Hiệp sống Tin mừng ngày 06/08: Chúa Hiển Dung năm A
(Đn 7,9-10.13-14; 2 Pr 1,16-19; Mt 17,1-9)
TRỞ NÊN ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG VỚI CHÚA
I. Học Lời Chúa
1. Tin mừng (Mt 17,1-9)
(1) Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. (2) Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (3) Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. (4) Bấy giờ ông Phêrô thưa với Đức Giêsu rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều. Ngài một cái, ông Môsê một cái, và ông Êlia một cái”. (5) Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. (6) Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. (7) Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”. (8) Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.
2. Ý chính: Biển đổi cuộc sống noi gương Chúa Giêsu
Bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu biến hình trên một núi cao trước mặt ba môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Áo người trở nên trắng như tuyết. Có hai nhân vật Cựu Ước là Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo với Người, có tiếng Chúa Cha giới thiệu Người là Con yêu dấu và đòi các môn đệ phải vâng nghe lời Người. Ba môn đệ từ vui mừng đến khiếp sợ khi đối diện với vinh quang Thiên Chúa.
3. Chú thích
- C 1-2: +Các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê: Đây là ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giêsu. Các ông là những người nhiệt thành yêu mến Thầy, và được trao các nhiệm vụ then chốt, nên Đức Giêsu đã cho các ông thấy trước vinh quang của Người, để thêm lòng tin, hầu đủ sức vượt qua giờ phút đau thương trong cuộc khổ nạn của Người (x. Mt 26,37).
+ Một ngọn núi cao: Theo truyền thống xa xưa, thì đó là ngọn Tabo. Tuy núi này chỉ cao 360 m so với Địa Trung Hải, nhưng nằm trên cánh đồng rộng lớn Étrêlon, cũng gây cho người ta cảm tưởng một ngọn núi cao. Ngày nay nhiều người nghĩ tới ngọn Khécmôn cao 2.795 m gần thành Xêdarê của Philípphê. Đi từ Xêdarê tới nơi mất khoảng 5 ngày đường như Tin Mừng đã viết. Tuy nhiên có lẽ khi viết câu này, Mátthêu chỉ chú trọng đến ý nghĩa tượng trưng của Núi: Núi là nơi khởi đầu và kết thúc mặc khải của Thiên Chúa đối với Môsê thời Cựu Ước hay với Đức Giêsu thời Tân Ước (x. Mt 5,1; 28,16). Núi cũng là nơi quy tụ muôn người nên một trong Nước Trời trong thời cánh chung (x. Mt 15,29; Is 2,2-3).
+ Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông: Đức Giêsu tỏ bày Thiên tính vinh quang của Người cho các môn đệ thấy. Trong thời Xuất Hành, sau mỗi lần đàm đạo với Đức Chúa, mặt Môsê sáng chói, đến nỗi dân Ítraen sợ không dám lại gần ông (x. Xh 34,29-30).
+ Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng: “Chói lọi như mặt trời” là biểu hiện của sự thuộc về thiên quốc (x. Mt 28,3; Cv 9,3) và thời cánh chung (x. Kh 1,14; 4,4). Theo thể văn khải huyền thì y phục trắng tinh giống như ánh sáng là biểu hiện vinh quang thiên giới dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn.
- C 3-4: + Ông Môsê và ông Êlia: Hai ông này tượng trưng cho Luật Môsê và các ngôn sứ, nghĩa là cho toàn bộ Cựu Ước. Như thế tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giêsu. Hai vị này đàm đạo với Đức Giêsu về cái chết của Người sắp được thực hiện tại Giêrusalem như một cuộc Xuất Hành Mới (x. Lc 9,31). Như vậy, toàn bộ khung cảnh biến hình này đều qui hướng về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su.
+ Dựng ba cái lều: Theo truyền thống Do thái thì Thiên Đàng được gọi là “Lều vĩnh cửu” hay “Nhà tạm đời đời” (x. Lc 16,9). Vào thời cuối cùng, Thiên Chúa sẽ ngự giữa dân Người trong lều vinh quang của Người, và dân chúng sẽ cắm lều quanh Đấng Cứu Thế (x. Ga 1,14).
- C 5-6: + Đám mây sáng ngời bao phủ các ông: Trong Cựu Ước, khi tiếp xúc với dân Ítraen, Đức Chúa thường xuất hiện trong đám mây (x. Xh 24,15-16). Ở đây, Thiên Chúa dùng mây che phủ các ông, để nói lên sự can thiệp đặc biệt như Người đã từng cho mây rợp bóng trên dân Ítraen xưa (x. Xh 13,21; 14,19-20), hay “rợp bóng” trên Đức Maria vào ngày sứ thần truyền tin sau này (x. Lc 1,35).
+ Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người: Lời này nhắc lại lời Chúa Cha phán khi Đức Giêsu chịu phép rửa (x. Mt 3,17). Nhưng ở đây còn thêm mệnh lệnh cho các môn đệ: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Qua đó, cho thấy Đức Giêsu chính là vị Môsê Mới thời cánh chung sẽ xuất hiện thay thế cho Môsê cũ thời Xuất Hành (x. Đnl 18,15).
+ Các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất: Thái độ và cử chỉ của các môn đệ là phản ứng người ta thường có khi tiếp xúc với Thiên Chúa (x. Xh 19,21; Is 6,5).
- C 7-9: + “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”: Đức Giêsu đã ra lệnh các môn đệ giống như khi Người phục sinh đứa bé gái con viên thủ lãnh (x. Mt 9,25).
+ Chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi: Khi tiếng nói vừa dứt, thì mọi sự cũng tan biến theo. Từ đây, chỉ còn một mình Đức Giê-su là Thầy dạy của Luật mới, Luật hoàn hảo và vĩnh viễn.
+ “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”: Lệnh truyền: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy” cho thấy một mầu nhiệm lớn lao vừa được mặc khải (x. Đn 12,4.9). Có lẽ Đức Giêsu muốn tránh sự xáo trộn về chính trị, vì dân Do thái lúc bấy giờ đang trông chờ một Đấng Thiên Sai đến giải phóng họ khỏi ách thống trị của Rôma. Chỉ sau khi Chúa Giêsu sống lại thì vai trò của Người mới được hiểu cách đúng đắn theo thánh ý Thiên Chúa.
4. Câu hỏi
1) Tại sao ba ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lại được Đức Giêsu cho chứng kiến cảnh Người biến hình?
2) Núi cao nói đây là núi nào? Thực ra, Núi ở đây ám chỉ điều gì?
3) Thời Xuất Hành, nhân vật nào cũng được biến hình giống như Đức Giêsu?
4) Việc Đức Giêsu biến đổi dung nhan và áo mặc mang ý nghĩa gì?
5) Hai ông Môsê và Êlia là đại diện điều gì? Nội dung hai ông đàm đạo với Đức Giêsu xoay quanh đề tài nào?
6) Lều là hình ảnh tượng trưng điều gì?
7) Đám mây bao phủ các môn đệ tượng trưng gì?
8) Lời Chúa từ đám mây khẳng định thế nào về Đức Giêsu?
8) Tại sao Đức Giêsu đòi ba môn đệ phải giữ kín điều họ mới được chứng kiến?
II. Sống Lời Chúa
1. Lời Chúa: “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2).
2. Câu chuyện
1/ Cần biến đổi bắt đầu từ bản thân
Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông như sau: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này”.
Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con.”
Giờ đây tôi đã già và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: “Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con.” Và ông kết luận: “Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.”
(Anthony de Mello, Trích trong “The Song of the Bird”)
2) Cái tôi ích kỷ tự mãn là kẻ thù lớn nhất
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Ngày xưa thỏ và sư tử sống gần nhau, nhưng sư tử rất kiêu ngạo, vẫn cho mình là to khoẻ nên xem thường loài thỏ. Sư tử thường mắng thỏ và doạ nạt thỏ suốt ngày. Thỏ tức mình không chịu nổi mới nghĩ ra cách báo thù.
Một lần kia nó nói với sư tử rằng: “Thưa ông anh, em vừa gặp một thằng to lớn và trông giống anh lắm. Nó bảo em rằng: “Trên đời này nó chưa sợ ai, và cũng chưa ai dám đối mặt với nó”. Thằng cha này không coi ai ra gì cả!
Sư tử tức giận và bảo rằng: “Thế mày có nhắc đến tên tao không?”
Thỏ trả lời: “Sao lại không? Em vừa nhắc đến tên anh thì nó lồng lộng lên và bảo rằng anh chỉ đáng đàn em nó thôi”.
Sư tử càng tức điên người lên và hỏi: “Nó ở đâu? dẫn tao đến ngay”.
Thỏ liền dẫn sư tử ra phía sau núi, và chỉ một cái giếng sâu và bảo: “Đấy, nó ở trong đó đấy!”
Sư tử đi lại gần giếng vẻ mặt căm tức nhìn xuống đáy giếng. Quả thực, nó trông thấy một tên sư tử cặp mắt giận dữ đang trừng trừng nhìn nó. Sư tử liền rống lên một tiếng ra oai và tên kia cũng rống lên một tiếng giống như nó. Sư tử xù lông cổ lên và tên kia cũng xù lông cổ lên không sợ hãi. Sư tử nhe nanh múa vuốt đe doạ, tên kia cũng hăm dọa lại. Sư tử căm tức đến tột độ liền dồn hết sức nhảy phốc xuống giếng để cho thằng khốn nạn kia một bài học. Thế là, con sư tử ngạo mạn đã tự huỷ diệt đời mình dưới giếng sâu không sao trèo lên được nữa...
Trong các thói hư thì thói kiêu ngạo đứng hàng đầu, thể hiện qua thái độ luôn tự mãn về cái tôi ích kỷ của mình, thích được người khác khen ngợi xu nịnh hoặc hay tự đề cao mình lên và coi thường người khác, luôn lấn át những người thân cô thế cô hoặc những ai yếu thế hơn mình.
3) Biến từ thánh thiện nến xấu xí chỉ sau hai năm sống phóng đãng
Nhiều người đã được trông thấy bức ảnh rất nổi tiếng của nhà danh hoạ LEONARD DE VINCI, trong đó có các hình ảnh của Chúa Giêsu với 12 tông đồ đang ăn Bữa Tiệc Ly. Sau đây là câu chuyện về sự hình thành của bức tranh này:
Sau khi sơ phác bức tranh, họa sĩ Leonard muốn tìm một khuôn mặt nhân hậu bao dung và đẹp đẽ, để làm mẫu vẽ khuôn mặt cực thánh của Chúa Giêsu, thì may mắn làm sao: một ngày nọ khi tham dự thánh lễ tại một nhà thờ nọ, ông nhìn thấy trong đám ca viên hát lễ, có một thanh niên tên Pietro Bandenelli, có nét mặt khôi ngô phi thường. Sau một hồi tiếp xúc, cậu ta đã bằng lòng theo họa sĩ về xưởng tranh để làm mẫu cho ông vẽ khuôn mặt của Chúa Giê-su.
Sau đó, họa sĩ tiếp tục dành nhiều thời gian để vẽ các khuôn mặt 12 tông đồ. Khi vẽ khuôn mặt của Giu-đa phản bội, ông tìm mãi mà không thể tìm ra một con người có nét mặt vừa gian ác vừa xấu xí để làm mẫu vẽ tông đồ này. Một hôm khi đi qua một khu chợ, tình cờ họa sĩ nhìn thấy một gã ăn mày bên lề đường có khuôn mặt rất gian ác xấu xa, quần áo nhếch nhác bẫn thỉu, đang giơ chiếc nón ra xin ông làm phúc bố thí. Họa sĩ thầm nghĩ: Có lẽ đây chính là kẻ mình muốn tìm. Dù có đi hết các phố chợ trong thành phố cũng chẳng thể tìm ra kẻ nào có khuôn mặt xấu xa gian ác hơn gã ăn mày này. Ông đề nghị anh ta làm người mẫu với một số tiền thù lao khá hậu hĩnh và anh ta đã vui vẻ theo ông về xưởng vẽ, giúp ông hoàn thành bức họa chỉ còn thiếu khuôn mặt của Giu-đa phản bội.
Sau khi đã ngồi làm người mẫu và nhận tiền thù lao, trước khi ra về, gã ăn mày yêu cầu và được họa sĩ cho xem bức tranh hoàn tất. Đột nhiên gã ta bật khóc, và khi được hỏi lý do thì gã đã tâm sự như sau: “Ông quên tôi rồi sao? Cách đây hai năm, tôi cũng được ông mời đến đây làm người mẫu giống như hôm nay. Lúc đó ông đã khen tôi có khuôn mặt đẹp như thiên thần và ông lấy tôi làm mẫu vẽ khuôn mặt của Chúa Giêsu... Nhưng sau đó, tôi đã lỡ dại nghe theo bạn bè, sa đà vào các thói hư như rượu chè, hút chích, chơi bời trác táng và nợ nần chồng chất. Tôi đã phải đi trộm cướp rồi bị cảnh sát bắt đi tù. Khi được thả, sức khỏe bị suy yếu và không nghề nghiệp, tôi rơi vào cảnh đói khát bần cùng, phải đi ăn xin như ông đã thấy”.
Phải! Đây chính là câu chuyện điển hình của một cuộc biến đổi hình dạng: từ một khuôn mặt tốt đẹp thánh thiện ban đầu trở thành xấu xa gian ác chỉ sau hai năm chơi bời trác táng!
4) Điều kiện được vào Thiên đàng là phải biến hình nên giống Chúa Giêsu
Cha John Diamond một nhà giảng thuyết nổi tiếng bên Mỹ có kể lại câu chuyện này: “Hôm đó có một linh hồn vì chán ngấy cuộc sống ở thế gian cho nên linh hồn đi lên trước cửa Thiên đàng. Tới nơi linh hồn gõ cửa. Ở trong có tiếng hỏi vọng ra: “Ai đó”.
Linh hồn trả lời: “Con đây ạ” .
Cửa vẫn đóng.
Sau đó linh hồn lại trở về với đời sống ở trần thế tìm thầy học đạo. Sau một thời gian thấy mình đã tiến bộ, linh hồn lại lên gõ cửa thiên đàng một lần nữa. Lại một tiếng hỏi từ bên trong như lần trước và linh hồn trả lời một cách quả quyết hơn:
- Dạ chính con đây.
Cửa vẫn đóng.
Linh hồn lại phải trở về trần thế... mở sách Tin Mừng để xem Chúa muốn gì. Quả thực khi mở Tin Mừng ra linh hồn mới thấy con đường của mình phải đi. Đó là con đường tự hủy. Chúa nói thật rõ về con đường đó. Đó là phải làm chết cái tôi ích kỷ, hay khoe khoang phô trương, hay tự mãn, hay ghen ghét của mình. Phải làm chết đi cái tôi đầy hận thù, nhiều kiêu ngạo và đầy dẫy những ham muốn bất chính để làm cho con người của mình dần dần được giống Thiên Chúa là Cha ở trên trời hơn.
Sau một thời gian thấy mình quả thực đã không còn là mình nữa thì linh hồn lại lên trời... lại gõ cửa... lại có tiếng từ bên trong hỏi vọng ra:
- Ai đó?
Vừa nghe xong câu hỏi linh hồn đáp lại ngay:
- Dạ thưa chính Chúa đấy ạ.
Vừa trả lời xong thì linh hồn thấy cửa Thiên đàng được mở ra và cả một đạo binh các thiên thần long trọng đón linh hồn vào thiên đàng.
5) Lòng nhân ái có giá trị hơn sự khổ chế
Một vị ẩn sĩ nọ suy niệm và chay tịnh đến độ suốt ngày không động đến thức ăn, mọi người đều nhìn thấy một ngôi sao sáng xuất hiện ngay giữa ban ngày. Đó là dấu hiệu trời cao đã chấp nhận tinh thần khổ chế của vị ẩn sĩ.
Ngày nọ, vị ẩn sĩ quyết định sẽ leo lên đỉnh núi để gia tăng giá trị cho sự khổ chế. Vừa lúc ông đang leo núi, thì một bé gái trong làng chạy tới xin đi theo. Không thể từ chối được, vị ẩn sĩ đành để cho em bé cùng đi. Thầy trò bắt đầu leo núi khi mặt trời mọc. Nhưng chẳng mấy chốc, ánh nắng mỗi lúc một thêm chói chang, hai thầy trò đều cảm thấy khát nước. Vị ẩn sĩ vẫn cố gắng khắc phục cơn khát bằng sự nhịn uống của mình, nhưng khi thấy cô bé, ông giục cô uống nước cho đã khát. Nhưng cả hai đều không uống giọt nào: Vị ẩn sĩ không uống nước vì lời thề khổ chế của mình, còn bé gái lại không nỡ uống một mình. Rồi sau đó càng đi thì cơn khát lại càng dằn vặt. Đến lúc vị ẩn sĩ không nhẫn tâm thấy cô bé quằn quại trong cơn khát, nên ông đành lỗi lời thề, cầm lấy bình nước đưa lên miệng và cô bé liền bắt chước cùng uống nước với ông.
Sau khi uống nước, vị ẩn sĩ cảm thấy có lỗi và không dám nhìn lên trời cao, vì nghĩ ngôi sao luôn hiện ra chứng giám sự khổ chế của ông, có lẽ đã biến mất. Thế nhưng, khi ông ngước nhìn lên đỉnh núi phía trước, thì càng ngạc nhiên hơn khi có hai ngôi sao đang chiếu sáng thay vì một ngôi.
Thì ra việc uống nước để cô bé uống nước theo không mất khổ chế mà còn gia tăng giá trị sự khổ chế lên gấp đôi.
3. Suy niệm
1) Câu chuyện biến hình trên núi của Đức Giêsu
Tin Mừng thuật lại câu chuyện Đức Giêsu biến hình trước mặt ba môn đệ thân tín là các ông: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chính khi ở trên núi cao và đang khi Đức Giêsu cầu nguyện sốt sắng, mà khuôn mặt của Người biến đổi: Dung nhan Người trở nên sáng ngời như Môsê xưa kia, sau khi gặp gỡ Đức Chúa (x. Xh 34,29-35); Y phục của Đức Giêsu trở thành trắng tinh như ánh sáng biểu hiện vinh quang thiên giới; Đồng thời hai nhân vật đại diện Lề Luật và ngôn sứ là ông Môsê và ông Êlia đã hiện ra đàm đạo với Người. Như vậy tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giêsu. Điều đáng lưu ý là hai vị này đã đàm đạo về cái chết của Đức Giêsu, như một cuộc Vượt Qua Mới mà Người sắp trải qua tại Giêrusalem. Ngoài ra còn có đám mây tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, và tiếng phán của Chúa Cha từ đám mây xác nhận Đức Giêsu là con rất yêu dấu luôn làm đẹp lòng Cha.
2) Luôn làm theo ý Chúa Cha là “Qua đau khổ vào vinh quang”
Đức Giêsu được biến hình sau khi đã chiến thắng ma quỷ cám dỗ qua lời ông Phêrô can ngăn (x. Mt 16,22-23). Người cương quyết chọn “Qua đau khổ và trong vinh quang” theo ý Chúa Cha. Còn chúng ta hôm nay, để được thay hình đổi dạng nên tốt lành thánh thiện như Đức Giêsu, chúng ta cần chấp nhận đi theo con đường thập giá nhỏ hẹp leo dốc. Cần cầu xin ơn Thánh Thần trợ giúp, năng đọc và suy niêm Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, vác thập giá mình hằng ngày mà theo chân Chúa. Nhờ đó, chúng ta hy vọng sẽ được tham phần vào vinh quang phục sinh với Người.
3) Điều kiện để được biến đổi nên giống Chúa
- Ngày nay, muốn được “biến hình” trở nên “con yêu dấu của Thiên Chúa”, chúng ta cần làm theo lời Chúa Cha phán trên núi là: “Hãy vâng nghe lời Người”.
- Không chỉ nghe bằng tai, bằng mắt mà nhất là bằng trái tim: luôn suy nghĩ và hành động theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giêsu trong khi dự lễ hằng ngày.
- Cũng cần nghe đọc Lời Chúa trong giờ kinh tối gia đình hằng ngày và năng tham dự buổi “học sống Lời Chúa” chung cộng đoàn hằng tuần tại nhà Sinh Hoạt Mục Vụ…
4) Thực hành Lời Chúa Cha: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”
Trong cuộc sống đời thường, hãy năng thưa với Chúa Giêsu như trẻ Samuen thưa với Đức Chúa trong Đền thờ: ”Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe'' (I Sm 3,9), hoặc như ông Saulô thưa với Chúa Phục Sinh sau khi bị ngã ngựa tại cửa thành Đa-mát: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (x. Cv 22,10).
- Mỗi khi gặp hoàn cảnh mà ta không biết phải ứng xứ thế nào theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta hãy thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, nếu Chúa ở trong hoàn cảnh của con bây giờ thì Chúa sẽ làm gì?”. Rồi lắng nghe Lời Chúa phán trong tâm trí và quyết tâm thực hành theo lời Chúa dạy.
- Ngoài ra chúng ta còn cần làm các công tác bác ái xã hội và tông đồ truyền giáo được trao phó.
4. Thảo luận
1) Chúng ta cần biến đổi những gì trong việc sống đạo, để xứng đáng được Thiên Chúa công nhận là “Con rất yêu dấu” như Đức Giêsu?
2) Chúng ta cần làm gì để vâng nghe lời Đức Giêsu như Chúa Cha đã truyền cho các môn đệ hôm nay?
5. Lời cầu
- Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con thực thi giới răn quan trọng nhất là sống tình yêu thương tha nhân. Tuy nhiên, nói thì dễ mà thực hành lại không dễ chút nào. Thực vậy: Làm sao chúng con có thể yêu thương được một người hàng xóm lắm điều xấu tính; Một ông chồng khó ưa hay bẳn gắt nạt nộ vợ con; Một người mua hàng tham lam gian dối; Một bà hàng xóm tò mò tọc mạch, hay nói thêm nói bớt để hạ uy tín của chúng con…? Xin giúp chúng con luôn nhẫn nhịn chịu đựng, biết cầu nguyện điều lành cho họ, làm điều tốt đáp lai điều xấu. Ước gì những lời nói của chúng con luôn là những lời an ủi động viên những người đang gặp đau khổ rủi ro. Ước gì chúng con biết quảng đại chia sẻ tiền bạc vật chất cho những bệnh nhân nghèo đói vì mắc chứng bệnh nan y. Ước gì chúng con biết mở rộng vòng tay thân ái đón nhận tha nhân và nhìn họ chính là anh chị em, là con cùng một Cha Chung trên trời là Thiên Chúa.
- Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con.
Mỗi lần con ngắm nhìn Chúa, xin biến đổi con nên hiền lành và bao dung như Chúa
Mỗi lần con rước lễ, xin biến đổi môi miệng con luôn ăn nói dịu dàng dễ nghe.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con luôn mở ra để lắng nghe tha nhân.
Lạy Chúa. Xin làm cho khuôn mặt con nên ngời sáng giống như Mô-sê sau khi được gặp Chúa.
Ước chi mọi người nhìn thấy tình thương bao dung của Chúa trong nụ cười của con,
Ước chi mọi người nhìn thấy sự cảm thông của Chúa trong lời nói của con.
Xin cho con kiên trì đồng hành với Chúa trên mọi nẻo đường cuộc sống đời thường,
và sẵn sàng hợp tác với nhau để phục vụ những ai bị tật bệnh, đau khổ và bất hạnh.- Amen.
bài liên quan mới nhất
- Hiệp sống Tin mừng: Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Hiệp sống Tin Mừng: Mùng Ba Tết - Cầu Cho Công Ăn Việc Làm -
Hiệp sống Tin Mừng: Mùng Hai Tết - Cầu Cho Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ -
Hiệp sống Tin Mừng: Mùng Một Tết - Lễ Minh Niên -
Hiệp sống Tin Mừng: Thánh lễ Giao thừa -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 2 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng ngày 01/01: Lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa -
Hiệp sống Tin mừng: Lễ Hiển Linh đến Lễ CGS chịu Phép rửa
bài liên quan đọc nhiều
- Tâm tình Mùa Chay
-
Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần bát nhật sau Lễ Giáng Sinh -
Hiệp sống Tin Mừng: Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Phục sinh năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 4 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 3 Thường niên năm C -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 13 Thường niên năm B -
Hiệp sống Tin mừng: Chúa nhật 14 Thường niên năm A -
Hiệp sống tin mừng: Chúa nhật 5 Phục sinh năm C -
Hiệp sống Tin mừng: từ thứ Tư Lễ Tro đến hết tuần 1 mùa Chay