Hãy về và làm như vậy
HÃY VỀ VÀ LÀM NHƯ VẬY
CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN, C
Trong xã hội hiện thời, chúng ta thấy tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng. Chuyện đâm thuê, chém mướn, bóc lột là những tội ác đang hoành hành trong thời đại của chúng ta hôm nay.
Đứng trước tình trạng đó, hơn bao giờ hết, tình yêu thương, vị tha, lòng bao dung là điều cần thiết để làm vơi đi những đau thương, mất mát.
Bài Tin Mừng hôm nay khơi gợi cho chúng ta về tình yêu hướng tha, lòng bao dung vô vị lợi đó.
1. Bối cảnh vấn đề
Câu chuyện được khởi đi bằng việc trao đổi giữa Đức Giêsu và một người thông luật: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Câu hỏi này nếu thoáng nghe, thoạt nghĩ, chúng ta sẽ dễ dàng kết luận rằng nhà thông luật này có vẻ khao khát đi tìm hạnh phúc viên mãn. Nhưng kỳ thực đây chỉ là câu hỏi nhằm thử Đức Giêsu để gài bẫy và hạ thấp uy tín của Ngài mà thôi.
Bởi vì trong luật Cựu Ước có tới 613 điều, trong đó có 365 điều cấm không được làm và có 248 điều buộc phải làm. Một bộ luật khổng lồ đã làm cho dân phải khốn đốn và không ai có thể chu toàn. Họ không biết khởi đầu từ đâu và kết thúc ở điều luật nào! Và, đâu là điều quan trọng nhất. Ngay trong nội bộ của những nhà thông luật cũng chưa đưa ra được điều luật nào là chính yếu. Đây chính là cơ hội để họ thử Đức Giêsu.
Tuy nhiên, qua câu hỏi của vị Luật Sĩ: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời". Thay vì trả lời trực tiếp cho ông ta biết phải làm sao, Đức Giêsu đã lật ngược ván cờ, từ người thụ động sang thế thượng phong khi hỏi lại ông ta: "Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?". Qua câu hỏi mang tính chất vấn như vậy, Đức Giêsu đã tước được vũ khí từ đối phương, và như một mũi tên soáy sâu vào tận căn của ông ta, buộc ông phải nói lên điều mà ông đã biết: "Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi (Đnl 6,5), và hãy thương mến anh em như chính mình" (Lv 19,8). Tuy nhiên, vì biết được lối sống giả hình của giới học giả Do Thái, họ luôn đeo ách nặng nề trên dân và buộc dân phải thi hành, còn chính họ thì lại không giữ (x. Mt 23, 27-28). Vì thế, Đức Giêsu đã bảo ông ta: "Ông đã trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống".
Qua câu nói đó của Đức Giêsu, Ngài đã tố cáo lối sống cứng ngắc của họ; đồng thời bẻ gãy mưu mô của họ; mặt khác, Ngài cũng khơi gợi lên trong lòng họ hướng chiều về điều thiện và khuyên họ nên làm để được sự sống đời đời.
Khi bị thất thế hoàn toàn, nhà thông như muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Đức Giêsu rằng: "Nhưng ai là anh em của tôi?" Đức Giêsu dựa trên câu hỏi của ông để kể cho ông dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu. Kết thúc câu chuyện, lại một lần nữa Đức Giêsu hỏi ông ta: “Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?" Người thông luật trả lời: "Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy". Và Đức Giê su đã nói cho ông ta biết rằng: hãy về và làm như thế thì sẽ được cứu độ, chứ không phải chỉ kêu: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu!
2. Sứ điệp Lời Chúa cho mỗi chúng ta
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi…. Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Đây phải là điều răn quan trọng nhất và là thước đo đời sống đạo của mỗi chúng ta. Nếu yêu Chúa mà không yêu người thì chúng ta tự mâu thuẫn với chính mình. Chính thánh Giacôbê Tông đồ đã nói: tin phải đi đôi với hành động, nếu tin mà không hành động thì đức tin chết. Quả thật, Chúa là Đấng chúng ta không thấy, còn con người thì ai cũng thấy trong cuộc sống. Mến Chúa mà lại không yêu người thì là kẻ nói dối. Quả thực, Thánh Gioan đã nói: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Và “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1 Ga 4:21).
Nhưng điều quan trọng là ta yêu người như thế nào? Đây mới là điều quan trọng!
Người Luật sĩ đã hỏi Đức Giêsu đâu là người thân cận của ông ta, và Ngài đã trả lời cho ông thấy người thân cận chính là anh em của mình, và phải yêu thương họ như chính mình. Qua câu nói đó, Ngài muốn chúng ta đi xa hơn để vượt ra khỏi ranh giới chủng tộc, quốc gia, giai cấp, địa vị để yêu thương bằng một tình yêu vị tha thay thế cho vị ngã. Người Samaritanô đã chạnh lòng thương đến người bị nạn, ông đã coi nỗi đau khổ của người bị nạn chính là nỗi đau của ông, nên ông cảm thấy trách nhiệm và cần phải giúp đỡ người bị nạn. Tình thương đã khiến cho ông gần tha nhân hơn là những rào cản tôn giáo, dân tộc.
Có vị linh mục nọ than phiền về lối sống đạo của giáo dân một cách xót xa, ngài nói: giáo dân ở đây họ thích rước sách linh đình. Cứ rước kiệu nhiều là họ mừng. Họ thích trống to, kèn lớn, ăn mặc đẹp để đi rước…. Nếu đội bên kia trống to, kèn lớn hơn thì bên này phải tìm mọi cách để của mình bằng hoặc to hơn bên họ. Nhưng xót xa thay, nhiều người trong giáo xứ bỏ lễ, nhiều năm không xưng tội. Giới trẻ lao vào con đường nghiện ngập, cờ bạc… Họ sẵn sàng đánh chửi lẫn nhau. Họ sống như những người không biết Chúa. Nếu có mời gọi họ đi học Giáo lý, Kinh Thánh thì họ bảo không có giờ, nhưng lại vùi đầu trong các sòng bạc cả ngày lẫn đêm….Đời sống đạo như thế thì làm sao chống chọi được với những trào lưu tục hóa tinh vi trong xã hội hôm nay! Một thực trạng đáng lo ngại.
Thật vậy, nếu chỉ sống đạo cách hình thức hay hời hợt bên ngoài, chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng như những tư tế, trợ tế trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.
Như vậy, sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy yêu thương tha nhân với một tình yêu chân thành, quả cảm. Khi yêu thương như vậy, chúng ta đang đi vào và ở trong Tình Yêu của Thiên Chúa, bởi vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”; đồng thời mỗi chúng ta hãy vượt ra khỏi những thứ bề ngoài để sống một cuộc đời có Chúa thực sự. Được như thế, nỗi đau của người anh em cũng là của chính ta. Và khi giúp đỡ người anh em đang đau khổ là chúng ta đang góp phần làm cho thế giới này vơi đi phần nào sự bất công do những trào lưu tục hóa gây nên; mặt khác, qua họ, Thiên Chúa muốn gặp gỡ chính chúng ta và mời chúng ta sống hiệp thông với Ngài.
Ước gì, Lời Chúa nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21) sẽ là lời cật vấn lương tâm của mỗi chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu Chúa trên hết mọi sự; đồng thời cũng biết yêu người anh chị em chúng con cách chân thành và sẵn sang giúp đỡ họ như Chúa dạy qua bài Tin Mừng hôm nay. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm