Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 20 Thường niên năm A

Mt 15,21-28

  1. Vùng Tia và Xi-đôn ở đâu ? Tại sao Đức Giêsu lại rút lui về các vùng ấy ? Đọc Mt 4,12; 12,15; 14,13; 15,21.
  2. Theo bạn, có bao nhiêu cuộc đối thoại trong bài Tin Mừng này ?
  3. Bạn nghĩ gì về thái độ và lời cầu xin của người phụ nữ dân ngoại ở Mt 15,22 ?
  4. Đọc Mt 15,24. Bạn nghĩ gì về lý do từ chối của Đức Giêsu ? Đọc Mt 10,5-6; 28,19.
  5. Bạn nghĩ gì về thái độ và lời xin của người phụ nữ ở Mt 15,25. Có gì khác với lời xin ở Mt 15,22 ?
  6. Bạn nghĩ gì về câu trả lời của Đức Giêsu ở Mt 15,26 ? “Bánh”, “con cái” và “chó” tượng trưng cho ai hay cho điều gì ?
  7. Bạn nghĩ gì về câu trả lời của người phụ nữ ở Mt 15,27 ?
  8. Bạn nghĩ gì về câu nói của Đức Giêsu ở Mt 15,28. Đọc thêm Mt 8,5-13.

GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn thấy người phụ nữ dân ngoại này có những nét nổi bật nào ? Bạn học được gì nơi cách cầu xin của bà ấy với Đức Giêsu (kiên trì, khiêm tốn, tin tưởng) ? Bạn nghĩ gì về tình thương của người mẹ dành cho cô con gái ?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Tia và Xi-đôn là hai thành phố nằm ở bờ biển của Địa trung hải, thuộc vùng Syrô-Phênixi (x. Mc 7,24.26), bây giờ thuộc nước Libanon. Đây là hai thành phố dân ngoại, nằm ngoài nước Do-thái. Đức Giêsu rút lui về vùng dân ngoại sau khi có cuộc tranh luận với nhóm Pharisêu về chuyện các môn đệ không rửa tay trước khi dùng bữa (Mt 15,1-20). Chúng ta còn nhớ trước đây, nhóm này đã bắt bẻ chuyện các môn đệ của Đức Giêsu bứt lúa và chuyện Ngài chữa bệnh vào ngày sa-bát, sau đó họ đã bàn kế giết Ngài, khiến Ngài phải rút lui (Mt 12,1-15). Nói chung, Đức Giêsu vẫn thường rút lui khi thấy có nguy hiểm đến tính mạng (Mt 4,12; 12,15; 14,13; 15,21). Ngài cũng dạy các môn đệ như vậy (Mt 10,23).
  2. Có thể nói có 3 cuộc đối thoại. Cuộc đối thoại số 1, chưa thực sự là một cuộc đối thoại, vì Đức Giêsu không đáp lại lời nài xin của người phụ nữ dân ngoại (Mt 15,22-23a). Cuộc đối thoại số 2 giữa các môn đệ với Thầy Giêsu (Mt 15,23b-24). Cuộc đối thoại số 3, dài hơn cả, giữa người phụ nữ với Đức Giêsu (Mt 15,24-28).
  3. Người phụ nữ dân ngoại thấy Đức Giêsu đến với vùng của mình. Bà nhận ra Ngài là ai. Bà biết Ngài và tin Ngài là Con Vua Đa-vít, nghĩa là Đấng Mêsia của người Do-thái. Hơn nữa, bà còn biết Ngài có quyền trên các thần ô uế, có khả năng trừ quỷ. Chúng ta không rõ nhờ đâu mà bà biết nhiều về Đức Giêsu như vậy. Chắc chắn bà rất vui khi thấy Đức Giêsu có mặt ở vùng này, và Đức Giê su hẳn cũng ngỡ ngàng vì sự hiện diện bất ngờ của người phụ nữ. Bà đã cất tiếng kêu để xin Đức Giêsu một ơn. Bà xin Ngài thương xót bà, một người mẹ đang đau khổ vì con gái của mình bị quỷ hành hạ. Bà cảm được nỗi đau của con, và bà đau nỗi đau ấy. Nếu Ngài thương xót bà, thì xin Ngài chữa lành cho con gái bà (Mt 15,22). Nhưng Đức Giêsu đã không trả lời bà.
  4. Khi thấy Đức Giêsu không trả lời, bà không hề thất vọng. Bà cứ đi theo cả nhóm mà tiếp tục kêu những lời tương tự. Tiếng kêu của bà làm các môn đệ không chịu được. Họ đến nài xin Thầy giải quyết chuyện bà ấy cho xong (Mt 15,23). Thầy đã thành thật từ chối với lý do khá nghiêm túc: Thầy chỉ được Chúa Cha sai đến với dân Ítraen mà thôi. Cha chưa sai Thầy đến với dân ngoại. Thầy chỉ phải chu toàn sứ mạng được Cha giao thôi. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Đức Giêsu cũng khuyên họ “đừng đi tới vùng các dân ngoại, đừng vào thành nào của người Samari, nhưng tốt hơn hãy đến với các chiên lạc nhà Ítraen” (Mt 10,5-6). Chỉ sau khi phục sinh, Ngài mới sai họ đến với “mọi dân tộc”, nghĩa là đến với các dân ngoại (Mt 28,19).
  5. Chắc bà ấy nghe được lời từ chối thẳng thắn của Đức Giêsu, nên bà ấy thấy cần làm một cử chỉ mạnh mẽ hơn. Bà không đi sau nữa, nhưng đến gặp thẳng Đức Giêsu, quỳ gối trước mặt Ngài, và nài xin. Lời xin của bà không khác lắm với lời xin ở Mt 15,22. Bà xin Ngài cứu giúp bà. Bà vẫn tin là Ngài sẽ rung động trước nỗi đau nơi trái tim của một người mẹ (Mt 15,25).
  6. Cuộc gặp gỡ và đối thoại đầu tiên giữa bà với Đức Giêsu đã xảy ra. Tiếc thay câu trả lời của Đức Giêsu cho bà lại là một lời từ chối thẳng thừng và gây sốc với chúng ta. Ngài ví những người dân ngoại như bà với chó con, ví dân Israen với con cái trong nhà, ví những ân lộc Ngài ban như tấm bánh. Không thể nào lấy bánh của con cái mà ném cho lũ chó con (Mt 15,26). Đó là lý do khiến Ngài không thể nào làm gì để cứu giúp người phụ nữ dân ngoại. Ngài chỉ được sai đến với dân Israen thôi (Mt 15,24).
  7. Nhưng một lần nữa, trước câu trả lời gây thất vọng của Đức Giêsu, người phụ nữ đã không nản lòng. Bà đã không giận dữ bỏ đi vì thấy mình bị xúc phạm. Bà đã tiếp tục cuộc đối thoại khó khăn bằng một câu đáp tuyệt vời (Mt 15,27). “Lạy Ngài, đúng thế.” Đây là lần thứ ba, bà gọi Đức Giêsu là Lạy Ngài (Mt 15,22.25.27. Cũng có thể hiểu là Lạy Chúa). Bà không phản đối điều Đức Giêsu nói ở Mt 15,26. Bà chấp nhận mình bị Thầy so sánh với chó con, nuôi trong nhà. Còn người Do-thái được coi như những đứa con của chủ, ngồi ăn đàng hoàng trên bàn. Bà hiểu là dân ngoại thì không bằng dân riêng của Chúa, nên cũng không có quyền hưởng những đặc ân như họ. Bà không xin Ngài ném bánh cho chó con, bà chỉ xin vụn bánh rơi xuống từ bàn chủ thôi. Và bà tin rằng Đức Giêsu sẽ không tiếc gì khi cho bà chút vụn bánh.
  8. Đức Giêsu bị bất ngờ trước câu trả lời khôn ngoan của bà. Ngài kinh ngạc trước lòng tin lớn lao của bà như Ngài đã từng kinh ngạc trước lòng tin của viên đại đội trưởng (Mt 8,10). Câu đối đáp của bà có thể nói làm Đức Giêsu nghĩ lại quyết định của mình. Đây là câu nói cho thấy một niềm tin vững mạnh và khiêm tốn. Đúng là chưa đến lúc để Ngài đến với dân ngoại và cho họ hưởng những hồng ân thời thiên sai. Nhưng ngay từ bây giờ, đôi khi những hồng ân đó phải được ban cho những tâm hồn dân ngoại. Đức Giêsu đã làm điều bà ấy muốn: cho con gái bà được khỏi bệnh mà không cần gặp mặt để trừ quỷ cho cô.

Top