Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm C
Lời Chúa: Lc 20,27-38
27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Chúa Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”
34 Chúa Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.
Câu hỏi:
1. Câu chuyện trong bài Tin Mừng này diễn ra ở đâu? Đức Giêsu đang làm gì ở đó?
2. Trước khi có cuộc tranh luận trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu đã phải đối diện với mấy cuộc tranh luận khác và tranh luận với ai? Đọc Lc chương 20.
3. Nhóm Xa-đốc là nhóm nào? Họ có nét gì đặc biệt so với nhóm Pharisêu? Đọc Lc 20,27; Cv 4,1; 23,6-8.
4. Đọc 2 Ma-ca-bê 7,9.23; Đa-ni-en 12,2-3; Khôn ngoan 3,1-5. Những sách này có tin vào sự phục sinh thân xác không? Niềm tin vào sự sống đời sau trong Cựu Ước xuất hiện vào khoảng thời gian nào?
5. Đọc Lc 20,28; Sáng thế 38,8; Đệ nhị luật 25,5-10. Bạn nghĩ gì về tập tục này? Mục đích của nó là gì? Thời nay, nếu không có con, người ta làm gì?
6. Đọc Lc 20, 29-33. Bạn nghĩ gì về câu hỏi cắc cớ này? Mục đích của người hỏi câu hỏi này là gì?
7. Đọc Lc 20, 34-36. Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi trên ra sao? Bạn nghĩ gì về câu trả lời của Ngài?
8. Đọc Lc 20,37-38. Đức Giêsu đã dùng câu Kinh Thánh nào để chứng minh có sự phục sinh? Đọc Xuất hành 3,6.15-16. Bạn nghĩ gì về lập luận của Đức Giêsu?
Câu hỏi suy niệm: Theo bạn, niềm tin vào sự sống lại ở đời sau có ảnh hưởng gì trên cuộc sống ở đời này của chúng ta không? Tin vào sự sống lại của thân xác có làm thay đổi thái độ của chúng ta đối với thân xác không?
Phần trả lời:
1. Dựa trên Lc 20,1 ta có thể nghĩ rằng câu chuyện trong bài Tin Mừng này diễn ra ở Đền thờ Giêrusalem, nơi Đức Giêsu giảng dạy trong những ngày cuối đời và là nơi Ngài gặp các thượng tế, kinh sư và kỳ mục.
2. Trước khi có cuộc tranh luận ở Lc 20,27-40, Đức Giêsu đã có những cuộc tranh luận khác với giới lãnh đạo Do-thái giáo trong bối cảnh Đền thờ. Trước hết, Ngài bị các thượng tế, kinh sư và kỳ mục hạch hỏi về chuyện đuổi người buôn bán ra khỏi Đền thờ (Lc 20,1-8). Kế đó, Ngài kể một dụ ngôn ám chỉ việc Ngài sắp bị giết bởi các kinh sư và thượng tế (Lc 20,9-19). Cuối cùng, Ngài phải trả lời câu hỏi của các kinh sư và thượng tế về việc có nên nộp thuế cho Xê- da không (Lc 20,20-26).
3. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu phải trả lời câu hỏi của nhóm Xa-đốc. Nhóm này là nhóm người thuộc giai cấp thượng lưu, giàu có, có quyền điều hành Đền thờ. Họ có chân trong Thượng Hội Đồng của Do-thái giáo (Cv 23,6-10). Họ chỉ nhìn nhận Ngũ Thư là Sách Thánh, nên họ không tin chuyện kẻ chết sống lại, vì họ khẳng định Ngũ Thư không dạy chuyện đó. Ngược lại, nhóm Pharisêu tin kẻ chết sống lại vào ngày sau hết (Cv 23,8). Như vậy hai nhóm có sự khác biệt về giáo lý ở điểm này. Có thể “mấy người thuộc nhóm kinh sư” ở Lc 20,39 là người thuộc phái Pharisêu, nên họ dễ chấp nhận lời giảng dạy của Đức Giêsu.
4. Niềm tin của nhóm Xa-đốc thật ra là niềm tin truyền thống của người Do-thái. Họ tin rằng ai chết, dù tốt hay xấu, cũng đều phải vào chung một chỗ và ở mãi một chỗ, đó là Shơ-ôl hay âm phủ, vì thưởng phạt của Thiên Chúa đã diễn ra ở đời này rồi. Ở nơi âm phủ tối tăm, người chết sống lây lất như những chiếc bóng, không hoạt động, không niềm vui.
Khoảng thế kỷ thứ hai trước công nguyên, từ việc nhiều người Do-thái chịu tử vì đạo bởi quân Hy-lạp, niềm tin vào sự sống lại của những người đã chết bắt đầu hiện rõ. Đa-ni-en 12,2-3 viết: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ chỗi dậy, người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời” (xem thêm 2 Ma-ca-bê 7,9.23; Khôn ngoan 3,1-5). Như thế trong các Sách Thánh muộn thời (từ thế kỷ 2 tCN) ta thấy có niềm tin vào sự phục sinh thân xác và sự thưởng phạt sau cái chết. Nhóm Pharisêu tin theo những sách này.
5. Sách Sáng thế 38,8 và sách Đệ nhị luật 25,5-10 nói đến một luật khá lạ lùng đối với chúng ta ngày nay. Đó là luật về anh em chồng (Luật Lê-vi-ra). Theo luật này, một bà góa mà không có con trai thì anh em chồng của bà có nhiệm vụ phải lấy bà để có con trai nối dòng, người con này sẽ thừa hưởng sản nghiệp của người quá cố và lo săn sóc cho bà. Đối với người Do-thái xưa, việc có con nối dòng là hết sức quan trọng. Họ muốn “duy trì tên của người đã chết” (Đnl 25,6) bằng đứa con mang tên của người ấy. Chúng ta ngày nay không coi việc có con trai nối dòng là quá quan trọng. Ai không con có thể xin con nuôi.
6. Nhóm Xa-đốc đã nói với Đức Giêsu về luật này, và đưa ra một trường hợp họa hiếm (Lc 20,29-33) để thử Ngài, vì họ biết Ngài tin kẻ chết sống lại. Một bà góa chồng phải lấy thêm sáu người anh/em chồng để mong chu toàn luật Lê-vi-ra của Môsê. Câu hỏi họ đặt ra là: trong ngày sống lại, bà này là vợ của ai? Mục đích của họ là bắt bí Đức Giêsu, vì bà này lấy cả bảy ông làm chồng, vậy trong ngày sống lại bà sẽ có tới bảy ông chồng.
7. Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi trên bằng cách cho thấy cuộc sống đời sau không giống như cuộc sống đời này. Đời sau không phải là một kéo dài của đời này. Tuy ở đời sau người ta vẫn nhận nhau là vợ chồng, nhưng tương quan vợ chồng ở đời sau không giống như ở đời này. Không có chuyện tranh cãi xem bà này là vợ của ai, không sinh con đẻ cái. Người ta trở nên giống các thiên sứ, trường sinh bất tử (Lc 20,34-36).
8. Rõ ràng Đức Giêsu tin vào sự sống lại (trỗi dậy) của những người đã chết (Lc 20,37). Và Ngài đã đã trích sách Xuất hành nằm trong bộ Ngũ Thư để chứng minh cho nhóm Xa-đốc thấy niềm tin này. Xuất hành 3,6.15-16 cho thấy ĐỨC CHÚA thường nhận mình là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp. Đức Giêsu khẳng định các tổ phụ này là những người đang sống, vì Thiên Chúa của từng vị này là Thiên Chúa của kẻ sống.
*** Mời Quý vị nghe phần trả lời tại "Audio học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 32 Thường niên năm C (gồm 3 phần)"
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Hiển Linh -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Sẵn sàng đón Chúa lại đến
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 13 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 8 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 6 Thường Niên năm C