Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 21 Thường niên năm A
Mt 16,13-20
- Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hỏi các môn đệ mấy câu hỏi ? Hỏi ở đâu, khi nào ? Các câu hỏi này có tầm quan trọng trong Tin Mừng Mát-thêu không ?
- Đọc Mt 16,14. Có nhiều câu trả lời của đám đông về Đức Giêsu. Chúng có gì giống nhau không ?
- Đọc Mt 16,15-16. Tại sao câu trả lời của ông Si-môn Phê-rô đúng hơn các câu trả lời của đám đông ? Ông hiểu Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” theo nghĩa nào ? Đọc Mt 11,27; 17,5-6; 26,63-65; 28,19.
- Đọc Mt 16,17. Đức Giêsu khen ông Si-môn có phúc vì lý do gì ?
- Đọc Mt 16,18. Đức Giêsu đặt tên mới cho ông Si-môn là tên gì ? Đọc Ga 1,42; 1 Cr 1,12; 3,22; 9,5; 15,5; Gl 1,18; 2,9; 11,14. Ông Si-môn có mấy tên cả thảy ?
- Đọc Mt 16,18. Đức Giêsu cho ông Si-môn được đóng vai trò gì trong Hội Thánh ? Ngài hứa với ông điều gì ?
- Đọc Mt 16,19. Quyền giữ chìa khóa Nước Trời là quyền gì ? Đọc Is 22,20-25. Quyền “ràng buộc” và “tháo cởi” là quyền gì ?
- Những quyền ở Mt 16,17-19 có phải chỉ dành riêng cho một mình thánh Phê-rô không ? Hiện nay, đối với người Công giáo, ai đang giữ những quyền này ?
GỢI Ý SUY NIỆM: Đức Thánh Cha là Đấng kế vị thánh Phêrô. Bạn nghĩ gì về gánh nặng trách nhiệm của ngài trên hơn 1,3 tỷ người Công giáo ? Khi cầu nguyện, bạn thường xin ơn gì cho Đức Thánh Cha Phanxicô ?
PHẦN TRẢ LỜI
- Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu hỏi các môn đệ hai câu hỏi có cùng nội dung. “Người ta nói Con Người là ai ?” và “Anh em nói Thầy là ai ?” (Mt 16,13.15). Sau thời gian vài năm sống sứ vụ công khai và sống chung với các môn đệ, Đức Giêsu muốn làm một cuộc thăm dò xem họ có nhận ra căn tính của Ngài không, sau khi đã thấy những việc Ngài làm và nghe những lời Ngài dạy. Biến cố thăm dò này đánh dấu một bước chuyển quan trọng, vì từ đó, Đức Giêsu sẽ loan báo về cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Ngài cho các môn đệ. Ngài như bước vào một giai đoạn mới.
Đức Giêsu đặt hai câu hỏi này khi Ngài và các ông đang ở Xê-da-rê Phi-líp-phê. Thành phố này nằm ở đầu nguồn sông Gio-đan, thuộc phần đất dân ngoại. Hoàng đế Xê-da-rê Au-gút-tô đã tặng thành phố này cho vua Hê-rô-đê Cả; vua này đã dựng ở đây một đền thờ kính hoàng đế Au-gút-tô. Con của vua này là Phi-líp đã sửa sang và đặt lại tên nó là Xê-da-rê Phi-líp-phê.
- Đám đông coi Đức Giêsu là Gioan Tẩy giả (x. Mt 14,2), là Êlia, Giêrêmia hay một trong các ngôn sứ (Mt 16,14). Dù có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nói chung, dân chúng coi Đức Giêsu thuộc hàng ngũ các ngôn sứ (x. Mt 21,11), vì Ngài đã mạnh mẽ mời gọi người ta ăn năn sám hối, và đã làm nhiều dấu lạ như một số ngôn sứ thời xưa. Như thế dân chúng có cái nhìn trân trọng về Đức Giêsu. Ngôn sứ là người phát ngôn có quyền năng của Thiên Chúa. Vào thời Đức Giêsu, Ítraen đã vắng bóng các ngôn sứ trong nhiều thế kỷ. Những câu trả lời trên đây tuy đúng, nhưng chưa đủ.
- Ông Simôn Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống (Mt 16,15-16). Đức Giêsu đã khen ông có phúc vì câu trả lời này. Đức Giêsu không chỉ là một ngôn sứ, mà còn là Đấng Kitô, nghĩa là Đấng Mêsia, Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Trong Cựu Ước, các tư tế, các vua, hay đôi khi cả các ngôn sứ, được xức dầu trước khi nhận trách vụ (Lê-vi 8,12; 1 Vua 1,39; 19,16). Vào thời Đức Giêsu, dân Ítraen chờ mong một vị Vua Mêsia thuộc dòng dõi vua Đavít, theo lời Thiên Chúa đã hứa với vua này (x. 2 Sm 7,8-17). Đối với Phêrô, Thầy Giêsu chính là Đấng dân Ítraen mong đợi từ lâu.
Phêrô còn tuyên xưng Thầy Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống.” Tuy trong Cựu Ước một vị vua hay một người công chính cũng có thể được gọi là con Thiên Chúa, nhưng ở đây Phêrô không hiểu “Con Thiên Chúa” theo nghĩa thông thường đó. Ông bắt đầu hiểu Thầy Giêsu là Con Thiên Chúa theo một nghĩa độc đáo, vì Ngài có tương quan độc đáo với Chúa Cha (x. Mt 11,27). Sau này ông sẽ thấy Thầy là Con Thiên Chúa theo một nghĩa siêu việt (Mt 17,5-6; 26,63-65). Khi Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, Phêrô có thể cảm nhận thần tính của Ngài trong tư cách là Con Thiên Chúa rõ nét hơn (Mt 28,19).
- Đức Giêsu khen Phêrô là người có phúc vì không phải do khả năng tự nhiên hay do người nào mà ông biết được Ngài là ai, nhưng là do Chúa Cha trên trời mặc khải cho ông (Mt 16,17), bởi lẽ “không ai biết rõ Người Con trừ Chúa Cha” (Mt 11,27). Được Chúa Cha mặc khải cho về Chúa Con, thật là một hồng phúc. Chúa Cha cũng thích mặc khải Chúa Con cho môn đệ (Mt 17,5).
- Thầy Giêsu đặt tên mới cho ông Si-môn. “Anh là Phêrô (Petros), và trên tảng đá này (petra), Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy…” (Mt 16,18). Petros (giống đực) hay petra (giống cái) đều có nghĩa là đá. Trong thực tế, Đức Giêsu hầu chắc đã nói với Si-môn câu này bằng tiếng Aramaic, tiếng mẹ đẻ của Ngài. Ngài sẽ nói như sau: “Anh là Kê-pha, và trên kê-pha này Thầy sẽ xây…” Kê-pha có nghĩa là đá tảng trong tiếng Aramaic. Vậy ông Si-môn, ngoài tên Si-môn, còn có tên mới do Thầy Giêsu đặt cho là Kê-pha (x. Ga 1,42). Từ tên Kê-pha (đá tảng, tiếng Aramaic ), Si-môn mới có tên là Phê-rô (đá, tiếng Hy-lạp). Kê-pha được dùng nhiều lần (1 Cr 1,12; 3,22; 9,5; 15,5; Gl 1,18; 2,9; 11,14).
- Sau khi đặt tên cho Si-môn là Kê-pha, nghĩa là Đá tảng, Thầy Giêsu tuyên bố sẽ xây Hội Thánh (ekklesia) của Thầy trên Tảng đá đó (Mt 16,18). Hội Thánh của Đức Giêsu là đoàn dân mới (qahal), là tòa nhà mới, là Đền thờ mới do chính tay Ngài xây lên. Ngài dám xây công trình lớn lao đó trên Tảng đá Si-môn Phê-rô, một con người mỏng dòn yếu đuối. Và Ngài còn hứa, cả quỷ dữ hay quyền lực của tử thần, dù có quậy phá, cũng không thể làm suy suyển công trình đó.
- Si-môn còn được Đức Giêsu trao chìa khóa Nước Trời (Mt 16,19). Ở Ítraen, người giữ chìa khóa là viên chức có quyền cao nhất, chỉ sau nhà vua. Người này có quyền đóng và mở (Is 22,22), “buộc” và “cởi.” Quyền buộc và cởi có thể gồm ba lãnh vực. Buộc và cởi là tuyên bố điều gì đúng, điều gì sai, điều gì được phép, và điều gì không được phép. Buộc và cởi là quyền chấp nhận hay loại trừ một người khỏi cộng đoàn đức tin. Buộc và cởi đôi khi liên hệ đến quyền tha hay không tha tội một người (Ga 20,23).
- Có những Kitô hữu không Công giáo cho rằng Mt 16,17-19 chỉ áp dụng cho thánh Phêrô thôi. Người Công giáo tin rằng các đấng kế vị thánh Phêrô cũng được hưởng quyền đó. Quyền đó thật ra chỉ để phục vụ, giúp cho Giáo Hội là cộng đoàn Dân Chúa được hiệp nhất, ổn định và sống trong an bình, thánh thiện.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Hiển Linh -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Sẵn sàng đón Chúa lại đến
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 13 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 8 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 6 Thường Niên năm C