Gx. Tân Phú: Chung tay cứu trợ lũ lụt vùng ĐBSCL

Gx. Tân Phú: Chung tay cứu trợ lũ lụt vùng ĐBSCL

WGPSG -- Lũ đem phù sa bồi đắp thêm dinh dưỡng cho đất, vun tưới cho cây lúa, tạo nên vựa lúa lớn tại ĐBSCL, hằng năm, nuôi sống hằng triệu con người, nhưng lũ cũng gây cho con người những thiệt hại, âu lo và phiền muộn. Từ những ưu tư, trăn trở về cuộc sống khó khăn của đồng bào vùng lũ, giáo xứ Tân Phú đã tổ chức một buổi cứu trợ nhằm khắc phục một phần nào đó hậu quả do thiên tai và nhân tai gây ra.

Lúc 4h00 ngày 7-11-2011, mặc cho cơn mưa rả rích trong đêm còn kéo dài, nhưng chương trình đi cứu trợ của giáo xứ Tân Phú vẫn diễn tiến tốt đẹp. Sau hồi chuông nhất của nhà thờ, những người tháp tùng cùng đoàn đi cứu trợ đã có mặt tại nhà Sinh hoạt của giáo xứ, chuyền tay nhau những vật phẩm lên xe, đi chia sẻ cùng những người anh em bị nạn tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đang mùa lũ lụt.

Lúc 4h30 vật phẩm, nước uống và mọi thứ đã chuẩn bị tươm tất, đoàn cứu trợ bắt đầu cho cuộc hành trình trực chỉ Miền Tây, lộ trình theo hướng Huyện Tam Nông, Tỉnh Đồng Tháp là nơi đầu nguồn của dòng lũ. Chuyến cứu trợ bác ái do cha chánh xứ và HĐMVGX tổ chức, và ngài cử cha phụ tá Giuse Phạm Văn Thới làm Trưởng đoàn, tháp tùng có đại diện các BTV, đại diện các giáo họ Giáng Sinh, Mông Triệu, Thăng Thiên, Martino, các BMCG, Ban Caritas và Ban Truyền Thông, tất cả gồm có 15 người.

Từ TPHCM, Đoàn cứu trợ sẽ phải mất hơn 05 giờ với lộ trình dài 200 km. Xe lăn bánh và đưa chúng tôi từ nội thành sang Quốc lộ 1A đến đường cao tốc, rồi xuyên qua các thị trấn lớn nhỏ đến với các làng mạc miền sông nước, nơi đây là vùng hạ lưu của Sông Cửu Long, có hai nhánh là Sông Tiền và Sông Hậu. Hằng năm, hai sông này đã mang lượng phù sa khổng lồ, cung cấp màu mỡ cho đồng bằng châu thổ trước khi đổ ra biển, tạo nên vựa lúa lớn của ĐBSCL, nuôi sống hàng triệu người.

Thời gian gần đây, trên các trang mạng thông tin xã hội, thường xuất hiện những cụm từ như mưa lũ, nước lũ, sạt lở, cuốn trôi, gây tổn thất, người chết… đã gây ít nhiều nỗi khổ cho những con người đang phải sống chung với lũ trong vùng hạ lưu sông Cửu Long. Theo thông tin xã hội thì mùa lũ nay năm gây tổn thất nhiều cho người nông dân trong vùng lũ. (Xem: bản tin)

Cuộc hành trình sau nhiều giờ, theo biển báo, Đoàn cứu trợ còn cách điểm đến 30 km. Bánh xe của chúng tôi bắt đầu lăn vào địa bàn Huyện Tam Nông. Trước mặt là biển nước mênh mông, dọc con đường trải nhựa lưu thông huyết mạch, hai bên dân cư sống trên các nhà sàn san sát nhau, phía sau là cánh đồng ngập nước trắng xóa, xa xa thấp thoáng những ngôi làng dân cư cuối bờ bao ngăn lũ.

10h30 Đoàn cứu trợ đã đến giáo xứ Thiên Phước, Thị Trấn Tràm Chim, Huyện Tam Nông, Tỉnh Đồng Tháp thuộc hạt Cao Lãnh GP Mỹ Tho. Khi đoàn vừa xuống xe, cha sở Gioan Bt. Nguyễn Văn Học, cha phó Augustino Trần Quang Hồng Phúc cùng đông đảo bà con giáo dân ra đón tiếp chúng tôi với nụ cười thật tươi. Qua trò chuyện trao đổi, cha sở cho biết, giáo xứ đã được thành lập 50 năm, có trên 4200 giáo dân, sống rải rác theo các kênh rạch trên địa bàn có bán kính 15 – 20 km, công tác mục vụ đi lại bằng phương tiện xuồng ghe, đa số giáo dân sống bằng nghề làm thuê, cuộc sống thật khó khăn.

Sau ít phút thăm hỏi, cha Trưởng đoàn Giuse Phạm Văn Thới bày tỏ tâm tình hiệp thông và chia sẻ những thiệt thòi và nỗi khó khăn với cha quản sở, cha phó và cộng đoàn giáo dân giáo xứ Thiên Phước đang phải sống chung với lũ. Đoàn đã chuyển 100 phần quà cho những hộ nghèo gồm: gạo, mì tôm và một phong bì hiện kim trị giá 400 ngàn/phần.

Huyện Tam Nông gần biên giới với Campuchia, một vùng đất rộng người thưa, luôn bị lũ đe dọa, đời sống giáo dân nghèo gặp nhiều khó khăn, cha quản sở và cha phó đang mang trong lòng những trăn trở, làm thế nào để thực hiện được 4 nhà nguyện tại 4 giáo điểm truyền giáo của giáo xứ, để tạo thuận lợi cho đời sống thiêng liêng của giáo dân - cha sở Thiên Phước chia sẻ. Dịp này, Đoàn cũng đã hỗ trợ giáo xứ Thiên Phước 12 triệu đồng.

13h30 Đoàn cứu trợ chào tạm biệt cha sở và cha phó để tiếp tục lên đường sau bữa cơm hiệp thông, trao đổi và chia sẻ với nhau những câu chuyện ấm áp và cảm thông.

Rời giáo xứ Thiên Phước, Đoàn tiếp tục tiến về phía bờ Sông Tiền. Đứng bên bờ sông, chúng tôi đã nhìn thấy màu ngói đỏ của ngôi thánh đường Tân Long, bờ bên kia thấp thoáng sau rặng cây (nơi đây dòng sông Tiền rộng đến 1 km). Chiếc đò vừa cập bến, mọi người lại nhanh tay chuyển vật phẩm xuống đò để đến với giáo xứ Tân Long, hạt Cù Lao Tây, GP Mỹ Tho.

Thấy chúng tôi, cha sở và đông đảo giáo dân ra tiếp đón. Sau những lời chào thăm, cha sở Đa Minh Nguyễn Công Diện cho biết, mùa lũ năm nay đã làm sạt lở lấy đi hơn 10 mét nền nhà xứ và nhà ở của quý soeur dòng Chúa Quan Phòng, hiện quý soeur phải di tản về nhà Mẹ Bề trên, nhà xứ phải giải tỏa vì lũ còn đang tiếp tục làm sụt lở, cha sở và cha phó đang phải ở tạm trên phòng áo, đầu nhà thờ. Cha Giuse Phạm Văn Thới, Trưởng đoàn, bày tỏ sự cảm thông của cha chánh xứ và cộng đoàn giáo xứ Tân Phú đối với sự khó khăn lẫn mất mát mà cha sở và cộng đoàn giáo dân Tân Long gặp phải trong mùa lũ năm nay.

Đoàn đã trao tặng 200 phần quà cho các gia đình khó khăn gồm: gạo, mì và tiền mặt, trị giá mỗi phần 400 ngàn đồng. Ngoài ra, để thể hiện sự cảm thông và chia sẻ sự thiệt hại đối với họ đạo Tân Long, Đoàn trao tặng cha quản sở 20 triệu đồng, quý soeur dòng Chúa Quan Phòng 10 triệu đồng. Cha sở Tân Long bày tỏ lòng cảm ơn cha sở, cha phó, quý chức và toàn thể cộng đoàn giáo dân giáo xứ Tân Phú, đã hiệp thông chia sẻ với những mất mát cả tinh thần lẫn vật chất của giáo xứ Tân Long.

Trong bữa cơm thanh đạm chan hòa tình yêu thương, qua trao đổi, cha sở cho biết thêm, họ đạo Tân Long đã được gầy dựng rất sớm, cách đây khoảng hơn 80 năm, còn được gọi là “Họ Bãi”, hạt Cù Lao Tây vì nằm trên bãi đất mới bồi do phù sa sông Tiền mang lại. Số giáo dân hiện nay khoảng hơn 900 người, đa số hộ nghèo nhưng tinh thần sống đạo tốt, đoàn kết, sống hòa hợp cùng các tôn giáo bạn trong vùng như Hòa Hảo, Cao Đài, Đạo Hiếu… có những cuộc giao lưu liên tôn thường diễn ra. Mỗi năm có từ 20 đến 30 người được rửa tội gia nhập đạo Chúa, nỗi trăn trở của ngài và cha phó Phanxico Assisi Nguyễn Minh Hoàng là sẽ cố gắng lập thêm giáo điểm truyền giáo mới - cha quản sở chia sẻ.

17h30, đã đến lúc tạm biệt vùng sông nước để trở về Thành phố, Đoàn cứu trợ chào tạm biệt cha sở, quý chức và cộng đoàn họ đạo Tân Long. Đoàn chúng tôi lại tiếp tục vượt sông Tiền trên chiếc ghe cào, là phương tiện sinh sống của người giáo dân trong họ đạo. Theo lệnh cha sở, một quý chức đại diện cộng đoàn họ đạo Tân Long tiễn chúng tôi đến tận bờ sông bên kia, dáng người rắn rỏi với nước da sạm nắng gió, anh chia tay chúng tôi với nụ cười thân thiện, hiền lành, chân chất của người miền thượng nguồn sông Tiền.

Top