Học hỏi Phúc Âm: Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm A
Mt 1,18-24
1. Có bao nhiêu từ Kitô trong chương 1 của Tin Mừng Mát-thêu ?
Thánh Mát-thêu viết sách Tin Mừng để giúp người Do-thái tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, cũng gọi là Đấng Mê-si-a. Vào thời Đức Giêsu, dân Do-thái thường coi Đấng Mê-si-a là Đấng nào ?
2. Đọc Mt 1,18. Đức Maria đã thành hôn, dịch như thế có chính xác không ? Bạn biết gì về tục cưới hỏi của người Do-thái thời Đức Giêsu ?
3. Đức Maria đã có thai do Thánh Thần (c. 18). Câu này cho ta thấy Thánh Thần là ai và thai nhi là ai ?
4. Đọc Mt 1,19. Khi biết tin Maria có thai, Giuse đã phản ứng như thế nào ? Bạn nghĩ gì về quyết định của Giuse ? Bạn thấy Giuse có là người công chính không ? Muốn ly dị Maria, Giuse cần phải làm gì ?
5. Trong chương 1 và 2 của Tin Mừng Mát-thêu, thiên sứ của ĐỨC CHÚA báo mộng cho Giuse mấy lần ? Đọc thêm Mt 2,12; 27,19.
6. Đọc Mt 1,20-21. Thiên sứ mời gọi Giuse làm những việc gì ? Những việc đó có quan trọng không ? Đọc Mt 1,24-25. Giuse có nói tiếng Xin vâng đối với thiên sứ không ?
7. Dựa vào Mt 1,20-23 hãy cho biết Đức Giêsu là ai ? Đức Giêsu có phải là Đấng Mê-si-a giống như dân Do-thái thường mong đợi không ?
8. Sau khi đọc bài Phúc âm này, bạn học được gì từ con người của thánh Giuse ?
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Đời sống hôn nhân giữa Đức Maria và thánh Giuse gặp những khó khăn ngay từ đầu. Nhờ đâu thánh gia vượt qua được khó khăn đó ? Đâu là những khó khăn và thách đố trong đời sống gia đình hôm nay ? Theo bạn, làm sao gìn giữ gia đình được bình yên ?
PHẦN TRẢ LỜI
- Chương 1 của Tin Mừng Mát-thêu có từ Kitô ở các câu 1, 16, 17, và 18. Kitô (tiếng Hy-lạp là Christos) có nghĩa là người được Thiên Chúa xức dầu để thi hành một sứ mạng quan trọng. Trong tiếng Do-thái cổ, người Thiên Chúa xức dầu được gọi là Mê-si-a, đồng nghĩa với Kitô. Vào thời Đức Giêsu, người Do-thái thường nghĩ Đức Kitô (hay Mê-si-a) là đấng được Thiên Chúa sai đến để đánh đuổi quân đô hộ Rô-ma ra khỏi quê hương, và xây dựng nước Ít-ra-en thành một cường quốc bình an, thịnh vượng.
- Mt 1,18 được dịch ở đây là: “Maria đã thành hôn với Giuse”. Đúng ra phải dịch “Maria đã được đính hôn với Giuse”. Vào thời Đức Giêsu, tục cưới hỏi của người Do-thái ở Palestine cũng khá giống với tục cưới hỏi ở Việt Nam, gồm hai giai đoạn. Đám hỏi hay hứa hôn được làm trước các người làm chứng (x. Malakhi 2,14) và chú rể phải nộp một món tiền đền bù cho gia đình cô dâu gọi là môhar (x. St 34,12; Xh 22,16). Sau đám hỏi, cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ mình khoảng một năm. Đám cưới hay chính thức thành hôn là lúc đưa cô dâu về nhà chồng (x. Mt 1,18). Có một điểm khác biệt, đó là hai người sau khi hứa hôn với nhau thì đã được coi như là vợ chồng rồi (x. Mt 1,20.24). Cô dâu thiếu chung thủy sau khi đã hứa hôn thì bị coi là phạm tội ngoại tình, và chú rể có thể viết giấy ly dị cô vì lý do đó (x. Mt 1,19). Đám hỏi do cha mẹ hai bên sắp đặt, khi cô dâu khoảng 12 hay 13 tuổi, và chú rể khoảng 18 tuổi.
- Trước khi về sống chung với chồng, nghĩa là còn trong thời gian hứa hôn, thì Maria đã có thai do Thánh Thần (Mt 1,18). Mát-thêu nói ngay là việc thụ thai này không do Giuse, nhưng do chính Thánh Thần. Thánh Luca mô tả tác động của Thánh Thần như sau: “Thánh Thần sẽ đến trên Bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ phủ bóng trên Bà; vì vậy đứa trẻ được sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh, Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Như thế Đức Giêsu, tuy được thụ thai bởi một phụ nữ như mọi người chúng ta, nhưng Ngài lại mang nguồn gốc thần linh khác hẳn chúng ta.
- Khi biết Đức Maria có thai không phải do mình, Giuse định tâm lìa bỏ bà (=ly dị) cách kín đáo (Mt 1,19). Về mặt pháp lý, Giuse có thể tố giác Maria về tội ngoại tình, nhưng ông đã không muốn làm thế. Ông đã phân định (Mt 1,20) và cuối cùng chọn giải pháp là ly dị Maria cách kín đáo, không bêu xấu hay làm rùm beng cho mọi người biết chuyện này. Thái độ này được coi là cách cư xử của một người công chính: vừa phù hợp với Lề Luật, vừa phù hợp với lòng thương xót bao dung. Để ly dị, Giuse chỉ cần viết một giấy ly dị và trao cho Maria, trước mặt hai người làm chứng, thay vì trước mặt nhiều người.Trong chương 1 và 2 của Tin Mừng Mát-thêu, thiên sứ của ĐỨC CHÚA báo mộng cho Giuse 4 lần ở Mt 1,20; 2,13.19.22). Thiên sứ còn báo mộng cho các nhà chiêm tinh đến từ Phương Đông (Mt 2,12) và cho vợ của Philatô (Mt 27,19). Thiên Chúa nói với con người qua giấc mộng là điều có xảy ra trong Cựu Ước (Gia-cóp mơ St 28,12; Giuse mơ St 37,5-9; Đn 2,3). Nhưng vào thời Tân Ước, hình thức này ít xuất hiện hơn. Nên nhớ thiên sứ Gabriel hiện ra với Maria, nhưng không phải trong giấc mộng (Lc 1,11.26).Trong Mt 1,20-21 ta thấy thiên sứ mời Giuse làm hai việc quan trọng. Trước hết là đón nhận Maria làm vợ ông (Mt 1,20). Điều này có thể làm ông sợ, vì chấp nhận một bà có bầu như thế làm vợ thì thật là điều nhục nhã. Nhưng thiên sứ đã giải thích cho ông biết thai nhi trong bụng Maria là do Thánh Thần, chứ không do ngoại tình. Kế đến, Giuse được mời đón nhận đứa con trai do Maria sinh ra, và ông nhận mình là cha đứa trẻ bằng cách đặt tên cho em (Mt 1,21). Như thế Maria được thành người vợ hợp pháp, và Giêsu thành đứa con hợp pháp trước mặt mọi người. Mát-thêu 1,24-25 cho thấy Giuse đã vâng phục lời thiên sứ trọn vẹn.
- Đọc Mt 1,20-23 ta thấy hình ảnh Đấng Mê-si-a ở đây thì trổi vượt hơn hình ảnh Đấng Mêsia người Do-thái vẫn mong đợi. Đấng Mêsia ở đây có nguồn gốc thần linh, do Thánh Thần (câu 20). Đấng ấy không cứu người Do-thái khỏi quân Rôma, nhưng cứu khỏi tội lỗi của họ (câu 21). Đấng ấy được một trinh nữ sinh ra và được gọi là Đấng Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta (câu 23). Mát-thêu thấy lời ngôn sứ Isaia 7,14 được ứng nghiệm, vì Đức Giêsu được sinh bởi trinh nữ Maria, và Ngài chính là Thiên Chúa đến ở với loài người.Giuse đã không thể hiểu được chuyện Maria mang thai. Ông đã suy tính và phân định để tìm xem mình phải làm gì cho tốt nhất. Ông đã chọn ly dị Maria cách kín đáo. Nhưng thiên Chúa muốn cho ông thấy một giải pháp khác. Giải pháp này đòi ông phải tin vào Thiên Chúa và tin vào Maria: tin rằng Maria vô tội, tin thai nhi là do Thánh Thần. Đừng quên: Thánh Thần làm cho một trinh nữ thụ thai là chuyện chưa từng xảy ra bao giờ. Vậy mà Giuse đã tin, dù ông không hiểu hết và hiểu ngay. Ông đã vâng theo ý Chúa. Nhờ đó kế hoạch của Thiên Chúa được thành tựu.
bài liên quan mới nhất
- Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm A
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Chúa Hiển Linh -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật Lễ Thánh Gia năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 4 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 2 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 mùa Vọng năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 34 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 33 Thường niên năm B
bài liên quan đọc nhiều
- Sẵn sàng đón Chúa lại đến
-
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 1 Mùa Chay năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 29 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 13 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 27 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 8 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 5 Thường Niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 30 Thường niên năm C -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 12 Thường niên năm B -
Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 6 Thường Niên năm C