"Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt thù hận" (Hc 28,6)
... Ngày 17-5-1972 cảnh sát trưởng Luigi Calabresi bị ám sát ngay trước cửa tư gia ở đường Cherubini tại thành phố Milano miền Bắc nước Ý, hưởng dương 35 tuổi (1937-1972). Năm ấy góa phụ Gemma Capra Calabresi mới 25 tuổi với hai đứa con trai còn nhỏ tuổi và đang mang thai đứa con thứ ba.
Thật là biến cố kinh hoàng làm đảo lộn tất cả. Thế nhưng đó mới chỉ là khởi đầu cho những đau thương tiếp diễn sau đó. Dầu vậy, hôm nay, sau hơn 40 năm trôi qua, bà Gemma Capra Calabresi vẫn tiếp tục nói và làm chứng cho Đức Tin và niềm Hy Vọng xuyên qua một cuộc sống ghi đậm niềm vui và nhất là Tha Thứ. Sau đây là những lời của bà Gemma.
Tức khắc lúc xảy ra án mạng trong lòng tôi không hề có chút oán thù. Nhờ thế mà tôi cảm nhận niềm trìu mến bao la đến từ bên ngoài chứ không phải từ chính tôi. Tôi cùng với Cha sở đọc ngay một Kinh Kính Mừng cầu cho kẻ sát hại hiền phu tôi và nhất là cầu cho gia đình của anh ta. Tôi nghĩ chắc hẳn gia đình kẻ sát nhân có nỗi đau đớn còn lớn lao hơn cả chính tôi. Tôi xác tín rằng vào lúc ấy tôi nhận được hồng ân Đức Tin. Nói nghe có vẻ khù khờ khó tin. Nhưng sự thật là như thế. Tôi không hề cảm thấy oán thù và tuyệt vọng. Tôi như được Thiên Chúa đổ tràn Tình Yêu của Ngài và không thể nào diễn tả bằng lời. Tôi cảm nhận sự hiện diện và sức mạnh của Chúa ở trong tôi. Tôi nghĩ khi chúng ta nói về Chúa Thánh Thần là như thế. Tình Yêu và Sức Mạnh.
Ngay khi xảy ra án mạng, tôi không hề tỏ ra giận dữ, than trách hoặc tuyệt vọng. Không. Được như vậy là nhờ tôi biết rằng Thiên Chúa đang hiện diện. Thế là tôi điềm tĩnh và nhìn sự việc dưới một nhãn quan khác. Điều này giúp tôi rất nhiều, kể cả những năm tháng kế tiếp sau đó và vào những lúc khó khăn nhất, đặc biệt trong thời kỳ xử án. Tuy nhiên tôi không luôn giữ được Đức Tin vững mạnh. Thế nhưng mỗi lần bị thử thách tôi liền nhớ đến giây phút xảy ra án mạng để kín múc Đức Tin.
Có nhiều người cho rằng đây là vụ án chính trị. Riêng tôi, tôi không bao giờ đặt câu hỏi tại sao biến cố đau thương lại xảy ra cho tôi. Không. Tôi tự nhủ trên thế giới còn có nhiều đau thương khác lớn lao gấp bội phần đau thương của tôi. Nhưng đối với hiền phu quá cố của tôi thì khác. Tôi thắc mắc tại sao người ta lại giết anh, một người luôn quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ tha nhân. Anh cố gắng tìm hiểu những gì đang diễn ra và ước muốn đối thoại với nhóm trẻ du côn đang phá phách. Có lẽ vì thế mà anh trở thành mồi ngon cho oán thù.
Trên ngôi mộ của hiền phu, tôi chọn câu nói của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Luca 23,34). Khi chọn câu này tôi tự nhủ: “Là tín hữu Công Giáo sống đạo chân thành, mình phải sống thực sự câu nói chứ không phải chỉ viết ra mà thôi!” Tôi phải trải qua một lộ trình Tha Thứ thật dài. Nhưng tôi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người.
Trước tiên là nhờ thân mẫu tôi với lời nói và gương lành của người. Mẹ tôi là phụ nữ có Đức Tin vững mạnh. Chúng tôi cùng nhau trao đổi và thổ lộ tâm tình. Khi tôi thấy một người nào đó tỏ ra giận dữ và nuôi mối căm thù tôi lấy làm tiếc vì như thế là người đó làm hỏng cuộc đời mình. Tha Thứ là một ân huệ đến từ Thiên Chúa nhưng nó cũng là một cái gì đó được chín mùi. Riêng tôi, tôi tha thứ nhờ sống Đức Tin. Con đường tha thứ có thể có nhiều lối khác nhau. Nhưng đối với tôi, Tha Thứ là một cuộc chinh phục. Tôi chiến thắng oán thù nhờ Đức Tin.
Ngay từ đầu sau thảm họa, tôi quyết định chọn việc giáo dục con cái tránh xa oán ghét và báo thù. Có như thế chúng tôi mới tận hưởng niềm vui trong cuộc sống. Dĩ nhiên cuộc đời tôi thay đổi rất nhiều sau cái chết đau thương của hiền phu. Nhưng trong thử thách tôi cảm thấy mình không cô đơn. Tôi biết rõ Thiên Chúa ở bên tôi. Chính niềm tin tưởng vững mạnh này ban cho tôi sức mạnh. Tôi cũng cố gắng truyền đạt Đức Tin và niềm an bình cho các con. Tôi tin rằng chúng là những con người yêu chuộng hòa bình.
Bên cạnh Đức Tin còn có niềm Hy Vọng. Với tư cách nhà giáo, tôi luôn luôn nhấn mạnh với các học sinh về sự cần thiết không bao giờ đánh mất niềm Hy Vọng và đừng bao giờ cảm thấy cô đơn. Cuộc đời chúng ta nằm trong vòng tay Thiên Chúa. Và chúng ta phải xác tín rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh. Với niềm tin tưởng vững chắc này, chúng ta cứ an tâm tiến bước.
“…Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài. Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Thiên Chúa, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Thiên Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó? Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt thù hận, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi.” (Sách Huấn Ca 27,30/28,1-7)
(“CREDERE la gioia della fede”, Settimanale, Anno III, No 2,
11 Gennaio 2015, trang 14-18)
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm