của sứ điệp Tin Mừng với một nền văn hóa là một cuộc gặp gỡ mang tính sáng tạo và năng động. Không ai có thể nói rằng hội nhập văn hóa được hoàn tất. Cuộc gặp gỡ này là một tiến trình dẫn Giáo Hội đến chỗ khám phá những mầu nhiệm của niềm tin mà trước đây mình chưa biết, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Về vấn đề này, Giáo Hội Tây Phương cho các Giáo Hội non trẻ Á Châu một mẫu gương quý báu: họ đã biết tận dụng những giá trị văn hóa Tây Phương để đào sâu những giá trị tôn giáo của mình mà xây dựng nên những khoa thần học của mình. Các Giáo Hội non trẻ Á Châu đang trên đường soạn thảo thần học, cũng phải biết tận dụng những giá trị văn hóa và tôn giáo phong phú của lục địa mình mà xây dựng nên những nền thần học của riêng mình, ngõ hầu Tin Mừng đã thật sự cắm rễ sâu xa vào trong những nền văn hóa này.
II. ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN
Nếu “Hội Nhập Văn Hóa” nói lên một mô hình mới của việc loan báo Tin Mừng, thì “Đối Thoại Liên Tôn” là cách thế thực hành mô hình mới này. Để “đối thoại liên tôn” được đơm bông kết trái, cần phải có ba điều kiện sau:
• Cuộc đối thoại giữa người với người.
• Cuộc đối thoại giữa những tín hữu thuộc vào những truyền thống tôn giáo khác nhau.
• Cuộc đối thoại của Kitô giáo với các tôn giáo khác.
1. Cuộc đối thoại giữa người với người
Để cuộc đối thoại giữa người với người được thiết lập trên những phẩm chất nhân bản, cần phải có những yếu tố sau đây:
1.1 Cuộc gặp gỡ liên-nhân vị: Khác với độc thoại: nói với chính mình, đối thoại phải là cuộc gặp gỡ giữa người với người, chứ không là một cuộc so sánh về các tư tưởng hay đối chiếu về các hệ thống ý thức hệ. Vì thế, đối thoại phải là “cuộc gặp gỡ của những con tim hơn là những lý trí”. Nét đặc trưng của đối thoại, chính là quan tâm đến những cá nhân, lịch sử và sự thăng tiến của họ. Như vậy, đối thoại, chính là lúc mà những người dự phần vào đối thoại có thể nhận ra nhau hơn như những nhân vị có tự do, cá tính và bản sắc riêng. Nói cho cùng, đối thoại chính cuộc gặp gỡ liên-nhân vị.
1.2 Cuộc trao đổi bằng lời: Đối thoại phải được thiết lập trên nền tảng ngôn từ chung, được xem như có khả năng truyền đạt, giao tiếp. Có như thế, trong cuộc đối thoại, người ta mới có thể hiểu biết những quan điểm, ý tưởng của nhau. Nói như Socrate: “Đối thoại là thái độ dấn thân tìm kiếm chân lý xây dựng niềm cảm thông giữa người với người”.
1.3 Tính hỗ tương: Nếu đối thoại mà thiếu sự hỗ tương, thì đó chỉ là “cuộc đối thoại của những kẻ điếc”, không ai chịu lắng nghe ai. Nói cách khác, không thể có đối thoại nếu không biết lắng nghe nhau. Lắng nghe nhau phải là trọng tâm của cuộc đối thoại, nhờ đó mới có thể hiểu nhau và thông cảm nhau hơn.
1.4 Tôn trọng sự khác biệt: Để có thể đối thoại, phải chấp nhận những khác biệt của nhau, nói như Paul Ricoeur: “Để có thể là mình hãy đối thoại với người. Nhưng để đối thoại với người, mình phải là mình”. Chính vì những khác biệt này mà người ta cần gặp gỡ nhau, nói cho nhau nghe những sự khác biệt của nhau để hiểu biết và tôn trọng nhau hơn. Như thế, đối thoại luôn luôn đòi hỏi phải tôn trọng những khác biệt của nhau chứ không tìm cách áp đặt quan điểm hay lập trường của mình trên người khác, bắt người khác phải từ bỏ những chính kiến của mình mà theo chính kiến của ta. Lúc đó, đối thoại mới thực sự là phong phú, vì vấn đề được nhận xét từ nhiều phía, được khảo sát dưới nhiều góc cạnh khác nhau Nói cho cùng, đối thoại không nhằm hủy bỏ những khác biệt; trái lại, nếu những khác biệt được nêu lên như tuyệt đối và dứt khoát, thì không thể được gọi là đối thoại.
1.5 Một tấm lòng rộng mở: Đối thoại khác với cuộc chuyện trò nhảm nhí do bởi những vấn đề mà cuộc đối thoại khai mở. Như vậy, đối thoại đòi hỏi những người dự phần phải dấn thân vào chân trời rộng mở ở đó cách sống và thậm chí những xác tín của họ có thể bị đụng chạm đến. Đối thoại chính phơi mình ra trước sự nguy hiểm khi thấy mình bị đặt vấn đề để rồi có thể dẫn đến thay đổi cách nhìn, nếp gấp suy nghĩ và thái độ sống.
2. Đối thoại giữa những người tín hữu thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau
Chính dựa trên những phẩm chất nhân bản mà cuộc đối thoại giữa những người tín hữu thuộc vào những truyền thống tôn giáo khác nhau được mở ra. Đây là dịp để kể cho nhau nghe những giá trị văn hóa và tôn giáo, và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm tâm linh: “Đây là hình thức cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm tâm linh bao la, mầu nhiệm ấy có thể là Thiên Chúa, là Đấng Thiêng liêng, hay bất cứ một thực tế mang một tên nào khác…Ở đây, chân lý không phải là điều trừu tượng, song là cụ thể và sống động, một chân lý mà người khác tôn giáo cũng có thể cảm nghiệm”.[21] Đó là lý do tại sao cuộc đối thoại liên tôn bỏ qua một bên những xác tín của nhau là đánh mất bản chất của cuộc đối thoại và lúc đó cuộc đối thoại chỉ là câu chuyện phiếm. “Đối thoại có nghĩa làm chứng về những niềm xác tín sâu xa nhất của chúng ta, đồng thời chú ý đến những niềm xác tín của người lân cận của chúng ta”.[22]
Quả thật, đối thoại liên tôn chỉ có thể nếu chúng ta khởi đi từ niềm xác tín, theo đó “chúng ta tiến bước trong ý định gặp gỡ Thiên Chúa, Ngài đã đi trước chúng ta và đã chuẩn bị những người trong bối cảnh của những nền văn hóa và những niềm xác tín của riêng họ”.[23] Nhưng đó không là một vị Thiên Chúa mà chúng ta sở hữu theo sở thích của chúng ta hay vị Thiên Chúa mà chúng ta đem đến cho những người khác. Ngài đồng hành với chúng ta và cũng đến gặp gỡ chúng ta. Mọi người tham dự vào cuộc đối thoại đều thụ hưởng cùng một ân sủng và dự phần vào cùng một mầu nhiệm. Đó là tại sao “chúng ta đề cập đến mỗi một tôn giáo và những tín đồ của tôn giáo ấy với lòng kính trọng, vì nơi mà chúng ta tiến đến để gặp gỡ họ là nơi thánh thiêng”.[24]
3. Đối thoại của Kitô giáo với các tôn giáo khác
Cuộc đối thoại của Kitô giáo với các tôn giáo khác không thể loại trừ những phẩm chất tất yếu của cuộc đối thoại giữa người với người và cuộc đối thoại giữa những người tín hữu thuộc những truyền thống tôn giáo khác. Phải nói rằng chính trên những phẩm chất này mà Giáo Hội dấn thân vào cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Tuy nhiên, sứ mạng của Giáo Hội không dừng lại ở nơi việc nói cho nhau nghe niềm xác tín là có Thiên Chúa. Cái cốt lõi sứ mạng của Giáo Hội không đơn giản chứng thực hành động của Thiên Chúa và tác động Thần Khí của Ngài trong thế giới, trong những giá trị văn hóa và tôn giáo, nhưng cốt là loan báo rằng “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta và chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người” (Ga 1, 14). Chính bởi “vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta này” mà sứ điệp Tin Mừng không đơn giản là một con đường trong số những con đường tiến về Chân Lý. Giáo Hội biết rất rõ rằng không phải bởi diễn từ thần học, nhưng chỉ “bởi”, “với” và “trong” “vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta này” mà con người mới có được một sự hiểu biết và sự sống của Thiên Chúa một cách sung mãn, và rằng chỉ qua cuộc gặp gỡ và đối thoại với Ngài mà mỗi người mới có thể dự phần vào tiến trình giải thoát mình khỏi những giới hạn con người: gánh nặng của sự hận thù và ghen ghét, óc cục bộ địa dư, chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Như vậy, Giáo Hội không giới thiệu một con người của quá khứ, nhưng một con người đồng hành với Giáo Hội trong sứ mạng và hiện diện rồi trong cuộc đối thoại.
Đối thoại là cần thiết để trao đổi những giá trị tôn giáo và những kinh nghiệm tâm linh, để hiểu biết nhau rõ hơn, và để cùng sống trong mối liên hệ của lòng kính trọng và tình yêu, nhưng đó không phải là tất cả sứ mạng của Giáo Hội. Nói cho cùng, đối thoại không thể thay thế loan báo Đức Giêsu Kitô, nhưng hướng về lời loan báo này như đỉnh cao sứ mạng của Giáo Hội. Chính vì loan báo Đức Giêsu Kitô mà Giáo Hội được thiết lập và được sai đi. Phải nhấn mạnh rằng nếu đối thoại như điểm khởi hành, thì loan báo Đức Giêsu Kitô phải là điểm đến. Bao lâu Đức Giêsu Kitô chưa được loan báo, thì cuộc đối thoại chưa có thể được gọi là cuộc đối thoại sứ mạng được. Đó là lý do tại sao Giáo Hội nhấn rất mạnh trên cuộc đối thoại, nhưng đặt ưu tiên trên “lời loan báo”. Loan báo Tin Mừng không thể bỏ qua đối thoại, và đối thoại không bao giờ được tách rời khỏi loan báo về Đức Giêsu Kitô. Chính lời loan báo xác định phẩm chất cho cuộc đối thoại của nhà truyền giáo. Loan báo Đức Giêsu, đó mới thực sự là một sự chia sẻ chân thành nhất và sâu xa nhất của Giáo Hội với tất cả các tôn giáo.
Vì thế, để đối thoại thật sự mang tính sứ mạng, cần phải có bốn yếu tố: nhân bản và quy thần, Giáo Hội và quy Kitô. Chính nhờ vào hai yếu tố “nhân bản” và “quy thần” mà cuộc đối thoại liên tôn được thiết lập trên nền tảng chung, bởi vì con người, bất chấp những khác biệt lịch sử, văn hóa, tôn giáo và xã hội, thì vẫn là một hữu thể mở ra với Đấng Tối Cao và liên đới với tha nhân: “Bất cứ nền văn hóa chân chính nào, để thật sự phục vụ con người, đều phải mở ra với siêu việt, và cuối cùng với Thiên Chúa”.[25] Đó là lý do tại sao các giá trị văn hóa và tôn giáo ngầm hàm chứa tính phổ quát và rộng mở. Chính ở nơi chiều kích phổ quát của những giá trị văn hóa và tôn giáo mà hai yếu tố “Giáo Hội” và “quy Kitô” cho thấy sứ mạng độc đáo của Giáo Hội: được sai đi để loan báo về Đức Giêsu Kitô như là câu trả lời dứt khoát. Chính ở nơi “vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta này” mà tất cả những gì là chân là thiện là mỹ đều gặp thấy viên mãn và tất cả những gì là khác biệt đều trên đường về sự duy nhất.
Nếu đối thoại liên tôn mà thiếu đi loan báo Đức Giêsu Kitô, thì cuộc đối thoại có nguy cơ tương đối hóa sứ điệp Kitô giáo. Viện cớ là mở rộng vòng tay huynh đệ, chỉ là một toan tính đạt đến một loại đại kết theo chiều dọc, khá giống với một loại tôn giáo hỗn hợp. “Ước muốn đối thoại không đơn giản là một chiến thuật để chung sống hòa bình giữa các dân tộc; nó là một phần cốt yếu sứ mạng của Giáo Hội, vì Giáo Hội bắt nguồn trong cuộc đối thoại cứu độ chan chứa tình yêu của Chúa Cha với nhân loại, qua Chúa Con trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chỉ có thể chu toàn sứ mạng của mình theo cùng cách thức như Thiên Chúa đã hành động ở nơi Đức Giêsu: Ngài đã trở thành một phàm nhân, Ngài đã chia sẻ cuộc sống con người của chúng ta và Ngài đã nói một ngôn ngữ để truyền thông sứ điệp cứu độ của Ngài. Đối thoại mà Giáo Hội đề nghị được thiết lập trên cái hợp lý của cuộc nhập thể. Vì thế, chính chỉ bởi sự liên đới nhiệt thành và vô tư lợi mà Giáo Hội dấn bước vào cuộc đối thoại với người nam và người nữ Á Châu đang tìm kiếm chân lý trong tình yêu”.[26]
Kết luận về Đối thoại liên tôn
Đối thoại liên tôn, chính là thời gian ra khỏi chính mình để gặp gỡ và hiểu biết những người khác như họ là, chứ không phải như chúng ta nghĩ và hiểu về họ. Hơn nữa, ra khỏi chính mình không đơn giản nhằm gặp gỡ và hiểu người khác như họ là, nhưng còn gặp gỡ và hiểu biết vị Thiên Chúa của chúng ta còn lớn hơn chúng ta nghĩ về Ngài: “Chính vì thế, loan báo Lời Thiên Chúa luôn luôn yêu cầu, với chúng ta trước tiên, một cuộc xuất hành mới, là rời bỏ các khung cảnh và các lối hình dung giới hạn của chúng ta để dành chỗ cho sự hiện diện của Đức Kitô trong chúng ta”.[27]
Lúc đó, đối thoại liên tôn mới thật sự là giàu có trong chu trình “cho và nhận”. Mọi người tham dự nhận ra rằng, bất chấp sự khác biệt về những cách diễn tả tôn giáo, mọi người là anh em trong cùng một gia đình Thiên Chúa. Và lúc đó, những khác biệt niềm tin không là chướng ngại cho sự hiệp nhất, nhưng là những cách thế diễn tả khác về hành động Thiên Chúa trên nhân loại và sự giàu có của những câu trả lời của nhân loại trước lời mời gọi của Thiên Chúa, bởi vì toàn thể vũ trụ là công trình sáng tạo của Ngài, và mọi người là con cái của Ngài. Chính như vậy mà Đức Kitô được giới thiệu vào mọi giá trị văn hóa và tôn giáo vốn đã hiện diện ở đây rồi mặc dù người ta chưa nhận ra Ngài. Vì thế, Ngài không phải xa lạ, nhưng là Đấng đến nơi nhà của Ngài (Ga 1, 11). Sự hiệp nhất của nhân loại với Thiên Chúa, mà Giáo Hội là dấu chỉ và bí tích, là nỗi khát vọng sâu xa nhất hiện diện rồi ở giữa lòng tất cả mọi giá trị văn hóa và tôn giáo. “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, ‘Đấng là đường, sự thật và là sự sống’ (Ga 14: 6) nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình” .[28]
Đó là lý do tại sao trước tiên chúng ta phải nhận ra căn tính của đất nước Việt Nam, đất nước phong phú về các giá trị văn hóa và tôn giáo, tại đó những hạt giống Tin Mừng đã được gieo, đã được nuôi dưỡng, đã được phát triển và đơm bông kết trái. Hay nói cách khác, chính nhờ những giá trị văn hóa và tôn giáo của đất nước này mà ông bà chúng ta đã đón nhận và đã sống cho đến tận cùng đức tin Kitô giáo trong những cuộc bách hại suốt nhiều thế kỷ qua. Ở đây, chúng ta muốn được nói lên rằng, chúng ta, những người Kitô hữu, và những anh chị em không Kitô hữu của chúng, đều cùng chia sẻ một giá trị chung: “mến Chúa và yêu người”. Để chu toàn cặp tình yêu này, không ai có thể nói rằng mình đã đạt đến mức thập toàn. Vì thế, chúng ta cùng nhau tiến bước trên cùng một con đường được gọi dưới nhiều tên gọi khác nhau: Thiên Chúa, Thượng đế, Đấng Tối Cao, Ông Trời…lòng nhân ái, từ bi, bác ái…
Nhưng chúng ta ý thức rằng có một sự khác biệt tận căn giữa niềm tin Kitô giáo của chúng ta và niềm tin của những anh chị em không Kitô giáo của chúng ta. Chính vì sự khác biệt này mà chúng ta muốn được chia sẻ với họ. Nhưng chúng ta không đi vào trong cuộc tranh luận về chân lý như tiêu chuẩn đánh giá các tôn giáo khác. Nếu sự khác biệt của tôn giáo chúng ta diễn tả căn tính của nó, cũng như sự hiện diện và sứ mạng bất khả thay thế của nó ở nơi mảnh đất này, thì cũng như vậy đối với các tôn giáo khác.
Đó là lý do tại sao trong cuộc đối thoại, tôi lắng nghe tính độc đáo niềm tin của những anh chị em thuộc các tôn giáo khác và tôi cũng bày tỏ tính độc đáo niềm tin của tôn giáo tôi cho các anh chị em đó: “Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Tuy nhiên, tôi biết rằng loan báo Đức Kitô không là lời cuối cùng. Sự hiện diện của Đức Kitô ở lòng lịch sử nhân loại luôn luôn là sự hiện diện của một sự căng thẳng vừa giữa “tính phổ quát” của vị Thiên Chúa ở cùng chúng ta này và “tính lịch sử đặc thù” của Ngài, vừa giữa “Đấng Trung Gian duy nhất của Thiên Chúa” và “những đấng trung gian khác của Thiên Chúa” trong chiều dài lịch sử. Vì thế, lời loan báo đòi hỏi đồng hành với cuộc sống chứng tá: “Một đàng, Lời phải thông truyền những gì chính Chúa đã nói với chúng ta; đàng khác, cần phải làm chứng để đưa lại tính khả tín cho Lời này, để Lời này không xuất hiện như một thứ triết lý tốt đẹp hay như một không tưởng, mà là một thực tại người ta có thể sống và là thực tại làm cho người ta sống. Tính hỗ tương này giữa Lời và chứng tá phản ảnh cách thế Thiên Chúa dùng để tự thông truyền chính mình trong công cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời của Ngài. Lời Thiên Chúa đến với mọi người qua cuộc gặp gỡ với các chứng nhân đang làm cho Lời nên hiện diện và sống động”.[29] Hơn nữa, sự hiện diện của Đức Kitô kêu gọi niềm tin không phát xuất từ nỗ lực của con người, nhưng từ trên cao. Đó là lý do tại sao Giáo Hội-Hiệp Thông và Giáo Hội-Sứ Mạng, Giáo Hội-Phụng Vụ và Giáo Hội-Hoạt Động, Giáo Hội-Chiêm Niệm và Giáo Hội-Chứng Tá không thể tách rời nhau được.
-------------------------------------------
[1] Ga 3: 16; 17: 18; 20: 21.
[2] X. Ad gentes, 2.
[3] Đức Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Sứ Vụ Đấng Cứu Độ (Redemptoris missio), số 52, bản dịch Việt Ngữ 1991, tr. 64.
[4] Lumen gentium, 23, 26.
[5] Verbum Domini, số 115, bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh, tr. 228.
[6] Verbum Domini, số 114, tr. 227.
[7] Ad gentes, 22.
[8] P. Divarkar, cité par David J. Bosch, Dynamique de la mission chrétienne, p. 608.
[9] Đức Gioan-Phaolô II, Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, số 52.
[10] Đức Gioan-Phaolô II, Diễn văn cho UNESCO (2-6-2980), được trích trong Verbum Domini, bản dịch của Ủy Ban Kinh Thánh, trang 220..
[11] Verbum Domini, tr. 219.
[12] Memorandum, service d’information, Secrétariat pour l’unité des chrétiens, cité du Vatican, n. 50, 4/1982, p. 465.
[13] Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, 1975.
[14] K. E. Skydagaard, cité par Suzanne de Dietrich dans Le renouveau biblique hier et aujourd’hui, Foi Vivante 110, p. 28.
[15] Verbum Domini, số 116, tr. 229.
[16] Verbum Domini, số 114, tr. 226-227.
[17] A. F. Walls, the Gospel as the Prisoner and Liberator of Culture, Missionalia, vol. 10/1982b. pp. 93-105.
[18] J. Ratzinger, Le Christ, la foi et le defi des cultures, DC, 16 juillet 1995, n. 2120.
[19] Thư gởi ông Điônhêtô, được trích trong Kinh Sách, tr. 354-355.
[20] Đức Gioan-Phaolô, Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, số 29, tr. 35.
[21] Đức Gioan-Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 31.
[22] Conseil oecuménique des Eglises, 1979, p. 16.
[23] Eric J. Sharpe, New directions in the Theology of Mission, in: The Evangelical Quarterly, vol. 46/1974, p. 15s.
[24] David Bosch, Dynamique de la mission chrétienne, ibid., p. 648.
[25] Verbum Domini, số 109, tr. 219.
[26] Đức Gioan-Phaolô II, L’Eglise en Asie, Exhortation Apostolique Post-synodale, le 10 novembre, 1999, n. 29.
[27] Verbum Domini, số 116, tr. 230.
[28] Nostra Aetate, 2.
[29] Verbum Domini, số 97, tr. 200.
Nguồn: kinhthanhvn.org
bài liên quan mới nhất
- Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Các hồng y tác giả của “Năm điểm dubia (hoài nghi) về Tông huấn Amoris Laetitia” lại gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô -
Những bức xúc của ĐGH Phanxicô trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm 2013 -
Malta: Các Giám mục ban hành văn kiện “Những tiêu chí áp dụng Chương VIII Tông huấn Amoris Laetitia” -
Giới thiệu Tông huấn “Niềm vui của Tình yêu”, bản Việt ngữ -
Hướng dẫn đọc Amoris Laetitia -
Suy nghĩ về Tông huấn Amoris Laetitia
bài liên quan đọc nhiều
- 40 câu hỏi & đáp về Tông huấn Familiaris Consortio
-
Tóm tắt tông huấn 'Christus Vivit - Đức Kitô sống' -
Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Tính hài hước và sự thánh thiện theo Đức Phanxicô trong Tông huấn Gaudete et Exsultate -
Giới Thiệu Tông Huấn "Giáo Hội Tại Á Châu" (Ecclesia in Asia) -
Những câu hỏi thông thường về Tông huấn Amoris Laetitia -
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (1) -
Giáo huấn vui. Kỳ 3: số 14-18 Vui Mừng và Hân Hoan -
Mười điểm chính của Tông huấn Amoris Laetitia -
Tông huấn "Lời Chúa" của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (6)