Hành trình kiếm tìm
Có đôi khi, nhiều người thường tự vấn rằng không biết chắc chắn rằng mình có ơn gọi hay có thể sống mãi trong nhà dòng hay không? Bởi vì có nhiều chặng đường với nhiều gian truân, nhiều “cửa ải” họ phải vượt qua.
1. Đứng trước một bước ngoặt quan trọng của hành trình dâng hiến như: vào nhà tập, tuyên khấn lần đầu, tuyên khấn vĩnh viễn, nhiều người sống đời thánh hiến đều có những cảm xúc và những nỗi ưu tư đan xen nhau. Nhiều cảm xúc vì niềm vui khi khoác trên người bộ áo dòng còn thơm mùi vải; vì cảm nghiệm tình yêu mà Thiên Chúa và Hội dòng dành cho bản thân. Tuy nhiên, những giây phút ấy rồi cũng qua mau và thay vào đó là những ưu tư, lo lắng cho tương lai, cho ơn gọi vì phía trước có không ít gian lao, thử thách. Bước vào hành trình ơn gọi như là bước vào cuộc “cá cược” vì người sống đời thánh hiến sẽ gặp nhiều khó khăn cho lựa chọn dấn thân; những phút giây xao xuyến khi yếu đuối; những nỗi cô đơn, cô độc trong suốt hành trình. Quả vậy, ơn gọi không chỉ dừng lại với lời tuyên khấn hay một mục tiêu đạt được nhưng đó là một hành trình tìm kiếm và đáp trả không ngừng với Đấng mình yêu mến với những sự bấp bênh, chọn lựa, xuyến xao.
2. Có đôi khi, nhiều người thường tự vấn rằng không biết chắc chắn mình có ơn gọi hay có thể sống mãi trong nhà dòng hay không? Bởi vì có nhiều chặng đường với nhiều gian truân, nhiều “cửa ải” họ phải vượt qua. Chắc chắn không ít người ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”: Tiến thì thấy sợ, lui thì mắc cỡ! Với tâm thế như thế, để đạt được một mục đích nào đó, nhiều người sống đời thánh hiến sống “nhắm mắt cho qua”, “cầm hơi” hay “nín thở qua cầu”. Họ sống một cuộc sống với sự chán nản, không còn động lực; sống trong sự khép kín và phòng vệ nên chẳng thể thanh thoát và vươn cao.
Để có thể vượt qua được những bấp bênh ấy, thiển nghĩ, người sống đời thánh hiến cần phải luôn tích cực sống trọn vẹn giây phút hiện tại vì Chúa đã nói: “Ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6,34). Nhiều người có một tâm thức sống hướng về tương lai và níu kéo quá khứ mà quên đi hiện tại. Đức Kitô luôn muốn người môn đệ bằng lòng với hiện tại và sống hết mình những giây phút ấy. Một thái độ cần có, theo người viết, phải là thái độ đón nhận tất cả trong hiện tại như là một hồng ân, là thánh ý Chúa. Một khi được như vậy, người sống đời thánh hiến đã xây dựng hành trình ơn gọi của mình trên một nền móng vững chắc và sẽ vững bước cho dù chung quanh vẫn có những sóng gió hay bấp bênh.
3. Ắt hẳn rằng khi đối mặt với những khó khăn, bấp bênh trong đời tu, không ít người sống đời thánh hiến đã nhiều hơn một lần so sánh thiệt hơn, đắn đo suy nghĩ giữa lựa chọn của mình với những mời gọi, dễ dãi, tự do đến từ bên ngoài xã hội. Thật ra, sẽ có những “cảm giác chán nản” nhất thời mà người sống đời thánh hiến cần vượt qua và điều quan trọng hơn cả cần phải xác tín rằng chọn lựa một hướng đi (ơn gọi) không phải là một điều dễ dàng như chọn mua một món hàng theo cách “thuận bán-vừa mua”. Chọn lựa dấn thân là một chọn lựa đòi hỏi phải từ bỏ, đổi mới mỗi ngày và trung tín đến cùng. Tiến trình ấy là “một chuỗi những động tác”: từ bỏ-vác thập giá-theo Đức Kitô. Nhờ từ bỏ và theo Chúa dứt khoát, người sống đời thánh hiến sẽ ngày một vươn cao tiến gần đến Chân-Thiện-Mỹ đích thực. Thật vậy, không phải vào dòng và cam kết đã là từ bỏ và theo Chúa. Bởi vì, có khi bên ngoài (xem ra) là từ bỏ nhưng trong lòng không chịu bỏ, vẫn níu kéo với những “tham-sân-si” làm trì trệ khiến đời tu không thăng tiến đến mức độ như Chúa mong muốn; đôi khi còn đánh mất tất cả, mất “cả chì lẫn chài”.
4. Bản tính con người là yếu đuối. Vì vậy, chắc hẳn nhiều người cũng đã kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân nhưng chính Chúa lại chọn gọi con người yếu đuối ấy? Vậy làm sao con người yếu đuối ấy dám đáp trả cho lời mời gọi từ Ngài? Hay là đáp trả theo kiểu tâm lý đám đông? “Ai sao tôi vậy/người khấn tôi cũng khấn”? Thiết nghĩ người sống đời thánh hiến cần phải tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa vì: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50). Nhưng điều đó không phải là “thoái thác” tất cả cho Chúa nhưng cần phải sự cộng tác tích cực từ bản thân mỗi người. Một khi sống tâm tình phó thác thì người sống đời thánh hiến để luôn trung thành nhìn lên, cậy trông và sống trong ân nghĩa với Chúa với niềm tin: “Ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ” (Mt 24,13).
Đời thánh hiến phải là cuộc tự hủy mỗi ngày để khiêm tốn và vui tươi đón nhận những đau khổ, thử thách: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27). Một trong những điều quan trọng mà người sống đời thánh hiến cần luôn xác tín rằng: lời khấn không phải để GIỮ nhưng là để SỐNG CÁCH TỰ DO hơn.
5. Sống tâm tình canh tân mỗi ngày cũng là một đòi hỏi quan trọng trong đời sống thánh hiến; canh tân dù thành công hay thất bại, buồn hay vui. Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã từng nói một từ ngữ nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của ngài: “Aggiornamento/cập nhật hóa”. Đây cũng là điều mà nhạc sĩ Mi Trầm mượn tư tưởng của thần học gia nổi tiếng Karl Rahner để sáng tác bài hát thánh ca “Xin giữ con”: “Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, dù khi thất vọng, dù khi mỏi mòn con vẫn cậy trông. Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu. Này con chiến thắng, này con chiến thắng, tươi sáng hy vọng”.
Yêu Chúa là dâng cho Chúa tất cả những gì mình CÓ và mình LÀ. Con tim của người sống đời thánh hiến phải là ngọn lửa cháy mãi lời hứa (trung thành) chứ không phải là ngọn lửa đốt cháy lời hứa. Có như thế đôi chân mới vững tiến dù đôi lúc cảm thấy xao xuyến muốn buông xuôi.
6. Trong niềm đơn sơ, con xin phó thác đời con cho Chúa. Có thể nói đó là điều tâm niệm mà mỗi người sống đời thánh hiến phải xác tín. Bởi vì, hành trình ơn gọi là một cuộc lữ hành mà mỗi người cần khám phá và làm mới lại mỗi ngày. Dù có cô đơn, yếu đuối, thử thách, bấp bênh, xao xuyến nhưng ước mong rằng, người sống đời thánh hiến luôn vững tin và cam đảm bước đi vì hành trình theo Chúa không là hành trình đơn độc. Thiên Chúa và Giáo hội vẫn luôn đồng hành ngay bên và bởi vì cuối con đường ấy thập giá sẽ nở hoa; hãy để Chúa nắm tay dìu bước và luôn thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con và Ngài đã thắng” (Gr 19,7). Ước mong sao!
Nguồn: gplongxuyen.org
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm