Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 26 Thường niên năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 26 Thường niên năm A

Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 26 Thường niên năm A

Mt 21,28-32

(28) Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho”. (29) Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. (30) Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây!” nhưng rồi lại không đi. (31) Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Ðức Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. (32) Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy”.

HỌC HỎI

  1. Đoạn Tin Mừng Mt 21,28-32 nằm ở sau đoạn Tin Mừng nào ? Hai đoạn trên có liên hệ với nhau không ? Đọc Mt 21,23-27.
  2. Tìm điểm giống nhau giữa bài Tin Mừng hôm nay (Mt 21,28-32) với Mt 20,1-16.
  3. “Các ông nghĩ sao ?” Mt 21,28. “Các ông” ở đây là ai ? Xem thêm Mt 17,25; 18,12; 22,42.
  4. Có gì khác biệt giữa câu trả lời của người con thứ nhất và người con thứ hai ? Đọc Mt 21,28-30.
  5. Hai người con trong dụ ngôn này tượng trưng cho ai ?
  6.  “Hối hận” (Mt 21,29.32), “tin” (Mt 21,32) và “thi hành ý muốn” của Thiên Chúa Cha (Mt 21,31).
  7. Ba động từ này có quan trọng không ? Xem Mt 7,21-27; 12,50.

  8. Câu nào trong bài Tin Mừng này gây sốc nhất với người đang nghe Đức Giêsu ? Tại sao ?

GỢI Ý SUY NIỆM: Bạn rút được bài học gì từ đoạn Tin Mừng này ? Theo bạn, để được vào Nước Thiên Chúa, cần có thái độ nào ? Tại sao những nhà lãnh đạo Do-thái giáo lại khó “hối hận” và “tin” vào Gioan ?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Bài Tin Mừng hôm nay (Mt 21,28-32) nằm sau Mt 21,23-27. Sau khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối, Ngài đã có nhiều cuộc tranh luận với những nhà lãnh đạo Do-thái giáo (x. Mt 21,23 – 22,46). Cuộc tranh luận đầu tiên với họ liên quan đến việc Ngài lấy quyền của ai mà làm những việc như giảng dạy, làm phép lạ, hay đuổi người buôn bán trong đền thờ (Mt 21,23-27). Đức Giêsu đã không trả lời câu hỏi này. Ngài đặt cho họ một câu hỏi khác về nguồn gốc của phép rửa do ông Gioan Tẩy giả thực hiện. Phép rửa đó “bởi trời hay bởi loài người ?” Họ đã không dám trả lời câu hỏi đó, vì họ không tin phép rửa của Gioan là phép rửa bởi trời (Mt 21,25).  Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn tiếp nối với đoạn Tin Mừng trên. Cả hai có chung chủ đề là “tin hay không tin vào ông Gioan.”                                                                                        
  2. Trong Mt 20,1-16 ông chủ ra chợ mướn thợ về làm việc cho vườn nho của mình.  Còn ở Mt 21,28-32 người cha bảo hai đứa con trai của mình đi làm vườn nho của gia đình. Có nhiều điểm khác nhau giữa hai dụ ngôn này. Các tốp thợ đã đến làm và được trả lương. Còn các con trai làm vườn nho cho cha thì không được trả lương. Các nhóm thợ vui vẻ đến làm ngay, hy vọng được trả lương. Còn hai đứa con trai của người cha: đứa thì không chịu đi làm, nhưng rồi lại đi; ngược lại, có đứa chịu đi, nhưng cuối cùng lại không đi. Nhóm thợ đầu tiên làm vườn nho cho ông chủ tượng trưng cho dân Ítraen. Nhóm thợ cuối cùng có thể tượng trưng cho dân ngoại. Còn hai người con trai: anh thứ nhất tượng trưng cho những người tin vào ông Gioan Tẩy giả và phép rửa của ông; anh thứ hai tượng trưng cho những người không tin vào ông Gioan (Mt 21,32).
  3. Đức Giêsu bắt đầu dụ ngôn bằng câu hỏi: “Các ông nghĩ sao ?” (Mt 21,28). Các ông ở đây là “các thượng tế và kỳ mục trong dân” đang đến gần Đức Giêsu và chất vấn Ngài (Mt 21,23). Trong bài Tin Mừng này, chính Đức Giêsu chất vấn ngược họ. Đức Giêsu dùng lối nói: “Các ông nghĩ sao ?” nhiều lần trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 17,25; 18,12; 21,28; 22,42). Qua lối nói này, Ngài mời người đối thoại tập trung suy nghĩ về điều Ngài sắp nói. Chính chúng ta hôm nay cũng phải suy xét về ý nghĩa của dụ ngôn Ngài sắp kể.
  4. “Con không muốn”: đó là câu trả lời của người con thứ nhất. Anh này cố tình không vâng lời người cha. Anh phạm tội bất tuân và nổi loạn với cha khi cương quyết làm điều anh muốn chứ không làm điều cha muốn. Người cha cũng nói lời tương tự với người con thứ hai và được nghe một lời tử tế, kính cẩn: “Thưa ngài, con đây !” Sau đó, thực tế diễn ra ngược lại. Người con thứ nhất đổi ý, hối hận và đi làm vườn nho cho cha; còn người con thứ hai lại không đi mà không rõ vì lý do gì. Như thế có một khoảng cách giữa lời hứa và việc thực hiện lời hứa ấy. Chỉ người con thứ nhất mới được coi là đã thực hiện ý muốn của người cha (Mt 21,31). Thực hiện ý muốn của cha được diễn tả ra bằng hành động làm điều cha yêu cầu. Đó mới là điều đáng kể, chứ không phải lời hứa suông.
  5. Người con thứ nhất tượng trưng cho những người thu thuế và gái điếm. Họ là những người có cuộc sống hư hỏng, đi ngược với ý muốn của Thiên Chúa được diễn tả trong Lề Luật. Họ chính là những người đã nói thẳng với cha : “Con không muốn!” Nhưng sau đó, họ đã chấp nhận lời giảng của ông Gioan. Ông này đến “chỉ đường công chính” và họ đã tin ông (Mt 21,32). Họ đã “hối hận” về cuộc sống đã qua của mình, và muốn đi làm vườn nho cho cha, nghĩa là muốn “thi hành ý muốn” của Thiên Chúa.  Người con thứ hai tượng trưng cho giới lãnh đạo Do-thái giáo. Họ được coi là những người đạo đức, sống nghiêm túc theo Lề Luật. Họ là những người đã nói: “Thưa Ngài, con xin đi !” Nhưng sau đó họ lại không đi, không chấp nhận lời mời gọi hoán cải của ông Gioan, “không hối hận mà tin ông ấy” (Mt 21,32).
  6. “Hối hận” (Mt 21,29.32), “tin” (Mt 21,32) và “thi hành ý muốn” của Thiên Chúa Cha (Mt 21,31) là những động từ quan trọng. “Hối hận” được nhắc 2 lần, “tin” được nhắc 3 lần. Ông Gioan mời người ta hoán cải, hối hận (Mt 3,2). Cần tin vào lời giảng và phép rửa của Gioan (Mt 21,25-27), cũng như tin vào chính Gioan là người được Thiên Chúa sai đến (Mt 11,9-10). Đó là điều những người thu thuế và gái điếm làm được, mà các nhà lãnh đạo Do-thái giáo không làm được. Họ không muốn tin Gioan, vì Gioan làm chứng cho Đức Giêsu, người mà họ không muốn tin. Bởi đó họ là người đã cố ý không thi hành ý muốn của Thiên Chúa (x. Mt 7,21-27; 12,50).
  7. Chắc chắn câu khẳng định long trọng của Đức Giêsu ở Mt 21,31 làm cho những ai đang nghe Ngài bị sốc, nhất là những nhà lãnh đạo tôn giáo đang có mặt ở đó: “Những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.” Có một sự chênh lệch rất lớn về đời sống đạo đức giữa các thượng tế, kỳ mục, kinh sư, với các người tội lỗi. Vậy mà họ lại vào Nước Thiên Chúa trước các bậc đạo đức đáng kính. Lý do là vì các bậc đáng kính tự hào về đạo đức của mình, nên không chấp nhận hối hận, hoán cải theo lời mời của Gioan. Họ không tin vào Gioan, cũng không tin vào Đức Giêsu (Mt 11,18-19), nên họ khó vào Nước Trời.

Top