Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 28 Thường niên năm A
Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14
Y PHỤC DỰ TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 22,1-14
(1) Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: (2) “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. (3) Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. (4) Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong. Bò tơ và thú béo đã hạ rồi. Mọi sự đã sẵn. Mơi quý vị đến dự tiệc cưới!” (5) Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: Kẻ thì đi thăm trại, người thi đi buôn. (6) Còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. (7) Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy, và thiêu hủy thành phố của chúng. (8) Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. (9) Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới. (10) Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. (11) Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát thực khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục tiệc cưới (12) mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?” Người ấy câm miệng không nói được gì. (13) Bấy giờ, nhà vua bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! (14) Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.
2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI
Đức Giê-su trình bày dụ ngôn tiệc cưới, ám chỉ lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa qua hai giai đoạn chính như sau: Đầu tiên Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi dân riêng Ít-ra-en gia nhập vào Nước Trời do Đấng Thiên Sai thiết lập, nhưng họ đã từ chối tình thương cứu độ của Người. Tiếp đến, Thiên Chúa mời gọi tất cả các dân tộc gia nhập Nước Trời. Tuy nhiên muốn được tham dự vào bàn tiệc Nước Trời đời sau, đòi người ta phải mặc y phục lễ cưới, tức là phải có “lòng ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng” do Chúa Giê-su rao giảng. Ai cố tình không mặc y phục lễ cưới sẽ không được vào dự tiệc Nước Trời.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình: Thiên Chúa khai mở bữa tiệc thời Thiên Sai bằng việc cho Con Một Người xuống thế làm người (x. Mt 24,1-12; Kh 19,9). Tuy dụ ngôn về tiệc cưới của hoàng tử, nhưng lại đề cập nhiều đến thái độ phải có của các khách được mời đến tham dự. + Nhà vua sai đầy tớ: Đầy tớ ám chỉ các ngôn sứ (x. ls 25,6). + Đi thỉnh các quan khách đã được mời trước: Quan khách ám chỉ dân Ít-ra-en được Thiên Chúa ưu tuyển. + Nhưng họ không chịu đến: Các đầu mục đã hướng dẫn dân Ít-ra-en khinh thường lời mời của Thiên Chúa.
- C 4-6: + Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi: Điều này cho thấy lòng khoan dung của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn trước thái độ bất trung ngỗ nghịch của Ít-ra-en dân riêng của Ngài. + Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: Họ không đếm xỉa tới lời mời vì không tin vào các ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến. + Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn: Đi thăm trại hay đi buôn bán là những lý do biện minh cho hành động không đến tham dự bữa tiệc cưới, cho thấy dân ít-ra-en đã coi trọng của cải vật chất và các việc trần gian hơn lời hứa cừu độ của Thiên Chúa. + Còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết: Các đầu mục đã xúi dân bắt bớ giết hại các ngôn sứ là những gia nhân do Thiên Chúa sai đến. Điều này cho thấy tội bất trung của họ đã lên đến tột cùng và đáng bị trừng phạt.
- C 7-8: + Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ: Sự dửng dưng, từ chối và còn giết hại các ngôn sứ thời Cựu ước và các Tông đồ thời Tân ước khiến cho Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ. + Sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy: Sự cố chấp chống lại tình thương cứu độ, khiến dân Do Thái không còn xứng đáng được hưởng sự khoan dung nữa và đáng bị trừng phạt. + Và thiêu hủy thành phố của chúng: Việc thiêu hủy thành phố ám chỉ biến cố thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy bình địa vào năm 70 sau Công nguyên. Điều này cho thấy Tin mừng Mát-thêu được biên sọan vào sau năm 70, khi ấy tác giả đã được chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát của thành Giê-ru-sa-lem. + Những kẻ đã được mời lại không xứng đáng: Ơn cứu độ đã được hứa ban cho dân Ít-ra-en, nhưng họ lại không đáng được hưởng do thái độ dửng dưng và từ chối Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập.
- C 9-10: + Vậy các ngươi đi ra các ngả đường: Nhắc lại lệnh của Đức Giê-su truyền cho các môn đệ trước khi về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Ra các ngả đường còn nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ như lời Đức Giê-su: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngòai, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8,11-12). + Gặp ai bất luận xấu tốt cũng tập hợp cả lại: Câu này cho thấy ý của Thiên Chúa là muốn cho tất cả mọi người đều được vào Nước Trời (x. Mt 9,13). + Phòng tiệc cưới đã đầy thực khách: Từ nay Hội thánh gồm đủ mọi dân tộc và mọi thành phần tốt xấu trong xã hội. Ở đây cũng nhắc lại ý nghĩa của dụ ngôn Cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) và Chiếc lưới (x. Mt 13,47-50).
- C 11-12: + Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc: Sự quan sát ám chỉ cuộc phán xét cuối cùng của Đức Giê-su, Đấng được Thiên Chúa tôn lên làm “Chúa” (x. Pl 2,6-11) và làm “Vua” xét xử muôn dân (x. Mt 25,31-46). Tuy “Hội thánh lữ hành” ở trần gian còn bao gồm cả người tốt lẫn kẻ xấu, nhưng “Hội thánh chiến thắng” trên trời lại chỉ gồm những người đã trải qua cuộc phán xét chung. Khi ấy chỉ những người có đức tin, thể hiện qua lối sống khiêm tốn phục vụ mới được tham dự bàn tiệc Nước Trời. + Có một người không mặc y phục lễ cưới: Trong Thánh Kinh không chỗ nào đề cập đến tục lệ chủ nhà sắm quần áo cưới cho quan khách đến dự tiệc mặc trước khi vào phòng tiệc nhưng chỉ cần họ ăn mặc lịch sự là đủ. Y phục lễ cưới ở đây ám chỉ chiếc áo trắng chiến thắng (x. Kh 7,9b), áo chính trực công minh (x. Is 61,10) và công chính (x. Mt 5,16.20), tượng trưng con người mới công chính thánh thiện (x. Ep, 4,24), giống như Hiền thê được trang điểm và được mặc áo sáng chói tinh tuyền đi đón Con Chiên (x. Kh 19,8). Tóm lại, y phục lễ cưới chính là chiếc áo trắng tinh khi chịu phép rửa tội. + Người ấy câm miệng không nói được gì: Người không mặc y phục lễ cưới đã không thể biện minh cho thái độ khinh thường chủ tiệc của mình.
- C 13-14: + Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: Đây là những hình phạt tượng trưng cho hỏa ngục, nơi dành cho những kẻ sống bất chính và thù ghét Thiên Chúa. Nơi đó họ sẽ phải khóc lóc đau khổ và nghiến răng tủi hờn. + Kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít: Nhiều ít không phải về số lượng, nhưng đúng hơn là sự non kém. Nên câu này có thể được dịch lại như sau: “Kẻ được gọi thì đông hơn, và người được chọn thì ít hơn”. Câu này lẽ ra được đặt ngay sau dụ ngôn Tiệc Cưới. Vì người được gọi thì rất nhiều “chật ních phòng tiệc”, và chỉ có người được mời trước từ chối và “một người không mặc áo cưới bị loại ra mà thôi (x. Lc 13,22-30). Việc người được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít không phải do Thiên Chúa không mời, nhưng tại loài người đã cố tình từ chối lời mời của Thiên Chúa, hay vì không mặc áo cưới công chính tinh tuyền, không sống giới răn yêu thương của Chúa Giê-su (x. Mt 3,8; 5,20; 7,21; 13,48; 21,32).
4. HỎI ĐÁP:
- Hỏi 1: So sánh dụ ngôn Tiệc cưới trong hai Tin mừng Mát-thêu (22,1-14) và Lu-ca (14,16-24), ta thấy Tin mừng Lu-ca không nói đến việc ông vua phát hiện ra có một kẻ không mặc áo cưới và trừng phạt y. Vậy Tin mừng nào thuật lại đúng hơn ?
ĐÁP:
Ngày nay một số nhà chú giải nghĩ rằng: dụ ngôn Tiệc Cưới do Đức Giê-su giảng thực ra đã chấm dứt ngay sau khi vua cho mời những kẻ nghèo khó, tàn tật mù què vào đầy phòng tiệc, để thế chỗ cho những kẻ được mời mà không đến (x. Lc 14,16-24; Mt 22,1-10). Còn phần sau trong Tin mừng Mát-thêu (22,11-14) thực ra là một dụ ngôn khác, là dụ ngôn “Áo Cưới”, nhưng đã được đặt liền sau dụ ngôn “Tiệc Cưới”.
- Hỏi 2: Ông vua có bất công không khi phạt một người khách không mặc y phục lễ cưới chỉ vì bất ngờ được mời, nên không có thời gian chuẩn bị trước. Hơn nữa, do được mời ở ngã ba đường và bị ép vào phòng tiệc, thì lấy đâu ra áo cưới ?
ĐÁP:
Những ai nhận đây là hai dụ ngôn được ghép lại thành một thì sẽ không có thắc mắc gì về vấn đề áo cưới, vì ai cũng có thời giờ chuẩn bị trước ở nhà. Tuy nhiên ngay cả trường hợp được mời đột xuất thì việc phạt người không mặc áo cưới cũng không bất công. Vì tại sao bao nhiêu người khác cũng được mời bất ngờ như vậy mà vẫn có thể mặc y phục lễ cưới ? Hơn nữa, khi bị hạch hỏi, người không mặc áo cưới này lại làm thinh, không bào chữa gì được cho hành vi của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là một câu chuyện dụ ngôn, nên cần quan tâm đến bài học dụ ngôn muốn dạy, hơn là để ý đến các chi tiết khác. Điều dụ ngôn muốn dạy là: Kẻ không mặc áo cưới là kẻ cố tình không chịu sám hối và tin vào Tin Mừng, nên không đủ điều kiện vào dự tiệc, mà còn bị quăng vào hỏa ngục đời đời.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?” Người ấy câm miệng không nói được gì (Mt 22,11-12).
2. CÂU CHUYỆN:
1) HÃY HƯỚNG NHÌN LÊN TRỜI CAO:
Một con gà rừng mẹ đang ấp trứng, nhưng lẫn trong ổ trứng của nó có một trứng to của chim đại bàng. Khi đến ngày giờ, các quả trứng đều nở ra thành con. Đại bàng con nô đùa vui vẻ bên các chú gà rừng như anh chị em ruột trong gia đình gà rừng.
Một ngày kia, khi đang bới móc trong đống rác kiếm ăn giun đất chung với đàn gà rừng, đại bàng con chợt thấy một con đại bàng lớn bay lượn trên không với dáng vẻ oai phong đẹp mắt. Cậu liền hỏi gà mẹ rằng:
- Mẹ ơi, sao bọn mình lại không bay lên cao như chim đại bàng trên trời kia hả mẹ ?
- Chúng ta không phải đại bàng nên không thể bay lên được con ạ!
- Thế chúng ta là ai hả mẹ ? Đại bàng con hỏi tiếp.
- Chúng ta chỉ là loài gà rừng mà thôi!
Rồi vài ngày sau đó, khi đang khi bươn chải kiếm ăn trên đống rác, đại bàng con lại thấy chim đại bàng mẹ bay lượn trên cao gọi cậu:
- Hãy bay lên cao với mẹ hỡi con yêu của ta! Thế giới của con là trời cao biển rộng, chứ đâu phải đống rác nhơ bẩn dưới đó! Mau bay lên với mẹ đi con.
Đại bàng con cố đập cánh bay lên theo lời mẹ gọi, nhưng bay được vài cái là lập tức bị rơi xuống đất giữa tiếng cười chế nhạo của anh em gà rừng. Bọn chúng bảo đại bàng con rằng:
- Chú chỉ là loài gà rừng, làm sao bay lên cao được hả chú bé ?
Đại bàng con tự nhủ: Nếu ta chỉ là gà rừng thì sao mẹ đại bàng trên cao kia cứ gọi ta là đại bàng con ? Đàng khác, ta thấy bay lên cao cũng đâu phải quá khó! Có lẽ tại ta chưa tập thành thạo đó thôi. Vậy bây giờ ta thử bay thêm lần nữa xem sao.
Thế là đại bàng con đủ lông đủ cánh đã bay được lên trời cao và cứ tiếp tục bay lên mãi. Cậu bay theo sau đại bàng mẹ tiến về một phương trời mới. Lần đầu tiên trong đời, đại bàng con được từ trên cao nhìn xuống đất. Nó cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui vẻ hạnh phúc.
Như đại bàng mẹ kiên nhẫn kêu gọi đại bàng con đừng nhìn trên mặt đất nhưng hãy ngước nhìn lên bầu trời cao xanh và cố gắng bay lên đi theo bầy đàn, Thiên Chúa cũng luôn mời gọi chúng ta loại bỏ lòng “tham sân si” để ước ao dự tiệc cưới Nước Trời, là gia nhập vào Hội thánh đời này để được hạnh phúc thiên đàng đời sau.
2) Y PHỤC NƯỚC TRỜI LÀ CUỘC SỐNG YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ
Để trả lời cho những người muốn biết Nước Trời ở đâu, Đức Giê-su đã dạy: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21). Như vậy, mỗi gia đình, cộng đoàn hay bất cứ tập thể nào cũng có thể trở thành thiên đàng hay hỏa ngục.
Có người kia nằm mơ thấy mình được dự hai bữa tiệc: một trên thiên đàng và một dưới hỏa ngục. Anh ta đã nhận xét sự khác biệt giữa hai bàn tiệc của hai nơi ấy như sau:
Cả hai bàn tiệc trên thiên đàng hay trong hỏa ngục đều đầy thức ăn ngon, và mỗi người đều được phát một đôi đũa. Có điều các đôi đũa lại dài quá khổ, đến nỗi tuy người ăn có thể gắp được đồ ăn trên bàn, nhưng lại không sao đưa đồ ăn ấy vào miệng mình. Trong bàn tiệc trên thiên đàng thì mọi người đồng bàn đều có lòng vị tha. Họ biết quan tâm và muốn làm vui lòng người khác, nên đã đã gắp đồ ăn phục vụ cho nhau, khiến mọi người đều được ăn no và bầu khí bữa tiệc rất vui vẻ và bình an. Ngược lại, tại bàn tiệc trong hỏa ngục thì mọi người đồng bàn đều ích kỷ, họ chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến người khác. Do không thể tự gắp đồ ăn vào miệng mình, và do ganh tị họ cũng không muốn cho người khác được ăn, khiến mọi người đều đói và thù ghét nhau. Kết quả là “người thì bị đau khổ khóc lóc, kẻ lại nghiến răng giận hờn”.
3) Y PHỤC TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI CỦA AU-GÚT-TI-NÔ LÀ SỰ HOÁN CẢI:
AU-GÚT-TI-NÔ khi còn trai trẻ đã có một đời sống bê tha trụy lạc. Nhưng đến năm 33 tuổi, Au-gút-ti-nô đã gặp được giám mục Am-brô-si-ô, và anh đã được vị này hướng dẫn đọc Lời Chúa hằng ngày. Đoạn văn đánh động tâm hồn Au-gút-ti-nô là lời thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rô-ma như sau: “Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và đừng lo tìm thỏa mãn những đam mê xác thịt.” (Rm 13, 13-14). Au-gút-ti-nô có cảm tưởng như câu lời Chúa này dành riêng cho mình còn được tấn phong làm giám mục. Sau cùng, giám mục Au-gút-ti-nô đã được tôn phong làm tiến sĩ thầy dạy của Hội Thánh.
Trong nghi thức ban bí tích rửa tội, vị chủ sự trao cho người tân tòng tấm áo trắng và nhắn nhủ: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng này, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền mãi cho đến khi ra trước toà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để cho con được sống muôn đời”.
4) CHUẨN BỊ DỰ TIỆC ĐỜI SAU BẰNG NĂNG DỰ TIỆC THÁNH THỂ ĐỜI NÀY:
Một bé gái bệnh nặng, một hôm biết mình khó qua khỏi, em gọi cha mình lại để nói chuyện. Người cha này rất nguội lạnh, lại hay ăn nhậu và không bao giờ đến nhà thờ. Em hỏi: - “Cha có thương con không ?”.
Người cha cảm động nói: - “Sao con lại hỏi thế, cha rất yêu con!”.
– “Con sắp xa cha rồi, con sắp về với Chúa rồi!”.
– “Không! Con sẽ mạnh, cha thương con lắm!”. Người cha ôm con khóc nức nở.
– “Con sẽ gặp Chúa, con yêu Chúa, nhưng con cũng yêu cha, con không muốn xa cha, cha có muốn gặp lại con và sống mãi bên con không ?”
– Người cha nghẹn ngào đáp: - “Có, con yêu!”.
– “Vậy cha hãy hứa với con là cha sẽ năng đi lễ nhà thờ nhé! Con muốn được gặp lại cha trên Thiên Đàng”.
Người cha trả lời trong nước mắt: - “Cha hứa!”.
- “Con vui lắm rồi, con hẹn sẽ gặp lại cha nhé!”. Bé gái nhìn cha mỉm cười và sau đó ít phút, em đã nhắm mắt lìa đời.
Sau ngày an táng con gái thân yêu, cha em đã giữ lời hứa và trở thành một con chiên ngoan đạo, hằng ngày đến nhà thờ dự lễ và rước lễ sốt sắng. Ông còn tình nguyện tham gia vào ban phục vụ nhà thờ. Cuối cùng ông đã chết trong bình an với niềm hy vọng sớm được về thiên đàng để gặp cô con gái thân yêu.
Muốn được vào dự tiệc Nước Trời, người ta phải “mặc áo cưới” là đức tin và lòng sám hối, là lòng mến Chúa và năng kết hiệp với Người, rồi khiêm tốn phục vụ Người đang hiện thân nơi những người nghèo khổ và bất hạnh (x. Mt 25,34-36.40).
5) SỨC MẠNH LÂY LAN CỦA LÒNG BÁC ÁI CHIA SẺ:
Khi Mẹ Tê-rê-sa Cal-cut-ta đi ngang qua nhà một gia đình theo đạo Hin-đu (Ấn Giáo) đã bị đói nhiều ngày. Mẹ đã cầm theo một ít gạo để cho gia đình ấy. Điều xảy ra làm mẹ kinh ngạc là: Sau khi nhận được gạo, người mẹ trong gia đình này đã chia đôi số gạo, sang chia sẻ cho gia đình hàng xóm.
Thấy vậy, mẹ Tê-rê-sa liền hỏi: “Chia cho người khác rồi thì bà còn lại được bao nhiêu ? Liệu có đủ cho gia đình nhà bà không ?”. Mẹ thật bất ngờ khi nghe người ấy nói: “Nhưng gia đình này cũng giống như gia đình tôi, đã nhịn đói trong nhiều ngày rồi”.
Chính lòng quảng đại của Mẹ Tê-rê-sa đã có sức lan truyền, để người vừa được chia sẻ cơm bánh cũng biết quảng đại chia sẻ cho tha nhân đồng cảnh ngộ với mình.
3. SUY NIỆM:
1) THIÊN CHÚA BAN ƠN CỨU ĐỘ LOÀI NGƯỜI QUA HAI GIAI ĐOẠN:
Giai đoạn một: Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân It-ra-en báo tin về một Đấng Thiên Sai sẽ đến thiết lập một “Triều Đại của Thiên Chúa”, và mời dân này gia nhập. Khi gần đến ngày đã định, Thiên Chúa lại sai Gio-an Tẩy Giả là vị tiền sứ của Đấng Thiên Sai đến nhắc lại lời mời gọi ấy như sau: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Nhưng dân Ít-ra-en vẫn tỏ thái độ thờ ơ và vua Hê-rô-đê đã giết hại Gio-an. Về sau dân này còn hè nhau giết hại chính Người Con do Thiên Chúa sai đến là Đức Giê-su.
Giai đoạn hai: Trước sự cứng lòng của dân Ít-ra-en đã từ chối ơn cứu độ, Thiên Chúa đã mời mọi dân tộc khác vào dự tiệc cưới Nước trời, qua lời Đức Giê-su truyền cho các môn đệ như sau: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Rồi nhờ ơn Thánh Thần ban, các Tông đồ đã chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng khắp muôn dân. Nhờ Thánh Thần tác động mà số người gia nhập vào Hội thánh ngày gia tăng.
2) ĐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI CỦA THIÊN CHÚA BẰNG CÁCH NÀO ?:
a) Hãy luôn hướng lòng trí về những sự trên trời:
Chúng ta tránh chỉ lo toan tìm kiếm cơm áo vật chất, mà còn phải ý thức nhiệm vụ của mình như lời Thánh Phao-lô dạy: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21). Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng ta hãy tự hỏi: Hiện giờ tấm áo trắng rửa tội của tôi có còn tinh tuyền không ? Hôm nay tôi đã sống giới răn mến Chúa yêu người như thế nào ? Giả như đêm nay Chúa gọi tôi về trình diện, tôi có đủ điều kiện để được tham dự bàn tiệc Nước Trời hay không ?
b) Phải luôn mặc y phục lễ cưới:
- Y phục lễ cưới là chiếc áo trắng được trao ngày chịu phép Rửa tội: Đó là một tâm hồn thanh sạch của những người được tẩy trắng trong máu Con Chiên. Chiếc áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải gìn giữ suốt cả cuộc đời. Chiếc áo trắng ấy phải luôn tinh tuyền như lời nhắn nhủ của Hội thánh trong lễ rửa tội: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Ðức Kitô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.”
- Y phục lễ cưới là sự tôn trọng tha nhân, qua cách ăn mặc và lối sống yêu thương phục vụ: Thánh Phaolô đã nói đến các người phụ nữ đi cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà ăn mặc bất xứng, không phù hợp với truyền thống (1 Cr 11,15), hoặc các tín hữu đi tham dự tiệc Thánh Thể mà không chay tịnh, cứ ăn uống say sưa và khinh dể kẻ nghèo (1Cr. 11, 21-22 và 27-29, 34).
- Y phục lễ cưới còn là chu toàn sứ vụ loan Tin Mừng để làm chứng cho Chúa:
+ Bằng việc cải thiện môi trường đang sống là gia đình, khu xóm, trường học, nhà máy, công sở… ngày một nên an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn… Hầu trở thành “Trời Mới Đất Mới” theo thánh ý Chúa.
+ Bằng lối sống khiêm hạ, yêu thương thăm viếng để chia sẻ cơm áo tiền bạc cho những người nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi (x. Mt 25,34), tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cho những người chưa nhận biết tin yêu Chúa (x. 1 Cr 9,16).
4. THẢO LUẬN:
Bạn sẽ làm gì để biến đổi gia đình hay cộng đoàn của bạn trở nên thiên đàng tình thương ngay từ hôm nay ?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”. Xin cho con biết luôn quên mình để làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa. Xin cho con biết khiêm hạ, luôn làm việc để tôn vinh Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi tha nhân. Ước gì con biết hãm mình và luôn sống trong tình thương của Chúa. Ước gì con biết đón nhận tất cả những gì xảy đến cho con và kiên trì vác thập giá mình hằng ngày mà bước đi theo Chúa đến cùng. Xin đừng để điều gì thuộc về trần gian kéo con lạc xa Chúa. Xin thương xót con và giúp con gia tăng lòng tin yêu Chúa, hầu sau này đáng được Chúa đón nhận vào dự tiệc Nước Trời đời đời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
bài liên quan mới nhất
- Hiệp sống Tin mừng: Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Hiệp sống Tin Mừng: Mùng Ba Tết - Cầu Cho Công Ăn Việc Làm -
Hiệp sống Tin Mừng: Mùng Hai Tết - Cầu Cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ -
Hiệp sống Tin Mừng: Mùng Một Tết - Lễ Minh Niên -
Hiệp sống Tin Mừng: Thánh lễ Giao thừa -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 2 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng ngày 01/01: Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa -
Hiệp sống Tin mừng: Lễ Hiển Linh đến Lễ CGS chịu Phép rửa
bài liên quan đọc nhiều
- Tâm tình Mùa Chay
-
Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần bát nhật sau Lễ Giáng Sinh -
Hiệp sống Tin Mừng: Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 13 Thường niên năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Hiệp sống tin mừng: Chúa nhật 5 Phục sinh năm C -
Hiệp sống Tin mừng: từ thứ Tư Lễ Tro đến hết tuần 1 mùa Chay