Hoa Phục Sinh
Blog WGPSG (8-4-2012) -- Xuân Mai, Hạ Lan, Thu Cúc, Đông Trúc!
Chúng ta đang gọi tên các cô gái ư?
Không phải thế!
Một năm có bốn mùa, mỗi mùa có một loài cây đặc trưng, tiêu biểu: mai vàng khoe sắc trong nắng xuân, lan rung rinh đùa giỡn cùng gió hè, cúc nở rộ trong ráng thu vàng, trúc kiên cường khoe sắc xanh giữa tiết đông lạnh giá!
Đó là cây cỏ, hoa lá biểu trưng cho bốn mùa trong một năm của vùng nhiệt đới. Riêng trời Âu thì sao?
Ngoài hoa cỏ bốn mùa luân phiên tiếp nối, trời Âu còn có một loài hoa thật đặc biệt, chỉ nở vào một mùa cũng rất đặc biệt: Hoa phục sinh!
Lạ nhỉ! Xuân Hạ Thu Đông giờ còn thêm Phục Sinh!
Mùa Phục Sinh thực ra là một thì mạnh trong chu kỳ phụng vụ của Hội Thánh Công giáo, một chu kỳ mùa gồm có Vọng – Giáng Sinh – Chay – Phục Sinh và Thường Niên.
Và loài hoa đặc biệt kia thường nở rộ vào mùa Phục Sinh, nên dễ hiểu khi người ta gọi tên là Hoa Phục Sinh - Hoa Pasque!
“Hoa Pasque còn được gọi là cỏ chân ngỗng Meadow, cây nghệ dại… có nguồn gốc và phân bố ở châu Âu và khắp Bắc Mỹ. Cây mọc hoang trên đồng cỏ khô và các khu đất khô cằn.
Hoa Pasque là một dấu hiệu cho thấy mùa Phục Sinh đã đến. Những bông hoa đầu tiên nở hoa vào mùa xuân với đủ màu sắc trắng, tím, hồng, đỏ … duyên dáng và mềm mại với những tơ màu bạc tựa bông trắng.” (trích Hoa phục sinh vào mùa nở rộ, trang nhipcautamgiao.net).
Như thế, mùa nào thức nấy, hoa Phục Sinh thì nở trong mùa Phục Sinh!
Mùa Phục Sinh là một mùa trong vòng quay các mùa phụng vụ: hết Vọng sẽ tới Giáng Sinh, Thường Niên rồi lại được tiếp nối bởi mùa Chay, để đến đỉnh cao là mùa Phục Sinh, mừng Chúa sống lại!
Cứ thế, năm tháng vần xoay, đến hẹn lại lên, đúng ngày đúng giờ thì Chúa sẽ sống lại trong mùa Phục Sinh!
Phải chăng Phục Sinh là biến cố chỉ xuất hiện một lần trong năm phụng vụ? Ắt hẳn là thế! Nhưng không phải chỉ gói gọn trong mùa Phục Sinh, biến cố Phục Sinh được nối dài và hiện thực ngay trong từng nhịp sống của mỗi người chúng ta.
Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân, một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình thì cũng có thể gọi đó là sự phục sinh vậy!
Một học sinh thức khuya, dậy sớm dùi mài kinh sử, một mai vượt qua kỳ thi tuyển, có tên trên bảng vàng của trường đại học mình hằng ước mơ, niềm vui sẽ dâng trào và chúng ta có thể gọi tên niềm vui đó: phục sinh!
Đôi vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt vì những bất đồng, những hiểu lầm, những lỗi phạm với nhau. Một khi họ sẵn sàng quảng đại và yêu thương mà tha thứ cho nhau, nâng đỡ, khích lệ nhau thì sự nồng ấm của tình yêu sẽ trở lại mái nhà xưa, chúng ta có thể nói: họ đã phục sinh!
Một công ty đang đứng trên bờ vực phá sản, nếu mọi thành viên trong công ty đồng lòng chung sức gây dựng lại cơ đồ, cộng với những yếu tố thiên thời địa lợi khác, chắc chắn họ sẽ thành công, và hạnh phúc sẽ tràn ngập trong lòng họ: công ty đã phục sinh!
Một người lầm lũi bước vào tòa giải tội, ánh mắt buồn xa xăm, đầy vẻ hối hận vì những lầm lỗi với Chúa, với anh em; ngay khi rời khỏi tòa giải tội, người ấy sẽ ngẩng cao đầu, khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười hạnh phúc: người ấy đã phục sinh!
Cơn bão đi qua, cây đổ, vỉa hè ngổn ngang gạch cát, cành cây vương vãi tứ tung. Nhưng khi được dọn dẹp và trồng cây mới thay thế, vỉa hè sẽ mới hơn, đẹp hơn, tràn sức sống của những mầm xanh mới: cuộc sống đã phục sinh!
Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, để phục sinh bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Người đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Người đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!
Hoa Phục Sinh sẽ còn nở mãi, nở rộ trong nhịp sống thường nhật của mỗi người chúng ta, một khi chúng ta biết vượt thắng đau khổ, loại bỏ ganh ghét, xóa tan hận thù, lúc đó chính chúng ta sẽ cảm nếm vị ngọt của sự Phục Sinh!
Bạn có dám để đời của bạn nở rộ cùng Hoa Phục Sinh không?
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm