Hoán cải vì Tin Mừng
Hai khuôn mặt, một tâm tình
Ngay trong những chương đầu của sách Tin Mừng, thánh sử Matthêu đã thuật lại việc Chúa Giêsu kêu gọi hai anh em Phêrô và Anrê khi đó đang quăng chài xuống biển: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Rồi Matthêu ghi nhận, “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (4,18-20). Như thế, Phêrô đã được Chúa gọi từ rất sớm. Tin Mừng Gioan cũng khẳng định Phêrô là một trong những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu (1,40-42). Nhưng điều lạ lùng là ở tận cuối sách Tin Mừng thứ tư, tiếng gọi “Hãy theo Thầy” mới được cất lên, sau khi Phêrô tuyên xưng tình yêu và Đấng Phục sinh báo trước cho ông biết ông phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa (21,15-19). Như thế, thánh Phêrô được gọi đến hai lần, và lần gọi thứ hai chỉ đến sau những trải nghiệm về sự yếu đuối của bản thân và đường lối lạ lùng của Thiên Chúa. Nói cách khác, tiếng gọi lần thứ hai hàm chứa sự hoán cải.
Với thánh Phaolô thì đã rõ. Hằng năm, Giáo Hội dành cả một ngày lễ cho sự trở lại của vị tông đồ dân ngoại. Bản thân thánh nhân không những không hề giấu giếm lý lịch “bất hảo” của mình mà còn sẵn sàng khoe ra để làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Cv 9,1-9; 22,5-16; 26,9-18; Gal 1,11-24)). Chỉ có điều sự trở lại ở đây không nên hiểu theo nghĩa luân lý đạo đức, làm như thể trước đây Phaolô sống buông thả và tội lỗi lắm, nhưng phải hiểu như sự hoán cải (metanoia) mà Chúa Giêsu kêu gọi mọi người ngay từ sứ điệp ban đầu: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Hai vị thánh lớn của Giáo Hội được mừng kính chung trong một ngày vì các ngài có những điểm chung. Một trong những điểm chung ấy là sự hoán cải vì Tin Mừng.
Hoán cải để thi hành sứ vụ
Hoán cải là thay đổi sâu xa trong nhận thức của mình về Chúa Giêsu và sứ mạng của Người. Khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Anh em bảo Thầy là ai?”, thánh Phêrô đã trả lời thật rõ ràng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Câu trả lời tuyệt vời đến độ Chúa Giêsu hết lời khen ngợi. Thế nhưng chỉ ngay sau đó, khi Chúa Giêsu loan báo Người phải lên Giêrusalem và phải chịu nhiều đau khổ thì Phêrô kéo Người ra can gián và ông đã bị Chúa mắng thậm tệ: “Satan, lui lại đằng sau Thầy” (Mt 16,23). Hóa ra tuyên xưng thì đúng nhưng nội dung tuyên xưng không hẳn đã đúng. Tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” thì đúng quá, nhưng nếu hiểu Đấng Kitô ấy là vị cứu tinh theo nghĩa chính trị, quân sự và kinh tế thì hỏng bét! Và hoán cải là sự thay đổi trong chiều sâu của nhận thức về Chúa Giêsu, để thấy Ngài đúng như Ngài là chứ không như ý riêng mình muốn. Bởi lẽ “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người” (Mt 16,23).
Với thánh Phaolô cũng thế. Trong tầm nhìn của chàng thanh niên có tên Saulê, ông Giêsu là người có tội rất lớn vì đã phá đổ truyền thống tôn giáo của cha ông. Nếu ông ta đã chết thì vẫn còn đó những kẻ đi theo ông ta. Vì thế, chính Saulê chủ động đến gặp thượng tế, xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đamát, để “nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem” (Cv 9,1-2). Nhưng rồi chính trên đường đi Đamát, Saulê có kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh và cuộc gặp gỡ ấy đã tạo nên sự thay đổi hoàn toàn trong nhận thức của ông về Người. Từ chỗ nhìn Chúa Giêsu như kẻ thù đến chỗ xác tín rằng Người là “mối lợi tuyệt vời và vì Người, tôi chấp nhận mất hết để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Phil 3,8). Cho nên, với Phaolô, “sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”.
Sự thay đổi trong nhận thức ấy dẫn đến sự thay đổi trong đường lối hành động. Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô nhưng ông lại hiểu Đấng Kitô ấy theo tầm nhìn chính trị và quân sự nên ông hành động theo tầm nhìn đó. Dù đã được Chúa sửa dạy, ông vẫn không thay đổi tầm nhìn, nên trong vườn Cây Dầu, khi người ta xông đến bắt Chúa Giêsu, ông đã hùng hổ vung gươm chém đứt tai một tên đầy tớ của vị thượng tế. Lại một lần nữa, Chúa Giêsu quở trách Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào vỏ vì những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Ngài sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần. Nhưng như thế thì lời Kinh Thánh làm sao ứng nghiệm được?” (Mt 26,52-54). Chỉ khi thánh Phêrô thay đổi trong nhận thức thì ngài mới thay đổi trong hành động như ngài khuyên các tín hữu sau này khi đối diện những khó khăn thử thách: “Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em, nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống, bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1Pr 3,15-17).
Với Phaolô cũng thế. Trước đây, vì coi Chúa Giêsu như kẻ thù và thập giá là sự ô nhục, nên Phaolô ra sức bắt bớ những ai tin vào Chúa Giêsu. Còn bây giờ, khi đã khám phá Chúa Giêsu là kho tàng vô giá và thập giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa (x. 1Cr 1,22) thì Phaolô dành cả cuộc đời bôn ba khắp nơi, sẵn sàng gánh chịu mọi khổ đau và thử thách để loan báo Danh Chúa và Tin Mừng của Người cho muôn dân đến độ kêu lên rằng “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm”. Mọi đau khổ trong đời được nhìn như phương thế góp phần hoàn tất những gì còn thiếu trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô để sinh ơn ích cho Thân thể Người là Hội Thánh: “Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi” (1Cr 4,12).
Sự thay đổi trong đường lối hành động cũng là sự thể hiện ra bên ngoài kinh nghiệm nội tâm bên trong. Còn nhớ Phêrô mạnh mẽ và hùng dũng thế nào khi công bố, “Dù có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33). Nhưng thực tế cho thấy ông yếu đuối đến mức nào, chối Thầy dễ dàng và liên tiếp (x. Lc 22,54-62). Chính kinh nghiệm đau đớn ấy dẫn thánh nhân đến sự thay đổi từ bên trong để rồi có một Phêrô tuyên xưng tình yêu với hết lòng khiêm tốn: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17).
Với thánh Phaolô cũng vậy. Sự gặp gỡ Đấng Phục sinh đưa ngài vào kinh nghiệm nội tâm được diễn tả rất sâu sắc: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” và “Chính lúc tôi yếu lại là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Vì thế, khi rao giảng Tin Mừng, Phaolô “không dùng những lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,4). Ngài cũng chẳng dựa vào dư luận người đời mà hành xử nhưng chỉ dựa vào chính Đức Kitô: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay tòa đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1Cr 4,3-4). Điều quan trọng nhất đối với thánh nhân là làm chứng cho Tin Mừng: “Mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy hết chặng đường, chu toàn chức vụ tôi đã nhận từ Chúa Giêsu là long trọng làm chứng cho Tin Mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20,24).
Lời mời gọi hoán cải
Trước khi Chúa Giêsu loan báo Phêrô sẽ chối Chúa ba lần, Người cũng nói với ông: “Một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em con nên vững mạnh” (Lc 22,32). Sứ mạng “làm cho anh em nên vững mạnh” gắn liền với kinh nghiệm “trở lại”. Hoán cải là thành tố thiết yếu của sứ vụ loan báo Tin Mừng và là hành trang cần thiết của sứ giả Tin Mừng. Hoán cải trong nhận thức. Hoán cải trong thái độ nội tâm. Hoán cải trong đường lối hành động. Nhờ hoán cải, hai vị thánh Phêrô và Phaolô đã chu toàn sứ mạng cao cả ngay giữa trăm ngàn khó khăn thử thách. Lời mời gọi ấy cũng được gửi đến từng người Kitô hữu. Hoán cải mỗi ngày và thường xuyên. Để bản thân được phúc âm hóa và góp phần vào sứ vụ phúc âm hóa mà Đấng Phục sinh đã ủy thác cho Hội Thánh.
Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ, 29-06-2012
bài liên quan mới nhất
- Giáng Sinh nơi tuyến đầu
-
Vui Giáng Sinh với bệnh nhân covid -
Ý nghĩa Thánh danh Giêsu - Maria - Giuse -
Mong mang chút hơi ấm -
Những cọng rơm khô đặt vào máng cỏ -
Giáng Sinh nơi giường bệnh -
Quà tặng Giáng Sinh đặc biệt trong mùa Covid -
Mùa Covid: Giáng Sinh đặc biệt khi ta làm những điều đặc biệt -
Cùng Chúa con vượt qua nỗi sợ -
Bài học từ cuộc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Kinh Rước lễ thiêng liêng
-
Đức Giáo hoàng chỉ cách phân biệt được Chúa hay Satan đang nói -
Cầu xin cùng Thánh nữ Corona trong cơn đại dịch corona -
Thánh Rôcô: Bổn mạng của các nạn nhân dịch bệnh -
Cầu nguyện theo Kinh thánh để chống lại dịch bệnh -
Tại sao đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch ? -
14 Chặng Đàng Thánh Giá trong đại dịch virus Covid-19 -
Ý nghĩa của thứ Tư Lễ Tro -
Chính xác, Chúa Giêsu chết vào ngày giờ nào? -
Lời cầu nguyện giúp vượt qua chán nản và trầm cảm