Gx. Khiết Tâm: Âm vang lời kinh từ xóm trọ
Trời nhá nhem tối, chúng tôi đi đến khu chế xuất Linh Trung 2 – Q. Thủ Đức – Tp. HCM đề tìm hiểu về cuộc sống của anh chị em công nhân làm việc nơi đây. Bây giờ là 19h00, hiện ra trước mắt chúng tôi là một không gian vắng lặng, ngoại trừ một vài người bán hàng rong thưa thớt… Chúng tôi tìm đến người trực cổng để hỏi thăm thì anh cho biết: những người làm tăng ca (12giờ/ngày) sẽ ra về sau 20h…
Vì phải chờ quá lâu nên chúng tôi quyết định đi tới khu công nghiệp Sóng Thần với hy vọng gặp gỡ được những anh chị em công nhân nơi đây.
May mắn cho chúng tôi vì vừa tới nơi thì cũng là lúc anh chị em công nhân ra về. Đứng sát bên lề đường, chúng tôi chứng kiến từng dòng người đông đảo đi ra từ khu công nghiệp. Đông đến nỗi mọi phương tiện giao thông phải đứng chờ ở phía sau một thời gian khá lâu mới có thể đi qua được.
Với lượng người đông đúc như vậy nên chỉ nghe tiếng của những bước chân, thỉnh thoảng mới nghe được những tiếng nói tiếng cười. Chúng tôi tự hỏi: phải chăng vì những anh chị em này đã mệt mỏi và căng thẳng sau hơn 12 giờ làm việc?
Đang cố gắng dồn hết tâm trí để cảm nhận về cuộc sống của những con người này thì bỗng nhiên có hai bạn công nhân tiến đến chào chúng tôi. Trong khi đang bỡ ngỡ vì giữa đám người đông đúc nơi thị thành này mà vẫn có người biết tên mình thì một trong hai bạn nói: “Chúng em gặp thầy ở Nhà Thờ Khiết Tâm rồi mà, thầy quên rồi sao?...” À, thì ra là vậy…!
Sau những lời hỏi thăm, các bạn mời chúng tôi ghé thăm phòng trọ của các bạn. Trên đường đi về phòng trọ, các bạn cho biết: “Chúng em phải đi nhanh về phòng trọ để chuẩn bị cho buổi đọc kinh nhóm. Tối hôm nay, cả nhóm kéo về phòng trọ em đọc kinh đó…” Nghe nói đến đọc kinh nhóm, chúng tôi mừng thầm vì sắp được chứng kiến một “sự lạ”. (Sở dĩ nói “sự lạ” là vì thông thường, những anh chị em công nhân chỉ đọc kinh riêng chứ đâu có nghe nói đến họp nhau lại để đọc kinh chung ?)
Sau khoảng 15 phút vừa đi vừa chuyện trò, chúng tôi về tới phòng trọ của các bạn này. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một dãy nhà cấp bốn, xung quanh tường rào bao kín, phía trên lợp tôn xi-măng. Phòng của các bạn nằm sâu về phía cuối cùng. Trong căn phòng rộng 4 mét vuông này có dành riêng một góc làm bàn thờ để tượng Chúa và Đức Mẹ.
Đúng 20h45, các thành viên trong nhóm gồm 15 anh chị em có mặt. Mọi người trò chuyện với nhau một cách cởi mở và thân tình. Điều đáng nói là các bạn đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Những giọng nói của các bạn từ các vùng miền đã làm cho buổi nói chuyện thêm sinh động và đa dạng hơn.
Vì thấy các bạn nói chuyện quá say sưa, chúng tôi thầm nghĩ rằng, không biết đến khi nào mới bắt đầu giờ kinh được. Thế nhưng, lúc đồng hồ chỉ 21h00 thì cũng là lúc mọi người im lặng và bắt đầu giờ kinh.
Cho dù thời tiết nóng nực, không gian chật hẹp, có những ánh nhìn “tò mò” của những người không cùng tôn giáo… nhưng bấy nhiêu điều ấy không đủ để làm giảm bớt sự sốt sắng của các bạn khi tham dự giờ kinh. Những lời kinh, bài hát quen thuộc và những lời nguyện tự phát đơn sơ, chân thành được các bạn cất lên để cầu xin và cảm tạ tình thương của Thiên Chúa. Điều cảm động nhất là các bạn lắng nghe Lời Chúa và chia sẻ những cảm nghiệm của mình về đoạn Lời Chúa ấy một cách sống động và có hệ thống. Sau khi lắng nghe và chia sẻ Lời Chúa, mọi người cùng nhau dâng lên Thiên Chúa những tâm tình và ước mong của mình: Có bạn mong ước cho gia đình bình an, bố mẹ mạnh khỏe, các em học giỏi; có bạn mong cho bản thân luôn có sức khỏe tốt để làm việc hầu giúp đỡ các em ăn học; có bạn cầu mong cho những em bé, những cụ già lang thang ngoài đường phố có một mái ấm; có bạn mong cho đất nước, cho dân tộc được bình an, vân vân và vân vân… Tất cả những lời cầu đơn sơ ấy được phát ra một cách rất tự nhiên nhưng đầy niềm xác tín.
Giờ kinh kết thúc bằng việc dâng mình cho Đức Mẹ và cầu nguyện cho các linh hồn.
Kết thúc giờ kinh, mọi người lại tiếp tục chuyện trò với nhau một cách thân tình. Chúng tôi nhận thấy sự rạng rỡ trên khuôn mặt của các bạn. Những nét mặt rạng rỡ này khác hoàn toàn so với nét mặt buồn bã, mệt mỏi của họ trước đó – khi các bạn mới từ trong xí nghiệp bước ra…
Trong cuộc nói chuyện, khi chúng tôi hỏi thăm về xuất xứ của nhóm này thì các bạn cho biết: các bạn là thành viên của lớp Hiệp Nhất – Gx. Khiết Tâm. Hiện nay, lớp chia làm 6 nhóm với khoảng 70 người, do linh mục Gie-se Hoàng Yến Linh phụ trách. Bên cạnh việc học Kinh Thánh và đọc kinh theo nhóm hằng tuần, thì các bạn còn tổ chức thu gom ve chai để bán và giúp đỡ những người nghèo, những người bất hạnh.
Trời đã về khuya, chúng tôi chia tay nhau ra về.
Ngoài đường, thưa thớt tiếng xe chạy. Xa xa chỉ nghe vọng lại tiếng của những người rao bán hàng rong. Ngồi trên xe mà lòng thấy nặng trĩu cho những kiếp người lam lũ. Họ phải oằn mình với những gánh nặng cuộc đời trên vai để lo cho cuộc sống thường ngày. Thế nhưng, khi nghĩ về những lời kinh nguyện tối hôm nay, trong ngôi nhà trọ nhỏ bé, chúng tôi cảm nhận được sức sống dồi dào của những con người vất vả lao công. Dù phải gánh nặng cuộc đời, nhưng họ vẫn nở nụ cười rất tươi; họ vẫn cho nhau những cử chỉ rất hiền và dễ mến…
Ước mong những nhà lãnh đạo tinh thần luôn lưu tâm đến họ và giúp đỡ họ, để nhờ đó, trên môi họ vẫn nở những nụ cười rất tươi, từ trái tim họ vẫn cất lên những lời kinh nguyện sốt sắng, và trong cuộc sống này họ biết trao cho nhau những cử chỉ thân ái và thân thiện.
Nguyện Xin Nước Cha Hiển Trị!
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm