Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 11: Tiến đến Hội nhập trọn vẹn

Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 11: Tiến đến Hội nhập trọn vẹn

Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 11: Tiến đến Hội nhập trọn vẹn
­Gợi ý mục vụ năm 2019 – Bài 11:

TIẾN ĐẾN HỘI NHẬP TRỌN VẸN

Đôi khi kiêng tránh thuốc men một thời gian cũng giúp chữa bệnh …

Đang khi đi trên con đường dài cùng Hội thánh, những anh chị em sống trong hoàn cảnh khó khăn do li dị “tái hôn”, vẫn có thể tham dự đời sống cộng đoàn như các buổi cầu nguyện, thánh lễ (không hiệp lễ) và trong các công việc bác ái từ thiện, sống làm chứng cho Phúc Âm trong việc làm nghề nghiệp và nuôi dạy con cái. Những anh chị em này vẫn được ơn Chúa trợ giúp cách nào đó. Quả thật, nếu Thánh Thể là một phương dược chống lại tội lỗi, thì “đôi khi kiêng tránh dược phẩm cũng là một việc chữa bệnh” như lời của thánh Bonaventura[1], bởi vì có những thứ thuốc chữa nếu sử dụng trước thời gian định sẽ gây hại hơn có lợi cho sức khỏe.

Thật vậy, việc người li dị “tái hôn” không thể hiệp lễ là một phương thuốc chữa lành họ. Trước hết, vì điều đó nhắc họ nhớ rằng có vấn đề trong các mối quan hệ công khai hiện giờ; hơn nữa còn nhắc nhớ hoàn cảnh đó là một trở ngại trên con đường tiến triển đức ái đối với Thiên Chúa và tha nhân. Và từ đó, họ cảm thấy bất an, họ không thể dừng lại vì dừng lại có nghĩa là từ bỏ cùng đích của mình; họ có trước mắt cuộc hành trình phải tiến bước. Đó là một lộ trình bí tích, nghĩa là con đường tiến tới mục đích được hiệp thông trọn hảo với Đức Kitô trong Hội Thánh của Người qua ngõ các bí tích, mà điều kiện cần cho điều đó lại liên quan đến các quan hệ riêng tư của họ qua thể xác, những quan hệ ấy giờ đây mâu thuẫn với lời dạy của đức Giêsu và cách thức chính Người sống yêu thương.

Kiêng tránh vì sống làm chứng cho đức tin của Hội thánh và giáo dục con cái…

Ngoài ra, những người li dị này phải nghĩ đến thiện ích mà họ phục vụ cho những người khác khi họ trung thành với kỉ luật này. Tông huấn Amoris laetitia mời gọi họ tự vấn xem cuộc sống “tái hôn” của họ đang cống hiến «mẫu gương nào cho các bạn trẻ đang chuẩn bị hôn nhân» (AL 300). Rõ ràng nếu họ lên rước lễ họ sẽ sinh một gương mù: các bạn trẻ sẽ hiểu lầm rằng tình yêu không trường cửu, rằng có trường hợp ngoại lệ, trong đó Giáo hội ngưng chiến đấu bảo vệ dây hôn phối. Cũng cần phải nghĩ đến các gia đình đang gặp khó khăn và ở bên lề, trong khi họ cho hôn nhân của mình đã gãy vỡ: nếu họ nhìn thấy người khác vốn đang sống nghịch với hôn nhân mà lại được Giáo hội đón nhận, họ cũng sẽ cảm thấy được phép tiếp tục đi con đường lạc lối ấy. Nói tóm lại, những người li dị “tái hôn” chấp  nhận không rước lễ đã góp phần phục vụ ích chung cho tất cả các gia đình.

Điều đó cũng có giá trị giáo dục đức tin cho con cái. Việc không rước lễ ấy hàm chứa một giá trị giáo dục cao cho con cái và cho thấy cha mẹ chúng can đảm nêu một chứng từ đức tin thực sự. Như thế, con cái họ sẽ học được, dù đã có lỡ chọn điều mỏng manh, cha mẹ chúng vẫn có thể làm chứng cho sự thật về một đời sống trong đó Thiên Chúa là rất ý nghĩa. Điều quan trọng là cha mẹ dạy bảo con những lúc cần thiết, không phải bao bọc chúng bằng một tình thương mù quáng giam hãm, nhưng cho các bạn trẻ một chứng từ đơn sơ và chắc chắn về khả năng xây dựng một đời sống dựa trên tình yêu đích thật. Với kỉ luật này, Hội thánh nâng đỡ cha mẹ làm nhiệm vụ giáo dục đức tin cho con cái (cf. AL 246).

Cuối cùng, chúng ta nhớ rằng Thánh Thể là nơi tốt nhất Hội thánh tuyên xưng đức tin của mình. Chính nơi đây, mỗi ngày Chúa nhật chúng ta đọc kinh Tin kính và sống kỉ luật về hiệp thông Thánh Thể, chúng ta làm chứng về lối sống đặc biệt Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Do đó, khi tôn trọng kỉ luật Thánh Thể, những người li dị “tái hôn” giữ được đức tin của họ sống động và hợp nhất với toàn thể Hội thánh tuyên xưng đức tin ấy. Thật vậy, đức tin ấy không chỉ là một giáo thuyết trừu tượng, như Đức thánh cha nhắc nhở chúng ta (AL 36), và những người này khi tôn trọng kỉ luật Thánh Thể là họ đã tuyên xưng niềm tin của Hội thánh vào lời hiệu quả của Đức Giêsu. Nếu Hội thánh sống khác đi thì có nghĩa là Hội thánh đang phạm một «sai lầm nơi các dấu chỉ bí tích» như thánh Tôma Aquinô nói[2].

Vì lòng thương xót đích thật

Nói cách khác, nhượng bộ điều này không có nghĩa là mở ra một cánh cổng dọc các bức tường để cho nhiều người hơn bước vào, nhưng đúng hơn có nghĩa là tạo ra một lỗ hổng bên hông một con tàu, tức con tàu Noe là Giáo hội, và như thế rốt cuộc tất cả con tàu sẽ chìm chắc chắn. Một linh mục cho rằng mình đã hành động vì lòng thương xót khi nhượng bộ cho một người li dị “tái hôn” được rước lễ mà không xét đến các điều kiện nói tới trong Familiaris consortio số 84, có lẽ đã không nghĩ đến những cặp hôn nhân khác trong xứ đạo mình, vốn đang bị cám dỗ bất trung và từ bỏ hôn ước, có thể nghĩ rằng hành động của họ e không nghiêm trọng lắm và đã chịu thua cám dỗ từ bỏ gia đình? Bởi một ý nghĩ sai lầm về lòng thương xót, vị linh mục này đã vô tình đặt sự trung tín của các gia đình, ích lợi chung của Hội thánh, và chứng từ Hội thánh như ánh sáng cho thế gian, vào vòng nguy hiểm (cf. Mt 5,14).

Kỉ luật về hiệp lễ của Giáo hội là một việc phục vụ lớn cho Lòng Thương Xót đối với những anh chị em này, Giáo hội không hề coi họ như những Kitô hữu hạng nhì, càng không coi họ không có khả năng tràn đầy sống Lời Chúa Giêsu. Con đường của Giáo hội, như Đức thánh cha Phanxicô khẳng định theo Thượng Hội đồng Giám mục, “không phải là con đường kết án một ai mãi mãi” (AL 296). Nói cách khác, Đạo của Chúa Giêsu mở ra cho Hội thánh niềm hi vọng: có thể quay về với sự sống Tin Mừng, hay sự sống viên mãn mà Chúa Giêsu đã hứa cho chúng ta. Đừng để mình bị cám dỗ nghĩ rằng điều này không thể là hiện thực: «chắc chắn là có thể, bởi vì đó là điều Tin Mừng đòi hỏi» (AL 102).

Đang khi đi trên con đường dài cùng Hội thánh, những anh chị em sống trong hoàn cảnh khó khăn do li dị “tái hôn”, vẫn tham dự đời sống cộng đoàn như các buổi cầu nguyện, thánh lễ (không hiệp lễ) và trong các công việc bác ái từ thiện, sống làm chứng cho Phúc Âm trong việc làm nghề nghiệp và nuôi dạy con cái. Những anh chị em này vẫn được ơn Chúa trợ giúp như thế nào đó. Quả thật, nếu đúng Thánh Thể là một phương dược chống lại tội lỗi, thì cũng đúng “đôi khi kiêng tránh dược phẩm cũng là một việc chữa bệnh” như lời của thánh Bonaventura.

Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận
  1. Cha xứ, cha đồng hành và cộng đoàn của anh chị đối xử với những anh chị em đang gặp khó khăn hôn nhân tan vỡ như thế nào? Anh chị em li dị “tái hôn” có cảm thấy mình sống bên lề hay bị hất hủi bởi cộng đoàn Hội thánh không?
  2. Tại sao trong tình trạng cuộc sống hiện tại của anh chị đã li dị “tái hôn” không nên lên rước lễ, dù vẫn rất được động viên tham dự thánh lễ, và dấn thân tông đồ?
  3. Lời Chúa và đời sống cộng đoàn vô cùng quan trọng cho mọi tín hữu và cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Điều đó càng quan trọng có tính sống còn đối với việc nuôi dưỡng và sống đức tin hoán cải của những anh chị em gặp khó khăn. Anh chị đã ý thức và xác tín sống điều đó chưa?
 

[1] Cf. Bonaventura, In Quartum Librum Sententiarum, d. 18, pars 2, articulus unicus, q. 1, resp. 3 (in Opera omnia IV, Firenze, Quaracchi 1889, 485).

[2] Cf. Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, 68, 4.

Top