Hạnh phúc và cô đơn
WGPSG -- Hạnh phúc và cô đơn là hai thực tại của cùng một kiếp người. Có những người thành công và hạnh phúc trên sân khấu nhưng lại bất hạnh và cô đơn khi trở về với thực tế nghiệt ngã của đời thường. Có những gia đình với vợ đẹp con ngoan, nhà lầu, xe hơi nhưng đi vào thực tế, người ta bất ngờ xót xa nhận ra rằng: mình không cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, cuộc sống này luôn tồn tại những điều éo le và nghịch lý.
Trước tiên, hạnh phúc và cô đơn là gì? Có lẽ chúng ta sẽ có rất nhiều định nghĩa cho hai ý niệm này. Thế nhưng, ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm ít nhiều về hạnh phúc và cô đơn. Lối sống đô thị làm cho người nghèo bị đẩy ra khỏi vòng chảy của nhịp sống hối hả, vật chất, hưởng thụ. Bên cạnh những ngôi nhà lầu cao tầng, những ngôi biệt thự ở nhiều nơi trong thành phố này, vẫn còn đó biết bao những mảnh đời đang lang thang trú ngụ ở những gầm cầu, những vùng ngoại ô nghèo khổ và thiếu thốn mọi điều. Vậy đó, thực tế nghiệt ngã của cuộc sống nhiều khi cho chúng ta thấy rằng, hạnh phúc của người này lại là đau khổ và cô đơn của người khác. Cuộc sống đô thị hóa dường như làm cho con người ta khép kín lòng mình, chỉ tìm hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình mà lãng quên và xua đuổi những nỗi bất hạnh của những người nghèo khổ, tàn tật, bị bỏ rơi. Nói đến đây, tôi chợt nhớ tới chương trình Ngôi Nhà Mơ Ước được phát sóng vào thứ Bảy hằng tuần trên kênh HTV7, của Đài Truyền Hình Thành Phố Hồ Chí Minh. Đó là một chương trình nhân ái thật ý nghĩa. Nhiều mảnh đời bất hạnh “nhà dột cột xiêu” đã được xoa dịu phần nào bởi những nghĩa cử thăm hỏi, những đóng góp vật chất của nhiều mạnh thường quân. Thiết nghĩ rằng, đó là một chương trình mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho những người đang cô đơn với kiếp nghèo. Vì vậy, hạnh phúc và cô đơn lệ thuộc vào suy nghĩ và hành động của con người.
Tiếp đến, chúng ta thấy rằng hạnh phúc và cô đơn luôn tồn tại hòa quyện nơi bất cứ một con người nào. Điều này có lẽ rất thực tế đối với cuộc đời của người linh mục. Hạnh phúc của người linh mục là được dấn thân phục vụ cho người nghèo khổ, bệnh tật và tội lỗi. Thế nhưng, có những lúc người linh mục cũng cảm thấy cô đơn: cô đơn vì bị người ta chê giảng dài, bị giáo dân chỉ trích; cô đơn vì thất bại trong công tác mục vụ, thất bại trong những mối tương quan với bề trên, với anh em linh mục và với giáo dân. Cái cốt lõi của những thứ cô đơn như thế phải chăng là người linh mục cảm thấy không ai hiểu được mình và chính mình cũng không hiểu được mình: Tôi đang thật sự muốn cái gì? Vì vậy, hạnh phúc và cô đơn thường làm cho con người ta luôn phải đấu tranh từng ngày như lời kinh thấm thía của một linh mục Michel Quoist đã viết rằng: “Lạy Chúa, chiều nay, chiều Chúa nhật, khi cánh cửa cuối cùng của nhà thờ vừa đóng lại, một mình con cô đơn và lặng lẽ trong ngôi thờ vắng lặng này. Giờ này người ta ai cũng đã về nhà nấy, họp mặt gia đình, cười nói vui vẻ, ăn uống vui say. Còn con thì đang nhìn Chúa, không một nụ cười, không một lời đối thoại. Lạy Chúa, thật là cô đơn và đau khổ khi con bắt tay rất nhiều người nhưng không bao giờ con được phép giữ lại một đôi bàn tay nào đó cho riêng mình. Thật là cô đơn khi mỗi ngày ngồi tòa giải tội, giơ tay ban phép lành tha tội cho rất nhiều hối nhân, nhưng rồi những tội lỗi, những nỗi niềm cô đơn và đau khổ của bản thân con thì có mấy ai đồng cảm. Con nhìn thấy những đứa trẻ đang trong vòng tay của cha mẹ, nhưng lạy Chúa đó là những đứa trẻ của người ta chứ không phải là của con… Lạy Chúa, thật là cô đơn khi chấp nhận lý tưởng cuộc đời dâng hiến. Nhưng con xin dâng lên Chúa tất cả những cô đơn và đau khổ như thế, để lý tưởng cuộc đời linh mục của con thêm ý nghĩa và trọn vẹn hơn”.
Vậy thì, hạnh phúc và cô đơn là quy luật tất yếu và cũng là định mệnh cho mỗi người chúng ta. Điều cốt lõi của hạnh phúc và cô đơn đó chính là do não trạng và suy nghĩ của con người. Nhiều người hạnh phúc vì được đem niềm vui, được phục vụ người khác. Nhiều người cô đơn vì sự thờ ơ dửng dưng của lòng người ích kỷ và khép kín. Cuộc sống này vốn dĩ rất phong phú, đa dạng và phức tạp. Vì thế, hạnh phúc và cô đơn cũng đa dạng và phong phú nơi kiếp người. Có phải có tiền là có hạnh phúc? Không phải như thế, bởi vì hạnh phúc không hệ tại ở đồng tiền nhưng nó phụ thuộc vào tình người. Chỉ có tình người, xuất phát từ trái tim thật sự biết yêu và được yêu mới làm cho con người ta thật sự thấy cõi lòng của mình hạnh phúc, bình an. Có những người cả một cuộc đời đi tìm hạnh phúc nhưng lại không tìm thấy. Hạnh phúc đôi khi hệ tại ở những điều bình dị nhất trong cuộc sống này.
Một lần nào đó, chúng ta nhìn thấy, những đôi tình nhân nắm tay nhau đi tới những quầy hàng mua sắm, ăn uống trong những dịp Noen, lễ tết. Nếu nhìn ở khía cạnh bên ngoài, chúng ta sẽ thấy rằng họ đang hạnh phúc. Hạnh phúc trong tình yêu, cho dẫu tình yêu ấy chỉ thoáng qua, và hạnh phúc ấy cũng chỉ là thoáng qua. Tới đêm Noen, nhiều người tổ chức yến tiệc linh đình, ăn uống vui say. Họ đang tận hưởng niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của mình. Thế nhưng, bên cạnh những đôi tình nhân lộng lẫy, kiêu sa, những buổi yến tiệc linh đình, xa xỉ, vẫn còn đó những mảnh đời bất hạnh, nghèo đói và cô đơn trong thành phố này. Đó là những mảnh đời vất vả và nghèo khổ với đôi gánh hàng rong, với những tờ vé số, với những buổi sáng thức dậy sớm để đi lượm ve chai, với những cụ già neo đơn, những đứa trẻ lang thang nơi đường phố. Đêm Noen, có lẽ cái giá lạnh của khí trời và của lòng người sẽ làm cho nỗi cô đơn nơi những mảnh đời như thế càng thêm thấm thía hơn. Vậy thì, đâu mới là hạnh phúc thật sự cho con người thời đại hôm nay?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm