Hành trình hậu thiện nguyện
TGPSG-- Những ngày tháng thiện nguyện đã trôi qua, tôi được trở về nghỉ ngơi cách ly tại cộng đoàn Foyer de Charité (Cộng Đoàn Bác Ái Cao Thái). Tôi dành giờ chiêm niệm cầu nguyện, lấy lại sự kết nối với Chúa và với chính mình.
Trong những ngày ở đây nhìn ra bầu trời thật buồn thảm mỗi khi về chiều và những cơn mưa dầm cứ ào ạt kéo tới, tâm trạng của tôi như chùng xuống, trầm ngâm hơn và tôi suy tư nhiều hơn. Tôi đã tự hỏi: đâu rồi những buổi chiều hoàng hôn trong xanh tươi đẹp ngày ấy tại bệnh viện, mỗi lần tan ca chiều, tôi thường hay nhìn ngắm sao nay lại trở nên ảm đạm đến thế.
Bầu khí ngoại cảnh lại làm tôi nhớ đến những hình ảnh thân quen mà tôi đã gắn bó với trong suốt một tháng qua. Dẫu có vẫy vùng, chiến đấu với con virus quái ác ấy, nhưng tôi vẫn thấy được những nét mặt vui tươi, bình an, hạnh phúc của các y bác sĩ, các thiện nguyện viên khi còn có cơ hội tiếp tục ở lại chăm sóc và phục vụ các bệnh nhân. Chính tôi đã nói với họ trước lúc chia tay “Mừng cho các bạn còn cơ hội phục vụ, còn cơ hội là còn niềm vui, còn hạnh phúc để trao ban”. Nghĩ tới họ tôi thầm cám ơn Chúa vì tiếp tục còn có những người anh dũng hy sinh để phục vụ cách nhưng không, để đồng hành với những con người đang nửa sống nửa chết. Trong lời cầu nguyện, tôi tin rằng Chúa sẽ bù đắp cho họ tất cả những gì cần thiết để làm chứng tá cho Ngài.
Trong sự tĩnh lặng và cô tịch, những ký ức đau khổ, những bệnh nhân ra đi cô đơn không người thân bên cạnh, những tiếng động của máy thở, máy đo nhịp tim, máy đo nồng độ oxy SPO2… trong bệnh viện lại ùa về, làm tôi trằn trọc suốt đêm, không sao ngủ được. Tôi cảm thấy bất an và tự hỏi: “Sao con người lại ra đến nông nỗi như thế?” và tôi thưa với Chúa: “Họ đau lắm Chúa ơi, họ cô đơn và lạnh lẽo lắm Chúa ạ”… nỗi đau như xoáy vào tim tôi sâu … thật sâu … khiến tôi lại càng trở nên chua xót, trằn trọc và quặn đau hơn. Bên cạnh những khắc khoải ưu tư ấy có những niềm vui khác ùa về trong tôi, đó là những niềm vui của những người thân và bệnh nhân khi nhận được cuộc điện thoại mà các thiện nguyện viên là người trung gian kết nối. Niềm vui thể hiện trên khuôn mặt bệnh nhân khi được chăm sóc tận tình chu đáo, niềm vui khi sắp được xuất viện và niềm vui của các y bác sĩ, các thiện nguyện viên khi được cho đi trong yêu thương.
Tâm trạng tôi cứ lên xuống như thế cho đến khi tôi có được một cuộc gặp gỡ trực tuyến trên Google Meet với các linh mục (Lm), các nữ tu chuyên gia tâm lý. Các ngài đã chuẩn bị cho nhóm chúng tôi những đề tài “Chờ đợi – đọc lại đời sống - nối kết”, “Chữa lành ký ức mất mát trong cơn đại dịch” dưới sự hướng dẫn của Nữ tu Thanh Tú, FMM và Lm Hoàng Quân. Đề tài “Lắng nghe ngôn ngữ cơ thể sau mùa thiện nguyện”, “Sức khỏe tâm hồn”, qua sự chia sẻ của linh mục Sĩ Nghị, SJ. Nhờ các buổi gặp gỡ này, chúng tôi cảm nhận được tình yêu, sự quan phòng của Chúa nơi anh chị em cùng chí hướng ở hậu phương luôn đồng hành cùng chúng tôi. Bước vào tuyến đầu trong cơn đại dịch, chúng tôi không bước đi một mình, nhưng đã bước đi cùng các anh chị khác để mang yêu thương đến với con người.
Mở đầu cuộc gặp gỡ online, chúng tôi được chia sẻ những cảm nghiệm của mình. Có những câu chuyện thật buồn, thật đau và thật xót xa, nhưng cũng có những kỷ niệm thật vui và hạnh phúc khi được chứng kiến các bệnh nhân chiến thắng được tử thần và trở về đoàn tụ cùng gia đình. Vui và hạnh phúc hơn nữa là mỗi chị em chúng tôi đã tận dụng hết cơ hội để mang tình yêu của Chúa đến với mọi bệnh nhân trong yêu thương phục vụ. Việc chữa lành ký ức mất mát và lắng nghe ngôn ngữ cơ thể là những điều trước đây tôi rất ít quan tâm, hay có thể nói là tôi chưa để ý tới vì tôi chưa gặp nỗi đau nào quá lớn như vậy, nhưng bây giờ thì khác…Khi có cơ hội ngồi lại, đọc lại những khoảnh khắc đã qua có lúc người tôi run lên, ớn lạnh, cảm thấy hoàn toàn bất lực khi phải chứng kiến một lúc quá nhiều người ra đi, thêm vào đó là sự đau đớn cũng như những ánh mắt sợ hãi lo lắng của quá nhiều bệnh nhân. Có những bệnh nhân đã không dám nhắm mắt ngủ và chỉ an tâm khi có người đến bên cầm tay, chắc do sự sợ hãi ám ảnh, khi chứng kiến những người bị nhiễm, nhập viện, cuối cùng lần lượt ra đi. Hình ảnh tang thương đó đã in sâu vào tâm hồn họ, những nỗi đau ấy chẳng ai có thể bù đắp được ngoài tình yêu của Thiên Chúa.
Trong một ngày Chúa Nhật nọ tôi đã được đến với Chúa qua Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Thánh Thể cách trực tiếp sau thời gian khá dài bị ngăn trở bởi đại dịch. Tôi cảm nghiệm rằng: Đây là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi. “Tạ ơn Chúa hôm nay Chúa đã ban cho con được hưởng điều con thầm mơ ước”. “Cám ơn cha Giuse Nguyễn Trọng Sơn đã âm thầm hy sinh đồng hành với chúng con.”
Hành trình hậu thiện nguyện là một món quà rất quý và cần thiết đối với tôi, vì đã giúp tôi lấy lại sự cân bằng trong mối tương quan với Thiên Chúa, chính mình và tha nhân. Có thể trong những ngày tháng qua ở tại tiền tuyến, tôi đã không chú ý tới hay bị lãng quên vì nỗi đau của dịch bệnh đã làm tôi mất hy vọng, mất đi sự tín thác và bị thách đố nhiều về đức tin. Đây là thời gian tuyệt vời để tôi kết nối lại với Chúa, với chính mình và với người khác. Lời Chúa mời gọi tôi “Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Tạ ơn Chúa đã cho tôi cảm nghiệm Chúa vẫn ở đó, Ngài vẫn ở bên tôi bảo vệ che chở tôi, để ngày hôm nay tôi được trở về nghỉ ngơi bồi dưỡng trong bình an của Chúa, xin trao mọi gánh nặng vào lòng thương xót Chúa, xin dâng những người còn đang vất vả chiến đấu nơi tuyến đầu vào sự quan phòng của Ngài.
Sr. Maria Hội, RNDM
Dòng Đức Bà Truyền Giáo
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm