Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật Lễ Lá năm B
Is 50, 4-7 ; Pl 2, 6-11 ; Mc 11, 1-11 và Mc 14, 1-15, 47
PHỤC SINH VINH QUANG NGANG QUA TỬ NẠN THẬP GIÁ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 11, 1-11:
(1) Khi Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-ghê và Bê-ta-ni-a, bên triền núi Ô-liu, Người sai hai môn đệ (2) và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh tháo dây ra và đem nó về đây. (3) Và nếu có ai bảo: “Tại sao các anh làm như vậy?” thì cứ nói là Chúa cần đến nó và Người sẽ gởi lại đây ngay”. (4) Các ông ra đi và thấy một con lừa con cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền tháo dây lừa ra. (5) Mấy người đứng đó nói với các ông: “Các anh tháo lừa ra làm gì vậy?” (6) Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông. (7) Hai ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và Đức Giê-su cỡi lên. (8) Nhiều người cũng trải áo họ xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. (9) Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! (10) Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!” (11) Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào Đền Thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai.
2. Ý CHÍNH:
Phụng vụ Lễ Lá hôm nay gồm hai phần: Rước Lá (x Mc 11, 1-11) và Thánh Lễ với Tin Mừng về cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su (Mc 14, 1-15, 47)
- Phần thứ I (Mc 11, 1-11): Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem với tư cách là Đấng Thiên Sai, được dân chúng đi theo và hoan hô như đón mừng một ông Vua khải hoàn vào thành để lên làm vua. Nhưng Đức Giê-su lại không đáp ứng khát mong một ông Vua trần thế của dân Do Thái: Thay vì ngồi trên mình ngựa chiến oai phong khải hoàn vào thành, thì Người lại chọn ngồi trên lưng con lừa hiền lành như ông Vua Mục Tử hòa bình khiêm hạ.
- Phần thứ II (Mc 14, 1-15, 47): Đức Giê-su là Tôi Tớ đau khổ của Đức Chúa. Người đến không đòi được hầu hạ, nhưng đã rửa chân hầu hạ các môn đồ và chấp nhận con đường “qua đau khổ thập giá để vào trong vinh quang phục sinh” theo ý Chúa Cha. Người đã biểu lộ một tình yêu tột đỉnh khi lập phép Thánh Thể biến bánh rượu trở thành Mình Máu Người, làm lương thực nuôi dưỡng Đức Tin của các tín hữu, và hy sinh mạng sống đền tội thay và sống lại để phục hồi sự sống đời đời cho loài người.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Núi Ô-liu: hay Núi Cây Dầu, nằm về phía Đông thành Giê-ru-sa-lem. Tại đây Đức Giê-su đã trải qua giờ phút hấp hối trước khi bị bắt (x. Mc 14, 26-50), và sau khi sống lại, Người đã ban huấn lệnh cuối cùng trước khi lên trời tại núi này (x. Cv 1, 12). + Một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ: Đức Giê-su dùng lừa con thay vì lừa mẹ, vì nó chưa bị ai cỡi, nên xứng đáng được Đức Giê-su sử dụng trong nghi thức trọng đại là lên ngôi vương quyền khi khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem. + “Chúa”: “Chúa” hay “Chúa thượng” (Ky-ri-os) và Đức Chúa (A-do-nai), là hai tước hiệu dành để kêu cầu Thiên Chúa và Đấng Thiên Sai. Khi tự gán cho mình tước hiệu “Chúa Thượng” (x. Tv 110, 1-7), Đức Giê-su muốn nói với người Do Thái rằng: Tuy là “Con Đa-vít”, Người vẫn cao trọng hơn Đa-vít và có trước ông (x. Mt 22, 43-45). Thánh Phao-lô cũng đã tuyên xưng: “Đức Giê-su là Chúa” (Rm 10, 9). Tước hiệu “Ky-ri-os” (“Chúa Thượng”), ám chỉ quyền tối cao của Đức Ki-tô ngang hàng với Thiên Chúa (x. Pl 2, 10).
- C 4-8: + Nhiều người trải áo họ xuống mặt đường. . . Chặt nhành lá ngoài đồng mà rải: Bên Cận Đông, dân chúng thường trải áo hay chặt cành lá trải trên đường để tỏ lòng tôn kính Đức Vua hay vị tướng chiến thắng từ mặt trận trở về (x 2V 9, 13). Ở đây, dân chúng đón rước Đức Giê-su như một ông vua Mê-si-a. Họ hy vọng Người đến để giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của Đế Quốc Rô-ma.
- C 9-11: + Hoan hô!: hay Ho-san-na. Chữ này bắt nguồn từ chữ: Ho-si-a-nah” nghĩa là “Xin ban ơn cứu độ” (x. Tv 118, 25-26). Còn lời tung hô: “Ho-san-na!”, nghĩa là “Hoan hô!” hay “vạn tuế!”. (Mt 21, 9). + Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta: Vị Thiên Sai mà dân Do thái đang mong chờ theo các Ngôn sứ tiên báo thuộc hoàng tộc Đa-vít, có sứ mệnh tái lập vương quyền của vua Đa-vít.
4. CÂU HỎI: 1) Trong Tin Mừng đọc trước khi rước lá, Đức Giê-su đã làm gì để biểu lộ vai trò Thiên Sai thực sự của Người, thay vì làm Đấng Thiên Sai trần thế như dân Do Thái mong đợi, Người lại làm Đấng Thiên Sai Mục Tử hiền hòa như thánh ý Thiên Chúa? 2) Bài Thương Khó trong Thánh Lễ chứng minh Đức Giê-su chính là Ngươi Tôi Tớ Đau Khổ Của Đức Chúa qua những sự kiện gì? 3) Thời Cựu Ước và Tân Ước có những sự kiện nào đã xảy ra trên quả núi Ô-liu này? 4) Tại sao Đức Giê-su lại cưỡi lừa con thay vì lừa mẹ khi khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem? Người đã thực hiện như lời tuyên sấm của vị Ngôn Sứ nào? 5) Khi tự xưng là “Chúa” trong câu “Thì cứ nói là Chúa cần đến nó”, Đức Giê-su muốn ám chỉ điều gì về thân thế của Người? 6) Qua sự kiện hai môn đệ thấy mọi việc xảy ra đúng như lời Đức Giê-su đã nói trước cho thấy Người là ai? 7) Khi trải áo choàng xuống mặt đường để đón rước Đức Giê-su đi qua, dân chúng thể hiện lòng tin thế nào về Người? 8) Hô-san-na nghĩa là gì? 9) Tại sao dân chúng mới hoan hô Đức Giê-su “chúc tụng Triều đại vua Đa-vít”, nhưng mấy ngày sau họ lại đòi quan Phi-la-tô đóng đanh Người vào thập giá?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời!”(Mc 11, 9).
2. CÂU CHUYỆN:
1) HOAN HÔ ĐẢ ĐẢO CHỈ NHẤT THỜI:
WINSTON CHURCHILL, cố thủ tướng Anh Quốc, đã chia sẻ kinh nghiệm riêng của ông và cho chúng ta biết rằng sự hoan hô ủng hộ của dân chúng không phải là bằng chứng của sự thành công thực sự. Xưa kia, có một lần sau khi nói chuyện với một cử tọa khoảng 10 ngàn người hiện diện và được hoan hô, một người bạn đã hỏi: “Thưa thủ tướng, ngài không cảm thấy xúc động khi có tới 10 ngàn người đã đến nghe ngài nói chuyện sao?” Churchill trả lời: “Không thực sự là như thế. Một trăm ngàn người sẽ đến nhìn khi tôi bị treo lên”.
Hôm nay bắt đầu Tuần Thương Khó bằng việc cử hành việc Chúa Giê-su tiến vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài. Chúa Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá là “quyền năng của Thiên Chúa và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người”.
2) TRÁNH THÁI ĐỘ VÀO HÙA VỚI ĐÁM ĐÔNG:
Có một cậu bé đang đi trên lề đường bỗng dừng lại, ngửa mặt lên trời. Một vị giáo sư đi tới, thấy thế cũng ngạc nhiên dừng lại và ngước nhìn lên trời theo. Rồi một bà đứng tuổi đi ngang qua cũng nhìn lên trời như vậy; Và một người, rồi một người nữa… Lúc cậu bé cúi xuống, quay qua quay lại, cậu thấy cả chục người lớn đứng chung quanh cũng đang ngửa mặt nhìn lên trời. Cậu rất ngạc nhiên lên tiếng hỏi: “Ủa! Các ông các bà cũng bị chảy máu cam giống như cháu sao?”.
Hiện tượng nói trên là căn bệnh “hùa theo đám đông”. Thấy người khác làm thì mình cũng làm theo, bất chấp lề luật, bất chấp tội lỗi: nam nữ sống “góp gạo thổi cơm chung” tại nhà trọ nhiều công nhân và sinh viên xa nhà đến ở trọ; chuyện phá thai nơi những bà mẹ trẻ mang thai ngoài ý muốn; chuyện buôn gian bán lận để kiếm lời; chuyện hối lộ và tham nhũng để mau được việc và giữ được chiếc ghế đang ngồi. . . ; Chuyện nói tục, chửi bậy, nói dối, của người Việt nam hôm nay. Đám đông làm bậy đã khiến nhiều trẻ em và người thiếu hiểu biết không còn ý thức về tội lỗi.
3) TÌNH NGUYỆN CHẾT THAY LÀ BIỂU HIỆN MỘT TÌNH YÊU TỘT ĐỈNH:
Ngày xưa, có hai anh em nọ sống chung với nhau trong cùng một căn nhà. Người anh tốt lành, siêng năng làm việc và kính sợ Thiên Chúa. Còn đứa em lừa lọc, gian manh, và phạm đủ thứ tội ác như cướp của, giết người… Người anh khuyên răn mãi mà thằng em vẫn không chịu thay đổi tính nết. Một đêm kia, thằng người em chạy về nhà quần áo dính đầy máu. Nó tự thú với người anh: “Em đã phạm tội giết người”. Vài phút sau căn nhà đã bị cảnh sát bao vây và không cách nào trốn thoát được.”Em không có ý giết nó”, người em sợ hãi nói, “Em cũng không muốn chết”. Ngay lúc ấy có tiếng cảnh sát gõ cửa. Người anh liền cởi quần áo mình đang mặc cho thằng em, và mặc lấy bộ quần áo đang dính đầy vết máu của nó. Sau đó cảnh sát xông vào nhà còng tay người anh, và giam lại chờ ngày ra tòa. Sau cùng, người anh đã bị kết án tử hình chết thay cho em mình.
Qua câu chuyện trên, chúng ta hiểu được phần nào về tình yêu tột cùng của Chúa Giê-su, dù vô tội nhưng Người đã sẵn sàng chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho chúng ta.
4) CHIẾN THẮNG BỆNH TẬT NHỜ THÁNH GIÁ CHÚA KI-TÔ:
Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ, quen gọi là Dòng Nữ Salêsiên ở Cáp bên Haiti, muốn thuê nhà điêu khắc Pêrikhết làm một cây thánh giá lớn để đặt trong nhà thờ mới của các chị. Nhưng lúc đó, ông Pêrikhết đã bị ung thư nặng.
Các chị nhờ một nữ tu cùng dòng đến gặp nhà điêu khắc để nói về ý định này. Hôm đó viên bác sĩ của ông cũng có mặt, ông nói với chị nữ tu :
- Lẽ ra chị phải đến đây sớm hơn. Rất tiếc là bây giờ căn bệnh ung thư của ông Pêrikhết đã quá nặng rồi. Im lặng một lát, bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc :
- Ông là người có đức tin, vậy ông cứ tiếp tục hy vọng dù có điều gì xảy ra đi nữa.
Từ ngày đó, nhà điêu khắc Pêrikhết chẳng muốn cầm búa để rèn tác phẩm nghệ thuật nào nữa.
Vài ngày sau, một nữ tu lại đến gặp ông và năn nỉ :
- Ông Giovani Pêrikhết à, các nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp mong muốn ông làm cho các chị ấy một cây thánh giá thật đẹp, dài hai mét. Họ biết tài năng của ông mà. Trước khi trả lời dứt khoát cho họ, tôi muốn hỏi ý kiến ông một lần nữa.
Nhà điêu khắc trầm ngâm suy nghĩ và cầu nguyện, rồi ông bình thản nói với chị nữ tu :
- Tôi xin nhận lời. Cây thánh giá này sẽ là tác phẩm cuối cùng, tôi sẽ làm cây thánh giá này để chuẩn bị chết, và xin Chúa thương xót tôi.
Thế là nhà điêu khắc bắt tay vào công việc với tất cả tâm hồn của một người mong gặp được Chúa Giêsu. Đây thật là một công việc nặng nhọc vì bệnh tình của ông. Nhưng ông cảm thấy một điều thật lạ lùng, mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng đỏ, thay vì làm cho ông mệt mỏi thêm, thì lại làm cho ông cảm thấy như được bồi dưỡng sinh lực trở lại. Ông tiếp tục làm việc ngày qua ngày, và khi ông hoàn thành cây thánh giá thật đẹp, ông cảm thấy như khỏe hẳn. Chúa Giêsu đã giải thoát ông khỏi căn bệnh quái ác.
Ngày nay, cây thánh giá do ông thực hiện vẫn còn được treo ở nhà thờ thành phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều tín hữu : người lành mạnh cũng như người đau yếu đến kính viếng.
Nhà điêu khắc Giovani Pêrikhết tưởng rằng cây Thánh giá ở nhà thờ thành phố Cáp ấy sẽ là tác phẩm cuối cùng. Ông dùng cây thánh giá ấy để chuẩn bị chết. Nhưng với niềm tin và lòng hăng say rèn cây thánh giá, Pêrikhết đã được Chúa thương cách đặt biệt và chữa cho khỏi bệnh ung thư. Đó là hình ảnh ơn cứu độ mà Thánh giá Chúa Kitô đã, đang và sẽ còn đem đến cho nhân loại.
5) CHIẾN THẮNG NHỜ CÂY THÁNH GIÁ:
CONSTATIN vào năm 23 tuổi, đã được quân sĩ Rô-ma đóng tại York tôn lên làm Hoàng Đế nối ngôi vua cha là Constantius. Để được lòng quân dân trong toàn Đế quốc, Constantin phải chiến thắng kẻ thù là Maxentius.
Ngày 28 tháng 10 năm 312, ông đến sông Tiber, khúc sông có cây cầu Milvian ở về phía Bắc Rô-ma, quân của Maxentius đã ngăn chặn không cho quân của Constantin vượt qua con sông Tiber. Đêm hôm đó Constantin đã xem thấy một cây thập tự sáng chói trên bầu trời, dưới cây thánh giá có hàng chữ: “Với dấu này, ngươi sẽ chiến thắng” (In hoc signo, vinces). Sáng hôm sau trước khi giáp mặt chiến đấu với quân địch, ông đã ra lệnh cho toàn quân lập tức sơn hình cây thánh giá trên mũ của họ. Nhờ cây thánh giá hỗ trợ mà quân của Constantin đã can đảm xông lên và đã toàn thắng quân thù. Sau đó vào năm 313, Hoàng Đế Constantine sau khi lên ngôi đã ký sắc lệnh Milan, hủy bỏ cuộc bắt đạo Công giáo và cho mọi người trong nước được tự do tin theo đạo.
Hoàng Đế Constantine đã nhờ cây thánh giá nên đã thắng trận. Con chúng ta hôm nay nhờ ai để chiến thắng ba thù là ma quỷ thế gian và xác thịt? …
3. SUY NIỆM:
Phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay gồm hai phần vui buồn đan xen: Trong phần đầu lễ chúng ta cùng đi rước Chúa Giê-su khải hòan vào thành Giê-ru-sa-lem (x Mc 11, 1-10). Phần thứ hai là thánh lễ với bài Thương Khó (x Mc 14, 1-15, 47). Từ đó chúng ta rút ra nhiều bài học về sự tin yêu Chúa?
1) Cùng theo Chúa trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem:
Trong giờ phút này, chúng ta hãy chiêm ngắm cảnh tượng Đức Giê-su đang long trọng tiến vào thành Giê-ru-sa-lem. Ngài khiêm tốn ngồi trên lưng lừa con. Có nhiều người đã trải áo và rải cành cây trên lối đi để tỏ lòng tôn kính. Những tiếng reo hò vang dậy: Tung hô Đức Giê-su là Vua Thiên Sai, thuộc dòng dõi Đa-vít, là Đấng đến để giải thoát Ít-ra-en. Đức Giê-su im lặng để dân chúng tung hô hầu ứng nghiệm lời tuyên sấm: “Hãy bảo thiếu nữ Sion: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ” (Dcr 9, 9).
2) Cùng theo Chúa đi con đường “Qua đau khổ vào trong vinh quang” như ý Chúa Cha:
- Sau những giây phút tưng bừng náo nhiệt cuộc rước, chúng ta được nghe bài thương khó: Chúa Giê-su hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, để mang lại ơn cứu độ cho loài người. Quả thực, Ngài là Vua, nhưng là Vua Mục Tử: “Đến không đòi được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45). Ngài đã chọn con đường cứu thế theo thánh ý Chúa Cha là “qua đau khổ vào trong vinh quang”, qua cuộc Tử Nạn để vào mầu nhiệm Phục Sinh.
- Trong tuần Thánh, chúng ta hãy năng chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa khi nghe ngắm nguyện mười lăm sự thương khó, khi suy niệm chặng đàng Thánh Giá. . . để chọn đi theo con đường hẹp leo dốc, đường thánh giá của Chúa Giê-su.
3) Cần tránh xúc phạm đến hình ảnh Chúa qua tha nhân:
- Gai nhọn trên đầu Chúa và đinh nhọn đóng thâu qua chân tay Chúa, roi đòn quất lên mình Chúa tượng trưng cho các sự thù hận và vu cáo bất công mà các đầu mục Do Thái đã làm. Chúa đã qua giờ phút lo buồn đổ mồ hôi máu trong vườn Giết-sê-ma-mi khi nghĩ đến tội của các môn đệ, Phê-rô chối không biết Thầy, Giu-đa phản bội bán Thầy vì ham tiền và dùng cái hôn để nộp Thầy.
- Còn chúng ta thì sao? Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của hoạ sĩ người Hòa Lan REMBRANDT thế kỷ 17, là bức họa “Ba Cây Thập Tự”. Khi chiêm ngưỡng tác phẩm này, hầu như ai cũng đều bị thu hút nhìn vào trung tâm của bức tranh: Ở giữa hai cây thập giá của hai kẻ bất lương, thập giá của Đức Giê-su vượt lên cao hơn. Dưới chân thập giá của Chúa là cả một rừng người, trên mặt ai nấy đều lộ vẻ căm thù oán hận, trong đó có cả khuôn mặt của nhà danh họa tác giả của bức tranh … Qua đó ông muốn nói rằng: Mọi người chúng ta không ai là không dính líu vào tội đã đóng đinh Đức Giê-su vào thập giá.
4) Phải làm gì để phục vụ Chúa trong anh em?
- Ngày nay chung quanh chúng ta không thiếu những người bệnh tật đau khổ là hiện thân của Chúa Giê-su đã bị đau khổ. Họ là những người mắc bệnh nan y không tiền chữa trị, những người bị khích bác vu khống đi tù cách bất công, những người đau khổ què quặt, đui mù, câm điếc không cơm ăn áo mặc và không chốn nương thân… Họ là hiện thân của Chúa Giê-su bị bỏ rơi trên cây thập giá và đang mong được mỗi tín hữu chúng ta an ủi và giúp đỡ tận tình.
- Chúng ta có thể làm gì? Tuy khả năng giới hạn, nhưng chúng ta vẫn có thể cảm thông với người đau khổ noi gương các phụ nữ xưa đã gặp gỡ khóc thương Chúa trên đường thánh giá; Chúng ta có thể nâng đỡ họ như ông Si-mon vác đỡ thập giá cho Chúa; Có thể an ủi họ như bà Vêrônica trao khăn cho Chúa lau mặt; Có thể lên tiếng bênh vực họ như người trộm lành bên hữu Chúa; Có thể cảm thông với sự đau khổ của họ như Mẹ Ma-ri-a môn đệ Gio-an và các bà đạo đức đã can đảm đứng dưới chân thánh giá nhìn lên Chúa; Có thể giải thoát họ khỏi sự đau khổ như hai môn đệ đã tháo đinh và cất xác Chúa xuống khỏi thập giá…
- Mỗi ngày chúng ta hãy cùng chết với Chúa bằng việc trừ khử các thói hư bằng việc xét mình ăn năn trong giờ kinh tối; Tham dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay tại nhà thờ; Dọn mình xưng tội để được sống lại thật về phần linh hồn; Năng rước lễ mỗi ngày để được kết hiệp mật thiết và hy vọng sẽ được sống hạnh phúc với Chúa như Chúa đã hứa với người trộm có lòng hối cải: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Ðàng” (Lc 23, 43).
3. THẢO LUẬN: Để góp phần kiến tạo Vương Quốc yêu thương và an bình của Đức Giê-su, chúng ta phải làm gì để xua trừ các tệ nạn sì-ke ma túy, cờ bạc, rượu chè, đĩ điếm, cướp giật. . . ra khỏi môi trường ta đang sống?
4. NGUYỆN CẦU
Lạy Chúa Giê-su,
Vì Chúa đã chia sẻ tấm bánh cho chúng con, xin cho những người nghèo khổ được no cơm ấm áo.
Vì Chúa đã lo buồn trong Vườn Cây Dầu, xin cho các bạn trẻ đương đầu với những nghịch cảnh trong cuộc sống.
Vì Chúa đã bị kết án bất công, xin cho chúng con dám can đảm lên tiếng bênh vực công lý.
Vì Chúa đã bị sỉ nhục và nhạo cười, xin cho các phụ nữ và thiếu nhi được tôn trọng nhân phẩm.
Vì Chúa đã chịu vác cây thập giá nặng nề, xin cho những bệnh nhân nhận được sự đỡ nâng.
Vì Chúa đã bị lột áo và đóng đinh, xin cho sự hiền hoà nhân hậu thắng thói hung tàn bạo lực.
Vì Chúa đã dang tay chịu chết trên thập giá, xin cho đất được nối lại với trời, con người biết nối lại mối dây yêu thương hiệp nhất với nhau.
Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui hân hoan, xin cho chúng con sẵn sàng chấp nhận gian khổ để vượt qua mà vào trong vinh quang sau này.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ. XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
bài liên quan mới nhất
- Hiệp sống Tin mừng: Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Hiệp sống Tin Mừng: Mùng Ba Tết - Cầu Cho Công Ăn Việc Làm -
Hiệp sống Tin Mừng: Mùng Hai Tết - Cầu Cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ -
Hiệp sống Tin Mừng: Mùng Một Tết - Lễ Minh Niên -
Hiệp sống Tin Mừng: Thánh lễ Giao thừa -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 2 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng ngày 01/01: Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa -
Hiệp sống Tin mừng: Lễ Hiển Linh đến Lễ CGS chịu Phép rửa
bài liên quan đọc nhiều
- Tâm tình Mùa Chay
-
Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần bát nhật sau Lễ Giáng Sinh -
Hiệp sống Tin Mừng: Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 13 Thường niên năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Hiệp sống tin mừng: Chúa nhật 5 Phục sinh năm C -
Hiệp sống Tin mừng: từ thứ Tư Lễ Tro đến hết tuần 1 mùa Chay